11.02.2019
THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 6,53-56
Lời Chúa:
“Thầy trò vừa ra khỏi thuyền thì lập tức người ta nhận ra Đức Giêsu” (Mc 6,54)
Câu chuyện minh họa:
Một diễn viên xiếc rất tài ba, anh có thể đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia bằng một sợi dây cáp mà không cần đến vật dụng giữ thăng bằng, mà ở giữa là một vực thẳm.
Khán giả rất đông, thưởng thức, vỗ tay và chúc mừng tuyệt tài của anh.
Không những thế, lần đầu đi sang núi bên kia thì lúc trở về, anh còn đặt một bao ximăng lên chiếc xe cút kít về một cách bình an nữa.
Mọi người chăm chú nhìn không chớp mắt từng cử động và bước đi của anh, và thở dài nhẹ nhõm khi anh được bình an.
Anh hỏi tâm trạng mọi người thế nào. Ai cũng trầm trồ ca tụng anh là một thiên tài, một kỳ tích của thế giới, người có một không hai ở trên mặt đất này.
Anh hỏi tiếp: thế mọi người có tin là tôi có thể đi từ ngọn núi này sang ngọn núi kia mà còn chở thêm một người ngồi trên chiếc xe cút kít không?
Mọi người không do dự mà trả lời cho câu hỏi này. Dĩ nhiên là được.
Thế ai là người xung phong lên xe để tôi biểu diễn? Anh hỏi tiếp.
Và, mọi người đều tìm lý để từ chối, rồi ra về…
Có một em bé giơ tay chấp nhận. Còn mọi người thì ngạc nhiên, và hỏi tại sao lại liều vậy.
Thưa các bác, các chú, có gì đâu mà liều. Vì đó là ba của cháu. Cháu tin ba cháu sẽ không bao giờ để cháu gặp phải nguy hiểm.
Suy niệm:
Đức Giêsu là một thầy thuốc tốt lành. Những ai đến với Ngài đều được chữa khỏi nhưng điều quan trọng là phải có lòng tin. Như cậu bé trong câu chuyện trên đã đặt hết niềm tin vào người ba của mình, cậu thản nhiên và sống bình an dù trước mắt người đời đó là một sự nguy hiểm. Thật tuyệt vời biết bao nếu chúng ta có lòng tin mạnh như thế đối với Thiên Chúa. Trước mặt Chúa, chúng ta là những kẻ bệnh tật cần được Chúa chữa lành.
Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa qua những biến cố trong cuộc đời chúng con.
12.02.2019
THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 7,1-13
Lời Chúa:
“Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. (Mc 7,6b)
Câu chuyện minh họa:
Có một thầy tiến sĩ luật Do Thái bị cầm tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu nhằm kéo dài cuộc sống. Thời gian trôi qua và ông ta yếu dần. Cuối cùng người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng: cơ thể ông ta bị thiếu nước. Thế nhưng đám lính canh lại thắc mắc không hiểu vì sao vị Rabbi này lại có thể thiếu nước, vì khẩu phần nước tương đối đầy đủ.
Và thế là họ kín đáo quan sát ông ta. Cuối cùng họ đã khám phá ra lý do. Sở dĩ cơ thể ông ta thiếu nước vì ông ta đã dùng phần lớn số nước được cung cấp để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và dùng bữa.
Suy niệm:
Vào thời Chúa Giêsu, những người biệt phái tuân giữ cặn kẻ luật truyền khẩu và dần dần họ thực hiện điều đó như một thói quen, chỉ có hình thức bên ngoài. Theo họ, tuân giữ luật Chúa theo hình thức bên ngoài là đẹp lòng Chúa.
Điều quan trọng không phải là tầm quan trọng của công việc chúng ta làm, nhưng là tình yêu thúc đẩy chúng ta làm việc đó. Nếu trái tim chất đầy kiêu căng thì mọi nghi thức bên ngoài trước mặt thế gian cũng sẽ chẳng làm cho chúng ta trở nên thánh thiện trước mặt Chúa. Hành động của chúng ta phải được xuất phát từ con tim, từ tình yêu: Mến Chúa và yêu người, thì mới thực sự có giá trị.
Ước gì chúng con nhìn mọi sự và mọi người bằng trái tim bao dung và đầy yêu thương của Chúa, và ước gì trái tim chúng con không khép lại nơi mình nhưng rộng mở với hết mọi người.
13.02.2019
THỨ TƯ TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 7,14-23
Lời Chúa:
“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,16)
Câu chuyện minh họa:
Vào một buổi chiều nơi sân bóng rổ, một đám đông đã đứng lên để hát bài quốc ca, một đứa trẻ đã không bỏ mũ của mình ra. Một người đàn ông vạm vỡ đứng ngay đằng sau đứa bé đã nói: “Này chú bé, hãy lấy mũ ra chứ”. Cha của đứa bé là một người có bộ râu rậm nhưng ông đã chờ đợi cho đến khi kết thúc bài hát, cố gắng với sự tự chủ và giọng run run, ông nói một cách nhỏ nhẹ với người đàn ông: “Con trai của tôi đang hóa trị vì bệnh ung thư và nó không còn chút tóc nào!”.
Suy niệm:
Đứa trẻ đã không bỏ mũ ra trong khi hát bài quốc ca, đơn giản vì tóc trên đầu của em không còn cọng nào nên em lúng túng. Thái độ của người đàn ông này cũng giống như những người Pharisêu trong bài Tin mừng hôm nay.
Những việc bên ngoài phản ánh những gì bên trong nhưng nó không làm nên những cái bên trong, và cũng không quyết định những gì bên trong được. Giống như chúng ta không thể đánh giá một con người qua dáng vẻ bên ngoài. Đức Giêsu đã cho chúng ta biết rằng sự thánh thiện không hệ tại việc giữ luật một cách chi tiết như thế, hay giữ theo hình thức bên ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều. Cái đó ở trong nội tâm, chứ không phải ở bên ngoài.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết loại bỏ những tư tưởng xấu và tiêu cực khỏi tâm trí chúng con, để chúng con có được một tâm hồn ngay thẳng, thành thật, và yêu thương mọi người, hơn là những việc chúng con làm bên ngoài để phô trương.
14.02.2019
THỨ NĂM TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Thánh Cyrillô, đan sĩ và thánh Mêthôđiô, giám mục
Mc 7,24-30
Lời Chúa:
Người nói với bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Bà ấy đáp: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. (Mc 7,27-28)
Câu chuyện minh họa:
Tại Nashvitle thuộc bang Tenesse Hoa Kỳ, một bà mẹ đã sinh ra một bé gái thiếu tháng, nhỏ xíu. Được ít lâu cô bé gái này bị sốt bại liệt. Cơn sốt này đã để lại một hậu quả đáng thương trên thân thể của bé gái, đó là một chân của bé gái bị tổn thương nặng.
Lúc lên 5 tuổi, bé đi khập khiễng nhờ những thanh kim loại gắn vào chân, nhưng bé vẫn cố gắng chơi đùa với những em cùng tuổi. Những cố gắng của bé nói lên khát vọng được lành lặn như các em khác.
Năm lên 11 tuổi, em bé tật nguyền này đã thể hiện khát vọng của em ra bằng việc làm.
Hôm ấy em bắt đứa em gái của em đứng canh cửa phòng để em tập đi mà không cần đến những thanh kim loại ghép vào chân. Đây là điều ba má em không muốn vì sợ xảy ra rủi ro.
Cứ thế ròng rã một năm trời, cô bé đã âm thầm lén lút tập đi. Nhưng rồi đến một hôm, cô bé bỗng cảm thấy có lỗi về việc làm lén lút của mình, vì thế cô đã thổ lộ với ba má cô và vị bác sĩ thường săn sóc cho cô. Vị bác sĩ ngạc nhiên về việc làm của cô bé, ông không cấm cản mà còn khuyến khích, nhưng chỉ cho cô bé tập mỗi ngày một lúc thôi. Khoảng thời gian mà bác sĩ cho phép không phù hợp với ý muốn của cô bé. Thế là cô bé cứ tập đi hầu như suốt ngày.
Ngoài việc tập đi như trên, cô bé lại còn gia tăng thêm việc cầu nguyện và tập luyện, cô bé đã đi lại được mà không cần đến những thanh kim loại bó vào chân nữa.
Nhưng đi chưa phải là đích điểm mà cô bé nhắm tới, vì cô còn ao ước có thể chạy được và cô cũng đã chạy được, cô chạy thật nhiều.
Năm 16 tuổi, cô được chọn đi dự đại hội Olympic ở Melbourne bên Úc, về môn điền kinh và cô đã đoạt huy chương đồng trong môn chạy tiếp sức 400m nữ.
Bốn năm sau, tại đại hội Olympic được tổ chức ở Rôma, cô đã trở thành phụ nữ đầu tiên đoạt huy chương vàng trong môn điền kinh. Cô gái đó là nữ vận động viên Wimla Rudolph.
Suy niệm:
Wimla Rudolph đã tin tưởng và quyết tâm làm điều mình mơ ước và cô đã thành công. Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã không nản lòng khi xin Chúa chữa cho con gái bà khỏi quỷ ám, nhưng lại khiêm tốn van xin và bà đã được Chúa nhận lời; vì bà tin cùng với sự khiêm tốn cho dù Chúa có dùng hình ảnh “chó con” để diễn tả tình trạng của bà. Thật sự chúng ta cũng cảm nhận được nơi bà có một sự kiên nhẫn cao độ, đến mức các tông đồ phải khó chịu.
Đặt mình trong hoàn cảnh người đàn bà trong tin mừng hôm nay, chúng ta có kiên nhẫn để Chúa thử thách không? Hay chúng ta để cho tính tự ái của bản thân thống trị chúng ta?
Trong cầu nguyện, xin Chúa cho chúng con luôn kiên nhẫn và khiêm tốn; trong phục vụ, xin Chúa cho chúng con khiêm nhu phục vụ; trong anh em, xin Chúa cho chúng con kiên nhẫn và quảng đại.
15.02.2019
THỨ SÁU TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 7,31-37
Lời Chúa:
Họ hết sức kinh ngạc và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được”(Mc 7,37)
Câu chuyện minh họa:
Có lẽ cái tên của Helen Keller, một cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở thành bậc khoa bảng, không còn xa lạ với chúng ta nữa. Vừa được 9 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh này trở thành mù loà và câm điếc. Thế giới của âm thanh và màu sắc đã khép hẳn cánh cửa lại với cô.
Làm thế nào để truyền thụ kiến thức cho một người đã câm điếc lại còn mù loà? Cha mẹ của cô bé dường như muốn bó tay. Nhưng có một cô giáo tên là Anna Sullivan đã không muốn bỏ cuộc. Hy vọng duy nhất mà cô giáo này còn đó là có thể truyền thông và liên hệ với cô gái mù loà và câm điếc này qua việc tiếp xúc với bàn tay của cô. Chỉ có thể tiếp xúc với thế giới bằng đôi tay, thế mà cô Helen Keller đã có thể học xong đại học, tốt nghiệp tiến sĩ và trở thành văn sĩ.
Suy niệm:
Nghe và nói là hai phương tiện truyền thông luôn đi đôi với nhau. Thế nhưng những người câm điếc lại vượt lên số phận của mình để sống hạnh phúc. Ngày nay nhờ phương tiện kỹ thuật hiện đại, các căn bệnh ấy có thể mở mắt, mở tai cho những những mù, người câm. Chúa Giêsu cũng dùng những hành động xem ra thật đơn giản để chữa cho người bị câm điếc. Đám đông chứng kiến những phép lạ người làm đã cố chấp không đón nhận sự thật này. Đó là những người Biệt Phái và Pharisêu. Họ đang điếc trước sự thật, mù trước phép lạ đang diễn ra. Họ không chịu hiểu Lời Chúa mà còn loan truyền những điều sai trái. Họ thay thế Lời Chúa bằng các tập tục của cha ông họ. Họ cần được chữa khỏi bệnh mù và câm điếc tâm linh để có thể công bố Tin Mừng cho người khác. Họ phải mở tai, mở mắt để đón nhận Lời Chúa, để tin vào Ngài, thì mới được cứu độ.
Lạy Chúa, xin hãy chạm đến tâm hồn chúng con để chữa lành căn bệnh câm điếc nơi chúng con, để chúng con lắng nghe được tiếng Chúa và thi hành ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày.
16.02.2019
THỨ BẢY TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 8,1-10
Lời Chúa:
Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?” (Mc 8,4)
Câu chuyện minh họa:
Có ông vua nọ cho tổ chức một bữa tiệc khoản đãi các triều thần, nhưng có một chi tiết mà ông muốn các thực khách biết trước, đó là sẽ không có rượu trong bữa tiệc; bù lại, ông đề nghị mỗi người mang một chút rượu riêng của mình trong một chai nhỏ, chút rượu này sẽ được đổ vào một chum lớn và sẽ được mang ra dùng trong bữa tiệc.
Khai mạc bữa tiệc, nhà vua truyền cho gia nhân mang chum rượu ra mời thực khách. Thế nhưng, thay vì rượu, ai ai cũng chỉ nếm được nước lã mà thôi; dù vậy, không thực khách nào tỏ vẻ ngạc nhiên, bởi vì đó là nước mà họ đã đổ vào chum. Bởi vì trước khi đi dự tiệc, người nào cũng nghĩ trong lòng rằng một chút rượu nhỏ của mình có thấm vào đâu; ai cũng nghĩ thế, cho nên cuối cùng, ai cũng chỉ đem theo nước mà thôi.
Suy niệm:
Phép lạ xảy ra nếu chúng ta biết dùng khả năng của mình cộng tác vào ơn Chúa. Một mình Chúa có thể hóa bánh từ không ra có để nuôi đám đông, nhưng Người không làm như vậy, Người vẫn cần sự cộng tác của các tông đồ và đám đông. Để trao những cái bánh và cá này, chắc hẳn người trao nó phải có lòng quảng đại, biết nghĩ đến người khác, và có chút lòng cảm thương đến những người đang đói.
Phép lạ của Chúa thường bắt đầu từ những đóng góp nhỏ bé và âm thầm của con người. Ngài chỉ cần một chút lòng quảng đại của chúng ta để dâng cho Ngài cái mà ta có, là chúng ta có cơ may để đón nhận những phép lạ lớn lao mà Ngài sẽ làm cho chúng ta và những người chung quanh. Một phép lạ mà Chúa sẽ thực hiện, đó là làm cho chúng ta, những tội nhân, trở thành thánh nhân, nếu chúng ta biết đóng góp phần của chúng ta là lòng thống hối ăn năn. Hãy bắt tay vào việc đóng góp đó, để chúng ta được hưởng một phép lạ của Chúa.
Lạy Chúa, tất cả những gì chúng con có được là do Chúa ban tặng, xin Ngài hãy mở rộng tâm hồn chúng con để chúng con biết trao ban mà không tính toán.
Têrêsa Mai An
Gp. Mỹ Tho
Để lại một phản hồi