Hôm 7 tháng Hai, trên Web site riêng của ngài, Đức Hồng Y Timothy Dolan của tổng giáo phận New York đã có bài phản bác luận điệu chụp mũ bằng cách dán các nhãn hiệu của Thống đốc Cuomo[1]. Bản gốc bằng Anh ngữ nhan đề là Hiding Behind Labels. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.
Timothy Cardinal DolanNúp đằng sau những nhãn hiệu
Hôm nay, với lợi thế sân nhà trên tờ New York Thời báo, Thống đốc Cuomo đã liên kết tôi với khuynh hướng “tôn giáo hữu khuynh” [2].
Đây là một cái mới từ thống đốc. Ông ta đã không coi tôi là một thành phần “tôn giáo hữu khuynh” khi tìm kiếm sự giúp đỡ của tôi trong việc tăng mức lương tối thiểu, cải tạo nhà tù, bảo vệ người lao động nhập cư, chào đón người nhập cư và người tị nạn, và vận động cho các chương trình liên quan đến dân số trong các nhà tù của tiểu bang, mà chúng tôi rất vui được hợp tác với ông ta vì những điều ấy cũng là những mục tiêu của chúng tôi. Tôi đoán tôi là một thành phần “tôn giáo tả khuynh” trong những trường hợp như thế.
Quyền dân sự của đứa trẻ bất lực, vô tội, trong bụng mẹ, như Thống đốc đảng Dân chủ tự do ở Pennsylvania Robert Casey đã có lần nhận xét không phải là chuyện “hữu khuynh hay tả khuynh, mà là vấn đề đúng hay sai”.
Ông Thống đốc [Cuomo] cũng tiếp tục nỗ lực của mình để giản lược sự vận động cho nhân quyền của trẻ sơ sinh thành một “vấn đề Công Giáo”, đó là một sự xúc phạm đối với các đồng minh của chúng tôi từ rất nhiều các tôn giáo, và cả những người không có niềm tin gì cả. Một lần nữa, Thống đốc Casey cũng đã từng khẳng định: “Niềm tin phò sinh của tôi không đến từ lớp tôn giáo của tôi trong một trường Công Giáo, nhưng từ các lớp về sinh học và về hiến pháp Hoa Kỳ của tôi.”
Vâng, tôn giáo là vấn đề cá vị; nhưng nó khó có thể nói là một vấn đề riêng tư, như cuộc đời và cuộc đấu tranh vì quyền công dân của Mục sư Tiến sĩ Martin Luther King đã chỉ ra một cách hùng hồn. Đức tin mà Thống đốc Cuomo tuyên xưng cũng dạy rằng phân biệt đối xử với người nhập cư là vô luân. Phải chăng điều đó có nghĩa là ông ta không thể để nguyên tắc đạo đức này dẫn dắt chính sách công cộng của mình? Rõ ràng là không.
Hãy tranh luận về việc phá thai trên những gì nó là. Đừng núp đằng sau các nhãn hiệu như “cánh hữu” và “Công Giáo.”
[1] Andrew Cuomo, sinh ngày 6 tháng 12, 1957, đã từng kết hôn với Kerry Kennedy, con thứ bảy của Thượng nghị sĩ Robert F. Kennedy, vào ngày 9 tháng 6 năm 1990. Họ có ba cô con gái trước khi ly thân vào năm 2003 và ly dị vào năm 2005. Năm 2011, ông ta bắt đầu sống với người dẫn chương trình của Food Network, Sandra Lee.
Cuomo là một người Công Giáo nhưng theo đuổi các quan điểm đối kháng triệt để với Giáo Hội về các vấn đề ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính. Theo tờ New York Times, các quan điểm này của Cuomo xuất phát từ trình trạng bất quy tắc trong cuộc sống hôn nhân sống chung mà không kết hôn với Lee. Sau khi ký Đạo luật Sức khoẻ Sinh sản hôm 22 tháng Giêng vừa qua trong đó mở rộng thời hạn cho phép phá thai đến cả những thời kỳ cuối của thai kỳ và loại bỏ hàng loạt các cấm cản phá thai do tiểu bang áp đặt, Cuomo thách thức các chỉ trích của hàng giáo phẩm Hoa Kỳ bằng cách ra lệnh cho thắp sáng bằng ánh sáng màu hồng Trung tâm Thương mại Thế giới và các địa danh khác.
Một số nhà lãnh đạo Công Giáo đã kêu gọi ra vạ tuyệt thông cho Cuomo.
[2] ‘religious right’ hay ‘Christian right’
Các phong trào cánh tả trong thế kỷ 19 như chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản có tính bài bác hàng giáo sĩ rất hung hăng. Các cuộc cách mạng ở Pháp, Nga và Tây Ban Nha một phần nhằm vào hàng giáo phẩm địa phương và thiết lập một sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước.
Dù thế, vào thế kỷ 19, một số nhà văn và các nhà hoạt động xã hội như Robert Owen, Henri de Saint-Simon đã phát triển một trường phái tư tưởng gọi là chủ nghĩa xã hội Kitô giáo – Christian Socialism – dựa trên các nguyên tắc của Kitô Giáo nhưng tiêm nhiễm ít nhiều chủ nghĩa xã hội.
Những người tin vào những suy nghĩ này được gọi là ‘Christian left’. Sau này khi các xã hội trở nên ngày càng đa nguyên tôn giáo, từ ngữ phổ biến hơn là ‘religious left’ được dùng để chỉ những người có khuynh hướng tôn giáo tả khuynh.
Cố nhiên, có những người ‘Christian left’ mặn mà với chủ nghĩa xã hội đến mức xa lìa các giá trị truyền thống Kitô. Tuy nhiên, hầu hết những người có khuynh hướng này vẫn có những ý tưởng tương tự như các nhóm chính trị Kitô giáo khác, chỉ khác về trọng tâm. Họ có thể xem các tín lý Kitô về một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như việc cấm giết người, hay việc Kinh Thánh chỉ trích tội tham lam của cải…là quan trọng hơn nhiều về mặt chính trị so với các vấn đề xã hội khác như phản đối đồng tính luyến ái.
Ở một mức độ rất đáng kể, những người có khuynh hướng tôn giáo tả khuynh thực ra cũng chẳng quan tâm gì đến bất cứ triết lý xã hội nào. Khuynh hướng của họ chỉ đơn giản xuất phát từ các quan tâm mục vụ và truyền giáo cho giới công nhân.
‘Christian right’ hay ‘religious right’ – khuynh hướng tôn giáo hữu khuynh – được đặc trưng bởi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các chính sách xã hội truyền thống của Kitô Giáo. Những người theo khuynh hướng này chủ yếu tìm cách áp dụng những hiểu biết của họ về tín lý Kitô giáo vào chính trị và chính sách công cộng bằng cách đề cao giá trị của các nguyên tắc Kitô, tìm cách sử dụng những nguyên tắc đó để tác động đến luật pháp và chính sách công cộng như trong các vấn đề bao gồm việc cầu nguyện ở các trường học, nghiên cứu tế bào gốc, đồng tính luyến ái, trợ tử, giáo dục giới tính, phá thai và vấn đề các hình ảnh khiêu dâm.
Đặng Tự Do
(vietcatholic 09.02.2019/ Hiding Behind Labels)
Để lại một phản hồi