Hàn Quốc mong muốn hòa bình và thống nhất

Hôm 12/2 Đức cha Hyginus Kim Hee-joong, tổng giám mục Quang Châu và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hàn Quốc, cùng với một phái đoàn gồm hơn 200 lãnh đạo dân sự và tôn giáo người Hàn Quốc đã vượt biên giới thăm Bắc Hàn nhân dịp Năm Mới.


Kết quả hình ảnh cho yeonpyeong island south korea

Đức TGM cho biết: “Tôi nhìn thấy và cảm nhận rõ ràng rằng hòa bình là mong muốn mạnh mẽ của người dân Bắc Hàn. Đây là khía cạnh quan trọng nhất, mang lại hy vọng lớn lao”. Ngài nhận thấy một tương lai tươi sáng trên con đường hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên sự kiện xuyên biên giới được tổ chức trong năm 2019 bởi một ủy ban chung xã hội dân sự và cộng đồng tôn giáo ở Hàn Quốc.

Một bầu khí mới

Đức TGM nói: Các trường học, công đoàn, đại học, hiệp hội văn hóa và thể thao, các phong trào thanh niên, cộng đồng tôn giáo, với sự hiện diện của các nghị sĩ và nhà báo: tất cả đều tham gia và quan tâm đến việc thiết lập liên lạc, tương quan và các dự án hợp tác mới với xã hội Bắc Hàn. Sự kiện hôm nay diễn ra được là nhờ một bầu khí mới được thiết lập giữa hai nước sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa hai tổng thống Moon Jae-in và Kim Jong-un hồi tháng 4/2018, và việc từng bước tái kích hoạt con đường giao hảo giữa hai quốc gia với cuộc gặp tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn dự kiến ​​diễn ra vào ngày 27 và 28 tháng 2 tại Việt Nam.

Sự tin tưởng lẫn nhau

Cuộc gặp diễn ra hai ngày tại khu phức hợp du lịch trên núi Kumgang, trên bờ đông của Bắc Triều Tiên. Năm Mới được mừng chung giữa hai miền với việc chia sẻ món súp bánh gạo tteokkuk truyền thống, có nguồn gốc từ phía bắc bán đảo. Đức Tổng Giám mục Kim Hee-joong, được chỉ định là “trưởng đoàn”. Ngài nhận thấy kết quả quan trọng nhất của sáng kiến này là “Thiết lập mối quan hệ tin cậy lẫn nhau, là nền tảng của mọi mối quan hệ hòa bình, tôn trọng và tự do”. Đức TGM nhận xét, “từ đây có thể bắt đầu các dự án hợp tác mới khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau, như du lịch, văn hóa, tôn giáo, giáo dục, thể thao, nghệ thuật”.

Chuyển từ sợ hãi sang chung sống

Tất cả điều này xảy ra với sự đồng ý và hợp pháp chính thức của Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc, Cho Myoung-gyon, cũng là người Công giáo như Tổng thống Moon Jae-in. Bộ trưởng tuyên bố rõ ràng rằng ông muốn tăng cường đối thoại và trao đổi văn hóa, và dựa vào sự đóng góp quý báu của các cộng đồng tôn giáo để xây dựng sự hòa hợp với các nước láng giềng bên ngoài ‘bức màn tre’. Vì vậy, từ giữa năm 2017 chính phủ Hàn Quốc đã phê duyệt hơn một nghìn yêu cầu, cho phép thiết lập liên lạc với Triều Tiên, trong bầu không khí mới làm tan băng của quan hệ song phương.

Bộ trưởng Cho Myoung-gyon giải thích, “Đã đến lúc chuyển từ nỗi sợ chiến tranh sang cùng chung sống. Các tôn giáo có thể giúp xây dựng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và là nguồn hòa giải”.

Hy vọng của Giáo hội

Đức Tổng Giám mục Kim Hee-joong kể lại chuyến viếng thăm của ngài qua biên giới với những lời đầy hy vọng: “Chúng tôi đã sống hai ngày tình bạn, chia sẻ, lắng nghe và thảo luận với những người đại diện của xã hội Bắc Hàn. Họ là những đại diện của Ủy ban Hòa giải và Hiệp hội được chính phủ công nhận, để  giám sát các cộng đồng tôn giáo. Đó là một cuộc trao đổi ích lợi”.

Tất cả là anh em, một dân tộc

Một trong những chủ đề chính trong phát biểu của Đức Tổng Giám mục là “tất cả anh em, chúng ta là một dân tộc duy nhất”. Ngài kể: “Tôi đã có cơ hội giải thích rằng hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh trên thế giới là nhằm mục đích hòa bình, hòa hợp và chung sống trong hòa bình giữa các dân tộc, và dựa trên các nguyên tắc tôn trọng và cân bằng quốc tế, loại trừ mọi thù hằn.” Đức TGM cũng chỉ ra rằng một khía cạnh hết sức quan trọng hôm nay đó là Triều Tiên dường như muốn gia nhập lại làm thành viên đầy đủ trong cộng đồng các quốc gia. (CSR_1002_2019)

Văn Yên, SJ

(VaticanNews 16.02.2019)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*