ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN
&
DI SẢN THẦN HỌC, MỤC VỤ
CỦA ĐỨC CỐ TỔNG GIÁM MỤC PHAOLÔ BÙI VĂN ĐỌC
Trong thư mời viết bài về Đức Cố Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, cha Thư ký Ủy ban Giáo lý đức tin (UBGLĐT) viện lý do tôi từng là “Thư ký kiêm Trưởng tổ Thần học của UBGLĐT, rất gần gũi và sẻ chia với Đức Tổng Phaolô những thao thức về hoạt động của Ủy ban”. Đúng là tôi đã nhận nhiệm vụ đó năm 2004, tiếp nối cha Augustinô Nguyễn Văn Trinh; tuy nhiên khi được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn, lại thêm nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Giáo dục công giáo (mới thành lập), rồi Phó Tổng thư ký Hội đồng giám mục, tôi đã xin Đức Tổng Phaolô cho nghỉ nhiệm vụ Thư ký UBGLĐT, chính thức từ năm 2010.
Do đó, khi được mời chia sẻ những suy tư “khởi đi từ những thao thức và tâm huyết của Đức Tổng, cho sứ vụ và hoạt động của UBGLĐT ở hiện tại và tương lai”, tôi rất vui mừng được tham gia công việc chung nhưng cũng xin nói ngay là chỉ dám nêu lên một vài nhận định và suy nghĩ từ tầm nhìn giới hạn của mình, do những hạn chế về thời gian làm việc trong Ủy ban.
- Tầm quan trọng của những văn bản nền tảng
Trong trách nhiệm Chủ tịch UBGLĐT, Đức Cố TGM Phaolô rất quan tâm đến việc cung cấp những văn bản nền tảng cho việc giảng dạy Giáo lý, Thần học. Có thể thấy rõ mối quan tâm này qua hai sự kiện.
(1). Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công giáo
Ngày 25-01-1985, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã triệu tập Thượng Hội đồng giám mục khóa ngoại thường, nhân kỷ niệm 20 năm Công đồng Vaticanô II kết thúc, để “đào sâu giáo huấn của Công đồng và để toàn thể các Kitô hữu tiếp nhận, thấm nhuần và áp dụng rộng rãi hơn”[1]. Trong Thượng hội đồng này, các nghị phụ đã bày tỏ ước mong “có một sách Giáo lý hay một bản tóm lược toàn bộ đạo lý công giáo cả về đức tin lẫn luân lý, để làm điểm quy chiếu cho các sách Giáo lý hay bản Toát yếu được biên soạn ở các vùng khác nhau”[2]. Mong ước này của các nghị phụ đã được đáp ứng cách thỏa đáng. Sau thời gian chuẩn bị và biên soạn rất công phu (1986-1992), ngày 11-10-1992, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức ban hành Tông hiếnKho tàng đức tin, công bố và giới thiệu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cho toàn thể Dân Chúa.
Tại Việt Nam, Đức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, khi là Giám mục Phan Thiết và Giám quản TGP. Sài Gòn, đã mời một số linh mục Trưởng ban Giáo lý các Giáo phận (Sài Gòn, Phú Cường, Cần Thơ, Xuân Lộc, Phan Thiết, Nha Trang) cùng thực hiện hai việc, dựa vào Sách Giáo Lý mới được ban hành: (1) biên soạn Giáo lý hỏi-thưa; (2) biên soạn Giáo lý cho người trưởng thành[3].
Ý thức tầm quan trọng của Sách Giáo Lý, khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBGLĐT được Hội đồng giám mục thành lập năm 2001, Đức Cố TGM Phaolô đã sớm thúc đẩy việc dịch thuật Sách Giáo Lý từ nguyên tác La ngữ Catechismus Catholicae Ecclesiae sang tiếng Việt. Sau nhiều năm làm việc với không ít khó khăn và thử thách, nhờ sự cộng tác tích cực của nhiều chuyên viên, ngày 25-06-2009, Đức Hồng y William Levada, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đã chấp thuận cho ấn hành bản dịch tiếng Việt (imprimi potest), do UBGLĐT trực thuộc Hội đồng giám mục Việt Nam thực hiện.
(2). Từ điển Công giáo
Năm 2011, UBGLĐT phát hành cuốn Từ điển Công giáo 500 mục từ. Như cha Phêrô Nguyễn Chí Thiết, Trưởng ban Từ vị Công giáo, cho biết đây là một trong những Từ điển Công giáo Việt-Việt được biên soạn đầu tiên, không chỉ là Từ Điển hay Từ Vựng được dịch thuật từ tiếng nước ngoài nhưng là một quyển từ điển “được cưu mang trong văn hóa dân tộc Công Giáo Việt Nam, được viết ra bằng tiếng Việt cho người Việt dùng”.
Trong Lời giới thiệu, Đức Cố TGM Phaolô nêu lên những ưu điểm của cuốn Từ điển: (1) vắn tắt, không dài dòng quá sự cần thiết; (2) tương đối dễ hiểu, tuy vẫn giả thiết người đọc cần có một trình độ học thức vừa phải; (3) nhắm điều cốt yếu, dễ cho người đọc nắm bắt được ý chính của từ ngữ; (4) cập nhật hóa, vì quan tâm đến những văn kiện mới của Hội Thánh; (5) tôn trọng Huấn quyền, thường xuyên quy chiếu về những văn kiện chính thức của Hội Thánh[4].
Đây thực sự là nhu cầu cần thiết cho đời sống và sinh hoạt của Hội Thánh tại Việt Nam vì nhiều lý do: người Công giáo cần hiểu từ ngữ Công giáo cho chính xác; người ngoài Công giáo cũng có thể hiểu biết, nhờ đó đối thoại với nhau cách phong phú; Hội Thánh Việt Nam từng bước chuẩn hóa các từ ngữ được dùng trong văn bản phụng vụ, nghiên cứu và giảng dạy Thần học, Giáo lý.
Những ghi nhận trên cho thấy Đức Cố TGM Phaolô quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện những công trình có tính nền tảng, vừa là nền móng vừa là điểm quy chiếu cho việc học hỏi, giảng dạy, nghiên cứu, biên soạn các tài liệu giáo lý và thần học. Thiết nghĩ đây là định hướng căn bản và quan trọng cho UBGLĐT không những trong quá khứ nhưng cả trong hiện tại cũng như tương lai.
- Mối liên hệ giữa Ủy ban Giáo lý đức tin và Hội đồng giám mục (HĐGM)
Đức Cố TGM Phaolô xác định rõ, UBGLĐT cũng như các Ủy ban khác trực thuộc HĐGM, được thiết lập là để phục vụ công việc chung của HĐGM. Vì thế ngài tích cực thực hiện những gì HĐGM yêu cầu.
Còn nhớ công việc đầu tiên phải làm khi nhận nhiệm vụ Thư ký UBGLĐT năm 2004 là thực hiện Bản góp ý của HĐGMVN với Thượng hội đồng giám mục về đề tài Thánh Thể, dựa vào những góp ý của các giáo phận. Tương tự như thế, tôi cũng phải viết Bản tường trình (Report) về Giáo dục cho Liên Hội đồng giám mục Á châu vì khi đó chưa có Ủy ban Giáo dục Công giáo và HĐGM trao cho UBGLĐT nhiệm vụ này.
Điều đáng nói hơn cả là Thư Chung 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng giáo phẩm Việt Nam (1960-2010), cũng là kỷ niệm 350 năm thiết lập hai địa phận tông tòa đầu tiên Đàng Trong và Đàng Ngoài, HĐGMVN đã quyết định tổ chức Đại hội Dân Chúa, quy tụ các đại diện của mọi thành phần Dân Chúa, trong nước cũng như hải ngoại, cùng nhau cầu nguyện, trao đổi những suy tư và chia sẻ kinh nghiệm mục vụ về đời sống và sứ vụ của Hội Thánh tại Việt Nam.
UBGLĐT, cách riêng Tổ Thần học, được trao trách nhiệm soạn thảo văn bản nền, được dùng như Tài liệu làm việc của Đại hội, với chủ đề Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ. Đại hội đã được tiến hành tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 21 đến 26 tháng 11 năm 2010. Kết thúc Đại hội, HĐGMVN đã ban hành Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa: Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống, để “định hướng cho đời sống và hoạt động của Giáo Hội tại Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay”.
Những ghi nhận trên cho thấy Đức Cố TGM Phaolô ý thức rất rõ mối liên kết giữa UBGLĐT và HĐGM, vì chính trong mối liên kết này Ủy ban mới có được tính chính danh và thi hành nhiệm vụ trong tình hiệp thông của Hội Thánh. Sở dĩ như thế là vì các Ủy ban trực thuộc HĐGM là do HĐGM thiết lập và cũng có quyền bổ sung, sửa đổi hay hủy bỏ.[5] Đồng thời, các Ủy ban phải làm việc trong tinh thần hiệp thông, “có thể soạn thảo các tài liệu trong lãnh vực thuộc thẩm quyền riêng và đặt dưới sự xem xét của Ban Thường vụ HĐGM hoặc trong giai đoạn dự án hoặc trong công việc chuẩn bị và phải có sự phê chuẩn của Ban Thường vụ trước khi thực hiện”.[6] “Tính Giáo Hội” này thể hiện rõ nét nơi Đức Cố TGM Phaolô và cũng cần thấm nhập mọi thành viên UBGLĐT để chúng ta làm việc trong tinh thần khiêm tốn và vâng phục, vì ích lợi chung của Hội Thánh hơn là vì sở thích hay tham vọng cá nhân.
- Vai trò của dịch thuật trong nghiên cứu thần học
Tại Hoa Kỳ, trong các thư viện của các đại học công giáo, có rất nhiều tác phẩm thần học của các nhà thần học nổi tiếng người Đức, Pháp, đã được dịch sang tiếng Anh. Tại Hàn Quốc, khi đến thăm thư viện Đại chủng viện Seoul, người ta cũng thấy không ít các tác phẩm thần học của các nhà thần học nước ngoài đã được dịch sang tiếng Hàn. Ban giáo sư chủng viện còn cho biết thêm việc dịch thuật này có sự hỗ trợ từ phía Bộ Giáo dục dành cho các đại học, và đại chủng viện được chính thức nhìn nhận như một đại học, văn bằng của đại chủng viện được Bộ Giáo dục nhìn nhận.
Chắc chắn việc dịch thuật các tác phẩm quan trọng trên thế giới cũng là một nhu cầu ở Việt Nam, trên nhiều lãnh vực chứ không riêng lãnh vực nghiên cứu tôn giáo, triết học và thần học. Người dân Việt Nam cần được tiếp xúc với tư tưởng của thế giới, nhất là của những tác giả quan trọng, đi đầu trong các lãnh vực đời sống. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, nhu cầu đó lại càng cần thiết hơn bao giờ. Đang khi đó, phải nhìn nhận thực tế giới hạn về khả năng ngoại ngữ của sinh viên trong các chủng viện và học viện, chưa nói đến trình độ chung của người dân. Vì thế, việc dịch thuật những tác phẩm triết học và thần học quan trọng là đòi hỏi cần thiết thực tiễn cho việc giảng dạy, học hỏi, nghiên cứu và phát triển suy tư thần học.
Để đáp ứng nhu cầu đó, thiết nghĩ đòi hỏi quan trọng nhất là nguồn nhân sự. Cần có những người hiểu biết về cả hai ngôn ngữ (Việt ngữ và ngoại ngữ), đồng thời phải có sự hiểu biết trong lãnh vực chuyên môn mà tác giả trình bày; nếu không, sẽ có những “thảm họa” về dịch thuật như đã từng xảy ra trong nhiều lãnh vực: văn học, khoa học xã hội, triết học, thần học. Cùng với nguồn nhân sự, cần có kế hoạch tổng thể và lâu dài thay vì tản mác và riêng lẻ, nếu muốn giới thiệu những tác phẩm quan trọng thuộc nhiều lãnh vực như Giáo lý, Thần học tín lý, Thần học luân lý, Giáo hội học… Cũng cần nói đến một yếu tố không kém quan trọng là vấn đề tài chính. Phải nhìn nhận rằng những tác phẩm triết học và thần học tuy có giá trị nghiên cứu rất cao nhưng lại kén chọn người đọc, do đó không dễ phổ biến. Vì thế cần có nguồn tài chính tương đối để có thể tiến hành và duy trì công việc trong thời gian dài.
Dưới thời của Đức Cố TGM Phaolô và đến nay vẫn thế, UBGLĐT đã góp phần tích cực trong việc dịch thuật các văn kiện chính thức và quan trọng của Hội Thánh. Ngoài ra, trong thời gian 2005-2010, Ủy ban cũng lên dự án dịch thuật một số tác phẩm thần học quan trọng. Phần lớn các thành viên của Ủy ban là những vị đang dạy thần học tại các đại chủng viện và học viện, mỗi vị nhận dịch một tác phẩm mà mình cho là tốt nhất trong lãnh vực chuyên môn của mình. Danh sách đăng ký các tác phẩm đã được ấn định, rất tiếc là vì nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, công trình đó đến nay còn dang dở. Hi vọng trong tương lai UBGLĐT sẽ quan tâm hơn đến nhu cầu này.
- Sự cần thiết của nghiên cứu, suy tư thần học trong Hội Thánh địa phương
Vào thời điểm diễn ra Công đồng Vaticanô II, Joseph Ratzinger lúc đó là chuyên viên của Công đồng, đã có những nhận xét khá bi quan về Kitô giáo tại châu Á: “Rõ ràng việc gieo trồng Kitô giáo ở châu Á đến nay là thất bại. Do những mục đích cụ thể, việc theo Đạo Kitô tới nay được coi như là chạy theo châu Âu. Vì thế Kitô giáo vẫn ở bên lề tâm trí Á châu. Một Kitô giáo mong muốn và thực sự phải là tôn giáo phổ quát của nhân loại, trong thực tế đã không thể vượt ra ngoài văn hóa Tây phương. Cho đến lúc này vẫn không có một Kitô giáo mang tính bản địa của châu Á, nắm bắt được tinh thần và văn hóa Đông phương”[7]. Có lẽ nhận xét trên không chỉ là của riêng nhà thần học Joseph Ratzinger nhưng còn là của nhiều người, đặc biệt là các Kitô hữu Á châu. Phải chăng vì thế từ Vaticanô II đến nay, người ta chứng kiến rất nhiều nỗ lực của Hội Thánh Á châu trong việc hội nhập văn hóa?
Đây cũng là mối quan tâm lớn của Hội Thánh Việt Nam. Trong Thượng Hội đồng giám mục năm 2.000 về Hội Thánh tại châu Á, Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể, khi đó là Giám quản Tổng giáo phận Huế, đã trình bày về Hội nhập văn hóa trong bối cảnh Phúc-Âm-hóa. Ngài nói: “Trong quá khứ, việc tôn kính Tổ tiên được nhìn như một hình thức tôn giáo. Thoạt nhìn, những nghi thức và cử chỉ trong việc tôn kính này giống như việc thờ phượng trong tôn giáo. Tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì việc thờ phượng này chỉ là việc thực hành mang tính văn hóa và đạo đức, có ý nghĩa sâu xa đối với đời sống gia đình và xã hội”. Sau đó Đức cha nhắc lại lời kêu gọi của Liên Hội đồng giám mục Á châu: “Hội Thánh tại châu Á đừng bao giờ quên bổn phận loan báo Tin Mừng trong những điều kiện văn hóa của người dân, do đó nhiệm vụ tiên quyết là đối thoại liên lỉ, khiêm tốn, dễ mến với các nền văn hóa và truyền thống của người dân cho tới khi Tin Mừng thấm nhập hoàn toàn vào người dân”[8]
Không chỉ một mình Đức Cha Têphanô Nguyễn Như Thể nhưng theo ghi nhận của cha Vũ Kim Chính, S.J., thì “6 vị trong số 7 đại diện của Hội Thánh Việt Nam nói về hội nhập văn hóa, nhấn mạnh giá trị của văn hóa Việt Nam được chuyển tải trong những văn bản bác học cũng như trong những câu truyện dân gian. Các Giám mục Việt Nam ý thức cách sâu xa về những thay đổi văn hóa sâu rộng đang diễn ra trong đất nước và về trách nhiệm của mình đối với các thế hệ tương lai”[9].
Cả hai tham luận và ghi nhận trên đều nói đến mối thao thức hội nhập văn hóa, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở bình diện phụng vụ, tế tự. Cần phải đào sâu về mặt suy tư thần học và nghiên cứu văn hóa để việc hội nhập văn hóa có thể bắt rễ sâu hơn và tạo âm hưởng rộng lớn hơn trong việc trình bày Giáo lý Công giáo, trong các hoạt động mục vụ của Hội Thánh cũng như trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chắc chắn đây vừa là một gợi ý vừa là một thách đố cho UBGLĐT trong tương lai.
***
Là Giám mục đầu tiên được trao nhiệm vụ Chủ tịch UBGLĐT trực thuộc HĐGMVN và gắn bó với nhiệm vụ đó liên tục trong nhiều năm (2001-2013; 2016-2018) cho đến khi qua đời, ngoại trừ 3 năm làm Chủ tịch HĐGMVN (2013-2016), Đức Cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc đã định hướng cho hoạt động của Ủy ban quan trọng này, góp phần rất lớn cho công việc của HĐGM, cũng là cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh Việt Nam. Theo ý nghĩa đó, di sản ngài để lại không chỉ là những công trình UBGLĐT đã thực hiện dưới sự điều hành của ngài, nhưng còn là bệ phóng cho những bước phát triển trong tương lai, nhằm phục vụ đời sống và sứ vụ của Hội Thánh trên quê hương Việt Nam.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Giáo phận Mỹ Tho
Tổng thư ký HĐGMVN
1 Gioan Phaolô II, Tông hiến Kho tàng đức tin, 11-10-1992.
2 Ibid.
3 Trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó, cuốn Giáo lý cho người trưởng thành mang tựa đề Bước theo Chúa Giêsu.
4 Từ điển Công giáo 500 mục từ, Lời giới thiệu.
5 X. Quy chế Hội đồng giám mục Việt Nam, điều 41.
6 Ibid., điều 42, khoản 8.
7 Joseph Ratzinger, Theological Highlights of Vatican II, New York: Paulist Press, 2009, 244-248.
8 Asian Synod, Inculturation of Christianity into Asia: Reflection on the Asian Synod.
9 Ibid.
Để lại một phản hồi