Ba cám dỗ mà Chúa Giêsu phải chịu đó chính là ba con đường mà thế gian luôn đề nghị, hứa hẹn những thành công lớn, ba con đường để lừa gạt con người: ham muốn thành công, vinh quan trần thế, biến Thiên Chúa thành công cụ. Đây là cách làm cho chúng ta hư mất. Phương dược thắng cám dỗ: đời sống nội tâm, tin tưởng vào Thiên Chúa, chắc chắn vào tình yêu Thiên Chúa.
Tin Mừng Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay (Lc 4,1-13) tường thuật lại kinh nghiệm cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc. Sau khi ăn chay 40 ngày Chúa Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ ba lần. Trước hết ma quỷ mời Chúa biến đá thành bánh (câu 3); sau đó ma quỷ đem Người lên cao hơn cho xem một lúc tất cả các nước thiên hạ và hứa cho Người trở thành một đấng cứu thế quyền hành và vinh quang (câu 5 và 6). Sau cùng ma quỷ đưa Người lên thành Giêrusalem và mời Chúa gieo mình xuống, để thể hiện quyền năng Thiên Chúa của Người như một cuộc biểu diễn (câu 9-11). Ba cám dỗ chỉ cho thấy ba con đường mà thế gian luôn đề nghị, hứa hẹn những thành công lớn, ba con đường để lừa gạt chúng ta: ham muốn, ham muốn thành công, vinh quan trần thế, biến Thiên Chúa thành công cụ. Đây là cách làm cho chúng ta hư mất.
Ham muốn thành công
Đầu tiên, con đường ham muốn thành công. Đây là lý luận xảo trá của ma quỷ, chúng khởi đi từ những nhu cầu tự nhiên và chính đáng, đó là: nhu cầu nuôi sống bản thân, sống, hành động, hạnh phúc; chúng thúc đẩy chúng ta tin rằng chúng ta có thể làm được tất cả, không cần Thiên Chúa, thậm chí, còn chống lại Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đối lại ma quỷ: “Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh” (câu 4). Chúa Giêsu nhắc lại hành trình dài trong sa mạc của dân được tuyển chọn, Người khẳng định ước muốn phó thác hoàn toàn của Ngài vào sự quan phòng của Cha, Đấng luôn chăm sóc con cái.
Vinh quang trần thế
Cám dỗ thứ hai: con đường vinh quang trần thế. Ma quỷ nói: “Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi quyền hành và vinh quang của các nước thiên hạ sẽ thuộc về ông” (câu 7). Chúng ta có thể mất tất cả phẩm giá, chúng ta để cho các ngẫu tượng của tiền bạc, thành công và quyền lực làm hư hỏng, đưa tới sự tự phụ. Và chúng ta say hưởng một niềm vui trống rỗng, một sự thỏa mãn sẽ sớm biến mất. Chúng làm cho chúng ta trở thành những con công, phù vân, và tan biến. Chính vì thế Chúa Giêsu trả lời: “Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi” (câu 8).
Lợi dụng Thiên Chúa cho lợi ích của mình.
Cám dỗ thứ ba: lợi dụng Thiên Chúa cho chính lợi ích của mình. Ma quỷ trích dẫn Kinh Thánh, cám dỗ Chúa Giêsu tìm nơi Thiên Chúa một phép lạ trỗi vượt, một lần nữa Chúa Giêsu phán đối và khẳng định với ma quỷ sự kiên quyết khiêm tốn và phó thác vào Cha: “Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!” (câu 12). Như thế Chúa Giêsu đẩy lùi cám dỗ mạnh mẽ và tinh tế hơn của ma quỷ đó là: ý muốn “kéo Thiên Chúa về phía mình”, cầu xin ân sủng để phụng sự lòng thỏa mãn kiêu ngạo của chúng ta.
Phương dược thắng cám dỗ
Đây là những con đường luôn hiện diện trước chúng ta, đó là ảo tưởng về thành công và hạnh phúc. Nhưng thực tế, chúng hoàn toàn xa lạ với cách hành động của Thiên Chúa; hơn nữa, chúng làm cho chúng ta xa rời Ngài, bởi vì đó là công trình của Satan. Chúa Giêsu, đối diện một mình với những thử thách này, thắng ba lần cám dỗ để kết hợp hoàn toàn kế hoạch của Cha. Và Ngài chỉ cho chúng ta các phương dược: đời sống nội tâm, tin tưởng vào Thiên Chúa, chắc chắn vào tình yêu Thiên Chúa, chắc chắn rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta, rằng Người là Cha và với sự chắc chắn này, chúng ta sẽ thắng mọi cám dỗ. Nhưng có một điều thú vị chúng ta cần chú ý. Trong khi chịu cám dỗ, Chúa Giêsu không tham gia vào cuộc đối thoại với tên cám dỗ mà chỉ đáp trả thách thức bằng Lời Chúa. Điều này dạy chúng ta rằng với ma quỷ không đối thoại, không phải đối thoại, chỉ trả lời nó với Lời Chúa.
Cùng nhau chúng ta hãy sống Mùa Chay, như một thời gian đặc biệt để thanh luyện, để trải nghiệm sự hiện diện an ủi của Thiên Chúa trong cuộc sống.
Xin Đức Maria Trinh Nữ, mẫu gương của lòng trung thành với Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta, xin Mẹ nâng đỡ chúng ta trong cuộc lữ hành, giúp chúng ta biết từ chối điều xấu và đón nhận điều thiện hảo.
Ngọc yến
(vaticannews 10.03.2019)
Để lại một phản hồi