Ký giả Gerard O’Connell của tạp chí America vừa cho xuất bản cuốn The Election of Pope Francis: An Inside Account of the Conclave That Changed History (Việc Bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Trình thuật Bên trong Mật Nghị Hội Đã Thay đổi Thế giới )(Orbis Books, 2019). Sau đây là một đoạn trích từ cuốn sách:
Những gì diễn ra sau đó trong Nhà nguyện Sistine đã được giấu kín đối với thế giới bên ngoài. Đức Hồng Y Giovanni Battista Re trước nhất giải thích diễn trình bỏ phiếu và sau đó hỏi các Hồng Y xem các ngài đã sẵn sàng bỏ phiếu chưa. Các ngài đã sẵn sàng! Mọi người đều lo lắng để làm như thế, vì điều này sẽ mặc khải Chúa Thánh Thần sẽ dẫn dắt các ngài đến đâu. Giai đoạn đầu tiên của diễn trình bắt đầu với việc phân phát phiếu bầu cho các cử tri. Trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, và theo tông hiến “Universi Dominici Gregis”, Hồng Y cử tri trẻ nhất lúc đó rút thăm ngẫu nhiên tên của ba vị “kiểm tra” (scrutineers), ba vị “infirmarii” (y tá?) và ba vị duyệt xét (revisers) để giám sát phiên bỏ phiếu đầu tiên .
Giai đoạn thứ hai là lá phiếu bí mật. Mỗi Hồng Y có trước mặt một lá phiếu hình chữ nhật, trên đó được in bằng tiếng Latinh dòng chữ “Eligo in Summum Pontificem” (tôi chọn là Giám mục Tối cao), và bên dưới có một khoảng trống để ghi tên người mà vị này muốn dành phiếu bầu của mình cho. Các cử tri dự kiến sẽ viết theo cách mà các ngài không thể dễ dàng bị nhận dạng bằng chữ viết tay của mình. Một khi vị Hồng Y đã điền xong mẫu phiếu bầu của mình, ngài phải gấp nó theo chiều dọc, để không thể nhìn thấy tên của người mà ngài bỏ phiếu cho.
Khi tất cả các cử tri đã viết tên của Ứng viên mà các ngài chọn và gấp các lá phiếu, thì mỗi Hồng Y cầm lá phiếu bầu của mình giữa ngón cái và ngón trỏ và, giơ cao lá phiếu của mình để ai cũng có thể nhìn thấy, mang nó lên bàn thờ nơi các vị kiểm tra đứng và là nơi đặt một chiếc bình, được làm bằng bạc và mạ vàng của nhà điêu khắc người Ý Cecco Bonanotte, với hình ảnh Đấng chăn chiên tốt lành trên đó. Chiếc bình được đậy bằng một chiếc đĩa cũng mạ vàng để nhận các lá phiếu.
Khi tới bàn thờ, vị Hồng Y cử tri đứng ngay dưới bức tranh Phán Xét Chung tuyệt vời của Michelangelo và đọc lời tuyên thệ sau đây bằng một giọng rõ ràng và ai cũng có thể nghe được: “Tôi xin Chúa Kitô, Đấng sẽ là Đấng phán xét tôi, làm chứng cho tôi rằng lá phiếu của tôi được dành cho người mà trước mặt Thiên Chúa, tôi nghĩ nên được bầu”. Sau đó, ngài đặt lá phiếu của ngài lên chiếc đĩa và nghiêng chiếc đĩa sao cho tờ giấy rơi vào chiếc bình. Cuối cùng, ngài cúi đầu trước thập giá một cách cung kính rồi trở về chỗ ngồi của mình, và vị cử tri tiếp theo lúc đó bước tới bàn thờ.
Sau khi tất cả 115 cử tri đã bỏ phiếu, ba vị kiểm tra tiến lên để đếm chúng. Đó là một khoảnh khắc căng thẳng cao độ. Mọi người theo dõi nghi thức với sự chú ý rất cao. Vị kiểm tra đầu tiên lắc các lá phiếu trong chiếc bình, từng được sử dụng tại mật nghị hội gần đây nhất, để trộn chúng. Sau đó, một vị kiểm tra khác bắt đầu đếm chúng, lấy từng lá phiếu một từ chiếc bình thứ nhất và chuyển nó sang chiếc bình thứ hai, giống hệt như chiếc thứ nhất, nhưng chưa đựng gì. Tông Hiến quy định rằng nếu số phiếu bầu không tương ứng hoàn toàn với số cử tri có mặt thì vòng bỏ phiếu đó được tuyên bố là vô hiệu.
Khi số phiếu bầu tương ứng hoàn toàn với số lượng cử tri, diễn trình tiếp tục với việc mở các lá phiếu. Ba vị kiểm tra ngồi vào chiếc bàn đặt trước bàn thờ. Vị thứ nhất mở phiếu bầu, âm thầm đọc tên và chuyển nó cho vị kiểm tra thứ hai. Vị thứ hai cũng làm tương tự, và sau đó chuyển lá phiếu cho vị thứ ba; vị thứ ba này đọc tên được viết trên lá phiếu và sau đó, bằng giọng nói lớn, thông báo tên đó cho toàn thể mật nghị hội và tiếp theo, ghi nó trên một tờ giấy đã được chuẩn bị sẵn cho mục đích này.
Các cửa sổ của Nhà nguyện Sistine bị đóng kín. Nhưng điều này được coi là hoàn toàn không thỏa đáng đối với tình trạng tiến bộ của kỹ thuật truyền thông hiện đại và nguy cơ bị nghe lén bằng điện tử, vì vậy năm 2005, các nhà tổ chức mật nghị hội đã thực hiện các biện pháp bảo mật cao để ngăn chặn khả năng truyền thông qua điện thoại thông minh từ bên trong và nghe lén bằng điện tử của các hãng tin hay cá nhân bên ngoài. Họ đã lắp đặt các hệ thống gây nhiễu tối tân, bao gồm cả lồng Faraday. Sàn nhà nguyện đã được nâng lên khoảng một mét và được phủ bằng các tấm gỗ để lắp đặt hệ thống.
Tuy nhiên, lần này, các nhà tổ chức còn đi xa hơn nữa ở mật nghị hội gần đây nhất để ngăn chặn khả năng nghe lén; họ đã đưa ra quyết định phi thường là không sử dụng hệ thống khuếch đại âm thanh bên trong Nhà nguyện Sistine. Lý do, dường như, có từ mật nghị hội năm 2005, khi Vệ binh Thụy Sĩ đứng làm nhiệm vụ bên ngoài cửa nhà nguyện đôi khi có thể nghe thấy những gì được nói bên trong, đặc biệt là khi số phiếu được công bố qua hệ thống phát thanh.
Do đó, trước vòng bỏ phiếu đầu tiên, Đức Hồng Y Re đã yêu cầu Đức Hồng Y Juan Sandoval Íñiguez, tổng giám mục hưu trí 79 tuổi của thành phố Guadalajara, người được biết là có một giọng nói mạnh mẽ, đứng giữa nhà nguyện và, bằng một giọng nói lớn, công bố tên được đọc bởi vị kiểm tra thứ ba.
Khi vị kiểm tra thứ ba đọc tên trên lá phiếu, Đức Hồng Y Sandoval lặp lại nó để tất cả đều có thể nghe thấy. Có một không khí hồi hộp cao độ bên trong Nhà nguyện Sistine khi kết quả được công bố. Lần đầu tiên, các cử tri tiết lộ sự lựa chọn của các ngài; các ngài đặt thẻ của mình lên bàn.
Sau khi đọc tên trên mỗi lá phiếu cá thể, vị kiểm tra thứ ba đâm thủng tờ giấy qua chữ “Eligo” (tôi chọn) bằng kim và chỉ; điều này được thực hiện để cột và bảo quản các lá phiếu. Khi tên của tất cả các lá phiếu đã được đọc lớn, một nút thắt được buộc chặt ở mỗi đầu của sợi chỉ và các lá phiếu đã nối với nhau được đặt sang một bên.
Tiếp theo là giai đoạn thứ ba và cuối cùng của diễn trình bỏ phiếu, bắt đầu bằng việc cộng các phiếu bầu mà mỗi cá nhân đã nhận được. Kết quả này gây một số bất ngờ lớn.
Trước mật nghị hội, một số Hồng Y đã tiên đoán rằng sẽ có một sự phân tán rộng các lá phiếu ở vòng đầu phiếu thứ nhất, nhưng ít người tưởng tượng được nó rộng đến mức nào: 23 vị giáo phẩm đã nhận được ít nhất một phiếu bầu ở vòng đầu phiếu thứ nhất; điều này có nghĩa là cứ một trong năm Hồng Y có mặt thì ít nhất được một phiếu bầu, với bốn Hồng Y nhận được 10 phiếu bầu trở lên. Năm vị được phiếu bầu hàng đầu trong vòng đầu phiếu thứ nhất là:
Scola 30
Bergoglio 26
Marc Ouellet 22
O’Malley 10
Scherer 4
Đức Hồng Y Angelo Scola đứng đầu với 30 phiếu bầu, nhưng ngài không nhận được nhiều phiếu như dự đoán của một số Hồng Y và giới truyền thông Ý.
Bất ngờ lớn là Đức Hồng Y Jorge Bergoglio, người đứng ở vị trí thứ hai, ngay sau Đức Hồng Y Scola, với 26 phiếu bầu. Thực ra, tổng số phiếu bầu của ngài là 27 nếu một cử tri không viết sai tên của ngài, viết là “Broglio” thay vì Bergoglio trên phiếu bầu. Đó là một khởi đầu đầy hứa hẹn đối với vị tổng giám mục của Buenos Aires. Đức Hồng Y Marc Ouellet cũng đạt điểm cao, tốt hơn dự kiến, và đứng ở vị trí thứ ba, sau khi giành được 22 phiếu. Ngài rõ ràng là một Ứng viên mạnh mẽ.
Đức Hồng Y Seán O’Malley cũng là một bất ngờ; với 10 phiếu bầu, ngài trở thành người Mỹ đầu tiên trong lịch sử đạt điểm rất cao trong bất cứ cuộc bầu cử giáo hoàng nào.
Mặt khác, Đức Hồng Y Odilo Pedro Scherer, người Brazil được chào hàng khá nhiều, có số phiếu bầu thấp đáng ngạc nhiên; ngài chỉ được bốn phiếu.
Bên cạnh các Ứng viên hàng đầu này, năm vị Hồng Y đã nhận được hai phiếu bầu trong lần đầu phiếu đầu tiên: Christoph Schönborn, Peter Turkson, George Pell, Laurent Monswengo Pasinya và Timothy Dolan.
13 vị Hồng Y khác mỗi vị nhận được một phiếu bầu là: Audrys Backis, Óscar Rodríguez Maradiaga, Ennio Antonelli, Carlo Caffarra, André Vingt-Trois, Gracias, Thomas Collins, Luis Antonio Tagle, Leonardo Sandri, Robert Sarah, Mauro Piacenza, Giano Ravasi và “Broglio” (có vẻ như viết sai tên Bergoglio).
Diễn trình bỏ phiếu kết thúc với việc đốt các lá phiếu. Sau khi kiểm tra lần cuối các tờ báo cáo trên đó các vị kiểm tra đã ghi các phiếu bầu, các lá phiếu và các báo cáo đã được đưa đến một trong hai bếp lò được lắp ráp đặc biệt ở phía bên trái phía sau Nhà nguyện Sistine nếu đứng đối diện với bàn thờ.
Hai bếp lò nối với nhau bằng một chiếc ống được nối với ống khói dựng bên ngoài nhà nguyện, một ống khói hiện là trung tâm chú ý của truyền thông thế giới. Nguồn gốc của bếp lò có từ thế kỷ 18, khi vị chưởng nghi nảy ra ý tưởng tuyệt vời về việc truyền đạt cho thế giới biết liệu một tân giáo hoàng đã được bầu hay chưa bằng cách xả khói trắng hay đen từ ống khói nhà nguyện khi các lá phiếu và hồ sơ được đốt cháy.
Theo các quy định của diễn trình bầu cử, các lá phiếu từ vòng bỏ phiếu đầu tiên tại mật nghị hội này đã được đốt trong bếp cũ, được sử dụng tại mọi mật nghị hội kể từ năm 1939. Việc này được thực hiện bởi một trong các vị kiểm tra, với sự trợ giúp của thư ký mật nghị hội, Đức Tổng Giám Mục Lorenzo Baldisseri, người đã được nhận vào lại Nhà nguyện Sisitine sau khi các phiếu bầu đã được đếm. Khi bắt đầu đốt, các ngài kích hoạt một thiết bị tạo khói điện tử trong lò mới hơn, lần đầu tiên được sử dụng tại mật nghị hội năm 2005, trong đó có một hộp chứa năm loại hỗn hợp hóa học có thể tạo ra khói đen hoặc trắng theo yêu cầu. Theo quy tắc, hoạt động đốt và tín hiệu khói phải được hoàn thành trước khi các vị Hồng Y rời khỏi Nhà nguyện Sistine.
Vì không có Ứng viên nào chiếm được đa số 2/3 trong lần bỏ phiếu đầu tiên, các lá phiếu đã bị đốt cháy, thiết bị tạo khói điện tử đã được kích hoạt vào lúc 7:41 tối (giờ Rôma), khói đen bay ra từ ống khói màu rỉ sét của Nhà nguyện Sistine, thông báo với thế giới rằng chưa có vị giáo hoàng nào được bầu.
Việc trông thấy khói đen đã phát ra một tiếng Nooooo (Khôôông) rất rõ từ hàng ngàn tín hữu và khách du lịch đang co ro trong cái giá lạnh dưới những chiếc ô nhiều màu ở Quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô và mặc áo mưa, ponchos tấm nhựa hoặc các thiết bị chống nước khác để bảo vệ bản thân khỏi cơn mưa không ngừng. Họ đứng đó, liên tục chuyển ánh mắt từ ống khói nhỏ sang màn hình cực lớn ở Quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, được chiếu sáng bởi một ánh đèn chiếu cảnh trực tiếp khi các đơn vị truyền hình và mạng vô tuyến từ nhiều quốc gia đặt bên ngoài quảng trường loan tin tức nóng hổi đến khán giả hoàn cầu ….
Đối với một người ngoài cuộc, các phiếu bầu rải rác đầu tiên có thể mang lại một ấn tượng bất trắc lớn, nhưng các vị cử tri thấy vụ việc trong một ánh sáng rất khác. Chẳng hạn, Đức Hồng Y Oswald Gracias nói với tôi rằng ngài hiểu nó cách này: “Đức ChúaThánh Thần đang chỉ đường, Người đang dẫn dắt chúng tôi theo một hướng cụ thể. Chúa đang ở ngay đó”. Một số vị Hồng Y khác nói với tôi rằng các ngài giải thích lần bỏ phiếu đầu tiên tương tự như lối giải thích của Đức Hồng Y Gracias.
Vòng bỏ phiếu đó đã tiết lộ một số điều. Nó cho thấy Đức Hồng Y Scola là Ứng viên châu Âu mạnh mẽ duy nhất để kế vị Đức Bênêđíctô, và trong khi vị mục tử và là nhà thần học lỗi lạc này có sự ủng hộ, thì sự ủng hộ này ở mức thấp hơn mức mong đợi vào đêm trước của mật nghị hội, khi các Hồng Y và phần lớn Báo chí Ý dự đoán ngài sẽ đạt được khoảng 40 phiếu bầu. Đương nhiên, điều này đem đến một thất vọng nào đó cho những người ủng hộ ngài.
Quan trọng hơn, cuộc bỏ phiếu đã xác nhận điều mà nhiều người đã biết hoặc nghi ngờ: 28 cử tri Ý đã có các chia rẽ sâu sắc về Đức Hồng Y Scola. Thật vậy, như lịch sử của hai mật nghị hội cuối cùng (tháng 10 năm 1978 và tháng 4 năm 2005) cho thấy, khi các vị người Ý chia rẽ, một vị người Ý sẽ không được bầu. Liệu lịch sử có tự tái diễn hay không? Vòng phiếu đầu tiên đó dường như cho nhiều vị cử tri thấy rằng vị giáo hoàng tiếp theo sẽ không phải là người châu Âu; ngài có thể xuất thân từ châu Mỹ. Nó cũng cho biết chắc: Đức Hồng Y Scherer đã ra khỏi cuộc đua; ngài được coi là Ứng viên của hiện trạng trong khi mật nghị hội đang tìm kiếm sự thay đổi triệt để. Ngoài Đức Hồng Y Scola ra, kết quả còn lại ba Ứng viên khác: Bergoglio, Ouellet và O’Malley, theo thứ tự này.
Tổng giám mục Boston có nhiều ưu điểm: ngài là một mục tử, rất được ưa thích, với lối sống giản dị; ngài nói tiếng Tây Ban Nha trôi chảy và có thành tích sáng ngời trong việc xử lý các trường hợp lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên bởi các giáo sĩ. Tuy nhiên, dù trước mật nghị hội, nhiều vị Hồng Y đã công khai khẳng định rằng quốc tịch không phải là vấn đề, sự thật là rất ít vị muốn có một giáo hoàng từ siêu cường chính của thế giới. Bầu một người Mỹ, dù vị này là một tu sĩ dòng Phanxicô, sẽ không hay bao nhiêu ở Nam bán cầu hoặc trong các giáo hội tại các nước đang phát triển. Đức Hồng Y O’Malley, một người bạn và người hâm mộ Đức Hồng Y Bergoglio, có cùng quan điểm đó.
Đức Hồng Y Ouellet đã đạt điểm cao hơn nhiều so với dự kiến trong lần bỏ phiếu đầu tiên, và ngài ở vị trí mạnh mẽ. Khi các Hồng Y thảo luận về việc ứng cử của ngài trong các nhóm nhỏ và các cuộc đối thoại một đối một vào tối thứ ba, ngày 12 tháng 3, họ đã nhận ra một số yếu tố tích cực có lợi cho người Canada đa ngôn ngữ này. Ngài có kinh nghiệm mục vụ với tư cách là linh mục ở Colombia và là tổng giám mục ở Quebec. Điều quan trọng nữa là, thực tế ngài biết rõ Vatican từ bên trong, từng làm việc đầu tiên trong Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Hợp nhất Kitô giáo và kể từ năm 2010 trong Bộ Giám mục nhiều quyền lực. Bất chấp mặt rất tích cực này, một số vị Hồng Y cho biết các vị thấy ngài “không mấy gây cảm hứng” và “bình thường” và thành tích của ngài ở Giáo Triều Rôma đặt ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng về khả năng quản trị dưới áp lực của ngài. Những câu hỏi này, giờ đã chuyển thành những dè dặt nghiêm trọng, xuất hiện trong các cuộc trò chuyện vào đêm đầu tiên tại nhà khách Santa Marta và khiến nhiều cử tri do dự phải kết luận rằng nếu không quản trị tốt trong Giáo triều Rôma, thì ngài có thể thiếu khả năng cai trị Giáo Hội Công Giáo.
Tuy nhiên, cùng một lúc, Đức Hồng Y Ouellet có một số người ủng hộ có ảnh hưởng lớn ngoài các vị người Mỹ. Trong số đó có Đức Hồng Y Joachim Meissner, tổng giám mục của Cologne, Đức, kể từ năm 1989 và trong chín năm trước làm tổng giám mục Berlin. Được rộng rãi coi là người “bảo thủ” hàng đầu trong Giáo hội Đức, ngài có tiếng rất thân với Đức Gioan Phaolô II và là một người bạn suốt đời của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger. Ngài muốn đảm bảo rằng vị giáo hoàng tiếp theo sẽ trung thành theo đường hướng và viễn kiến của hai vị tiền nhiệm. Và vì vậy, tối thứ ba tuần đó ở Santa Marta, người ta thấy ngài đứng ngoài cửa phòng thúc giục các cử tri, “bầu cho Ouellet! Bergoglio quá già!”
Về phần Đức Hồng Y Bergoglio, vòng phiếu bầu đầu tiên cho thấy ngài thực sự là một Ứng viên mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn nhiều người đã nhận ra. Có rất nhiều nhân tố trong việc ủng hộ ngài. Ngài được biết như một người rất thánh thiện, một mục tử khiêm tốn, thông minh, gây cảm hứng, không có tham vọng, tránh ánh đèn dư luận, sống một cuộc sống đơn giản và có một tình yêu nồng nàn dành cho người nghèo. Ngài chưa bao giờ sống hoặc học tập tại Rôma và không có thế giới quan Rôma. Ngài đã cai quản Tổng giáo phận Buenos Aires trong 15 năm theo cung cách thực sự mục vụ, với sự quyết đoán, thận trọng và sáng tạo; ngài có một tài năng cai trị. Kể từ Thượng hội đồng năm 2001, tầm vóc của ngài đã lớn mạnh trên phạm vi quốc tế, và tại hội nghị Celam ở Aparecida, Brazil, vào tháng 5 năm 2007, ngài đã xuất hiện như một nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của giáo hội ở khu vực này, nơi chiếm gần 50% người Công Giáo thế giới. Trên hết, ngài là một người can đảm có viễn kiến, một viễn kiến truyền giáo, có thể mở ra những chân trời mới cho Giáo Hội, một người cam kết đối thoại với người Do Thái, với người Hồi giáo, với các Kitô hữu khác và với những người không có đức tin. Trên hết, ngài là một mục tử. Lời phát biểu ngắn ngủi của ngài tại Đại hội đồng cũng như sự tương tác của ngài với nhiều vị Hồng Y trong những ngày này đã cho thấy rõ điều đó.
Khi các cử tri do dự xét xem vị nào để mình bỏ phiếu cho vào sáng hôm sau, ba nhân tố nghiêng nặng về việc ủng hộ Đức Hồng Y Bergoglio là: Thứ nhất, phần lớn các Hồng Y người Mỹ Latinh ủng hộ ngài, không một ai trong số họ nói xấu về ngái; thứ hai, ngài bộc lộ khả năng truyền đạt và truyền cảm hứng của mình khi đưa ra lời phát biểu ngắn gọn nhưng mới mẻ của mình trong Đại hội đồng; và thứ ba, ngài đã nhận được sự ủng hộ từ người châu Á và châu Phi cũng như người châu Âu. Ngoài ra, 68 cử tri đã tham gia mật nghị hội năm 2005 biết ngài là người về nhì, và một số người như Maradiaga, Monswengo, Walter Kasper, Jean-Louis Tauran, Turkson, Gracias và những người khác, cũng không cần giấu giếm sự hỗ trợ tích cực của họ đối với ngài.
Những vị do dự đã có đêm ấy để quyết định; sáng ngày mai, các ngài sẽ phải bỏ phiếu một lần nữa ….
Vũ Văn An
(vietcatholic 25.03.2019)
Để lại một phản hồi