Như chúng tôi đã đưa tin lúc 8g sáng thứ Hai 25 tháng Ba, Lễ Thiên thần Truyền tin cho Đức Bà Maria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi hành bằng trực thăng từ sân bay trực thăng Vatican để bay đến Đền Thánh Đức Mẹ Loreto cách Vatican 280km về phía Đông Bắc.
Tại đây, lúc 9g45, Đức Thánh Cha đã cử hành Thánh lễ trong Nhà Thánh.
Kết thúc Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã ký Tông huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, có tên là “Vive Cristo, esperanza nuestra”, có nghĩa là “Chúa Kitô hằng sống, niềm hy vọng của chúng ta”.
Sau nghi thức này, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin trong đền thánh.
Các Giám Mục trong miền Marche, các tu sĩ dòng Phanxicô Capuchin, các nữ tu trong vùng và cả một số anh chị em giáo dân đã có dịp chào Đức Thánh Cha trong đền thánh từng người một. Khi tiến đến Đức Thánh Cha, theo truyền thống, những người may mắn có vinh dự này sẽ cúi xuống hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ đeo bên tay phải của ngài. Cử chỉ này là một hành động tôn kính không chỉ đối với bản thân Đức Thánh Cha, mà còn đối với Chúa Kitô và Thánh Phêrô mà ngài đại diện, và mang lại ân xá cho người thực hiện cử chỉ đó.
Một đoạn video kéo dài một phút do thông tấn xã Reuters tung lên Youtube cho thấy đôi khi Đức Thánh Cha dùng tay trái che lên tay có đeo nhẫn để ngăn không cho hôn nhẫn, thậm chí có khi ngài rụt tay về phía sau.
Catholic Herald, trong bản tin hôm 26 tháng Ba, cho biết “Reuters trích dẫn lời một phụ tá gần gũi với Đức Thánh Cha nói rằng Đức Thánh Cha cảm thấy ‘buồn cười’ trước cử chỉ này”.
Đoạn video do thông tấn xã Reuters tung lên được tán phát nhanh chóng trên Internet, từ chuyên môn gọi là “go viral”, với hàng triệu người xem trong vài giờ, và không ít những lời bình luận từ hoang mang cho đến công khai chỉ trích Đức Giáo Hoàng không có lòng tôn trọng các truyền thống và các tín hữu.
Sau khi Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh từ chối bình luận về chuyện này, đã xảy ra cả các tin giả cho rằng không phải một phụ tá gần gũi với Đức Thánh Cha nói rằng Đức Thánh Cha cảm thấy ‘buồn cười’ trước cử chỉ này; nhưng chính Đức Thánh Cha nói ngài cảm thấy ‘buồn cười’ trước cử chỉ đó. Tin giả này gây thêm nhiều hoang mang.
Vì thế, hôm thứ Năm, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã lên tiếng giải thích như sau theo tường thuật của ký giả Nicole Winfield của thông tấn xã AP.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh xác về lý do tại sao ngài che lại tay đeo nhẫn khi đám đông người xếp hàng tuần này để hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ của ngài: đó là vì sợ lây lan vi trùng.
Phát ngôn viên lâm thời của Vatican, Alessandro Gisotti, cho biết hôm thứ Năm rằng Đức Phanxicô quan tâm đến vấn đề vệ sinh. Sau khi chào hỏi hàng chục người trong một hàng dài những người đến chào ngài hôm thứ Hai tại Loreto, ngài bắt đầu dùng tay trái che lên tay phải để ngăn mọi người hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ của mình.
Video về vụ việc đã lan truyền nhanh chóng trên Internet, trong đó các nhà phê bình bảo thủ giận dữ cho rằng Đức Giáo Hoàng thiếu lòng tôn trọng đối với truyền thống và đối với những tín hữu muốn tôn vinh truyền thống ấy.
Gisotti cho biết hôm thứ Năm, ông vừa nói chuyện với Đức Giáo Hoàng về điều đó, và Đức Phanxicô đã trả lời rằng không phải như thế đâu.
“Đức Thánh Cha nói với tôi rằng động lực của ngài rất đơn giản: đó là vấn đề vệ sinh,” ông Gisotti nói với các phóng viên. “Ngài muốn tránh nguy cơ lây bệnh cho người dân, chứ không phải cho ngài.”
Truyền thống hôn nhẫn của một Giám Mục hay của Đức Giáo Hoàng đã có từ hàng thế kỷ, như một dấu hiệu của sự tôn trọng và vâng phục.
Gisotti lưu ý rằng Đức Phanxicô rất hạnh phúc khi người ta hôn nhẫn ngài trong các nhóm nhỏ, nơi ít có khả năng lây lan vi trùng, như ngài vẫn thuờng làm trong các buổi tiếp kiến chung thứ tư hàng tuần, khi một số ít người xếp hàng ở cuối buổi triều yết chung có cơ hội chào đón ngài.
Một số người cúi xuống hôn chiếc nhẫn của ngài, và Đức Thánh Cha Phanxicô kiên nhẫn chờ đợi.
“Tất cả các bạn đều biết rằng ngài có niềm vui lớn trong việc gặp gỡ và ôm hôn mọi người, và được họ ôm ấp,” Gisotti nói thêm.
Đức Phanxicô được nhiều người yêu mến vì thường vui vẻ ôm hôn những đứa trẻ được trao cho ngài, và ngay cả những người khuyết tật với những hình hài khiến nhiều người phải tránh xa.
Tưởng cũng nên nói thêm, việc chào thăm Đức Thánh Cha từng người một của dòng người may mắn ở Loreto kéo dài đến hơn 13 phút chứ không phải chỉ có hơn một phút như trong đoạn video do thông tấn xã Reuters tung lên Youtube.
Theo thông tấn xã Catholic News Agency (CNA), phong tục hôn nhẫn Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục là một cử chỉ tôn kính trong Giáo hội có từ rất lâu đến mức không ai nhớ nổi bắt đầu từ lúc nào, nhưng có khả năng bắt đầu từ cuối thời Trung cổ. Cha Roberto Regoli, giáo sư lịch sử Giáo hội đương đại tại Đại học Giáo hoàng Gregoriô cho biết như trên.
Ngài nhấn mạnh rằng việc hôn nhẫn Đức Giáo Hoàng “thể hiện lòng sùng kính không phải đối với bản thân Đức Giáo Hoàng, nhưng cho những vị và những gì ngài đại diện: bao gồm sự kế thừa ngai tòa của người ngư dân Galilê xưa”, và nói lên “lòng trung thành và tình yêu đối với Giáo Hội.”
Cử chỉ hôn nhẫn này, người Ý thường gọi là “baciamano”, theo nghĩa đen có nghĩa là “hôn tay”. Tuy nhiên, cha giáo Regoli cho biết từ đó không chính xác, đúng ra là hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ của Đức Giáo Hoàng.
Theo cha giáo Regoli, phong tục hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ bắt đầu rất sớm trong lịch sử Giáo Hội, và đã được hệ thống hóa vào thế kỷ 15 trong một văn bản về các nghi lễ giáo hoàng.
Theo thông lệ, các tín hữu hôn chiếc nhẫn của một giám mục, vì sự tôn kính đối với phẩm giá của ngài như là một người kế vị các thánh tông đồ, và hôn bàn tay của một linh mục, vì nó đã được xức dầu thánh hiến để dâng Thân thể Chúa Kitô cho giáo dân tôn kính trong các thánh lễ.
Chiếc nhẫn Ngư Phủ là một trong một số những chiếc nhẫn Đức Giáo Hoàng thường đeo bên tay phải. Nói là “một trong một số những chiếc nhẫn” vì có khi ngài đeo nhẫn giám mục của mình. Chiếc nhẫn có tên là “chiếc nhẫn Ngư Phủ” vì trên đó khắc hình ảnh của Thánh Phêrô như một ngư dân, như một thiết kế tiêu chuẩn vào giữa thế kỷ 15.
Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Tứ đã dùng chiếc nhẫn này làm con dấu sáp trong ít nhất là hai lá thư của ngài được ấn ký vào năm 1265 và 1266. Nhìn chung, chiếc nhẫn Ngư Phủ thường sử dụng làm con dấu sáp trong các thư riêng của Đức Giáo Hoàng thay cho con dấu chì chính thức được sử dụng cho các tài liệu giáo hoàng trang trọng.
Vào năm 1842, việc sử dụng nhẫn như con dấu sáp đã được thay thế bằng một con tem, nhưng đó chỉ là một nhiệm ý, các vị Giáo Hoàng vẫn có thể dùng chiếc nhẫn Ngư Phủ để đóng dấu. Vì thế, mỗi vị Giáo Hoàng vẫn nhận được một Chiếc nhẫn Ngư Phủ độc nhất cho riêng ngài khi bắt đầu triều giáo hoàng. Chiếc nhẫn sau đó bị phá hủy ngay sau khi ngài qua đời để tránh có người dùng nhẫn ấy để ngụy tạo các văn bản của vị Giáo Hoàng quá cố.
Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 thoái vị vào ngày 11 tháng Hai, 2013, và sau khi ngài chấm dứt triều Giáo Hoàng của ngài hôm 28 tháng Hai, 2013, Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, trong tư cách là Hồng Y Nhiếp Chính, đã cắt chiếc nhẫn Ngư Phủ của Đức Bênêđíctô thành 115 miếng nhỏ, tương ứng với số 115 Hồng Y cử tri.
Vào đầu thế kỷ 20, Đức Giáo Hoàng Piô X đã truyền ban ơn tiểu xá cho những ai hôn chiếc nhẫn Ngư Phủ. Vì thế, truyền thống hôn Chiếc nhẫn Ngư Phủ đã trở nên thịnh hành.
Cha Regoli giải thích rằng truyền thống hôn Chiếc nhẫn Ngư Phủ của Đức Giáo Hoàng còn trở nên thịnh hành hơn trước đó nữa sau khi Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục loại bỏ các hình thức thể hiện sự tôn kính và vâng phục Đức Giáo Hoàng như hôn chân, vai và má của Đức Giáo Hoàng.
Cha Johannes Grohe, một giáo sư về lịch sử Giáo Hội tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Giá, nói với CNA rằng cho đến nay cử chỉ kính chào một giám mục với việc hôn chiếc nhẫn của ngài để bày tỏ lòng tôn kính phẩm giá giám mục của ngài vẫn còn “khá phổ biến” trong Giáo Hội.
Trong quá khứ, “cử chỉ này được đi kèm với việc cúi đầu hoặc bái gối,” cha Grohe nói. Tuy nhiên, “trong khi việc hôn nhẫn giám mục trong một cử chỉ chào đón chính thức vẫn đang được sử dụng rộng rãi, việc bái gối rất ít xảy ra.”
Theo CNA, Đức Thánh Cha Phanxicô dường như không đeo chiếc nhẫn Ngư Phủ đó tại Loreto hôm 25 tháng 3. Cơ quan truyền thông Công Giáo này nhận xét rằng Đức Phanxicô thường chỉ đeo chiếc nhẫn Ngư Phủ trong các nghi lễ được cử hành tại Đền Thờ hay Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài thường chỉ đeo chiếc nhẫn giám mục của ngài trong các dịp khác.
Đặng Tự Do
(vietcatholic 28.03.2019/AP)
Để lại một phản hồi