Kinh nghiệm truyền giáo tại Cuba của 3 linh mục Milan

Ngày 21.10.2017, lần đầu tiên giáo phận Milano của Ý gửi các linh mục “hồng ân đức tin” đến Cuba. Đó là các cha Adriano Valagussa, Marco Pavan, và cha Ezio Borsani.

cuba.jpg
Một nhóm xiệc người Cuba gặp ĐTC

Cha Adriano Valagussa

Chiếc xe jeep của Mỹ được sản xuất năm 1952 tiến lên một cách từ từ, dọc theo những sườn dốc bùn lầy mềm nhão của Sierra Maestra. Trời vừa mưa xong, rừng rậm xanh tươi, những con đường lầy lội. Cha Adriano Valagussa, 68 tuổi, đầy nhiệt huyết, dẫn đầu một “cuộc thám hiểm” nhỏ, bao gồm một tài xế và hai giáo lý viên – một nam và một nữ – ở làng La Aduana. Có một cộng đồng nhỏ đang chờ cha, chủ yếu là trẻ em, một số phụ nữ, một bà già, một vài thanh thiếu niên, không có đàn ông.

Họ đến và ổn định vị trí trong một ngôi nhà nhỏ, chỉ lớn hơn một túp lều, có một vài chiếc ghế dài, một cái bàn nhỏ, một vài dụng cụ trong nhà bếp liền kề. Trên tường không thể thiếu hình của Fidel Castro và của Đức Trinh nữ Cobre. Cả hai đều thuộc về nơi đây. Fidel là người con của xứ Sierra này, người khởi phát cuộc cách mạng đánh dấu lịch sử Cuba trong 60  năm qua. Đức Trinh nữ được tôn kính trong một đền thánh rất nổi tiếng, được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII, cách đó vài cây số, trên con đường dẫn đến Santiago, trong một khu mỏ có nhiều đồng. Cobre, tiếng Tây ban nha có nghĩa là đồng. Đó là nguồn gốc của tên gọi Đức Trinh nữ Cobre.

Cách mạng và Kitô giáo tiếp tục cùng tồn tại ở Cuba, giữa nhiều mâu thuẫn và hạn chế. Ngay cả trong thời kỳ Fidel Castro. Ở đất nước này – bị kẹt giữa sức nặng của quá khứ và sự kìm kẹp ngày càng ngột ngạt của lệnh cấm vận của Hoa Kỳ – ba linh mục “hồng ân đức tin” của Milan đã kín đáo đến đây: cha Adriano Valagussa lần đầu tiên sống kinh nghiệm truyền giáo; cha Marco Pavan, 44 tuổi, cũng là một người mới đi truyền giáo lần đầu; và cha Ezio Borsani, người đã có những năm dài ở Cameroon, Peru và Brazil. Cha là “người tiên phong” ở ba quốc gia này, và bây giờ cha cũng là tiên phong ở Cuba.

Sự thật là ngay ở Cuba cũng không thiếu những nhà thờ chính tòa vĩ đại như nhà thờ ở LaHabana hay nhà thờ của thành phố Santiago, giáo phận nơi họ đến. Những tòa nhà hùng vĩ, với kiến ​​trúc Barốc, làm chứng cho một lịch sử cổ xưa, được đánh dấu bằng bốn trăm năm thống trị của thực dân Tây Ban Nha. Nhưng trên hết là chiều kích của các cộng đồng nhỏ, mà các nhà truyền giáo Milan được mời gọi đến làm việc. Bởi vì tương lai của Giáo hội Cuba được hình thành trên hết từ các casa mision, các cộng đoàn Kitô giáo ở quy mô gia đình.

Gặp gỡ dân chúng trên các cánh đồng

Cha Adriano chia sẻ: “Trải nghiệm đẹp nhất – chính xác là kinh nghiệm đi “đến cánh đồng”, ở giữa những người nông dân, trong các vùng nông thôn. Chúng tôi đã quen gọi người dân đến giáo xứ, nhưng ở đây chúng tôi là những người phải đi ra ngoài, gặp gỡ mọi người, mang Tin Mừng. Không có gì là chuyện hiển nhiên”. Cha Adriano nói với các trẻ em rằng cha đến để cử hành Thánh lễ. Các em có vẻ hoang mang và đặt câu hỏi: “Nhưng Thánh lễ là gì?”. Với vốn tiếng Tây Ban Nha có chút “sáng tạo”, cha giải thích ý nghĩa của việc cử hành này.

Cha Marco Pavan

Palma Soriano là một thành phố có khoảng 130 ngàn dân, nhưng chỉ có vài trăm người Công giáo. Họ được tổ chức thành các cộng đồng nhỏ, tại các tư gia và vào Chúa nhật họ đến nhà thờ hơi cũ kỹ do cha Adriano và cha Marco phụ trách. Cha Marco kể: “Có 13 ngôi nhà thờ trong thành phố và 16 ngoài thành phố; chúng tôi có thể đến dâng Thánh lễ khoảng một tháng một lần”.

Ngày 04.11.2016, khi Đức Hồng y Angelo Scola tuyên bố khai mạc sự hiện diện mới tại Cuba, cha Marco liên nghĩ ngay: “Cái này là dành cho tôi!” Một ơn gọi trong ơn gọi đã được hiện thực hóa ở một nơi và trong bối cảnh khác với bất kỳ “kế hoạch” truyền giáo nào. Cha Marco đang “cân nhắc về trải nghiệm mới này. Cha thừa nhận: “Có tất cả mọi thứ để học! Đó là một vụ cá cược tốt, bạn không có nguy cơ rơi vào thói quen”.

Cha kể về những người trẻ, không đông lắm, về các giáo lý viên, khoảng 20, và các thiêu niên sau giờ học ở trường, từ 40 đến 50. Cha nói: “Chúng tôi muốn mở rộng hoạt động này, nhưng không dễ dàng gì vì việc di chuyển thực sự là vấn đề đối với mọi người”.

Đức tin trở nên sống động hơn thông qua các mối quan hệ gần gũi

Trên thực tế, ngoài con đường chính, nơi một ít xe hơi thường lưu thông, hầu hết các phương tiện giao thông vẫn là xe ngựa kéo. Đó là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất – nhưng không phải là dấu hiệu duy nhất – của một sự nghèo đói nặng nề và lan rộng. Người già thật khó để sống sót. Nhiều người trong số họ có mức lương hưu từ 100 đến 200 peso mỗi tháng, từ 4-8 euro. Cha Marco nói : “Đây là lý do tại sao chúng tôi đã mở một căng tin, nơi chúng tôi phục vụ khoảng hai mươi bữa ăn mỗi ngày. Nhưng nhu cầu sẽ lớn hơn nhiều”.

Cách đó không xa, có ba nữ tu người Uganda, mà theo cha Marco, “rất giỏi trong các mối tương quan”. Cùng với một phó tế, họ phụ trách các hoạt động của giáo xứ rộng lớn và phức tạp này, nơi đức tin trở nên sống động hơn tất cả thông qua các mối quan hệ gần gũi.

Cha Ezio Borsani

Nửa giờ đi bằng đường bộ, tại thị trấn Contramaestre, cha Ezio tự mình thực hiện một công việc tuyệt vời, không khác biệt lắm. Cha đã có một kinh nghiệm truyền giáo lâu dài. Cha nhớ lại: “Từ năm 1987 đến 1994, tôi đã ở Cameroon, nơi chúng tôi bắt đầu sự hiện diện của phong trào “hồng ân đức tin” của giáo phận Milan ở phía bắc nước này. Sau đó, sau 2 năm ở Nova Milanese, tôi đi châu Mỹ Latinh: điểm đến là Peru. Tôi ở 11 năm trong một giáo xứ ở Andes, ở độ cao 3.400 mét. Do đó, tôi đã thành lập một giáo xứ ở một vùng tại Braxin”.

Nói tóm lại, cha Ezio là một người không cho phép mình bị ấn tượng bởi những thách thức và sự mới lạ. Và cha đã sẵn sàng bắt đầu lại ở tận phía đông của Cuba. Contramaestre là một thành phố với hơn 100 ngàn cư dân, chỉ có một nhà thờ ở khu vực thành thị và ở nông thôn thì không có. Cha chia sẻ: “Số tín hữu Công giáo rất ít và già nua – những người trẻ tuổi gần như không tồn tại. Giữa những người 40 và 50 tuổi, thực tế có một khoảng trống. Chúng ta đang ở trong bối cảnh truyền giáo như thời kỳ đầu của Giáo hội”.

Cha cũng bắt đầu một chương trình sau giờ học, thăm người già và người bệnh, những cuộc gặp gỡ cá nhân … Cha kể tiếp: “Chúng tôi đã thành lập một số ngôi nhà truyền giáo với những nhóm nhỏ khoảng 10 người, và tôi cố gắng đảm bảo việc cử hành Lời Chúa”.

Mối quan hệ hỗ tương: cho và nhận

Cha Ezio khẳng định: “Không chỉ như thế. Sự hiện diện của chúng tôi ở đây có ý nghĩa cả đối với Giáo hội Cuba, nơi thiếu thốn các linh mục cách trầm trọng, nhưng cũng có ý nghĩa đối với Giáo hội ở Milan.” Cha cho biết là chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám mục Mario Delpini vào tháng 4 năm ngoái là một dấu hiệu quan trọng: ngài đã cho chúng tôi lòng can đảm và nhiệt tình cho sứ mệnh của mình, nhưng cha cũng nói rằng Milan mở cửa cho thế giới trong mối quan hệ hỗ tương, cho và nhận. Nhiệm vụ của chúng tôi cũng là một sự phong phú cho giáo phận gốc của chúng tôi”.

Hồng Thủy

(VaticanNews 05.04.2019)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*