ĐTC Phanxicô:Tất cả chúng ta đều là tội nhân và cần sự tha thứ

Như chúng ta cần lương thực hàng ngày thế nào thì chúng ta cũng cần được tha thứ như thế. Chúng ta nợ Thiên Chúa về mọi sự chúng ta có, như là quà tặng đến từ Người: sự sống, cha mẹ, bạn hữu, vũ trụ,… Chúng ta biết yêu thương vì chúng ta được yêu thương, biết tha thứ vì chúng ta được tha thứ.

Kết quả hình ảnh cho blessing

Trong bài giáo lý trình bày với các tín hữu trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 10.04.2019, ĐTC nói về lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. ĐTC nhắc rằng không ai trong chúng ta là người hoàn hảo, dù là người thánh thiện nhất trong chúng ta; chúng ta cần được tha thứ để cũng biết tha thứ.

Chúng ta cần sự tha thứ của Chúa mỗi ngày

Bắt đầu bài giáo lý, ĐTC khẳng định rằng chúng ta cần sự tha thứ của Chúa. Sau khi đã xin Chúa ban cho cơm bánh hàng ngày, Kinh Lạy Cha đi vào trong lĩnh vực các mối tương quan của chúng ta với tha nhân. Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu xin Chúa Cha: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con tha cho những người mắc nợ chúng con” (Mt 6,12). Chúng ta cần lương thực như thế nào thì chúng ta cũng cần sự tha thứ như thế. Mọi ngày.

  

Không ai là người hoàn hảo

Trước hết, Kitô hữu cầu xin Chúa Cha để các “món nợ” của mình được tha thứ; đó là các tội lỗi của mình, những điều xấu mà mình đã làm. Đây là sự thật đầu tiên của mọi lời cầu nguyện: ngay cả nếu chúng ta là những con người hoàn hảo, ngay cả nếu chúng ta là những vị thánh được tôi luyện, không bao giờ đi chệch ra khỏi đời sống tốt lành, thì chúng ta vẫn luôn là những người con mắc nợ Chúa Cha mọi thứ.

Kiêu ngạo là thái độ nguy hiểm nhất trong đời sống Kitô giáo

Tiếp đến, ĐTC lưu ý rằng: Thái độ nguy hiểm nhất trong đời sống Kitô giáo là sự kiêu ngạo. Đó là thái độ của những người đứng trước Thiên Chúa và nghĩ rằng mọi điều mình làm luôn đúng, đối với Chúa: người kiêu ngạo tin rằng anh ta không có sai lỗi nào. Giống như người Pharisêu trong dụ ngôn, ở trong đền thờ và nghĩ đến việc cầu nguyện, nhưng thực tế là ông ta tự khen ngợi mình trước mặt Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, bởi vì con không những người khác”. Những người cảm thấy mình hoàn hảo, những người phê bình chỉ trích người khác, là những người kiêu ngạo. Không ai trong chúng ta là người hoàn hảo.

Trái lại, người thu thuế, đứng ở cuối đền thờ, một tội nhân thất vọng về chính mình, dừng lại ở ngưỡng cửa đền thờ, cảm thấy mình không xứng đáng đi vào đền thờ và tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu nhận định: “Người này, khác với người kia, khi trở về nhà đã được nên công chính” (Lc 18,14), nghĩa là được tha thứ, được cứu độ. Tại sao? Bởi vì ông ta không kiêu ngạo, bởi vì ông ta nhận ra những giới hạn và tội lỗi của mình.

Tội kiêu ngạo rất “tinh tế” và nguy hiểm

ĐTC nhận định rằng: Có những thứ tội chúng ta có thể nhìn thấy và có những thứ tội mà chúng ta không nhìn thấy, những tội được ẩn dấu. Có những tội nghiêm trọng, gây ồn ào, nhưng có những thứ tội “tinh tế”, làm tổ trong con tim mà cả chúng ta cũng không nhận ra chúng. Tội xấu nhất trong các thứ tội này đó là sự kiêu căng, thứ tội có thể lây nhiễm cả những người sống một cuộc sống đạo đức sốt sắng. Ngài đưa ra một ví dụ: Có một nhà dòng nữ kia, vào những năm 1600-1700, vào thời Jansenism, rất nổi tiếng. Họ là những nữ tu vô cùng hoàn hảo và họ nói rằng mình vô cùng trong sạch giống như các thiên thần vậy. Nhưng họ kiêu ngạo như ma quỷ. Đó là một điều xấu. Tội lỗi chia rẽ tình huynh đệ; tội lỗi khiến chúng ta xem mình tốt lành hơn người khác, làm cho chúng ta tin rằng mình giống như Chúa.

Ngược lại, trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là tội nhân, và chúng ta có lý do để đấm ngực, như người thu thuế ở đền thờ. Thánh Gioan viết trong thư thứ nhất của ngài: “Nếu chúng ta nói chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1 Gv 1,8). Nếu bạn muốn lừa dối chính mình thì hãy nói rằng bạn không có tội: bạn đang lừa dối.

 

Chúng ta nợ Thiên Chúa tất cả

Chúng ta mắc nợ bởi vì trước hết, trong cuộc sống này, chúng ta đã nhận được rất nhiều: sự hiện hữu, một người cha và một người mẹ, tình bạn, những điều kỳ diệu trong vũ trụ … Ngay cả khi chúng ta trải qua những ngày khó khăn, chúng ta phải luôn nhớ rằng cuộc sống là một cuộc sống là một hồng ân, là phép lạ mà Thiên Chúa đã làm từ nhưng không.

“Mầu nhiệm của mặt trăng”: yêu thương vì được yêu thương; tha thứ vì được tha thứ

ĐTC dùng ý tưởng “mầu nhiệm của mặt trăng” để giải thich rằng chúng ta là người mắc nợ vì ngay cả khi chúng ta có thể yêu thương, không ai trong chúng ta có khả năng yêu thương chỉ bằng sức lực của mình. Tình yêu thật sự … chúng ta có thể yêu thương, nhưng với ơn Chúa. Không ai trong chúng ta tỏa sáng bằng chính ánh sáng của mình. Có một điều mà các thần học gia cổ xưa gọi là “mầu nhiệm của mặt trăng” không chỉ trong căn tính của Giáo hội, mà cả trong lịch sử của mỗi người chúng ta. Nghĩa là gì? Giống như mặt trăng không có ánh sáng của chính nó: nó phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Cả chúng ta cũng thế. Chúng ta không có ánh sáng của chính mình: ánh sáng chúng ta có là phản chiếu ân sủng của Thiên Chúa, là phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa. Nếu bạn yêu thương là bởi vì có một người, không phải là bạn, đã mỉm cười với bạn khi bạn còn là một đứa trẻ và dạy bạn đáp trả lại bằng một nụ cười. Nếu bạn yêu thương là bởi vì một ai đó ở bên cạnh bạn đã đánh thức tình yêu ở trong bạn, làm cho bạn hiểu ý nghĩa của sự hiện hữu ở trong người này như thế nào.

Chúng ta thử lắng nghe câu chuyện của người nào đó đã hành động sai lầm: một tù nhân, một người bị kết án, một người nghiện ma túy… chúng ta biết rất nhiều người sai lầm trong cuộc sống. Không kể đến trách nhiệm, vốn luôn là của cá nhân, đôi khi bạn tự hỏi ai là người có lỗi trong sự sa ngã của người này, có phải chỉ là lương tâm của anh ta, hay là lịch sử của sự thù hận và bỏ rơi mà người đó đã trải qua.

Và đây là mầu nhiệm của mặt trăng: chúng ta yêu thương, trước hết bởi vì chúng ta được yêu thương, chúng ta tha thứ bởi vì chúng ta được tha thứ. Và nếu ai đó không được chiếu sáng bởi ánh sáng của mặt trời thì sẽ trở thành giá lạnh như trái đất trong mùa đông.

Làm sao chúng ta không nhận ra rằng, trong chuỗi tình yêu xảy đến trước trong cuộc đời chúng ta, cũng có sự hiện diện quan phòng của tình yêu Thiên Chúa? Không ai trong chúng ta kính yêu Chúa như Người đã yêu thương chúng ta. Chỉ cần đặt mình trước cây thập giá để nhận ra sự bất tương xứng: Người đã yêu chúng ta và luôn yêu thương chúng ta trước.

Cuối cùng, ĐTC mời gọi các tín hữu cầu nguyện: Lạy Chúa, ngay cả người thánh thiện nhất trong chúng con cũng không ngừng là người mắc nợ Chúa. Lạy Cha, xin thương xót tất cả chúng con!

Hồng Thủy

(VaticanNews 10.04.2019)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*