Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Thưa cha, khi nào sự cử hành hiện đại của Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa vào chiều tối được thiết lập? Lễ Tiệc Ly trước kia mang hình thức nào, khi tất cả các Thánh Lễ phải được cử hành trước buổi trưa? Ngoài ra, xin cha cho biết thêm về sự phát triển của Tam nhật thánh trong hai thiên niên kỷ qua? Con nghĩ rằng nó đã thay đổi theo thời gian, đặc biệt là khi việc rửa tội trẻ sơ sinh trở nên phổ biến ở phương Tây, và sau đó trong các thập niên 1960 và 1970 trong “sự phục hồi” của Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn (RCIA). – D. S., Peoria, Illinois, Hoa Kỳ.
Đáp: Tôi sẽ cố gắng có một câu trả lời tóm lược, bởi vì đây là các câu hỏi đòi hỏi câu trả lời dài bằng cả một cuốn sách. Tôi sẽ nói ngắn gọn về vấn đề tổng quát của Tam Nhật thánh (hay Tam nhật Phục sinh) và sau đó nói về Thứ Năm Tuần Thánh. Nếu Chúa muốn, chúng tôi sẽ nói về các ngày lễ khác trong các dịp khác sau này.
Các đề cập sớm nhất về Tam nhật thánh thường không bao gồm Thứ Năm Tuần Thánh. Thí dụ, thánh Ambrôxiô (337-397) đã viết về Tam nhật thánh, mà trong đó Chúa Kitô “chết, yên nghỉ và phục sinh”. Khoảng năm 1000, do sự việc rằng lễ Vọng Phục sinh bắt đầu được cử hành vào sáng Thứ bảy tuần Thánh, khái niệm Tam nhật thánh bắt đầu bao gồm cả Thứ Năm Tuần Thánh. Sau khi Đức Thánh Cha Piô XII phục hồi lễ Vọng Phục Sinh năm 1951 và sau đó, năm 1955, đã cải cách toàn bộ cấu trúc của Tuần Thánh, Tam nhật thánh bắt đầu bằng Thánh Lễ Tiệc Ly vào chiều tối.
Nội dung cải cách của Đức Thánh Cha Piô XII là giống như ngày nay, mặc dù lễ cử hành hiện tại có khác về nhiều chi tiết.
Ban đầu, có vẻ như ở Rôma không có Thánh Lễ vào các ngày Thứ Năm Mùa Chay, kể cả Thứ Năm Tuần Thánh. Tuy nhiên, có một nghi thức hòa giải của các hối nhân được tổ chức vào sáng ngày này, để họ có thể được rước lễ trong lễ Vọng Phục sinh.
Ở bên ngoài Rôma, một Thánh lễ được cử hành. Điều này là đặc biệt đúng với Giáo Hội Giêruxalem, nơi mà các Kitô hữu có xu hướng làm sống lại các sự kiện của Tuần Thánh trong bối cảnh ban đầu của chúng. Do đó, các người hành hương đến Đất Thánh, chẳng hạn phụ nữ nổi tiếng Egeria (khoảng năm 380), đã mô tả các buổi cử hành, như lễ Tiệc Ly vào chiều tối.
Các người hành hương này thường mang các tập tục như thế về quê hương của họ.
Có bằng chứng rõ ràng, từ khoảng năm 450, rằng việc cử hành Thánh Lễ được thực hiện ở Rôma, cùng với sự thánh hiến riêng biệt các loại dầu thánh. Hai nghi thức được kết hợp thành một trong khoảng một thế kỷ sau đó, và được ghi lại trong một bản viết tay năm 546-547. Cho đến thế kỷ VII chúng ta mới thấy có Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa. Vào đầu thế kỷ VIII, các Thánh lễ gồm có ba: một cho sự hoà giải, một cho việc làm phép các dầu thánh, và một cho Bữa Tiệc Ly. Hai Thánh lễ sau đã được giảm ngắn, không có phần phụng vụ Lời Chúa.
Với việc hủy bỏ sự sám hối công khai, cuối cùng Thánh lễ hòa giải đã biến mất và không còn được tìm thấy trong các bản viết tay sau năm 790. Thánh lễ Dầu cũng biến mất trong thực tế, và nghi thức làm phép các dầu thánh được chèn vào Thánh Lễ Tiệc Ly, chắc chắn không trễ hơn dưới thời Đức Thánh Cha Grêgôriô II (715-731).
Các cải cách của Đức Thánh Cha Piô V năm 1570 đã cấm việc cử hành Thánh Lễ sau buổi trưa, và Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa, Thánh Lễ duy nhất hiện nay được cử hành vào Thứ Năm Tuần Thánh, đã trở thành một Thánh Lễ ban sáng. Các truyền thống, như tôn thờ bàn thờ Chúa yên nghỉ, được thực hiện cách đơn giản cho nơi nào có Thánh lễ sau đó.
Tình hình vẫn là như thế, cho đến khi các cải cách của Đức Thánh Cha Piô XII khôi phục Thánh lễ vào chiều tối. Cho đến khi Thánh lễ đồng tế được tái lập trong Công Đồng chung Vatican II, Thánh Lễ Tiệc ly này được các Giám mục cử hành trong nhà thờ chính tòa (với việc làm phép các dầu thánh), và bởi một linh mục trong các nhà thờ khác. Tất cả các linh mục khác tham dự Thánh lễ, chứ không cử hành lễ vào ngày này.
Trong cuộc cải cách của mình, Đức Thánh Cha Piô XII khôi phục Thánh Lễ Dầu ban sáng, và Giám mục cử hành Thánh lễ này. Cuộc cải cách của Đức Thánh Cha Phaolô VI đã làm cho lễ này thành Thánh lễ đồng tế, với việc các linh mục nhắc lại lời hứa trước mặt Giám mục.
Đức Thánh Cha Piô XII cũng khôi phục Thánh lễ Tiệc Ly vào chiều tối với nghi thức rửa chân. Để làm cho Thánh lễ chiều tối khả thi, trước đó Đức Thánh Cha đã ban hành sắc lệnh giảm bớt việc giữ chay Thánh Thể từ nửa đêm của ngày rước lễ, xuống còn ba giờ chay trước khi rước lễ.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 21-3-2017)
Để lại một phản hồi