Cách đây đúng 125 năm, vào ngày 25.5.1887, Padre Pio, một tu sĩ Dòng Kapuziner (một chi nhánh của Dòng Phanxicô), cất tiến khóc chào đời tại xứ đạo Pietrelcina thuộc tỉnh lẻ Benevent, Kampanien, miền Nam Ý.
Vì cha mẹ ngài vốn có lòng tôn kính thánh Phanxicô Assisi đặc biệt, nên khi đem con đi rửa tội, các ngài đã lấy tên thánh Phanxicô để đặt tên cho con. Và như vị đại thánh, Đấng sáng lập Dòng các Anh Em Hèn Mọn, đã từng canh tân và củng cố đức tin Kitô giáo trong thời trung cổ một cách sâu rộng và hiệu quả, Padre Pio cũng là một trong các vị đại thánh của Giáo Hội trong thời tân tiến ngày nay. Qua lời khuyên bảo và giảng dạy, qua đời sống thánh thiện và qua các hành động lạ lùng của ngài, vị tu sĩ đơn sơ thuộc Dòng Kapuziner ở San Giovanni Rotondo này đã dẫn đưa hằng triệu người trở lại với đức tin của Giáo Hội. Và thánh Padre Pio – cũng như thánh Phanxicô, Đấng sáng lập Dòng, đã được diễm phúc mang 5 dấu đanh của Chúa trên mình – rất có lòng yêu mến Mẹ Maria và hằng ngày lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ. Nhất là đối với Đức Mẹ Fatima, Padre Pio đã có một mối liên lạc hết sức đặc biệt. Cách đây mười năm, vào ngày 16.6.2002, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tấn phong Padre Pio lên bậc Hiển Thánh.
Vào ngày 24.4.1959 Padre Pio bị lâm trọng bệnh. Nhưng ngày hôm ấy cũng chính là ngày tượng Đức Mẹ Fatima thánh du đến nước Ý, để trong nhiều tháng tiếp sau đó lần lượt được hàng vạn tín hữu cung nghinh và chào đón tại nhiều Thánh Đường ở các thành phố khác nhau trên lãnh thổ nước Ý. Bắt đầu từ ngày ấy trở đi, bệnh tình của Padre Pio mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng. Các bác sị chuẩn đoán là ngài bị bệnh sưng phổi và bị ung nhọt trong phổi. Bệnh tình khiến cha không còn có thể cử hành Thánh Lễ hay ngồi tòa giải tội được nữa. Và ngày 6.4.1959, khi tượng Đức Mẹ Fatima thánh du được nghinh đón tại San Giovanni Rotondo, nơi cha Pio ở, và dừng lại ở đây trong vòng mấy tháng trời. Cha Pio đã đón nhận tin vui đó như một „ơn đặc biệt“. Vì thế, bắt đầu ngày 27.7.1959, cha đã làm Tuần Chín Ngày để kính nhớ cuộc thăm viếng của Đức Mẹ.
Ngày 6.8.1959, các Thầy Dòng trong Tu Viện đã chở Padre Pio vào phòng thánh nhà thờ Tu Viện để cha có thể chào kính tượng Đức Mẹ Fatima. Dù đang bị bệnh nặng, cha cũng đã cố gắng đem hết sức lực để âu yếm ôm hôn tượng Đức Mẹ và dâng kính Đức Mẹ một chuỗi tràng hạt. Nhưng vì sức khỏe quá yếu, nên Padre Pio đã không thể ở lại lâu bên tượng Đức Mẹ được. Vào buổi chiều cùng ngày, khi chiếc trực thăng cất cánh để chở tượng Đức Mẹ tới một Nhà Thờ khác, cha Pio đã xin các anh em Tu Sĩ trong Dòng giúp đưa ngài đến bên cửa sổ phòng của ngài, để ngài có thể giả từ tượng Đức Mẹ thánh du. Khi nhìn chiếc trực thăng chở tượng Đức Mẹ cất cánh bay lên, cha đã không cầm nỗi nước mắt. Cha đã khóc và thầm thì cầu nguyện: „Lạy Mẹ dấu yêu, Mẹ đã tới thăm nước Ý còn con thì đau ốm. Nhưng bây giờ Mẹ lại ra đi, Mẹ muốn bỏ lại con cứ đau ốm thế này một mình sao?“.
Trong giây lát ấy, bỗng chốc người phi công tự nhiên quay trực thăng lại và bay ba vòng trước cửa sổ phòng Padre Pio, rồi mới bay đi luôn. Sau này chính vị sáng lập Đạo Binh Xanh Đức Mẹ người Ý lúc bấy giờ cũng ngồi trong chiếc trực thăng ấy đã kể lại: „Lúc ấy khi chúng tôi vừa cho trực thăng bay lên và định bay đi luôn, thì người phi công bỗng vặn tay lái cho chiếc trực thăng quay trở lại và bay đi lượn lại trên Tu Viện San Giovanni Torondo mấy vòng nữa rồi mới bay đi hẳn. Thấy vậy tôi đã hỏi người phi công là tại sao anh lại hành động như thế, thì anh đã trả lời là có một sức mạnh vô hình bắt anh phải quay trực thăng lại và bay vòng trên cửa sổ Tu Viện, nơi Pdre Pio đang đứng.“ Và trong khi chiếc trực thăng chở tượng Đức Mẹ bay mấy vòng đặc biệt trước cửa sổ vòng cha Pio ở như thế, thì đã xảy ra một hiện tượng lạ lùng: Cha Pio hoàn toàn được khỏi bệnh. Sau này, cha giải tội của Padre Pio tường trình: „Trong lúc bấy giờ, cha Pio cảm thấy trong mình tràn ngập một sức mạnh vô hình và ngài đã gọi các Thầy lại và nói: „Tôi đã được khỏi bệnh rồi! Đức Mẹ Fatima đã chữa lành cho tôi. Khi đứng ở cửa sổ tôi cảm thấy khắp các xương cốt trong người run lên và tôi lập tức được khỏi bệnh.“ Và về sau, ngài còn kể: „Tôi cảm tạ Đức Trinh Nữ Fatima. Trong chính ngày Đức Mẹ giả từ chúng ta ở đây, tôi lại cảm thấy trong người rất dễ chịu.“ Quả thật, từ giây phút ấy trở đi, Padre Pio lại khỏe mạnh bình thường như thể ngài chưa bao giờ bị bệnh tật gì cả.
Khi một phóng viên hỏi ngài là tại sao Đức Mẹ được chở từ Fatima bay sang San Giovanni Torondo mà lại không tới thánh địa nổi danh tôn kính Tổng lãnh Thiên Thần Michael tại núi Sant´Angelo ở gần đó, thì người tôi tớ Chúa đã trả lời một cách hết sức đơn sơ dí dỏm: „Đức Mẹ Fatima đến San Giovanni Torondo là vì Đức Mẹ muốn chữa bệnh cho cha Pio.“
Trong suốt đời ngài, thánh Padre Pio luôn gắn bó mật thiết với Đức Mẹ Fatima và sứ điệp của Mẹ. Padre Pio đã sống và thực thi lời kêu mời của Mẹ „Các con hãy lần hạt Mân Côi hằng ngày“ một cách rất nghiêm chỉnh. Vì thế, người ta nhìn thấy thánh nhân luôn cầm tràng chuỗi Mân Côi trong tay, và ở bất cứ nơi nào ngài đến, thánh nhân đều quảng bá phép lần hạt Mân Côi. Có lần một khách hành hương nữ nói với ngài: „Thưa cha, người ta nói rằng ngày nay mà còn lần hạt Mân Côi là không hợp thời, và trong nhiều nhà thờ người ta cũng bỏ không còn lần hạt nữa.“ Padre Pio đã trả lời: „Chúng ta hãy làm điều cha ông chúng ta đã từng làm, rồi mọi sự lại tốt đẹp thôi“. „Nhưng Satan đang thống trị thế giới“, người khách hành hương nữ đáp lại. Bấy giờ Padre Pio liền nói: „Bởi vì thế giới muốn để cho Satn cai trị mình! …Ai siêng năng cầu nguyện, thì được rỗi, còn ai lười biếng cầu ngyện, thì sẽ gặp nguy hiểm. Còn những người không hề cầu nguyện, sẽ mất linh hồn.“
Ngày 23.9.1968, khi đang trong cơn hấp hối tại Tu Viên San Giovanni Torondo, cha Pio đã thì thầm nói với các anh em Tu Sĩ của ngài: „Anh em hãy yêu mến Mẹ Maria và hãy truyền bá tình yêu ấy ra cho mọi người! Hãy luôn luôn lần hạt Mân Côi!“
Đó là những lời cuối cùng, và đồng thời cũng là những trăn trối của của Padre Pio, của một đại thánh thời đại chúng ta ngày nay. Và tất nhiên, trong lúc hấp hối thánh nhân vẫn cầm chặt trong tay chuỗi tràng hạt Mân Côi và ngài sẽ cầm chặt như thế mãi cho tới khi vượt qua biên giới cuộc đời tạm bợ này để bước vào cuộc sống vĩnh cửu trên Quê Trời, vì ngài là một vị đại thánh của Đức Mẹ Fatima!
(Trích từ Nguyệt San „Fatima Ruft“, 2/2012, số 217)
Lm Nguyễn Hữu Thy
Để lại một phản hồi