Mang thánh giá là một lời hứa, lời mời gọi, và lời nhắc nhở cho tôi
Hình ảnh Chúa Kitô treo trên thập giá xa xưa nhất là hình trên những cánh cửa gỗ của Vương cung Thánh đường Santa Sabina trên đời Aventine ở Roma, có từ thế kỷ V. Trước đó, các Kitô hữu không họa nên những hình ảnh thập giá đinh sắt lưỡi đòng. Mà chỉ có những thập giá kim cương, là những thập giá làm bằng vàng và đính đá quý, nhưng không có hình Chúa Kitô Chịu Đóng đinh, và ngay cả thập giá kim cương này cũng chỉ có từ thế kỷ IV.
Trước đó, các Kitô hữu tránh tất cả mọi hình tượng về thập giá. Không hẳn là bởi hình ảnh thập giá bị cấm đoán bách hại, nhưng là bởi bản chất gây tranh cãi của biểu tượng này. Trong ít nhất hai thế kỷ sau khi Chúa Kitô chết, các thập giá vẫn là nơi treo xác những nô lệ chết trong đau đớn của Đế chế Roma. Do đó, thập giá là một biểu tượng gây nhiều hoang mang, khiến cho nhiều người nghĩ rằng.
Tại sao tôi lại mang thánh giá?
Và tôi cũng nghĩ mãi câu này. Bởi một mặt, Chúa Kitô Chịu Đóng đinh “không uy nghi mà cũng không đẹp” (Isaiah 53, 2-3) nhưng mặt khác chính khi Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá, Chúa Cha đã nói với Ngài, “Con là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 3, 17) Thánh giá tôi đeo quanh cổ nhắc nhở tôi tự vấn mình rằng “Tôi có đẹp lòng Cha không? Tôi có làm đẹp lòng Người với những suy nghĩ, quyết định, lời nói và việc làm của mình hay không? Khi tôi đang mang một thập giá nhỏ trên cổ tôi mỗi ngày, tôi có đón nhận thập giá trong cuộc đời không?” Mang thánh giá trên cổ là một lời mời gọi mỗi ngày để tôi xét mình.
Tôi không mang thập giá để cho mọi người thấy. Thánh giá tôi mang quanh cổ không phải là để thể hiện sự thánh thiện cá nhân hay quan điểm của tôi. Mang thánh giá quanh cổ không phải ngụ ý tốt về bản thân tôi. Việc tôi mang thánh giá không tự động có nghĩa là làm chứng cho Đấng đã chết trên thập giá đó. Thánh giá đã xuất hiện trên nhiều lá cờ và biểu tượng, và không phải lúc nào các tổ chức này cũng có ý định tốt đẹp.
Tôi mang thánh giá là bởi trong một thế giới không ngừng đấu tranh, phản kháng, và đầy xung đột, thánh giá là mỏ neo cho con thuyền đời tôi, giữ tôi hướng về đời sau. Tôi mang thánh giá là để nhớ rằng nơi tôi từ đó mà đến và nơi tôi sẽ về, không phải là ở đời này.
Thánh giá không phải là một lá bùa. Tôi không mang thánh giá để bảo vệ mình khỏi chuyện bất hạnh, hay để thay đổi gì đó trong đường đời mình. Tôi vẫn có thể bị xe đụng, bị ung thư hay mất việc khi đang mang thánh giá quanh cổ. Tôi vẫn có thể bị lừa phỉnh, bị vu vạ, và trở thành một người đáng ghét dù cho tôi đang mang thánh giá trên cổ. Bởi thánh giá không như cây đũa thần biến đổi tôi hay hiện thực của tôi. Sự biến đổi của đời tôi và thế giới quanh tôi chỉ có thể thành toàn nhờ tay Thiên Chúa, là Chúa của mọi hiện thực và của lòng tôi.
Nhưng mang thánh giá nhắc tôi nhớ đến Đấng mà toàn thể thế giới này thuộc về Ngài. Nhắc tôi nhớ rằng tôi đã được chuộc lại với “một giá quá cao” (1Cr 6, 19-20) và Đấng đã cứu rỗi cùng thanh tẩy tôi trong Máu của Ngài không bao giờ muốn bỏ rơi tôi.
Thánh giá trên cổ tôi là một lời hứa và lời mời để Ngài hành động trong đời tôi, và ở bên tôi luôn mãi. Mời gọi tôi cộng tác với Ngài để được cứu rỗi. Ngay bây giờ và ngay nơi này. Ngay trong cuộc sống hiện thời mà tôi đang nỗ lực từng ngày.
Chúa Giêsu đã dâng mình trên thập giá để “kéo tất cả đến với Ngài.” (Ga 12, 32) Ngài đã chết và đã sống lại, nhờ đó tôi có ơn cứu độ.
Pascal từng viết rằng thống khổ của Chúa Kitô vẫn tiếp diễn cho đến ngày tận thế. Và chúng ta không được ngủ quên khi chờ Ngài đến. Tôi mang thánh giá là bởi tôi cần tỉnh thức.
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 20.01.2017/
Aleteia | Michał Lubowicki)
Để lại một phản hồi