Theo hãng tin NHK, chuyến đi này sẽ kéo dài 4 ngày và Đức Phanxicô sẽ đến Tokyo ngày 23 tháng 11. Ngày này tương ứng với các thông tin của Phủ Giáo hoàng cho biết, buổi tiếp kiến chung ngày 20 tháng 11 và Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 24 tháng 11 sẽ được hủy bỏ. Thường thường đây là dấu hiệu cho biết Đức Giáo hoàng ở nước ngoài trong những ngày này.
Tháng 1 vừa qua, trước các nhà báo, Đức Phanxicô cho biết mình sẽ đi Nhật vào tháng 11. Tòa Thánh ngay lập tức cho biết một chuyến đi như vậy đang được xem xét.
Ngày 24 tháng 11, nhà lãnh đạo công giáo sẽ đến các thành phố Hiroshima và Nagasaki, hai thành phố bị Mỹ dội bom nguyên tử năm 1945. Ngài sẽ đến thăm đài tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima, còn ở Nagasaki, ngài sẽ cầu nguyện ở nhà thờ chính tòa được xây sau vụ nổ bom nguyên tử. Ở cả hai thành phố, Đức Phanxicô sẽ có lời tuyên bố mãnh liệt chống vũ khí hạt nhân. Đây thực sự là mối quan tâm của Đức Phanxicô, ngài đã tuyên bố sợ một “vụ tự tử” của nhân loại do tai nạn.
Cũng trùng hợp với các ngày này, ngày 24 tháng 11 là ngày kỷ niệm ký Hiệp định sơ bộ Geneve về Chương trình hạt nhân Iran năm 2013. Kể từ quyết định năm ngoái của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định này, hiệp định này càng ngày càng tạo thỏa hiệp. Nhất là trong những ngày gần đây khi có sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran trong vùng eo biển Ormuz.
Khi còn ở chủng viện Dòng Tên, giáo hoàng tương lai đã có ý nguyện đi truyền giáo ở Nhật nhưng vì lý do sức khỏe nên ước nguyện này không thành. Từ đó Đức Phanxicô chưa bao giờ thực hiện được giấc mơ đi Nhật.
Sẽ đi thăm một nước khác?
Ngày 25 tháng 11, Đức Phanxicô về Tokyo để thăm xã giao Nhật hoàng Naruhito và Thủ tướng Shinzo Abe. Cùng ngày, ngài sẽ dâng thánh lễ ở Tokyo Dome, một quảng trường có 55’000 chỗ.
Chuyến thăm đầu tiên đến Nhật của vị kế nhiệm Thánh Phêrô từ năm 1981 có thể được thực hiện trước hoặc sau chuyến đi một nước khác. Theo tin đồn có thể là Thái Lan hay Hồng Kông. Nếu là Hồng Kông thì đây sẽ là chuyến đi lịch sử vì đây là lần đầu tiên một vị lãnh đạo Giáo hội công giáo đặt chân đến vùng đất Trung quốc.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Để lại một phản hồi