Thánh Bênadô VŨ VĂN DUỆ, Linh mục (1755-1838)
Ngày 01 Tháng 08
Người tù già hy sinh tự nguyện
Mùa thu năm 1838 tại nhà giam Nam Định, một tù nhân đã 83 tuổi hình như vẫn coi sự khác nghiệt của trại giam là nhẹ. Những đêm mưa to gió lạnh, chỗ của cụ nằm bị nước mưa giột, nhưng cụ vẫn không chịu dời chỗ khác theo lệnh của lính canh. Từ ngày vào tù, cụ trải chiếu dưới đất, không nhận tiếp tế chăn mền, rồi khoảng một tuần sau, cụ bỏ luôn chiếu để nằm trên đất.
Cụ già đó là linh mục Bênadô Vũ văn Duệ. Đối với ngài, phải có những hy sinh tự nguyện để bổ túc cho những hy sinh bất đắc dĩ. Những hy sinh đó là những phương pháp luyện ý chí để đủ sức đối đầu với những thử thách cuối cùng ngoài pháp trường. Đối với ngài, suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu phải dưa đến việc tham dự, chia sẻ những nỗi cơ cực các Chúa trong thực hành. Cha nói: “Nơi tôi nằm bây giờ còn êm ái hơn thánh giá Chúa Giêsu xưa kia nhiều”.
Vị linh mục khắc khổ
Bernadô Vũ Văn Duệ sinh năm 1755 tại làng Quần Anh Hạ (Quần Phước), tỉnh Nam Định, trong một gia đình Công Giáo. Ngay từ nhỏ, cậu Duệ đã dâng mình cho Chúa, và chuẫn bị học hành hướng tới chức linh mục. Nhưng việc học của cậu bị gián đọan nhiều lần vì tình hình bách hại các chúa Trịnh và thời vua Cảnh Thịnh. Mãi đến năm 1795, thày Duệ mới được toại nguyện, thụ phong linh mục đã 40 tuổi. Cha Duệ phục vụ Giáo Hội và các linh hồn trong nhiệm vụ mục tử suốt 37 năm. Đến năm 1832, năm ngài 77 tuổi, Đức Cha xét thấy tình trạng bệnh tật, đã cho cha về hưu tại xứ Trung Lễ.
Không thể phục vụ Giáo Hội trực tiếp nữa, cha Duệ đã dâng những ngày tháng bệnh tật để cầu nguyện cho Giáo Hội. Tuy đã già, mỗi ngày cha vẫn tiếp tục đọc, suy niệm, chia sẻ Tin Mừng và hướng dẫn cho các tín hữu trong vùng tìm đến bàn hỏi. Cha gia tăng những việc khổ chế hãm mình: bỏ nằm giường để ngủ trên đất, không nằm mùng để muỗi tự do đốt. nhiều người cản trở vì lo cho tuổi già của cha, cha trả lời: “Bấy nhiêu hãm mình đã là gì ? Tôi không có cơ hội dể làm việc lớn thì tôi chọn lựa một chút khó khăn vậy thôi”.
Giá trị một lời hứa
Từ ngày vua Minh Mạng lệnh cho quan Trịnh Quang Khanh gắt gao truy lùng các giáo sĩ, Đức Cha Delgado Y, Giám mục giáo phận Đông phải bỏ trụ sở Bùi Chu đi trốn. Một hôm trên đường xuống Kiên Lao, Đức Cha ghé vào Trung Lễ gặp cha Duệ. Đức Cha nói nửa đùa nửa thật: “Cụ còn sức theo tôi đến thủ phủ Nam Định chăng ?”. Cha Duệ hiểu ý người cha chung giáo phận muốn nói về việc tử đạo, nên trả lời: “Thưa Đức Cha, khi nào Đức cha bị bắt, xin cho phép con theo cùng”.
Có lẽ vị Giám mục nói đùa rồi quên đi, nhưng cha Duệ không bao giờ quên điều mình đã nói. Từ ngày 28.05.1838, khi nghe tin Đức cha bị bắt ở Kiên Lao, cha Duệ đã khóc lóc và muốn ra trình diệnnvới quan quân để được tử đạo với Giám mục của mình. lúc đó cha đã 83 tuổi, mắt thì lòa nên đi đâu phải có người dẫn, thế nhưng không ai chịu đưa cha đến nộp cho các quan cả.
Cũng từ đó, nằm trong nhà, hễ nghe có tiếng chân người bên ngoài, cha lại hô lên: “Hãy báo tin cho các quan biết tôi ở đây. Tôi là linh mục, hãy đến mà bắt tôi”. Các giáo hữu xin cha thinh lặng kẻo liên lụy đến dân làng. Cha đáp: “Tôi không thể im được vì tôi đã hứa với Đức cha”. Một hôm lính đi qua, nghe tiếng cha gọi thì bước vào. Cha nói: “Bây giờ các ông đã có linh mục, hãy bắt mà nộp cho quan đi”. Một thày giảng đứng đó liền nói: “Ông nội tôi đó, các ông đừng để ý làm gì, ông ấy già nua nên lú lẫn, tự cho mình là linh mục đó thôi”. Cha Duệ thanh minh rất tỉnh táo chớ chưa lẩm cẩm. Nhưng lính thấy cụ già đã ngoài 80 tuổi, nằm liệt trên giường như thế thì tin lời thày giảng rồi bỏ đi. Quân lính đã xa rồi mà cha già Bernadô cứ lẩm bẩm phàn nàn vì người ta đã làm cha mất cơ hội bị bắt.
Những ngày sau đó, cha Duệ vẫn tiếp tục la lên yêu cầu mội người đi ngang báo cho quan đến bắt mình. Các tín hữu thấy không cản được ngài nữa thì bàn tính với nhau, họ đưa cha đến một túp lều của một người cùi ở ngoài đồng, nhờ một bà đạo đức chăm sóc cơm nước. Họ nghĩ rằng quân lính chẳng đến khu vực đó. không ngờ ngày 04.07.1838, một toán lính vô tình đi ngang qua nghe tiếng cha đã ghé vào. Cha nói “Các chú tìm đạo trưởng hả ? Tôi là đạo trưởng đây”. Không có ai ở đó để cải chính như hôm trước, nên cha bị bắt đem về nộp cho Tổng đốc Trịnh Quang Khanh.
Vững như bàn thạch
Tổng đốc thấy lính dẫn đến một người quá già nua tuổi tác thì cười, rồi cho đặt tấm ảnh Chúa trên đất và nói: “Ông lão bước qua tấm ảnh đi, ta sẽ tha cho về”. Cha Duệ đáp: “Xin quan lớn đừng bảo tôi làm thế, dù thế nào tôi chẳng thể vâng lời quan”. Bấy giờ trời đã gần tối, quan cho giam cha trong một ngôi chùa gần đó và bỏ đói suốt đêm. Sáng hôm sau lính giải cha về Nam Định. Viên quan án ở đây cũng để một Thánh Giá yêu cầu cha bước qua. Cha trả lời ông như đã nói với quan Tổng đốc. Viên quan tội nghiệp tuổi già nên không đánh đập gì, như bắt cha phải mang gông và cho đưa vào trại giam.
Gần hai tháng trong tù, nhiều lần quan cho người vào dụ dỗ cha bỏ đạo, nhưng cha cương quyết từ chối. Những ngày đầu trong trại giam trật hẹp, hôi hám, cha Duệ phải trải chiếu dưới đất ngủ, có người thương đem đến biếu cha một chiếc chăn để quấn cho ấm, cha từ chối và nói: “Nơi tôi nằm bây giờ còn êm ái hơn Thánh Giá Chúa Giêsu xưa nhiều”. Có một hôm mưa giột ướt hết nơi cha nằm, lính đến bảo cha dời chỗ, cha không chịu: “Cứ để tôi ở chỗ ướt này cũng được, không can chi. Tôi chỉ lo những sự đời sau và ước ao đổ máu vì dạo Chúa Kitô thôi”.
Ngày 12.07, Đức cha Y đã lìa thế, ly trần trong ngục nhưng vẫn bị đem ra pháp trường xử chém. Nghe tin đó, cha Duệ bỏ luôn chiếu, ngủ trên đất. Cha nói: “Giám mục là cha đã phải xử, ta là con nằm chiếu sao phải lẽ”. Cha Duệ đã chọn những hy sinh tự nguyện để dọn mình đón nhận cuộc tử đạo. Thời gian này cũng có cha Hạnh, linh mục dòng Đaminh bị giam chung. Cha Hạnh trẻ hơn, mới 66 tuổi nên thường thay mặt cha già trả lời cho các quan. Sau khi thấy không làm hai vị đổi ý được nữa, các quan liền làm án gởi về kinh đô: “Chúng tôi đã tra khảo hai tên Vũ Văn Duệ và Nguyễn Văn Hạnh. Chúng đã bị bọn Tây lừa mà theo đạo Gia Tô từ lâu. Chẳng những chúng tin mà còn giảng đạo ấy cho nhiều kẻ khác tin theo nũa. Xem ra đạo ấy đã thấu tận tâm can bọn chúng đến nỗi không thể bỏ được. Vậy chúng tôi luận cho chúng án trảm quyết, để ai lấy đều biết tội chúng nặng, đáng phải phạt thể ấy”.
Chiến thắng vinh quang
Theo luật thời đó, ở tuổi cha Duệ 83 lẽ ra không bị xử tử, nhưng vua Minh Mạng bất chấp cả luật lệ, ký bản án liền. nghe tin ấy, cha Duệ tỏ ra vui mừng, gia tăng việc hãm mình chuẩn bị cho ngày hồng phúc cha vẫn mong đợi. Ngày 24.07, quan cho tách riêng cha Hạnh đi giam nơi khác. Nhưng ngày 01.08, hai vị cùng được đưa ra tòa lần chót trước khi đưa đi xử. Cả hai vị đều khẳng khái tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. cha Duệ và quá yếu sức, lính phải cáng ra pháp trường Bảy Mẫu. Ra đến cửa thành, vì viên quan chủ tọa cuộc xử án chưa đến, hai linh mục phải đứng ngoài nắng mấy giờ liền. một người đưa cha Duệ một chiếc chiếu nhỏ để che nắng, cha cảm ơn từ chối. Suốt hành trình, cha làm dấu Thánh Giá nhiều lần và cầu nguyện cách sốt sang.
Đến nơi hai vị cầu nguyện chung một lát. Sau đó, lính tháo gông xiềng xích và trói hai vị vào cọc. Theo lệnh quan, hai lý hình thi hành phận sự, chém và tung đầu lên cho mọi người trông thấy. Dân chúng ùa vào thấm máu hai vị tử đạo. Quân lính chôn cả đầu lẫn xác tại pháp trường, sau các tín hữu xin phép được đưa thi hài về an táng tại Lục Thủy.
Thế là cha Duệ đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với vị Giám mục Y: Đi theo ngài đến cùng, để rồi chung hưởng hạnh phúc trường tồn trên Thiên Quốc.
Cùng với vị Giám mục của mình, Đức cha Y, linh mục Bernadô Vũ Văn Duệ được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Lm. Đào Trung Hiệu, OP
Thánh Đaminh NGUYỄN VĂN HẠNH, Linh mục dòng Đaminh (1772-1838)
Ngày 01 Tháng 8
Laurensô Việt Nam.
Chuyện tử đạo thánh Đaminh Hạnh làm chúng ta liên tưởng đến thánh Laurensô phó tế thủa xưa. Bản thân ngài trốn tránh khi xảy ra cuộc bách hại, nhưng khi đã nắm chắc án tử thì can trường trước mọi cực hình. Sau một trận đòn chí tử, vị chứng nhân quay lại hỏi viên quan: “Các ông đánh đủ chưa?”. Rồi chắp tay sau lưng nói tiếp: “Làm đến ông lớn mà còn bất công, bắt một mông chịu cả, còn mông kia chẳng chịu gì hết”. Câu nói đó làm chúng ta chợt nhớ đến thánh Laurensô khi bị nướng trên giường sắt, đã nói với lý hình: “Bên này chín rồi, trở qua bên kia đi thôi”. Câu nói đó có vẻ thách thức, diễu cợt, nhưng nói lên lòng can đảm dám chấp nhận mọi thử thách của một con người đã sẵn sàng hiến chính mạng sống cho Đấng mình yêu.
Đaminh Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1772 tại làng Năng A, tỉnh Nghệ An, thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. Ngay từ bé cậu đã có nguyện ước làm linh mục, được Đức cha Delgado Y hỗ trợ, và gởi cậu đến học với cha Liêm. Sau khi thụ phong linh mục, cha Hạnh xin gia nhập dòng thánh Đaminh, và khấn ngày 22.08.1826 trong tay bề trên Amandi Chiêu khi đã 54 tuổi. từ ngày đó, cha càng tích cực rao giảng danh Chúa và phục vụ các linh hồn. Lúc vua Minh Mạng bách hại những người công giáo, cha phải làm việc mục vụ cách lén lút, nhưng không bao giờ chịu bó tay.
Năm 1838, cha đến phục vụ ở Quần Anh Hạ. Tới khi tình hình ở đó căng thẳng, cha di chuyển qua làng Trung Thành. Hai người làng Quần Anh hứa đưa cha đến nơi trú ẩn cách an toàn, cha thật thà tin lời đi theo. Ngày 07.07, trên đường đi, chính hai người này bắt cha nộp cho quan. Cha bị giải về thị trấn Nam Định và tống giam chung với cha Bernadô Vũ Văn Duệ, một linh mục triều cùng giáo phận đã bị bắt trước cha bốn ngày.
Ai dại ai khôn?
Khi tới cửa thành, cha Hạnh thấy một cây Thập Giá đặt dưới đất ngay lối đi, cha liền đứng lại yêu cầu quan cho lính cất đi. Thấy thái độ dứt khóat của cha, quan cho cất Thánh Giá, bấy giờ người chiến sĩ đức tin mới chịu vào thành, bình tĩnh vui vẻ ra mắt quan tòa. Sau khi hỏi về tuổi, quê quán quan hỏi: “Vậy ông dậy dân chúng những gì?. Cha đáp: “Tôi chỉ người ta làm điều lành, tránh điều dữ thôi”. Quan lại hỏi:
– Tại sao không bước qua Thập Tự?
– Thưa quan, Thập Tự đối với chúng tôi là hình Thánh Giá, tượng trưng cho ơn cứu chuộc, nên không được ai chà đạp, vì đó là một trọng tội.
– Xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã chịu bỏ đạo rồi được tha về, ông cứ làm như thế ta sẽ tha cho.
Nhưng cha Đaminh Hạnh cương quyết không chịu đạp lên Thánh Giá. Cha bình tĩnh giải thích cho quan các lẽ đạo rồi kết luận: “Kẻ trung thành với Chúa Giêsu, khi chết sẽ được lên Thiên Đàng”. Quan hỏi: “Thế nhưng người không tôn thờ ông Giêsu, chết sẽ đi đâu ?”. Cha đáp: “Xuống hỏa ngục”. Câu trả lời đã làm cho quan giận quá, tiện tay cầm quạt đập ngay vào đầu cha một cái, chửi mắng thậm tệ và cho lính đánh cha 15 roi. Đánh xong, quan bắt cha mang gông xiềng tống ngục.
Cha Hạnh còn phải ra tòa nhiều lần nữa. Một lần quan đưa ra mẫu ảnh Đức Bà, yêu cầu cha đạp lên thay cho Thánh Giá, nhưng cha kính cẩn cầm lấy mà hôn. Việc tôn kính Đức Mẹ ấy được quan “ban thưởng” 100 roi đòn, nhưng cha vui vẻ chấp nhận. Lần khác cha ra tòa với linh mục Duyệt, một người trước đây có nhiều tiếng xấu. Linh mục này bị bắt và đã bỏ đạo. Khi quan bảo bước qua Thập Giá, linh mục Duyệt vâng ngay, bước qua lại mấy lần. Cha Hạnh thấy thế nổi nóng chỉ thẳng mặt nói: “Bớ ông kia ! Hãy xem đầu mình đã bạc, còn sống được bao năm nữa mà cả lòng bỏ Chúa mình vì năm ba ngày tháng chóng qua ru ? Ông làm ô danh đấng bậc mình để được lòng vua dữ ? Ông thêm cực lòng cho Giáo Hội đã nuôi nấng dạy dỗ bấy lâu, đi làm bạn với ma quỷ, chực làm hại đời mình”.
Nhưng kẻ phản bội quay qua cười chế nhạo và nói: “Tôi làm khôn, chỉ có ông là dại dột”. Quan và lính nghe nói vỗ tay reo hò cách đắc thắng. Người chiến sĩ quay ra cãi lý với các quan. Nói một hồi mất bình tĩnh, cha xưng hô “mày tao” nên bị phạt 30 roi đòn. Khi quan ra lệnh ngưng đánh, cha Hạnh ung dung nói: “Các ông đánh đủ chưa?”. Rồi chắp tay sau lưng nói tiếp: “Làm đến ông lớn mà còn bất công, bắt một mông chịu cả, còn mông kia chẳng chịu gì hết”.
Đạo thấm vào tâm can
Sau khi thấy không làm cha Hạnh và cha Duệ bỏ đạo được, quan liền làm án gởi vào kinh đô xin vua Minh Mạng châu phê. Án ấy như sau: “Chúng tôi đã tra khảo hai tên Vũ Văn Duệ và Nguyễn Văn Hạnh. Chúng đã bị bọn Tây lừa, mà theo Gia Tô đã lâu. Chẳng những chúng tin, mà lại giảng đạo ấy cho nhiều người khác tin theo nữa. Xem ra đạo ấy đã thấu vào tâm can bọn chúng đến nỗi không thể bỏ được. Vậy chúng tôi luận chúng cho chúng án trảm quyết, để ai nấy đều biết tội chúng nặng, đáng phải phạt thế ấy”.
Nghe tin bản án đã được ký, cha Hạnh tỏ ra vui mừng và vững mạnh hơn trước: Cha tranh thủ những giờ giấc có thể để tùy ủy lạo các bạn tù và giải thích về đạo cho các lính gác. Ngày 24.07, cha Fernandez Hiền bị đem đi chém, cha Hạnh được đem đến dinh quan án thì mừng rỡ, tưởng sẽ được tử đạo như cha chính giáo phận, nhưng quan chỉ muốn tách riêng cha qua nhà tù khác.
Tuần lễ cuối cùng ở trong nhà tù của cha Hạnh không còn ghi dấu bằng những trận đòn đánh nữa. Quan cho người này đến người khác vào thăm và xúi cha bỏ đạo. Một lần có người nói: “Ông không thoát chết được đâu”. Cha đáp: “Phải, sự chết thì đã hẳn rồi. Trước tôi cứ ngỡ là được chết với cha chính Hiền, mà tôi chẳng được sự ấy thì lấy làm buồn lắm”. Lần khác, người của quan nói rằng nếu cha bỏ đạo, quan hứa sẽ nuôi dưỡng và đề nghị cho cha làm quan. Cha đáp: “Dù tôi được làm quan ngay hôm nay mặc lòng, tôi cũng không xuất giáo đâu. Tôi chỉ mong được làm con Đức Chúa Trời thôi”.
Chúng tôi về thiên đàng đây
Ngày 01.08.1838, hai cha Bernadô Duệ và Đaminh Hạnh được dẫn đi xử. Từ sáng sớm, khi biết tin đó, cha Hạnh liền chỗi dậy đọc kinh, rồi chào giã biệt và cám ơn các bạn tù đã giúp mình cách này cách khác. Quan cho dẫn hai cha lên tòa lần chót, để hỏi xem có đổi ý không. Cha Hạnh trả lời: “Được chết vì đạo là điều tôi mong đã lâu, rầy sự ấy đã gần thì tôi vui mừng lắm”. Cha Duệ già 83 tuổi thì được lính võng đi trước. Cha Hạnh 66 tuổi mang gông xiềng nặng nề theo sau, tới khi kiệt sức mới được lính cho lên cáng. Thế nhưng cha vẫn vui vẻ nói với các tín hữu đi theo rằng: “Anh chị em ở lại bình an, hai chúng tôi về Thiên Đàng hưởng phúc vô cùng”
Đến pháp trường Bảy Mẫu, cha Hạnh nói với cha già Duệ: “Đến nơi rồi, chúng ta hãy cầu nguyện cho sốt sắng hơn”. Cả hai vị quỳ xuống cầm trí cầu nguyện một lát. Sau đó lính tháo gông xiềng và chói hai vị vào cột. Theo lệnh quan, hai lý hình thi hành phận sự, họ chém và tung đầu lên cho mọi người thấy. Dân chúng ùa vào thấm máu hai vị tử đạo. Thi hài các ngài được chôn ngay tại pháp trường, sau các tín hữu xin phép được đưa về an táng tại nhà thờ Lục Thủy.
Hai linh mục đã cùng nhau uống cạn chén đắng khổ nạn, cũng được cùng nhau chung hưởng phúc vinh quang.
Đức Lêo XIII đã suy tôn cha Đaminh Nguyễn Văn Hạnh và Bernadô Vũ Văn Duệ lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.
Để lại một phản hồi