Trưa Chúa nhật 04/8/2019 sau khi đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và du khách hành hương hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Phanxicô đặc biệt nhắc đến ngày mùng 4 tháng 8 lễ kính thánh Gioan Vianney cha sở họ Ars Bổn Mạng các cha sở, cũng là dịp kỷ niệm 160 năm thánh nhân qua đời.
Nhân dịp này ĐTC đã viết thư cám ơn các linh mục toàn thế giới vì công việc phục vụ hy sinh âm thầm của các vị. Trước đó ĐTC có bài huấn dụ ngắn về bài Tin Mừng của thánh Luca. ĐTC nhấn mạnh việc tìm kiếm không ngừng của cải vật chất đã trói buộc con tim người phú hộ. Của cải làm ông lạc hướng đối với kho báu thực sự trên thiên đàng và điều này thường là nguồn gốc của lo lắng, bất hạnh, lạm quyền, chiến tranh
Tin mừng hôm nay (Lc 12, 13-21) bắt đầu với cảnh từ trong đám đông một người đứng lên xin Chúa Giêsu giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến gia tài. Nhưng trong câu trả lời Chúa không đề cập đến yêu cầu này, và khích lệ tránh xa sự tham lam, nghĩa là lòng tham muốn chiếm hữu. Để giúp những người đang lắng nghe tránh xa việc tìm kiếm sự giàu có này, Chúa cho họ một ví dụ về người phú hộ ngu dại. Người phú hộ này tin rằng ông hạnh phúc vì ông đã có được một năm đặc biệt may mắn và cảm thấy an tâm vì tài sản đã tích lũy. Câu chuyện trở nên sống động khi sự tương phản giữa những gì người phú hộ lập kế hoạch cho mình và trái lại những gì Thiên Chúa cho ông thấy ông phải đối diện.
Của cải trần thế và phán xét cuối cùng
Người giàu đặt mình trước linh hồn, chính bản thân ông ba điều: nhiều tài sản dự trữ cho nhiều năm, tài sản đảm bảo cho ông sự an nhàn và hạnh phúc thoải mái (câu19). Nhưng lời Chúa dành cho ông hủy bỏ những kế hoạch này của ông. Thay vì “nhiều năm”, Thiên Chúa chỉ ra tính tức thời của “đêm nay”, sẽ chết trong đêm nay; thay vì “hưởng thụ cuộc sống” Ngài tỏ cho thấy “sự sống của ông sẽ bị lấy lại”, với hậu quả là sự phán xét. Thực tế, của cải mà nhà phú hộ cậy dựa vào được bao phủ qua câu hỏi mỉa mai: “thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?” (câu 20). Chúng ta hãy nghĩ đến những vụ tranh giành thừa kế; nhiều cuộc tranh giành trong gia đình. Và nhiều người, tất cả chúng ta đều biết một số câu chuyện, vào giờ chết đến: con cháu đến để xem và hỏi: “Phần tôi là gì?”, Và lấy đi tất cả.
Trong sự đối lập này, tên gọi “kẻ ngu dại” mà Thiên Chúa đặt cho người phú hộ này là hợp lý. Bởi vì ông nghĩ về những điều mà ông tin là thực tế nhưng thực ra là một ảo tượng. Ông ta là một kẻ ngu dại bởi vì trong thực tế, ông đã phủ nhận Chúa, không nghĩ đến Ngài.
Của cải để để sống lương thiện và chia sẻ
Thánh sử kết thúc câu chuyện với hậu quả: “kẻ tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy” (câu 21). Đây là một cảnh báo cho thấy chân trời mà tất cả chúng ta được kêu mời hướng đến. Của cải vật chất cần thiết cho cuộc sống, nhưng chúng không phải là cùng đích sự hiện hữu của chúng ta, chúng là một phương tiện để sống lương thiện và để chia sẻ với những ai cần đến. Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xem xét sự giàu có mà có thể trói buộc con tim và làm ngăn cản kho báu thực sự ở trên trời. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng nhắc nhở chúng ta về điều này: «hãy tìm những sự trên trời… hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất “(Col 3, 1-2).
Tìm kiếm những giá trị đích thực
Điều này không có nghĩa là tránh xa thực tế, mà là tìm kiếm những thứ có giá trị thực sự: công bằng, liên đới, đón tiếp, tình huynh đệ, bình an, tất cả tạo nên phẩm giá thực sự của con người. Đó là hướng đến một cuộc sống không theo cách trần thế, mà theo Tin Mừng: yêu mến Thiên Chúa với tất cả con người chúng ta, và yêu thương người thân cận như Chúa Giêsu yêu thương, nghĩa là phục vụ và trao ban chính mình.
Lòng tham lam của cải vật chất, ước muốn của cải, không thỏa mãn con tim, ngược lại nó gây ra đói nhiều hơn! Lòng tham giống như những viên kẹo ngon: bạn ăn một cái và nói, “À! Thật là ngon”, và sau ăn thêm cái khác; và cái này tiếp cái kia. Đó là lòng tham: nó không bao giờ hài lòng. Hãy cẩn thận! Theo cách này tình yêu được hiểu và sống là nguồn gốc của hạnh phúc thực sự, trong khi việc tìm kiếm không cân xứng đối với của cải vật chất và sự giàu có thường là nguồn gốc của sự lo lắng, bất hạnh, lạm quyền, chiến tranh.
Ngọc Yến
(VaticanNews 04.08.2019)
Để lại một phản hồi