ôm 9/8, Vatican Insider đã có một cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha khởi đi từ những vấn đề thực tế hiện tại của Châu Âu.
Trước hết về ước mơ của những vị sáng lập châu Âu, ĐTC nói rằng: Hy vọng châu Âu sẽ một lần nữa trở lại với “giấc mơ của những người cha sáng lập”. Một tầm nhìn được cụ thể hóa bằng việc thực hiện sự thống nhất về lịch sử và văn hóa, chứ không chỉ về mặt địa lý.
Thách đố lớn nhất trong việc khởi động lại châu Âu đến từ việc đối thoại. Để làm được điều này, trước hết cần phải biết lắng nghe, trong khi rất thường chúng ta chỉ thấy “độc thoại thỏa hiệp”. Điểm xuất phát phải là giá trị nhân bản của con người, cùng với các giá trị Kitô giáo.
Hơn nữa, Đức Thánh Cha nói đến căn tính không phải để thương lượng nhưng để đối thoại. Ngài giải thích: “Căn tính của mỗi người rất quan trọng, nó không phải là thứ yếu, nhưng mọi cuộc đối thoại đều phải xuất phát từ căn tính của mình. Căn tính này là tôn giáo trong việc đại kết; là bản sắc văn hoá, lịch sử, nghệ thuật của mỗi quốc gia trong việc đối thoại.”
Đức Thánh Cha cũng đề cập đến chủ quyền và vấn đề người di cư. Một quốc gia phải có chủ quyền, nhưng không được đóng lại. Chủ quyền phải được bảo vệ, nhưng quan hệ với các quốc gia khác và với Cộng đồng châu Âu cũng phải được bảo vệ và phát huy. Hơn nữa, việc tiếp nhận người di cư tị nạn cũng cần được cổ võ. Vì trước hết, mọi người đều có quyền sống, khi người ta phải trốn chạy khỏi chiến tranh và đói kém. Bên cạnh đó, cũng cần giúp các nước nghèo ngăn chặn dòng người di cư bằng những dấn thân và đấu tranh vì hòa bình.
Đức Thánh Cha cũng trả lời phỏng vấn về Thượng HĐGM Amazonia vào tháng 10 sắp tới. Ngài gọi đây là một “Thượng hội đồng khẩn cấp”, là đứa con của thông điệp Laudato Sì. Đây không phải là một thông điệp xanh, nhưng là một thông điệp dựa trên việc bảo vệ Thụ tạo. Và Thượng hội đồng Amazonia không phải là một cuộc họp của các nhà khoa học hoặc chính trị gia. Nhưng nó đến từ Giáo hội và sẽ có một sứ mạng và chiều kích truyền giáo, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần.
Cuối cùng, ĐTC tin tưởng vào người trẻ trong việc chăm sóc ngôi nhà chung, đi từ việc chú ý đến những điều cụ thể nhỏ nhặt hàng ngày trong văn hoá sản xuất và tiêu dùng. (CSR_4554_2019)
Văn Yên, SJ
(vaticannews 09.08.2019)
Để lại một phản hồi