Sau những hoa trái có được từ chuyến tông du đến ba nước châu Phi: Mozambique, Madagascar và Maurice; đối với ĐTC Phanxicô, chuyến tông đến Nhật Bản vào tháng 11 sẽ là một giấc mơ đã được thực hiện; vì khi còn là một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi, ngài đã ước ao được đi truyền giáo tại Nhật Bản.
Trong một đoạn của cuốn sách có tựa đề El Jesuita, tác giả là hai nhà báo người Argentina: Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti có ghi lại cuộc phỏng vấn ĐTC Phanxicô khi đó còn là Tổng Giám mục Buenos Aires. Nội dung cuộc phỏng vấn có một đoạn Hồng y Jorge Mario Bergoglio chia sẻ ước mơ ra đi truyền giáo ở Nhật Bản khi biết mình đã tới tuổi 75, tuổi chuẩn bị xin nghỉ hưu: “Với thời gian, ước muốn đi truyền giáo ở Nhật Bản lại trổi dậy trong tôi. Đây là nơi các tu sĩ Dòng Tên đang thực hiện một công việc quan trọng”.
Và ĐTC nhớ lại giai đoạn tuổi trẻ, khi người thanh niên quyết định trở thành thành viên của Dòng Tên. Ngay lập tức ĐTC nhận ra tầm quan trọng của công cuộc loan báo Tin Mừng mà mình đã chọn lựa, nó trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của một tu sĩ Dòng Tên. Ước muốn của chàng thanh niên Jorge Mario Bergoglio giờ đây đã trở thành sự thật với chuyến tông du đến Nhật Bản. ĐTC sẽ thực hiện cuộc hành hương mà cũng là sứ mệnh đến một Đất nước của Xứ sở Mặt trời Mọc, sau chuyến viếng thăm trước đó vào năm 1987.
Đối với các tu sĩ Dòng Tên, Nhật luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt kể từ khi thánh Phanxicô Xavier đặt chân trên lên vùng đất này vào năm 1549. Trong năm thế kỷ tiếp theo Dòng Tên luôn ưu tiên cho vùng đất này. Một khuôn mặt cống hiến rất nhiều cho công cuộc rao giảng Tin Mừng phải kể đến Đức cha Giuseppe Pittau, người đóng một vai trò quan trọng trong việc đối thoại văn hóa giữa Nhật Bản và phương Tây. Hầu như cả cuộc đời Đức cha dành cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại đây. Chính ĐTC Phanxicô đã ca ngợi Đức Tổng Giám Mục Pittau là người “tông đồ truyền giáo quảng đại ở Nhật Bản”.
Nhưng ngoài việc các hoạt động truyền giáo của Dòng Tên trên vùng đất xa xôi này thì điều gì làm cho tâm hồn tu sĩ trẻ Dòng Tên này được đánh động khi nhắc đến Nhật Bản. Câu trả lời được chính ĐTC đưa ra tại Nhà nguyện Thánh Marta ngày 17-3-2013, bắt đầu triều đại giáo hoàng. ĐTC ngưỡng mộ những chứng nhân mạnh mẽ của Giáo hội Nhật, giờ đây vẫn còn sống động mặc dù việc bách hại đã xảy ra từ giữa thế kỷ 16 và 17. Điều đánh động ĐTC trước hết đó là sức mạnh của các tín hữu, những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy; chính những người này cho phép Giáo hội Nhật Bản vượt qua cơn bão. Khi các các nhà truyền giáo trở lại, họ tìm thấy “tất cả các cộng đoàn vẫn còn hiện diện, tất cả được Rửa tội, tất cả được học giáo lý, tất cả các cuộc hôn nhân đều có bí tích”.
Một suy tư mà liền hai năm sau đó được mở rộng và đào sâu khi ĐTC tiếp Hội đồng Giáo mục Nhật trong chuyến viếng thăm Ad limina. ĐTC nói về di sản của Giáo hội Nhật đặt nền tảng trên hai cột trụ: các nhà truyền giáo, sau thánh Phanxicô Xavier “đã hiến dâng chính sự sống cho việc phục vụ Tin Mừng và dân tộc Nhật Bản” và các “Kitô hữu hầm trú”.
ĐTC nói: “Khi tất cả các nhà truyền giáo giáo dân và linh mục bị trục xuất, đức tin của cộng đoàn Kitô hữu không hề giảm. Hơn nữa, đức tin được Chúa Thánh Thần thắp sáng qua lời rao giảng của các nhà truyền giáo vẫn được giữ vững nhờ sự nhiệt tình của các giáo dân. Do đó với lịch sử khó khăn và phong phú Giáo hội tại Nhật Bản nhắc nhở chúng ta rằng tự bản chất các tín hữu là những người truyền giáo”.
Ngọc Yến
(VaticanNews 16.09.2019)
Để lại một phản hồi