Dù chúng ta tội lỗi, Giáo hội vẫn đứng vững, vì có Chúa ở cùng

Dựa trên đoạn sách Cv 5, 34-39, ĐTC nói về sức mạnh của các Tông đồ khi có Thiên Chúa ở cùng. Họ can đảm và không ngần ngại làm chứng tá cho Chúa Phục sinh cho đến hy sinh mạng sống. Đó cũng chính là sức mạnh thúc đẩy các vị tử đạo của mọi thời đại không sợ hãi tuyên xưng mình là Kitô hữu. ĐTC cũng đề cao ông Gamaliel, một Pharisêu nhìn ra được sự thật, nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các Tông đồ. Ông phân định đâu là kế hoạch của Thiên Chúa, đâu là chương trình của con người.

Trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 18/9, ĐTC tiếp tục loạt bài giáo lý về sách Tông đồ Công vụ. Bắt đầu buổi tiếp kiến, các tín hữu nghe đọc đoạn sách trích từ sách Tông đồ Công vụ 5, 34-35.38-39:

Bấy giờ có một người Pharisêu tên là Gamaliel đứng lên giữa Thượng Hội Đồng; ông là một kinh sư được toàn dân kính trọng. Ông truyền đưa các đương sự ra ngoài một lát. Rồi ông nói với Thượng Hội Đồng: “Thưa quý vị là người Ít-ra-en, xin quý vị coi chừng điều quý vị sắp làm cho những người này. Vậy giờ đây, tôi xin nói với quý vị: hãy để mặc những người này. Cứ cho họ về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.” Họ tán thành ý kiến của ông.

Dựa trên đoạn sách thánh vừa nghe, ĐTC nói về sức mạnh của các Tông đồ khi có Thiên Chúa ở cùng. Họ can đảm và không ngần ngại làm chứng tá cho Chúa Phục sinh cho đến hy sinh mạng sống. Đó cũng chính là sức mạnh thúc đẩy các vị tử đạo của mọi thời đại không sợ hãi tuyên xưng mình là Kitô hữu. ĐTC cũng đề cao ông Gamaliel, một Pharisêu nhìn ra được sự thật, nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa nơi các Tông đồ. Ông phân định đâu là kế hoạch của Thiên Chúa, đâu là chương trình của con người. Trong bài huấn dụ, ĐTC giải thích về sức mạnh của Giáo hội, của các Kitô hữu khi có Chúa. ĐTC cũng mời gọi tập phân định để nhận ra đâu là chương trình của Thiên Chúa, đâu là kế hoạch của con người.

ĐTC bắt đầu bài huấn dụ như sau:

Sức mạnh từ Chúa Thánh Thần

Trước lệnh cấm của người Do Thái: không được giảng dạy nhân danh Chúa Kitô, thánh Phêrô và các Tông đồ đã can đảm trả lời rằng họ không thể vâng lời những người muốn ngăn chặn Tin Mừng được rao truyền trên thế giới.

Qua đó, Mười Hai Tông đồ cho thấy rằng các ngài có “sự vâng lời của đức tin” và muốn khơi dậy nó nơi tất cả mọi người (xem Rm 15). Thực tế là từ ngày lễ Hiện Xuống, các ngài không còn là những con người “đơn độc” (cv 5,32). Các ngài có một sức mạnh tổng hợp đặc biệt giúp các ngài không còn chú trọng đến mình và nói : “chúng tôi và Chúa Thánh Thần” (Cv 5,32); các ngài cảm thấy không thể chỉ nói là “tôi”, nhưng là “chúng tôi”; và “Chúa Thánh Thần và chúng tôi” (Cv 15,28). Các ngài không còn là những người tập trung vào chính mình. Được mạnh mẽ nhờ sự liên kết này, các Tông đồ không còn sợ hãi điều gì. Lòng can đảm của các ngài thật ấn tượng. Các ngài đã từng là những kẻ hèn nhát, chạy trốn khi Chúa Giêsu bị quân lính bắt. Nhưng từ hèn nhát giờ đây trở thành can đảm. Tại sao? Bởi vì các ngài có Chúa Thánh Thần ở cùng. Điều này cũng xảy đến với chúng ta: nếu chúng ta có Chúa Thánh Thần trong lòng mình, chúng ta sẽ có can đảm tiến bước, can đảm chiến thắng trong các cuộc chiến chống tội lỗi, không phải nhờ chúng ta mà nhờ Chúa Thánh Thần ở với chúng ta.

Các Tông đồ là “loa phát thanh” của Chúa Thánh Thần

Các Tông đồ không lùi bước trong cuộc biểu dương làm chứng tá can trường của Đấng Phục Sinh, giống như các vị tử đạo của mọi thời đại, kể cả các vị tử đạo trong thời đại chúng ta. Các vị tử đạo trao tặng sự sống, không dấu diếm mình là Kitô hữu. Chúng ta hãy nghĩ đến các Kitô hữu Chính Thống Copte, tất cả họ bị cắt cổ tại bãi biển ở Libia. Lời cuối cùng họ thốt ra là “Giêsu”. Họ đã không bán rẻ đức tin của mình, bởi vì họ có Chúa Thánh Thần ở cùng. Đó là những vị tử đạo ngày nay. Các Tông đồ là “loa phát thanh” của Chúa Thánh Thần, được Đấng Phục sinh gửi đến để sẵn sàng và không ngần ngại truyền bá Lời Chúa, Lời ban ơn cứu độ.

Nghệ thuật phân định

Thật sự là quyết tâm này làm cho “hệ thống tôn giáo” của người Do Thái rung động; họ cảm thấy bị đe dọa và phản ứng bằng bạo lực và án tử hình. Việc bách hại các Kitô hữu luôn giống như vậy: những người không thích Kitô giáo cảm thấy bị đe dọa và họ sát hại các Kitô hữu. Nhưng, ở giữa Thượng Hội đồng, một tiếng nói khác của một người Pharisêu vang lên, người chọn ngăn cản phản ứng của dân mình: đó là ông Gamaliel, “tiến sĩ luật, được mọi người quý trọng”. Tại trường học của ông, thánh Phaolô đã học cách tuân thủ “luật của cha ông” (xem Cv 22,3). Ông Gamaliel lên tiếng, chỉ cho anh em của mình cách thực hiện nghệ thuật phân định trước các tình huống vượt ra ngoài các mô hình thông thường.

Chương trình của Thiên Chúa sẽ bền vững, còn của con người sẽ bị phá hủy

Bằng cách trích dẫn một số nhân vật đã xuất hiện như Đấng Mêsia, ông chỉ cho thấy rằng mọi kế hoạch của con người, ban đầu có thể nhận được sự hoan nghênh nhưng rồi sau đó chìm nghỉm, trong khi mọi thứ đến từ trên cao và mang “chữ ký” của Thiên Chúa sẽ tồn tại. Các kế hoạch của con người luôn thất bại; nó chỉ có một thời gian, như chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ đến rất nhiều kế hoạch chính trị, và chúng thay đổi thế nào, từ bên này sang bên kia, ở tất cả các quốc gia. Hãy nghĩ về các đế chế vĩ đại, nghĩ về các chế độ độc tài của thế kỷ trước. Họ cảm thấy rất mạnh mẽ, có thể thống trị thế giới. Và rồi tất cả đều sụp đổ. Ngay cả ngày nay, hãy nghĩ về các đế chế ngày nay: họ sẽ sụp đổ, nếu Thiên Chúa không ở bên họ, bởi vì sức mạnh của con người không tồn tại dài lâu. Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa bền vững.

 

Dù chúng ta tội lỗi, Giáo hội không sụp đổ, vì có Chúa ở cùng

Chúng ta hãy nghĩ về lịch sử của các Kitô hữu, bao gồm cả lịch sử của Giáo hội, với rất nhiều tội lỗi, với rất nhiều vụ bê bối, với rất nhiều điều tồi tệ. Và tại sao nó không sụp đổ? Vì có Chúa ở đó. Chúng ta là những kẻ tội lỗi, và thậm chí rất nhiều lần chúng ta tạo ra các vụ bê bối, nhiều lần, nhiều lần. Nhưng Chúa luôn luôn cứu chúng ta. Sức mạnh chính là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Do đó, ông Gamaliel kết luận rằng, nếu các môn đệ của Chúa Giêsu thành Nazareth tin vào một kẻ mạo danh, thì cuối cùng họ sẽ biến mất trong hư không; ngược lại, nếu họ theo một người đến từ Thiên Chúa, tốt hơn là đừng chiến đấu với họ nữa; và ông cảnh báo: “Đừng để quý vị trở thành những kẻ chống lại Thiên Chúa” (CV 5,39). Ông dạy chúng ta cách phân định này. ĐTC giải thích:

Những lời bình tĩnh và có tầm nhìn xa của ông Gamaliel giúp chúng ta nhìn sự kiện Kitô giáo dưới ánh sáng mới và chúng đưa ra các tiêu chí “biết phúc âm”, bởi vì chúng mời gọi chúng ta nhận ra cây từ trái của nó (xem Mt 7,16). Những lời này chạm đến trái tim và đạt được hiệu quả mong muốn: các thành viên khác của Thượng Hội đồng làm theo ý kiến của ông và từ bỏ những ý định giết các Tông đồ

Tập quán phân định

Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần hành động trong chúng ta, cả cá nhân và cộng đồng, để chúng ta có thể có được tập quán phân định. Chúng ta hãy xin Người để luôn luôn biết nhìn thấy sự hiệp nhất của lịch sử cứu độ thông qua các dấu chỉ của hiện diện của Thiên Chúa trong thời đại của chúng ta và trên khuôn mặt của những người xung quanh chúng ta, bởi vì chúng ta biết rằng thời gian và khuôn mặt của con người là sứ giả của Thiên Chúa hằng sống.

Hồng Thủy

 (vaticannews 18.09.2019)  

PopeFranciss_18Sep2019_08.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_05.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_06.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_07.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_09.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_10.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_11.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_12.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_13.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_14.jpg

PopeFranciss_18Sep2019_15.jpg

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*