Một trong những ngày vui nhất trong đời sống Hội Thánh là ngày phong thánh. Ngày đó là kết quả của quá trình điều tra, thẩm định và cầu nguyện kéo dài nhiều năm, thậm chí là nhiều chục năm, và có trường hợp là nhiều thế kỷ. Nhưng thực tế thì điều gì đã diễn ra trong tiến trình phong thánh?
ĐHY John Henry Newman vừa được ĐTC Phanxicô tuyên phong hiển thánh
cùng 4 vị chân phước khác Sáng Chúa nhật 13/10
Phong thánh hay tuyên thánh là một tuyên bố của Giáo Hội Công Giáo rằng một người cụ thể chắc chắn đã hưởng phước hưởng kiến Thiên Chúa – nói cách khác là người đó đã lên thiên đàng. Từ ngữ có thể khiến người ta hiểu lầm rằng Giáo Hội “tạo ra” hoặc “làm ra” các Thánh; thực tế là Hội Thánh chỉ tuyên bố chứ không làm được điều đó. Qua quá trình phong chân phước và phong thánh, một tín hữu đã qua đời được nhìn nhận cách dứt khoát về các nhân đức anh hùng của người đó.
Khi phong thánh, Đức Giáo Hoàng nói cách bất khả ngộ và nói thay toàn thể Hội Thánh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, rằng một người đã ở trong hàng ngũ các Thánh của Thiên Chúa và có thể được tôn kính rộng rãi trong toàn thể Giáo Hội. Phong thánh là một chuyện dưới đất, do đó dù Giáo Hội có làm hay không thì cũng không ảnh hưởng đến chuyện người đã khuất có vào thiên đàng hay không.
Khi được tôn phong hiển thánh:
(1) vị Thánh có thể được kêu cầu công khai và chính thức trong các kinh nguyện của Giáo Hội;
(2) các nhà thờ có thể mang tước hiệu của vị Thánh;
(3) có Thánh lễ dâng để kính riêng;
(4) có ngày kính nhớ riêng được ghi vào lịch Công Giáo;
(5) có thể được đặt làm Thánh bổn mạng;
(6) ảnh tượng vị Thánh có thể vẽ với hào quang;
(7) di tích vật chất của vị Thánh có thể được tôn kính công khai.
Tại sao có tiến trình phong thánh?
Một cách chính thức, một người không được gọi là hiển thánh nếu không có một tiến trình tôn phong rõ ràng. Các bước tôn phong được thực hiện cẩn thận bởi Giáo Hội và theo trình tự điều tra tỉ mỉ. Tiến trình phải theo các bước:
- tham vấn các vị Giám Mục trong vùng
- thông báo các tín hữu về ý định và mời gọi tín hữu trình báo những gì mình biết về vị được mở án
- trình bày tất cả những trước tác của vị có thể được phong Tôi tớ Chúa
- chỉ định chuyên gia để nghiên cứu các trước tác và tài liệu liên quan
- xin “nihil obstat” (nghĩa là chuẩn thuận) của Toà Thánh
Để chứng thực về vinh quang và uy thế của người tín hữu đã qua đời, Giáo Hội đòi có ít nhất một phép lạ thực sự để tôn phong chân phước và phép lạ thứ hai để phong hiển thánh.
Nghi lễ phong thánh diễn ra thế nào?
Nghi lễ phong thánh được đặt trong một Thánh lễ Giáo Hoàng thông thường. Điều này nhấn mạnh rằng vị Thánh được tôn phong cũng liên kết với mầu nhiệm Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn cội và quy chiếu của toàn bộ đời sống đức tin.
Phần đầu tiên của nghi lễ được bắt đầu với các kinh nguyện, thánh ca và hát Kinh cầu Các Thánh.
Sau khi kinh cầu kết thúc, Đức Giáo Hoàng tiến đến bàn thờ và vị tổng trưởng bộ Phong Thánh dâng 3 lời xin để Đức Giáo Hoàng tuyên bố vị Chân Phước là Thánh. Trong nghi lễ phong chân phước thì chỉ có 1 lời xin.
Các lời xin đó là gì?
Vị tổng trưởng bộ Phong Thánh đọc 3 lời xin lên Đức Giáo Hoàng để ngài tuyên thánh.
1/ “Thưa Đức Thánh Cha, Mẹ Hội Thánh khẩn khoản xin Đức Thánh Cha ghi tên Chân Phước … vào hàng các Thánh, để vị ấy có thể được kêu cầu như vậy bởi mọi tín hữu Kitô.”
2/ “Thưa Đức Thánh Cha, được thúc bách bởi lời cầu nguyện hợp nhất, Hội Thánh khẩn khoản hơn nữa xin Đức Thánh Cha ghi tên những người này, là con cái Hội Thánh, vào số các Thánh.”
3/ “Thưa Đức Thánh Cha, Hội Thánh, cậy trông lời Chúa hứa ban Thần Khí Sự Thật trên mình, Thần Khí trong mọi thời đại hằng gìn giữ huấn quyền tối cao sạch khỏi mọi sai lầm, hết sức khẩn khoản xin Đức Thánh Cha ghi tên những người này, những người được tuyển chọn của Hội Thánh, vào bậc các Thánh.”
Khi nào thì vị tiến chức chính thức được xem là hiển thánh?
Sau lời xin của vị tổng trưởng bộ Phong Thánh, Đức Giáo Hoàng tuyên đọc công thức phong thánh:
“Để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, để tôn dương đức tin Công Giáo và thăng tiến đời sống Kitô hữu, bởi quyền bính của Chúa chúng ta Đức Giêsu Kitô, và của các Tông Đồ thánh Phêrô và Phaolô, và của Ta, sau khi cân nhấc thích hợp và cầu nguyện thường xuyên ơn phù trợ, và đã tìm ý kiến của nhiều anh em Giám Mục của Ta, Ta tuyên bố và ấn định Chân Phước … là Thánh và Ta đặt ngài vào hàng các Thánh, ra lệnh rằng ngài phải được tôn kính như vậy bởi toàn thể Giáo Hội. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”
Sau công thức phong thánh, Đức Giáo Hoàng chính thức tôn phong vị Thánh mới. Đây là công thức không thể đảo ngược và không ai có thể bác bỏ hiệu lực của sự tuyên bố này. Bằng tuyên bố này, mọi nghi ngờ và chống đối việc phong thánh đều bị bãi bỏ và không bao giờ được lặp lại.
Sau nghi thức phong thánh, vị tổng trưởng bộ Phong Thánh lần nữa đến tạ ơn Đức Thánh Cha và xin ngài ban một sắc lệnh – là văn kiện chính thức chứng thực việc tôn phong. Đức Giáo Hoàng sẽ đáp “Ta sẽ ban”. Nghi thức phong thánh kết thúc với kinh Vinh Danh và Thánh lễ tiếp tục như bình thường.
Có một nghi lễ đặc biệt nào cho lễ phong thánh không?
Không. Thánh lễ được cử hành, sử dụng các bài đọc và lời nguyện như Thánh lễ Chúa nhật.
Ai được tham dự lễ phong thánh?
Tất cả mọi người. Chỉ cần có thể đến nơi cử hành Thánh lễ thì có thể tham dự.
Có một ngày hay những ngày đặc biệt nào mà ngày phong thánh bắt buộc phải diễn ra trong đó?
Không. Việc lựa chọn ngày cử hành lễ phong thánh tuỳ thuộc vào lịch phụng vụ. Thông thường, lễ phong thánh diễn ra vào mùa thu hoặc mùa xuân. Ví dụ, các lễ phong thánh trong triều đại Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đều diễn ra giữa tháng 4 và tháng 6 hoặc giữa tháng 10 và 11. Các Giáo Hoàng thường chọn những ngày liên quan đặc biệt đến những vị được phong để cử hành. Ví dụ, Đức Gioan Phaolô II phong thánh cho chị Faustina Kowalska vào Chúa nhật Chúa Thương Xót năm 2000, Đức Phanxicô phong thánh cho Đức Gioan Phaolô vào Chúa nhật Chúa Thương Xót năm 2014.
Mỗi lễ phong thánh được phong tối đa bao nhiêu vị?
Không có giới hạn nào về số vị Thánh được phong trong một lượt. Thực tế, thường nhiều vị Thánh được tôn phong cùng một lượt trong một Thánh lễ để tiết kiệm chi phí tổ chức (do giáo phận hoặc dòng tu có vị tân Hiển Thánh phụ giúp). Kỷ lục phong nhiều vị Thánh nhất 1 lần là vào ngày 12/05/2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong thánh cho Thánh Laura Montoya Upegui (1874-1949), Maria Guadalupe Garcia Zavala (1878-1963) và 800 vị tử đạo Otranto bị giết năm 1480.
Có thể tuyên bố tôi tớ Chúa hoặc phong chân phước trong cùng lễ phong thánh?
Cho đến nay thì chưa từng có. Việc tuyên bố tôi tớ Chúa là một tuyên bố đơn sơ do bộ Phong Thánh thực hiện. Chân phước được tôn phong trong một nghi lễ riêng biệt.
Phong thánh tương đương là gì?
Bên cạnh việc một Giáo Hoàng công khai tuyên bố một người nào đó là Thánh, Giáo Hội có hình thức gọi là “phong thánh tương đương” hay “phong thánh ngang hàng”. Đó là khi Đức Giáo Hoàng cho phép Giáo Hội hoàn vũ tôn kính chính thức một vị Tôi tớ Chúa hoặc Chân Phước chưa được điều tra xong để phong thánh. Hình thức này được Đức Giáo Hoàng Urbanô VIII thiết lập năm 1632, không có nghĩa là Giáo Hoàng sẽ không quan tâm gì đến tiến trình điều tra phong thánh hoặc tự ý tuyên ai đó là thánh. Thật ra, Đức Giáo Hoàng sẽ thực hiện nhìn nhận một án đã kéo dài đối với một đối tượng vốn rất được tín hữu tôn kính và có danh tiếng về chuyển cầu và phép lạ. Vì một lý do nào đó, án phong thánh không hoàn thành được. Trường hợp đó, Đức Giáo Hoàng sẽ ký một sắc lệnh để kết thúc tiến trình đó.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô từng sử dụng phong thánh tương đương đối với Thánh Hildegard xứ Bingen (1098-1179) vào năm 2012, Đức Phanxicô sử dụng với các trường hợp Thánh Phêrô Faber (1506-1546), Angela de Foligno (1248-1309), Jose de Anchieta (1534-1597), Marie Nhập Thể (1599-1672), và Francois-Xavier de Montmorency-Laval (1623-1708).
Gioakim Nguyễn
Để lại một phản hồi