Ngày 04/11, phóng viên Gianni Valente của Hãng tin Fides thuộc Bộ Truyền giáo đã phỏng vấn ĐTC Phanxicô nhân dịp kết thúc Tháng Truyền giáo Ngoại thường. Nội dung cuộc phỏng vấn xoay quanh đề tài Loan báo Tin Mừng của Giáo hội trong thế giới ngày nay.
Trong cuộc phỏng vấn, ĐTC giải thích: “Loan báo Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài luôn liên quan đến việc đi ra và lên đường”. Và ĐTC cảnh báo: “Giáo hội đi ra không phải là một biểu hiện thời thượng”, nhưng là “mệnh lệnh của Chúa Giêsu; trong Tin Mừng Marcô, Chúa yêu cầu các môn đệ ra đi đến toàn thế giới và rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
ĐTC nhắc lại: “Giáo hội hoặc là ra đi hoặc không phải là Giáo hội. Giáo hội hoặc được loan báo hoặc không phải là Giáo hội”. Và ĐTC giải thích thêm: “Nếu Giáo hội không ra ngoài, Giáo hội bị hư hỏng, bị biến dạng. Giáo hội trở thành một thứ khác”, hay “một hiệp hội thiêng liêng, một công ty đa quốc gia nhằm đưa ra các sáng kiến và thông điệp có nội dung về đạo đức-tôn giáo”. ĐTC nói: “Tất cả điều này không sai, nhưng đó không phải là Giáo hội”, bởi vì, thay vì làm chứng cho công trình của Chúa Giêsu và nhen lại cuộc gặp gỡ với Ngài, nó kết thúc ở việc “biến Chúa Kitô theo ý mình”, để nói “nhân danh một ý tưởng nào đó về Chúa Kitô”, trở thành “những ông bầu xô nhỏ của đời sống giáo hội”. Hơn nữa, cần phải nhớ rằng “Loan báo Tin Mừng, Giáo hội đi ra, không phải là một chương trình, một ý hướng được thực hiện bằng nỗ lực của ý chí”, nhưng đó là Chúa Kitô làm cho Giáo hội ra khỏi chính mình và chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy.
Kiểu mẫu cho công cuộc loan báo Tin Mừng
Về vấn đề này, ĐTC Phanxicô trích dẫn sách Công vụ Tông đồ, trong đó “nhân vật chính không phải là các tông đồ”, mà là “Chúa Thánh Thần”. ĐTC giải thích: Kinh nghiệm của Nhóm Mười Hai là một kiểu mẫu có giá trị mãi mãi. Đó là một sự kiện, một câu chuyện của những người là các môn đệ luôn đứng vị trí thứ hai”, “sau Chúa Thánh Thần, Đấng hành động”, “chuẩn bị và làm việc cho các tâm hồn”. ĐTC nhấn mạnh rằng với việc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy là đã “đủ để trở thành những người loan báo Tin Mừng”. Thực tế, sứ vụ là công trình của Chúa Thánh Thần; không có điều này, nó trở thành “một dự án chinh phục”, hoặc “một ý thức hệ”. Vì thế, “nó trở nên vô ích khi chúng ta quá lo lắng, sốt ruột cho sứ vụ này. Chúng ta không cần phải quá quan tâm đến việc tổ chức, hay tìm kiếm kế hoạch”.
Giáo hội phát triển nhờ sự lôi cuốn
Như ĐGH Biển Đức XVI đã khẳng định: “Giáo hội phát triển nhờ sự lôi cuốn”, qua việc làm chứng các công trình của Chúa. Đây không phải là “một sự tin chắc, một lý luận, một nhận thức, một áp lực hay một sự ép buộc”; đó không phải là “một quyết định được đưa ra trên bàn làm việc”, hay “một hoạt động của một “bầu xô gánh hát”, nhưng đó là “một sự lôi cuốn của tình yêu”, “một tình yêu” đối với Chúa Kitô. Nếu Chúa Giêsu là người thu hút chúng ta, “những người khác sẽ chú ý đến điều này, chúng ta không cần phải nỗ lực, không cần phải tỏ ra hoặc phô trương”. ĐTC còn khẳng định: “Đây là lý do tại sao sứ mệnh không phải là một dự án của công ty” cũng không phải “một buổi biểu diễn để đếm xem có bao nhiêu người tham gia”.Trái lại, nó, với “kết quả mầu nhiệm” ở việc biết rằng nếu không có Chúa Giêsu thì không thể làm được gì. ĐTC giải thích “Đỉnh cao của tự do tôn giáo là để cho mình được Thánh Thần dẫn dắt, từ bỏ việc tính toán và kiểm soát mọi sự”.
Chiêu dụ luôn là thái độ, hành vi của bạo lực
ĐTC khẳng định rằng việc chiêu dụ hiện diện “bất cứ nơi đâu người ta có ý tưởng làm cho Giáo hội phát triển bằng cách làm giảm sự lôi cuốn của Chúa Kitô và công trình của Chúa Thánh Thần; và chỉ tập trung mọi sự vào các bài diễn văn khôn ngoan trần thế”. Và điều này cũng có thể xảy ra “trong các giáo xứ, trong cộng đoàn, trong các phong trào, trong các dòng tu”. Đây là lý do tại sao “tự bản chất, chiêu dụ luôn là bạo lực, vì “nó không chấp nhận sự tự do và tính nhưng không của đức tin được truyền từ người này sang người khác”. ĐTC nhấn mạnh: “trái lại, loan báo Tin Mừng, có nghĩa là “đưa ra lý chứng đúng cho người khác về niềm hy vọng”, đưa ra “chứng tá của chính Chúa Kitô”, chứ không phải là “phát minh ra những bài diễn văn có sức thuyết phục”.
Nhà truyền giáo Kitô giáo, người tạo điều kiện cho đức tin được tiếp nhận
Làm thế nào để có thể nhận ra một người là nhà truyền giáo? ĐTC trả lời: Đó là người “tạo điều kiện” chứ không phải là “người kiểm soát đức tin”. Trên thực tế, không cần thiết phải “lựa chọn” hay “đánh thuế mục vụ”, hay “gây chướng ngại trước ước muốn của Chúa Giêsu muốn ôm lấy mọi người”; ngồi “trước cửa để kiểm tra xem những người khác có đủ điều kiện để vào không”. Trái lại, cần phải làm cho việc đến với đức tin của mọi người trở nên dễ dàng.
Kitô giáo mang bộ mặt của các nền văn hóa nơi nó tiếp nhận và bén rễ
Tiếp đến ĐTC nhắc lại rằng “ĐGH Phaolô III đã bác bỏ lý thuyết của những người cho rằng tự bản chất người Ấn Độ “không có khả năng” đón nhận Tin Mừng. Và ngày nay, có những “nhóm tự cho mình là những nhà khai sáng, loan báo Tin Mừng theo lý luận sai lệch của mình”, “chia rẽ thế giới giữa văn minh và man rợ”, và “coi một phần lớn gia đình nhân loại ở vị trí thấp hơn”. ĐTC lưu ý: “Tất cả những điều này cũng xuất hiện vào dịp Thượng hội đồng giám mục về Amazon”. ĐTC còn nhắc đến những lời của Thánh Gioan Phaolô II, chỉ ra rằng “Kitô giáo không có một kiểu mẫu văn hóa duy nhất”, nhưng “mang bộ mặt của nhiều nền văn hóa và của nhiều dân tộc nơi nó được tiếp nhận và bén rễ”. Do đó, trong công cuộc truyền giáo “tốt hơn hết là không mang theo hành lý nặng”, nghĩa là “chúng ta không cần cố gắng áp đặt một hình thức văn hóa cụ thể cùng với đề xuất loan báo Tin Mừng”.
Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ, mà là một bệnh viện dã chiến
Sau đó, trả lời một câu hỏi về mối liên hệ giữa sứ vụ và hoạt động xã hội, ĐTC nói: “Giáo hội không phải là một tổ chức phi chính phủ, là một điều khác. Nhưng Giáo hội cũng là một bệnh viện dã chiến, nơi chào đón tất cả mọi người, như họ là, để chữa lành vết thương của tất cả mọi người. Và đây là một phần sứ vụ của Giáo hội”. Như thế, “khi thực thi tinh thần Bát phúc và công trình của lòng thương xót”, “đã là một lời loan báo, đã là một sứ vụ”.
Mối liên hệ giữa sứ vụ và tử đạo
Câu hỏi cuối cùng được Hãng tin Fides đưa ra liên quan đến chủ đề liên kết giữa sứ vụ và tử đạo. ĐTC nhấn mạnh “Tử đạo là biểu lộ cao nhất chứng tá được Chúa Kitô trao ban”. ĐTC nhắc đến “các Kitô hữ Copts bị giết ở Libia” vào năm 2015 và các nữ tu của Mẹ Têrêsa “bị giết ở Yemen” năm 2016. ĐTC nói “Tất cả họ đều là những người chiến thắng, chứ không phải là nạn nhân”. Và Chúa nhớ lại những điều tốt đẹp mà họ đã làm”.
Ngọc Yến
(vaticannews 05.11.2019)
Để lại một phản hồi