Ngỏ lời với các tham dự viên Hội nghị lần XX của Hiệp hội Luật hình sự quốc tế, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc lại các khía cạnh quan trọng của công lý nhân đạo và ý thức về công lý theo quan điểm Kitô giáo về thế giới.
Ngày 15/11. Đức Thánh Cha đã tiếp các tham dự viên Hội nghị lần thứ XX của Hiệp hội hình luật quốc tế.
Trước hết Đức Thánh cha nhìn nhận sự phục vụ xã hội của các nhà luật pháp và đóng góp của họ cho sự phát triển một nền công lý tôn trọng phẩm giá và quyền con người. Tiếp đến ngài đưa ra một số suy tư về một số vấn đề cũng là thách đố đối với Giáo hội trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng và phục vụ công lý và hòa bình.
- Vấn đề đầu tiên là tình trạng hiện tại của luật hình sự.
Đức Thánh Cha nhắc rằng dù luật hình sự được bổ sung bởi các ngành khác nhưng vẫn đặt ra những nguy hiểm đối với các nền dân chủ và sự phát triển của nhân loại. Đức Thánh Cha đưa ra hai khía cạnh quan trọng của bối cảnh hiện tại:
1/ Thần tượng hóa thị trường
Con người yếu đuối, không thể chống lại các lợi ích của thị trường được thần thánh hóa, những lợi ích trở thành quy tắc tuyệt đối. Ngày nay, một số lĩnh vực kinh tế có quyền hơn chính các quốc gia.
Nhiệm vụ của các nhà luật học, theo Đức Thánh Cha, “là ngăn chặn sự trừng phạt vô lý, trong đó có việc giam tù hàng loạt, đông đúc và tra tấn trong các nhà tù, sự độc đoán và lạm dụng của lực lượng an ninh, mở rộng phạm vi về hình phạt, hình sự hóa sự phản kháng xã hội, lạm dụng nhà tù phòng ngừa và bỏ qua những đảm bảo cơ bản về hình phạt và thủ tục.”
2/ Nguy hiểm lý tưởng hóa hình phạt
Một trong những thách đố lớn nhất là áp đặt tầm nhìn lý tưởng vào thực tế, xem hình phạt là để củng cố lòng tin vào hệ thống luật pháp và kỳ vọng rằng mỗi cá nhân sẽ đảm nhận một vai trò trong xã hội và hành xử theo những gì chúng ta mong đợi.
- Tổn thất xã hội của các tội phạm kinh tế
Tiếp đến, Đức Thánh Cha lưu ý đến sự thiếu sót của hình luật trong việc xử phạt các tội ảnh hưởng nhất, đặc biệt là tội phạm vĩ mô của các tập đoàn. Ngài nói đến các nguồn vốn tài chính toàn cầu như là nguyên nhân của các tội phạm có tổ chức, gây nên các món nợ quá khả năng hoàn trả của các quốc gia và sự bóc lột tài nguyên của trái đất chúng ta.
Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là những tội ác nghiêm trọng như tội ác chống lại loài người, khi chúng dẫn đến đói nghèo, buộc phải di cư và chết do những căn bệnh có thể tránh được, thảm họa môi trường và nạn diệt chủng của người bản địa”.
III. Bảo vệ pháp lý về môi trường
Điểm thứ ba Đức Thánh Cha lưu ý là có một số hành vi, mà thường là thuộc trách nhiệm của các công ty, không bị trừng phạt, đặc biệt những thứ có thể được xem là “diệt chủng thiên nhiên”: sự ô nhiễm không khí, nguồn tài nguyên đất và nước, sự phá hủy quy mô lớn của hệ thực vật và động vật, và bất kỳ hành động nào có khả năng gây ra thảm họa sinh thái hoặc phá hủy một hệ sinh thái. Tội ác này chống lại các thế hệ tương lai. Đức Thánh Cha cũng giải thích thêm rằng tội phạm này ảnh hưởng đến sự sống của các cư dân. Đây là đặc tính thứ năm của loại tội phạm chống lại hòa bình, cần được cộng đồng quốc tế nhìn nhận.
Đức Thánh Cha kêu gọi các lãnh đạo và đại diện của ngành luật đóng góp những nỗ lực để bảo đảm việc bảo vệ đầy đủ cho ngôi nhà chung của chúng ta.
- Về một số lạm quyền trong án phạt
Điểm cuối cùng, Đức Thánh Cha đề cập đến một số lạm quyền đang trở nên tồi tệ hơn trong thời gian gần đây.
1/ Sử dụng không đúng cách việc giam giữ trước khi xét xử.
Đức Thánh Cha lưu ý, có những nơi tù nhân không bị kết án chiếm hơn 50%. Tình trạng này cũng góp phần làm suy giảm điều kiện giam giữ của nhà tù và việc sử dụng bất hợp pháp lực lượng cảnh sát và quân đội cho các mục đích này.
2/ Khích động bạo lực không chủ ý
Đức Thánh Cha lên án việc cải cách thể chế quốc phòng để biện minh cho bạo lực do các lực lượng an ninh gây ra. Cộng đồng pháp lý cần bảo vệ các tiêu chí truyền thống để ngăn chặn việc xử phạt thiếu dân chủ trở thành bạo lực và sử dụng bạo lực không cân xứng. Ngài nói: “Đó là những hành vi không thể chấp nhận được trong một quốc gia luật pháp và cách chung, nó đi kèm với những định kiến phân biệt chủng tộc và sự khinh miệt đối với các nhóm bên lề xã hội.”
3/ Nền văn hóa loại bỏ và thù hận
Đức Thánh Cha đề cập đến các cuộc đàn áp chống người Do Thái, người du mục, những người có khuynh hướng đồng tính, là ví dụ tiêu cực của nền văn hóa loại bỏ và thù hận. Ngài nói: “Chúng ta cần cảnh giác, cả trong dân sự và trong phạm vi giáo hội, để tránh mọi thỏa hiệp có thể xảy ra – được cho là không tự nguyện – với những suy thoái này”.
4/ Lawfare
Đức Thánh Cha nói đến hiện tượng sử dụng luật để chống lại chính quyền mà mình không ưa thích, làm giảm quyền lợi xã hội và cổ võ thái độ chống chính trị có lợi cho những người khao khát thực thi quyền lực độc đoán.
Mời gọi trách nhiệm
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả những nhà luật học có trách nhiệm trong việc hành luật. Mỗi người phải tôn trọng luật pháp với trách nhiệm và lương tâm, đàng khác luật pháp không có mục đích tự chính nó nhưng là để phục vụ những người liên quan.
Một nền công lý được phục hồi
Đức Thánh Cha kết luận bằng cách đưa ra mô hình công lý theo quan điểm Kitô giáo, được nhập thể hoàn hảo trong cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng mà sau cuộc khổ nạn và cái chết, cuối cùng, trong sự phục sinh của Ngài, mang đến một thông điệp về hòa bình, tha thứ và hòa giải. “Đây là những giá trị khó đạt được nhưng cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp của tất cả mọi người. Đức Thánh Cha mời gọi tiến tới một mô hình công lý dựa trên đối thoại và gặp gỡ.” (REI 15/11/2019)
Hồng Thủy
(VaticanNews 15.11.2019)
Để lại một phản hồi