Người già: thành phần dễ bị gạt ra bên lề trong đời sống xã hội hiện đại

Có một hiện tượng rất phổ biến ở người già: nói rất nhiều. Ta thường chỉ nghĩ đến việc họ bị ‘lẫn’, bị lẩm cẩm, hay thích hồi tưởng quá khứ, nên họ thường xuyên nhắc lại những câu chuyện còn lại trong trí nhớ một cách nhàm chán. Tuy nhiên, thiết tưởng còn một nguyên nhân căn bản hơn của hiện tượng này: họ thấy mình không được chú ý, không được người khác hiểu, và thấy mình bị gạt ra khỏi các sinh hoạt của xã hội. Điều này khiến người già thấy họ bị lạc lõng trong xã hội, thậm chí cả trong gia đình. Con người tự bản chất mang tính tương quan, nên bất cứ ai thấy mình thiếu môi trường sống tương quan, đều có khuynh hướng tìm cách kết nối với người khác. Ở trường hợp người già, nhu cầu này là rất cao, vì những lý do hiện sinh gắn liền với giai đoạn đặc biệt này trong cuộc đời. Vì lẽ đó, tương tự như trẻ con, người già thường nói nhiều để mong được người khác chú ý.

Trong xã hội hiện đại, tính dễ tổn thương này của người già càng lớn hơn nữa, vì những chuyển động và thay đổi diễn ra nhanh chóng ở mọi khía cạnh trong đời sống xã hội. Khi một hệ thống chuyển động mạnh, sẽ có những thành phần nhất định bị ‘văng ra ngoài’, mà thành phần dễ thấy nhất là người già. Để tìm hiểu mức độ bị ‘gạt ra rìa’ đó, chúng ta có thể suy xét đến những vấn đề sau liên quan đến người già trong thời đại hôm nay, nhất là trong xã hội Việt Nam:

Điều đầu tiên là người già và người trẻ khó hiểu được suy nghĩ của nhau. Tỉ như, mấy cô cậu học trò có thể ngạc nhiên khi thấy người ông của mình phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ cặm cụi viết thư tay và gửi bưu điện, thay vì chỉ cần ngồi trước máy tính gõ vài phút là xong; và ngược lại, các ông bà lớn tuổi cũng không hình dung được lý do tại sao người ta lại làm những chương trình trên tivi kiểu ‘Hôn nhau để hẹn hò’ (Date & Kiss) cho giới trẻ xem, hay họ cũng không tưởng tượng được làm sao mà bọn trẻ có thể đọc, hiểu và nhắn tin cho nhau những thứ ký hiệu chẳng phải là con chữ bình thường. Tất nhiên, thời đại nào cũng có vấn đề về cách biệt suy nghĩ giữa già và trẻ. Tuy nhiên, trong thời đại hôm nay, khoảng cách của sự khác biệt này ngày càng lớn hơn. Lý do là, ngoài những nguyên nhân khá ‘tự nhiên’ như đã có từ trước giờ, hiện còn có nguyên nhân từ lối sống công nghệ của người trẻ, trong đó mọi thứ diễn ra và thay đổi rất nhanh, trong khi người già không đủ mức độ nhạy bén và năng động để có thể tiếp cận và thích ứng với lối sống này.

Thứ nữa, cơ cấu của gia đình trẻ cũng đang thay đổi: hiện nay, hình thức gia đình tam hoặc tứ đại đồng đường không còn tồn tại nhiều, mà thay vào đó là gia đình hạt nhân. Hơn nữa, số con trong các gia đình đang ngày càng giảm mạnh hơn so với các thế hệ trước. Sự thu hẹp quy mô và cấu trúc gia đình sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi thành phần trong gia đình, nhưng người già là đối tượng chịu tác động cách đặc biệt. Trong cơ cấu này, người già không còn vai trò ‘nền tảng định hướng’ của gia đình như trong truyền thống nữa.

Thêm vào đó, lối sống hiện đại đang chi phối sự gắn kết giữa người trẻ và người già. Nhịp sống ‘công nghiệp hoá’ khiến người trẻ dành chủ yếu thời gian và sức lực cho công việc. Tất cả những gì tích cực và ‘chất lượng’ nhất đã được dành cho công sở rồi; vì vậy, năng lượng tiêu cực thường phát ra trong thời gian ở nhà của họ. Bên cạnh công việc, rất nhiều thứ khác cũng đang chi phối tâm trí con người hiện đại, khiến họ trở về nhà trong tâm trạng mỏi mệt và căng thẳng. Vì vậy, rất nhiều người không còn khả năng quan tâm và đối xử nhẹ nhàng với những người trong gia đình, nhất là với người già – những người dễ gây khó chịu vì nếp sống cũ của họ.

Cuối cùng, những quan niệm mới về lối sống gia đình, nhất là trong thời đại ‘hội nhập văn hoá’, đang khiến cho khoảng cách giữa thế hệ gia đình trẻ và người già ngày một xa cách hơn. Ví dụ, nếu như trước kia, việc nuôi dạy một đứa trẻ là công việc chung dành cho mọi người trong gia đình, trong đó, đóng góp của ông bà được xem như một phần đặc biệt, thì ngày nay, nhiều ông bà không còn được trao cơ hội này nữa. Thậm chí, có người còn không được phép tiếp xúc, chăm sóc con cái, cháu chắt. Lý do là vì quan điểm giáo dục của cha mẹ trẻ rất khác biệt với ông bà. Điều này đặc biệt nghiêm trọng với trường hợp những người già ở miền quê và con cháu sống ở thành thị. Trước kia, các gia đình trẻ thường hay đưa con cái về sống với ông bà ở quê trong các dịp hè hoặc lễ lạc, để cho bọn trẻ được hòa mình vào bầu khí thôn dã và được ông bà nuôi dạy. Nhưng hiện nay, một phần vì tụi nhỏ phải học như chính khóa trong Hè, một phần vì bố mẹ cũng không muốn con tiếp xúc với lối giáo dục xưa cũ của ông bà, nên chẳng mấy ai làm như trước. Kết quả là tương quan giữa ông bà với gia đình trẻ, đặc biệt là với cháu chắt, ngày càng bị tách biệt.

Nói thế không phải để lên án người trẻ nói chung và các gia đình trẻ nói riêng, vì những thay đổi đó diễn ra theo chuyển động chung của cả xã hội, của thời đại. Có những thay đổi dường như tất yếu phải diễn ra, ngoài ý muốn chủ quan của cá nhân; hơn nữa, không hẳn tất cả những thay đổi đó đều mang tính tiêu cực. Vì vậy, người già không thể đòi hỏi người trẻ đáp ứng hết mọi mong muốn chủ quan của mình. Tuy nhiên, phía người trẻ phải ý thức về những khác biệt và thay đổi; và phải tìm cách hội nhất hết mức có thể những giá trị căn bản vào những biến chuyển đó, để những người lớn tuổi – những người xứng đáng được nhận sự tôn trọng và chú tâm của xã hội – không bị gạt bên lề. Trong nỗ lực này, có hai nhu cầu chính đáng sau của người già cần được để ý:

Thứ nhất là nhu cầu tiếp xúc với con cháu. Theo lẽ thường, ước mong bảo toàn sự sống là điều ăn sâu nơi tâm thức con người. Chính qua con cái, cha mẹ thấy cái chết của mình còn để lại một cánh cửa mở, và cuộc sống của mình được nối tiếp. Vì vậy, đối với các bậc cha mẹ, nhìn thấy con cháu chính là nhìn thấy sự nối dài của mình, là ‘di sản để dành’ của bản thân. Theo nghĩa đó, niềm hạnh phúc hàng đầu của người già là được chứng kiến sự trưởng thành và phát triển của con cháu mình, và có cơ hội chăm sóc, đụng chạm vào tiến trình phát triển đó. Do vậy, cách báo hiếu đẹp nhất của người trẻ là hãy để cho các bậc ông bà, cha mẹ có nhiều cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc và chăm sóc mình, nhất là đối với các cháu nhỏ. Đó là niềm an ủi lớn lao của họ, nhất là trong giai đoạn tuổi già, vốn là thời gian dễ bị tổn thương về tâm lý.

Thứ hai, hãy để người già có cơ hội làm việc, nếu sức khỏe thể lý và tâm lý của họ còn cho phép. Có lẽ một trong những sầu khổ lớn nhất của con người là cảm giác thấy mình vô dụng. Cách này hay cách khác, con người luôn muốn mình có sự hữu ích, có những đóng góp nào đó, và được người khác công nhận những công trạng đó. Khi không còn cảm nhận được sự có ích của mình, người ta thấy mình chẳng có nhiều lý do để tồn tại nữa. Sự trống trải này chính là thứ khủng hoảng mà người già dễ gặp phải nhất. Vì vậy, nhiều người già dễ bị suy sụp sức khỏe một thời gian rất ngắn sau khi bị cho nghỉ hưu. Rất tiếc là nhiều người trẻ lại không ý thức về nguy cơ này. Hơn nữa, vì những lý do rất tốt lành, rằng những người già cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, nên họ cắt hết tất cả mọi công việc của cha mẹ lớn tuổi nói riêng và của người già nói chung. Họ không ngờ rằng mình đang góp phần lớn vào khủng hoảng của cha mẹ mình. Vì vậy, người trẻ hãy cố gắng tạo những không gian và cơ hội nhất định cho người già được đóng góp công sức, tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện sức khỏe của họ. 

Trong Lời Tựa cho quyển sách Chia Sẻ Sự Khôn Ngoan của Thời Đại, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng sự khôn ngoan, kinh nghiệm và hiểu biết của người già chính là những đóng góp trụ cột cho xã hội; và người trẻ cần phải bén rễ sâu vào trong truyền thống khôn ngoan của cha ông bằng cách thắt chặt mối tương quan với người già. Rõ ràng, từ phạm vi cá nhân cho tới tầm mức xã hội, chúng ta không thể triển nở trong hiện tại, cũng như không thể tìm được phương hướng cho tương lai, nếu chúng ta bị cắt đứt khỏi nguồn cội của mình. Hơn nữa, như Kinh Thánh diễn tả, tuổi già là biểu tượng cho Vĩnh Cửu: Thiên Chúa – Đấng Vĩnh Cửu – đã hiện ra với Daniel dưới hình dáng một vị kỳ lão (Đn 7,9); hay sách Khải Huyền nhắc đến 24 vị kỳ lão – biểu trưng cho triều đình của Thiên Chúa – hằng ca hát ngợi khen vinh quang Ngài đến muôn đời (Kh 4,4; 5,14).[1] Theo nghĩa đó, hướng về người già cũng là hướng về mầu nhiệm của cuộc sống và mầu nhiệm Nước Trời. Vì thế, lời dạy sau đây của Tông huấn Christus vivit thật quan trọng, nhất là trong thời đại hôm nay:

Người trẻ và người già cùng nhau bén rễ sâu trong hiện tại, để từ đó, thăm lại quá khứ và hướng đến tương lai. Thăm lại quá khứ để học từ lịch sử và chữa lành những vết thương đôi khi ảnh hưởng đến chúng ta. Hướng đến tương lai để nuôi dưỡng lòng nhiệt thành, làm cho những giấc mơ nảy mầm, hồi sinh những lời tiên tri, khiến hy vọng nở hoa. Bằng cách này, cùng nhau, chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau, sưởi ấm tâm hồn nhau, gây hứng khởi cho tâm trí nhau bằng ánh sáng Tin Mừng và ban cho đôi tay chúng ta sức mạnh mới.[2]

[1] X. Điển ngữ thần học Kinh Thánh, mục tự Tuổi già.

[2] Christus vivit, s. 199.

Nguồn: Vatican News

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*