Đức Giám Mục Đaminh Nguyễn Văn Mạnh: Sứ vụ phục vụ của Linh mục

Trong bài giảng thánh lễ truyền chức linh mục (Lm) tại Nhà thờ Chính Tòa Đà Lạt ngày 23.11.2019, Đức Giám Mục (ĐGM) Đaminh Nguyễn Văn Mạnh đã nói về sứ vụ phục vụ của linh mục qua hai câu chuyện của Lm. Nguyễn Vân Đông và của ĐGM. Jean Cassaigne.

Chuyện 1:

– Lm. Nguyễn Vân Đông – Lm. Giáo phận Kontum – mà tôi mới có dịp gặp gỡ truyện trò nhiều, khi lên giúp tĩnh tâm linh mục trên đó hai tuần trước, ngài kể: Năm 1964, khi ngài thi đậu tú tài muốn đi tu làm linh mục, Giám mục giáo phận Kontum lúc đó là Đức Cha Seitz người Pháp dặn dò ngài: “Bây giờ con có bằng tú tài rồi, tú tài pháp có, tú tài việt cũng có. Con hãy suy nghĩ kỹ… Như con đã biết Kontum là tận cùng thế giới. Nếu con làm linh mục ở Paris thì con chỉ cần dạy giáo lý cho tốt, rồi con có thể đi thăm mục vụ, làm các bí tích, như vậy cũng được rồi; nhưng nếu con muốn làm linh mục ở Kontum thì ngoài những việc đó ra, con còn phải biết cho người nghèo thuốc khi bị bệnh, phải biết sửa xe đạp cho dân làng, phải biết quay cho máy điện nổ, rồi con còn phải biết… đỡ đẻ nữa”.

Tôi nghe nói mà cảm thấy mắc cười, nhưng tôi vẫn quyết tâm đi tu làm linh mục ở Kontum..

Chuyện 2: do chính ĐGM. Cassaigne kể lại:

– Hôm ấy, vào dịp nghỉ lễ Phục sinh, một viên chức cao cấp thuộc Bộ Giáo dục lên Di Linh săn bắn. Ông một mình len lỏi qua phía đường Gia Bắc săn đa đa và chim công, nhưng vì mải bắn đa đa ông đi lạc qua lối làng cùi. Thấy ông tây lạ, người cùi bu ra xem. Vừa trông thấy những người rụng hết ngón tay đốt chân, máu mủ nhớp nhúa, mùi hôi hám bốc ra, ông lợm giọng, muốn nôn mửa, đành bỏ dở cuộc săn bắn, trở về khách sạn. Được biết tất cả là do ông cha đàng nhà thờ Di Linh, thế là nhà mô phạm tôn thờ phép vệ sinh này đi thẳng đến nhà thờ để hạch tội người chủ xướng dám đem người cùi vào sống trong vùng săn bắn của ông:

– “Linh mục có xuất thân từ trường thuốc nào không ? Làm sao dám bạo gan đứng ra mở nhà thương cùi ? Rồi còn vấn đề vệ sinh công cộng của bao dân làng Di Linh này, ai sẽ bảo đảm ?”.

– Cha Cassaigne ôn tồn đáp: “Tôi, như ngài biết, chỉ xuất thân từ trường đào tạo linh mục, nhưng ngài cũng như tôi, chúng ta cùng chung một quan điểm tôn trọng con người, chúng ta không thể vì bảo thủ nguyên tắc vệ sinh một cách khắt khe mà dày xéo lên mối tình làm người được. Tôi phải đứng ra lo cho họ chỉ vì họ quá khốn khổ sống chui rúc trong rừng sâu không có gì bảo đảm cho họ cả”.

– “Sao linh mục không chỉ bảo cho nhân viên biết chăm sóc họ thường xuyên, mà để họ hôi hám dơ bẩn quá vậy ? Nhân viên của linh mục có cho họ đủ thuốc men đúng luật y tế không ?”.

– “Giám đốc là tôi, mà nhân viên cũng là tôi. Lúc đầu một mình tôi băng bó cho họ, một ít bệnh nhân khỏe mạnh hơn trợ giúp tôi. Chúng tôi băng bó rửa vết thương cho bệnh nhân mỗi tuần hai lần. Về sau thì có được hai nữ tu Vinh Sơn đến trợ giúp, họ đều là những y tá chuyên môn có bằng cấp đấy. Nhưng ông đừng quên chúng ta đang ở trên xứ Thượng, và người Thượng ở đây không có nhiều kiến thức về vệ sinh như chúng ta ở Pháp”.

– “Thế Chính phủ Pháp không cấp đủ số tiền cho linh mục trong công việc xã hội này để linh mục lo cho đàng hoàng hơn sao ?”.

– “Ôi, Chính phủ Pháp thì cũng như ngài đều ở cả dưới Sàigòn, làm sao biết rằng trước đây họ trợ cấp cho mỗi người cùi một ngày 20 xu, bây giờ vì kinh tế khủng hoảng đã rút bớt một nửa, mỗi ngày chỉ còn 10 xu. Mà ngài có biết không, chính phủ chỉ trợ cấp cho con số 90 bệnh nhân, trong khi thực tế bây giờ đã lên tới 129 người rồi. Tôi đào đâu ra tiền, nếu không nhờ những tấm lòng hảo tâm đóng góp thêm vào để giúp tôi nuôi hết số bệnh nhân này”

– Tiễn chân ông cao cấp xuống cầu thang, ngài tiếp: “Ông bạn ạ, ước gì những người cùi Di Linh sẽ là những dấu hỏi to tát trong lòng mỗi người chúng ta… Cho tới bây giờ chúng ta đã làm được những gì cho họ ?.

Cuộc hội ngộ kết thúc trong căng thẳng và với cái bắt tay hững hờ giữa hai kẻ đối thoại không đồng chung quan điểm.

– Nhưng rồi một tháng sau, từ Bộ Giáo dục Sài Gòn, một bưu kiện lớn được gửi lên cho Cha Cassaigne tại Di Linh với dòng chữ ngắn ngủi: “Tôi cố giải đáp câu hỏi mà sự hiện diện của những người cùi Di Linh gợi lên trong tôi. Từ nay, mỗi tháng quà thuốc men này sẽ là phần đóng góp của riêng tôi vào công tác đáng khích lệ của linh mục”. Ký tên: …Tổng Thanh Tra Giáo dục Đông Dương.

– ĐC Cassaigne kể tiếp: Bốn năm sau, giữa lúc chiến tranh Đông Dương đang bộc phát dữ dội, thì một buổi sáng tại Tòa giám mục Sài Gòn, ngài nhận được một cú điện thoại từ Phủ Toàn Quyền: “Yêu cầu ĐC Cassaigne cấp tốc đến bệnh viện Nam Vang, có một bệnh nhân xin gặp gấp”. Khi đến bệnh viện, mới hay người bệnh nhân chính là ông cao cấp, tín đồ tam điểm, người đối thoại không cùng chung quan điểm năm trước. Sau khi ĐC ra về rồi, người bệnh nhân tràn ngập nước mắt nói công khai hãnh diện trước sự ngỡ ngàng của bà vợ và các ông bạn vô thần rằng: “Tôi vừa xưng tội và chịu các phép sau hết với một Giám mục lập làng cùi, người mà tôi rất mến phục”. Vài ngày sau đó, ông đã qua đời.

ĐGM. Đaminh Nguyễn Văn Mạnh kết luận

– Thưa anh em ứng viên linh mục, viên chức cao cấp đó đã qua đời, và chính ĐC Cassaigne cũng đã rời xa chúng ta lâu rồi, nhưng Trại Phong Di Linh mà năm nay kỷ niệm 90 thành lập đang còn đó, và những con người cụ thể cần được chăm sóc còn la liệt đó, chỉ cần chúng ta biết mở mắt nhìn. Điều quan trọng là với chức thánh linh mục, anh em không chỉ có thiện chí phục vụ, mà anh em được Hội Thánh chính thức trao cho sứ vụ phục vụ. Về điều này, tôi tha thiết xin gia đình các thầy cùng chia sẻ và chia sẻ ở chiều sâu: khi các cha các thầy được sai đi, đi đâu mặc lòng, hãy nghĩ đến sứ vụ Chúa sai đi, đừng chỉ nghĩ đến tiện nghi dễ dãi theo kiểu thế gian để bàn lùi..

– Chính bản thân giám mục lại càng phải nặng lòng với sứ vụ phục vụ này như lời thánh Augustinô trong ngày ngài kỷ niệm thụ phong giám mục của mình: “Với anh em, tôi là tín hữu; nhưng cho anh em, tôi là giám mục. Danh hiệu trước đem lại cho tôi sự an ủi; danh hiệu sau làm tôi run sợ, vì phải trả lẽ trước mặt Chúa”. Làm giám mục, linh mục, là phải trả lẽ về sứ vụ phục vụ và công việc phục vụ của mình trước mặt Chúa.

– Xin Chúa chúc lành cho chúng ta trong sứ vụ “mục tử”, và trong hành trình phục vụ “suốt đời”.

Nguồn: Giáo phận Đà Lạt

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*