Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích một “ngôi làng toàn cầu của giáo dục”, trong khuôn khổ việc chuẩn bị cho “Hiệp Ước Thế Giới Về Giáo Dục” vào tháng 5/2020.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên của cuộc họp mặt thế giới “Tôi có thể” (‘‘I can’’, ‘‘Io posso’’), một dự án được cổ vũ bởi các trường công giáo của FIDAE và được gợi hứng từ sứ điệp Laudato si’ của Đức Thánh Cha, đã diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30/11/2019 tại Rôma, với sự tham dự của 43 quốc gia.
Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, một phương tiện để xây dựng ngôi làng đó, chính là “phương pháp sư phạm kết hợp đầu, hai tay và trái tim, nghĩa là những tầm kích của chúng ta, luôn được nối liền với nhau”.
Sau đây là bản dịch nhanh bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô, được ngài đọc bằng tiếng Ý.
Bài diễn văn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Các con thân mến,
Các nhà giáo dục và các phụ huynh thân mến !
Cha chào mừng tất cả mọi người và cảm ơn các con đã đến đây ngày hôm nay vào cuối cuộc họp mặt cấp thế giới. Tôi đặc biệt cảm ơn bà chủ tịch cơ quan FIDAE vì những lời dẫn nhập của bà.
Tôi thích thấy vẻ đẹp trong hành động của sự dấn thân hàng ngày của Quý Vị. Một vẻ đẹp được làm thành bởi sự chia sẻ những cử chỉ nhỏ nhặt. Điều này nhắc tôi nghệ thuật tranh khảm, trong đó, nhiều mảnh nhỏ được ghép lại để làm thành một bức họa lớn hơn. Tới gần, những mảnh đá nhỏ đó dường như chẳng có ý nghĩa gì, nhưng chung lại, chúng tạo thành một nhãn quan tuyệt vời.
Trong truyền thống Do Thái, vẻ đẹp và sự tốt lành gắn liền với nhau, chúng bất phân ly. Thí dụ, trong sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy rằng Thiên Chúa – trong công trình tạo dựng – phân chia các môi trường của thế giới, ánh sáng khỏi bóng tối, đất liền khỏi nước… Người dựng đầy trên trái đất, cây cỏ và muông thú và, khi tất cả đã sẵn sàng, Người dựng lên người nam và người nữ. Lúc kết thúc công trình tạo dựng, chúng ta đọc thấy : “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” ; và đối với người nam và người nữ : “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (St 1,31).
Từ ngữ “tốt đẹp” tiếng Do Thái có một giá trị rất lớn và có thể phiên dịch không chỉ là “tốt” mà còn như “hài hòa”. Chính là một sự hài hòa đa âm thanh được làm ra bởi vẻ đẹp, bởi cái tốt và bởi chia sẻ. Công trình tạo dựng làm cho chúng ta kinh ngạc và thán phục bởi sự huy hoàng và bởi sự đa dạng và, đồng thời, đưa ta về lại mặt đất, làm cho chúng ta hiểu được vai trò của chúng ta là như thế nào trên thế giới trước cái vĩ đại như thế.
Khi chúng ta nhìn lên bầu trời và những tinh tú với sự kinh ngạc và thán phục, hay trước tiếng róc rách của một con suối với làn nước trong veo, tâm hồn chúng ta được hướng tới sự chiêm ngưỡng tác giả của những cái đẹp đó (x. Kn 13,3), một kho tàng được ban cho loài người, để loài người cũng phải cày cấy và canh giữ nó (x. St 2,15). Trong Kinh Thánh, như thế có một quan hệ chặt chẽ giữa cái đẹp và cái tốt lành, giữa cái Mỹ và cái Thiện được hiểu như là một sự phục vụ cống hiến cho người khác.
Cũng như Thiên Chúa đã để sẵn cho con người công trình tạo dựng của Người, thì con người cũng phải làm hết mình để làm sống động cho một “cái đẹp được chia sẻ”. Chúng ta bị đối chất với một “chiếc chìa khóa” của vũ trụ, mà sự sống còn tùy thuộc vào nó : chiếc chìa khóa đó chính là ý định giao ước của Thiên Chúa. Vấn đề là phải nhận biết chủ ý đã được khắc ghi trong vẻ đẹp của thiên nhiên, nghĩa là ý định của Đấng Tạo Hóa muốn truyền đạt, cống hiến một thông điệp tuyệt vời cho những ai có thể giải thích được, nghĩa là chúng ta, những con người.
Chúng ta đừng mắc lừa “là có thể thay thế một vẻ đẹp vốn dĩ không thể thay thế được và không thể thu hồi được bởi một vẻ đẹp do chúng ta tạo nên” (Sứ Điệp Laudato si’, 34). Chúng ta không thể chấp nhận cái rủi ro của Promêthê. Có lẽ Quý Vị đã nghe chuyện cậu trai trẻ, vốn có thiện chí, muốn trở thành gần như một vị thần linh. Cậu ta muốn thay thế Thiên Chúa và đôi khi chính chúng ta nữa, vô tình không ý thức, chúng ta sa vào cám dỗ này, khi “cái tôi” trở thành trung tâm điểm của mọi thứ và của mọi người. Thay vì điều đó, các bạn thân mến, dự án của các bạn, được gợi ý bởi sứ điệp Laudato si’, nói đúng ra rằng chúng ta không thể bằng sức mình, không có người khác. Chúng ta không được dễ bị lừa và rơi vào cạm bẫy của sự độc quyền. Quý Vị đã hiểu rằng “tôi có thể” phải trở thành “chúng ta cùng nhau có thể”. Cùng nhau, thì đẹp hơn và hữu hiệu hơn ! Tôi có thể, chúng ta có thể, cùng nhau.
Cùng nhau, chắc chắc vậy, với các nhà giáo dục. Một lời chào thân tình và một lời cảm ơn cho tất cả các thầy, cô đang đồng hành với dự án này bằng sự làm việc quý hóa của Quý Vị. Cùng nhau, chúng ta chuẩn bị Hiệp Ước Thế Giới về Giáo Dục sẽ diễn ra tại Rôma ngày 14/5/2020. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi để xây dựng một “ngôi làng toàn cầu của giáo dục”. Lời nói này thật là đẹp : “ngôi làng toàn cầu của giáo dục”. Lời nói nào nhỉ ?… [các em nhắc lại] Cha không nghe rõ… [các em nhắc lại nữa]. Bây giờ thì tốt rồi ! Những ai sống trong đó triển khai một mạng lưới quan hệ nhân bản, làm thành phương thuốc tốt nhất chống lại mọi hình thức kỳ thị, bạo lực và hăm dọa. Trong ngôi làng đó, giáo dục trở thành người mang tình huynh đệ và người tạo ra hòa bình giữa mọi dân tộc của đại gia đình nhân loại, cũng như tạo ra đối thoại giữa các tôn giáo của họ.
Cùng nhau, đương nhiên rồi, với các phụ huynh. Điều này mang tính quyết định cho sự thành công của những sáng kiến của Quý Vị. Các phụ huynh đóng góp không chỉ cho sự thực hiện cuối cùng mà, đồng thời, tham gia vào dự án giáo dục thông qua một sự đối chất đẹp đẽ được làm bằng sự tò mò và sự mới mẻ. Chúng ta cũng vậy, những người lớn, chúng ta có thể học tập các người trẻ là những người, về tất cả những gì liên quan đến bảo vệ thiên nhiên, đứng ở tuyến đầu. Cảm ơn các bà mẹ và các ông cha vì sự đóng góp và sự kiên trì ủng hộ của họ.
Các con trai, gái thân mến, cha thấy nơi các con một niềm tin tưởng can trường. Phải, lòng tin tưởng và lòng can cảm của một dự án cụ thể nhằm cải thiện môi sinh và xã hội ; một dự án có thể để lại một ấn tượng. Các con đã làm một sự lựa chọn tốt : các con đã rời mắt ra khỏi màn ảnh điện thoại di động của các con và các con đã săn tay áo lên để đi vào phục vụ cộng đoàn. Và các con cũng đã đưa điện thoại di động vào phục vụ sự dấn thân này ! Sự sáng tạo và óc tưởng tượng đã làm cho những sáng kiến của các con còn thú vị hơn nữa. Các con đã cho thấy rằng thông minh nhân tạo, một mình nó, không thể cung cấp được hơi ấm con người mà tất cả chúng ta đều cần đến. Cha còn nhớ cái lúc mà, trong Thượng Hội Đồng Các Giám Mục về giới trẻ, hai cô gái đã trình bày, từng giai đoạn một, các hoạt động trong dự án của các con.
Điều làm cha hạnh phúc – khi thấy nụ cười trong mắt các con – đó là các con đã chọn lựa sự liên đới, làm việc chung và trách nhiệm với nhiều chuyện khác mà thế giới cống hiến cho các con. Quả vậy, đã như thế đó : nhiều chuyện đôi lúc giúp vui cho các con, và rồi hết. Thay vì chuyện đó, sự dấn thân này mang lại cho các con một sự vừa lòng ở lại lâu dài nơi các con. Đó cũng là hoa trái của một phương pháp sư phạm phối hợp cái đầu, đôi bàn tay và trái tim, nghĩa là những chiều kích khác nhau của chúng ta, luôn được nối liền với nhau. Bởi vậy, các con hạnh phúc hơn những kẻ muốn có tất cả và chẳng cho đi cái gì. Chính chỉ khi cho đi mà hạnh phúc mới có thể đạt được (x. Cv 20,35).
Cảm ơn ! Tôi cảm ơn mọi người vì cuộc thăm viếng của mọi người và tôi thân ái ban phép lành cho tất cả. Cảm ơn.
Và bây giờ, đứng lên, trong thinh lặng, chúng ta cầu nguyện cho nhau, tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với tấm lòng chúng ta và cầu xin Chúa, cầu xin Thiên Chúa ban phép lành cho tất cả mọi người. Amen.
Nguồn: baigiangdtc.dk
Để lại một phản hồi