Về việc xướng tên các Giám mục trong Thánh lễ

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC XƯỚNG TÊN CÁC GIÁM MỤC

TRONG THÁNH LỄ

Kính thưa quý cha,

Văn phòng Tòa Giám mục xin nhắc lại việc xướng tên các Giám mục trong thánh lễ:

Trong tuần Tĩnh tâm Năm vừa qua, các Linh mục đã bàn bạc về việc xướng tên các Giám mục trong Kinh Nguyện Thánh Thể theo luật của Phụng vụ. Các Linh mục đã có những dẫn chứng cụ thể, đó là ngay cả Đức Giáo hoàng Benêdictô khi về hưu cũng không được đọc trong Kinh Nguyện Thánh Thể mà chỉ đọc Giáo Hoàng đương kim. Mới đây, sau khi được Tòa Thánh cho nghỉ hưu, ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức Cha AnTôn Vũ Huy Chương cũng đề nghị giáo phận không đọc tên các ngài khi đã về hưu, vì xướng tên Đức Giáo Hoàng và các Đức giám mục là để nói lên dấu chỉ hiệp nhất và mối hiệp thông mang ý nghĩa thần học (chứ không vì tình cảm). Vậy sau khi nghe tham khảo ý kiến của quý cha trong ngày sinh hoạt mục vụ, Đức Giám mục giáo phận Giuse Trần Văn Toản đã quyết định việc xướng tên các Giám mục trong giáo phận Long Xuyên được thực hiện như sau:

Kể từ ngày ra thông báo này, xin quý cha không xướng tên các Giám mục về hưu trong các Kinh Nguyện Thánh Thể.

Điều này được dựa trên các khoản luật Phụng vụ sau:

CÁCH THỨC NÊU TÊN ĐỨC GIÁM MỤC

1] Phải nêu tên

Cách chung, trước hết tư tế nêu danh hiệu của Đức Giáo Hoàng đương kim và chỉ nêu danh hiệu chứ không nêu con số. Tiếp đến, tư tế nêu danh tính của Đức Giám mục đang cai quản giáo phận (Bản quyền địa phương) hoặc Đức Giám mục giám quản giáo phận hoặc vị cùng đẳng cấp với Giám mục giáo phận theo luật. Tư tế có thể nêu thêm tên của Đức Giám mục phó hay phụ tá. Tại Rôma, chỉ nêu tên Đức Giáo Hoàng mà thôi vì ngài là Giám mục của giáo phận Rôma.

2] Không nêu tên

Cách chung, không nêu tên Đức Giám mục khi vị tư tế dâng lễ trên biển khơi hay những nơi không có Đức Giám mục cư trú. Cũng nên bỏ qua những tước hiệu danh dự như Hồng y. Trong thánh lễ đồng tế có nhiều vị giám mục tham gia cử hành, nguyên tắc là không nêu tên các Đức Giám mục ngoài giáo phận, dù một trong số các ngài làm chủ tế. Cũng không nêu tên Đức Giám mục về hưu (trừ khi ngài vẫn tiếp tục được chọn điều hành tạm thời giáo phận trong tư cách là giám quản giáo phận).11 Tốt nhất, nên cầu nguyện cho các ngài trong phần Lời nguyện Tín hữu.

Cụ thể hơn, Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma số 149 dạy rằng:

Vị tư tế tiếp tục Kinh nguyện Thánh Thể như chữ đỏ đã ghi trong mỗi kinh.

Nếu chủ tế là Đức Giám mục cử hành trong giáo phận của mình và chính ngài đọc thì sau những lời “cùng với Ðức Giáo hoàng T”, ngài thêm “và con là tôi tớ bất xứng của Chúa cùng toàn thể hàng giáo sĩ” – Kinh nguyện Thánh Thể II). Cũng áp dụng tương tự như vậy cho các Kinh nguyện Thánh Thể khác, chẳng hạn, đối với Kinh nguyện Thánh Thể III, Giám mục chủ tế đọc: “cùng với tôi tới Chúa là Đức Giáo hoàng T. và con là tôi tớ bất xứng của Chúa, cùng toàn thể hàng giám mục, giáo sĩ khắp nơi, và tất cả dân riêng Chúa”.

Nếu Đức Giám mục cử hành ngoài giáo phận của mình, sau những lời: “cùng với Ðức Giáo hoàng T.”, ngài thêm: “và con là tôi tớ bất xứng của Chúa và người anh em con là T., Giám mục giáo phận T. này”.

Đức Giám mục giáo phận, hoặc vị cùng đẳng cấp với giám mục giáo phận theo luật (có thể là một vị linh mục), phải được xướng tên với công thức: “cùng với tôi tớ Chúa là Ðức Giáo hoàng T. và Ðức Giám mục T. (hoặc: đại diện, giám chức, phủ doãn, đan viện phụ)12 chúng con”.13

Trong Kinh nguyện Thánh Thể, có thể xướng tên các Đức Giám mục phó và phụ tá,14 nhưng không cần xướng tên các Đức Giám mục khác có thể hiện diện trong buổi cử hành.15 [Những lời kính trọng dành cho các ngài ở chỗ này là không phù hợp bởi vì cử hành thánh lễ tại một Giáo hội địa phương được cắm rễ sâu xa nơi chức tư tế của giám mục giáo phận xét vì là ngài là tiêu điểm và nguyên lý của sự hiệp nhất; hơn nữa, những lời chuyển cầu trong Kinh nguyện Thánh Thể cũng bao gồm việc cầu nguyện cho tất cả các giám mục].16

Khi phải xướng tên nhiều vị, nên đọc theo một công thức chung: “Ðức Giám mục T. giáo phận chúng con và các Đức Giám mục cộng tác với ngài”.17

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, Dòng Thánh Thể (SSS) (Giải đáp luật Phụng vụ)

__________________________________________________________

11 Xc. Giáo Luật số 418#2: Trong trường hợp này, tư tế vẫn nêu tên ngài như công thức thông thường “cùng với Đức Giáo hoàng T., Đức Giám mục T. chúng con…” (Kinh nguyện Thánh Thể II).

12 Vị có quyền tài phán (jurisdiction) trên một lãnh thổ không gắn với bất cứ giáo phận nào.

13 Xc. Giáo Luật số 370-371; The Decree Cum de nomine, on the mention of the bishop’s name in the Eucharistic Prayer, October 9, 1972: Acta Apostolicae Sedis 64 [1972], 692-694 trong Documents on the Liturgy, 1963-1979, no. 1970).

14 Có thể xướng tên nếu vị tư tế muốn (Notitiae 45 (2009) 308-320.

15 Dù ngài đang chủ sự buổi cử hành phụng vụ.

16 Xc. Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma, số 92; Edward Foley(ed),A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), 250-251.

17Nghĩa là không nêu từng tên riêng biệt vì có những giáo phận mà số Đức Giám mục phụ tá là 3,4,5 hay thậm chí lên tới 9 vị. 

Văn phòng Tòa Giám mục Long Xuyên

Phêrô Nguyễn Văn Kiệt

Linh mục Chưởng Ấn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*