Từ ngày 16.12 đến ngày 21.12.2019 _ Phút lắng đọng Lời Chúa

16.12.2019

THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG

Mt 21,23-27

Lời Chúa:

“Các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”. (Mt 1,24)

Câu chuyện minh họa:

Sách Lã Thị Xuân Thu có kể vài ứng đối của Án Tử như sau:

Nghe tin Án Tử sắp sang nước Sở, Vua Sở bảo quân thần rằng: “Án Tử là người có tài ăn nói của nước Tề sắp sang đây. Ta muốn làm cho hắn bị nhục, các ngươi có kế gì không?”. Cận thần thưa: “Để bao giờ Án Tử sang, chúng tôi sẽ trói một người nước Tề và cho là phạm tội ăn trộm”.

Khi Án Tử đến nơi, vua Sở cho thiết tiệc khoản đãi. Đang giữa bữa tiệc, bỗng có hai tên lính điệu một người bị trói vào, vua Sở hỏi: “Tên này tội gì mà bị trói thế?” Họ đáp: “Đó là một người nước Tề, phạm tội ăn trộm”. Vua đưa mắt nhìn Án Tử và nói: “Người nước Tề hay trộm cắp lắm nhỉ?” Án Tử đứng dậy thưa: “Chúng tôi có nghe cây quất mọc ở đất Hoài Nam thì là thành quất chua. Cành lá giống nhau, mà quả lại chua, ngọt khác nhau là tại sao?” – “Thưa là tại thuỷ thổ khác nhau”. “Nay người dân ở bên Tề thì lương thiện, mà sang nước Sở lại sinh ra trộm đạo, có lẽ cũng bởi thuỷ thổ nên sinh ra đổi khác chăng.”

Sở Vương muốn làm nhục Án Tử nhưng rồi trước bằng chứng về sự thật mà Án Tử đưa ra để biện mình, Sở Vương lại đành nuốt nhục. Chính bằng chứng về sự thật mà Án Tử nêu ra, đã đột ngột làm xoay chuyển được mưu của những kẻ muốn bày trò làm nhục người khác.

Suy niệm:

Hoàn cảnh Sở Vương phần nào giống như tâm trạng của giới Thượng tế, Biệt phái vào thời Chúa Giêsu, khi họ lên tiếng  bắt bẻ Chúa Giêsu trong bài tin mừng hôm nay. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục không tin Chúa Giêsu và chất vấn về quyền hạn của Người: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Đức Giêsu biết họ không phải đi tìm chân lý, và tìm cách bắt bẻ Ngài, nhưng Ngài vẫn khoan nhân với họ, đặt câu hỏi cho họ để mời gọi họ nhận ra sự thật. Chúa Giêsu lại nhắc đến Gioan Tẩy Giả để khơi gợi niềm tin cho họ bởi Gioan thu hút nhiều người tin vào Chúa và ăn năn sám hối, thế nhưng họ vẫn cố chấp và không tin.

Chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta có cố chấp trước những lời giáo huấn của Giáo hội không? Ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang đối thoại với con người qua mọi biến chuyển trên thế giới bằng nhiều cách thế, chúng ta phải biết sáng suốt và nhận ra những dấu chỉ ấy để chúng ta thật sự là những môn đệ trung tín của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận những lời giáo huấn của Giáo hội, bỏ đi những rào cản khiến chúng con xa rời đức tin, để mỗi ngày đức tin của chúng con trở nên vững mạnh hơn.

 

 

 

 

 

17.12.2019

THỨ BA TUẦN III MÙA VỌNG

Mt 1,1-17

Lời Chúa:

“Gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”. (Mt 1,1)

Câu chuyện minh họa:

Có một chú Sẻ con sống cùng với mẹ trong cái tổ xinh xắn trên cành cây bàng. Hằng ngày, Sẻ mẹ đi kiếm thức ăn về mớm mồi cho Sẻ con.

Khi mùa đông đến, những chiếc lá vàng thi nhau rơi xuống đất, cành cây trơ trụi. Những đợt gió lạnh buốt giá ùa về, chiếc tổ xinh xắn giờ đây nằm hiu quạnh giữa khoảng trời bao la.

Hôm ấy, cũng như thường lệ, Sẻ mẹ phải bay xa hơn để kiếm mồi, Sẻ con ở nhà. Chờ mãi không thấy mẹ về, Sẻ con cứ ngó đầu ra ngoài tìm kiếm mẹ. Bỗng Sẻ con nghĩ ra điều gì đó, nó bèn can đảm dồn hết sức vào đôi cánh bé nhỏ để bay xuống đất.

Một lát sau, Sẻ con mang về những cành cây khô, một ít rơm và bắt chước mẹ lót tổ.

Chiều tối, Sẻ mẹ bay về, mỏ cắp một miếng mồi. Nhưng vừa vào tổ, Sẻ mẹ đã quỵ xuống và run lên vì lạnh. Thấy vậy, Sẻ con dang vội đôi cánh nhỏ bé của mình che gió và ủ ấm cho mẹ.

Lát sau, Sẻ mẹ tỉnh dậy và cảm thấy ấm áp vô cùng. Sẻ mẹ hết sức ngạc nhiên vì thấy chiếc tổ đã được lót lại. Sẻ mẹ nhìn Sẻ con, trong lòng lâng lâng hạnh phúc. Sẻ mẹ khẽ ôm con vào lòng và nói: “Con của mẹ thật đáng yêu!”.

Suy niệm:

Tin Mừng thánh Matthêu giới thiệu về gia phả Đức Giêsu để nói rằng: Đức Giêsu chính là con cháu Abraham, người được Chúa chọn. Vì thế, gia phả này bắt đầu với Abraham. Đồng thời tuy là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu cũng là người thật, có cha có mẹ, thuộc về một dòng họ rõ ràng: chi tộc Juda.

Gia phả của Chúa Giêsu có những con người mang tiếng tốt, bên cạnh đó cũng có những người tội lỗi, nhưng Chúa đã không ngần ngại đến với con người trong một gia phả như thế, để dạy mỗi người chúng ta rằng, Ngài đến trần gian bất chấp tội lỗi nhân loại, sống giữa nhân loại tội lỗi để thánh hóa nhân loại và mang con người tội lỗi của chúng ta về cho Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn ý thức sống tốt để xứng đáng với đức tin của tổ phụ chúng con là Abraham. Amen.

 

 

 

 

 

18.12.2019

THỨ TƯ TUẦN III MÙA VỌNG

Mt 1,18-24

Lời Chúa:

“Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. (Mt 1,24)

Câu chuyện minh họa:

Trên chuyến xe xuôi miền lục tỉnh, người ta chuyển đến tôi một cuốn truyện cũ đã mất bìa để đọc cho quên đường dài. Truyện kể lại mối tình giữa một chàng trai là con sĩ quan học tập và một cô gái là con cán bộ chức quyền. Họ thương nhau và muốn kết hôn với nhau, nhưng khi công khai ý định ấy, họ đã gặp phải những lực cản từ hai phía gia đình. Đã có nhiều nghi ngờ từ phía cha chàng trai và cũng có lắm nghi ngại từ phía cha cô gái. Giải pháp phải chọn là chia xa đôi lứa.

Đành lòng làm thế, nhưng họ vẫn âm thầm chờ đợi nhau, cho đến khi cha chàng trai mãn hạn học tập về nhà và cha cô gái đã đến tuổi về hưu. Hai người cha có dịp gần gũi cảm thông làm chất keo thân ái cho tình yêu đôi trẻ có điều kiện gắn hàn. Kết truyện là đám cưới.

Suy niệm:

Giuse bị đặt trong một hoàn cảnh thật éo le, thật khó mà chấp nhận được. Ông đang toan tính từ bỏ Maria cách kín đáo vì ông không hiểu được ý định của Thiên Chúa. Giữa những hoang mang, và bối rối như vậy, thiên thần đã đến báo mộng cho Giuse và ông đã thực thi vai trò của mình trong chương trình huyền nhiệm của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta thấy được ý định của Thiên Chúa khi cứu độ con người: Ngài cần sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta từ bỏ những ý định riêng của mình mà thực hiện ý Chúa, dù ý Chúa theo cách nhìn của chúng ta có gây trở ngại, đi ngược những ước mơ của chúng ta đi nữa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mở lòng mình ra, dẹp bỏ những hố sâu ngăn cách, những ích kỷ, tranh chấp, ganh ghét… để đón nhận một tình yêu toàn hảo, một tình yêu luôn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, ngài là Emmanuel- Thiên Chúa ở cùng chúng ta-.

 

 

 

 

 

19.12.2019

THỨ NĂM TUẦN III MÙA VỌNG

Lc 1,5-25

Lời Chúa:

“Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu…”. (Lc 1,21)

Câu chuyện minh họa:

John P., một linh mục Ái Nhĩ Lan, sau nhiều năm tận tâm thuyết phục một thanh niên bỏ đạo trở về với Giáo hội, đã phải hoài công vô vọng. Bao lời khuyên răn cứ như “nước đổ lá môn”.

Một lần kia, Mẹ Têrêsa Calcutta được mời đến thăm Ái Nhĩ Lan. Ban tổ chức có thu xếp một buổi nói chuyện thân mật giữa Mẹ với các bạn trẻ. Mẹ chỉ nói giản dị về tình yêu Thiên Chúa: Chúa yêu thương các bạn; Ngài luôn đồng hành với các bạn. Sau đó Mẹ rời thành phố. Ai về nhà nấy.

Trời mỗi lúc mỗi khuya! Khi mọi vật đang chìm vào tĩnh mịch, chợt một hồi chuông điện thoại reo vang phá tan giấc ngủ của cha John. Ngài nhấc vội chiếc điện thoại, và đầu giây bên kia là giọng nói của chàng thanh niên năm nào: “Alô, con muốn xưng tội với cha. Con muốn trở về cùng Giáo hội.”

– “Chuyện gì xảy ra cho anh vậy?” Vị linh mục hỏi lại. Ngài tưởng chừng chàng thanh niên đang bị tai nạn hiểm nghèo nào đó nên vội dọn mình ra đi.

Nhưng anh ta trả lời: “Thưa cha, vì chiều nay Mẹ Têrêsa đã nói với con một lời đánh động lòng con rất nhiều.”

Vị linh mục ngạc nhiên: “Mẹ nói lời gì, và nếu tôi không lầm thì nhà thờ chật ních. Mẹ lại đâu có cơ hội để gặp riêng anh?”

– “Vâng thưa cha, Mẹ không gặp riêng con, nhưng Mẹ đã nói với mọi người, trong đó có con. Mẹ nói rằng: “Chúa ở với các con.”

Nghe thế, vị linh mục càng ngạc nhiên hơn nữa: “Ủa, đã nhiều lần tôi cũng nói với anh như thế, nhưng sao hôm nay anh lại bị thuyết phục bởi lời nói ấy của Mẹ Têrêsa?”

Anh thanh niên chậm rãi giải thích: “Thưa cha, vì Mẹ đã nói câu đó từ thẳm sâu của tâm hồn. Mẹ đã nói với con bằng tất cả con tim của mình.”

Một câu nói không phát ra từ một công thức có sẵn hay do một thói tục xã giao thông thường thúc đẩy, nhưng khởi đi từ chốn thâm sâu của một tâm hồn yêu thương mới có khả năng thuyết phục, hoán cải, và truyền đạt được ý nghĩa chân thực nhất của danh hiệu Emmanuel-Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Suy niệm:

Biết bao lần chúng ta lắng nghe “Chúa ở cùng anh chị em” nhưng được mấy lần chúng ta bị đánh động bởi lời ấy? Biết bao lần con tim chúng ta rung động khi lời ấy chạm đến tai chúng ta? Niềm vui lớn nhất của những người yêu nhau là họ được ở bên nhau; cũng vậy, Thiên Chúa vì yêu thương con người, nên đã xuống thế mang thân phận con người để ở với con người, để thông chia nỗi đau của con người, và cứu thoát con người khỏi vũng lầy tội lỗi. Thiên Chúa đã đến để phá đổ bức tường ngăn cách giữa trời và đất, giữa con người với nhau, để giữa thế gian, Thiên Chúa hiện hữu.

Xin cho Ngôi Lời hiện diện sống động trong cuộc đời con, để niềm vui và sự bình an của Chúa được gieo vãi khắp nơi.

 

 

 

 

 

20.12.2019

THỨ SÁU TUẦN III MÙA VỌNG

Lc 1,26-38

Lời Chúa:

Bấy giờ, Bà Maria nói với sứ thần: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Câu chuyện minh họa:

Một nông dân trồng bụi tre nơi góc vườn. Thân tre mỗi ngày mỗi cao lớn, thẳng đuột. Ngày kia, người ấy đến nói với cây cao nhất: “Này bạn, ta cần bạn”. Cây tre nói: “Thưa ông, tôi sẵn sàng, ông cứ sử dụng tôi theo ý ông”

– Được, ta sẽ xẻ anh ra làm đôi.

Nghe thế, cây tre phản đối:

– Xẻ tôi? Sao vậy? Trong vườn có cây nào đẹp hơn tôi đâu? Xin ông đừng… Ông dùng tôi thế nào cũng được, nhưng xin đừng xẻ tôi ra…

– Nếu không xẻ anh ra thì anh chả được việc gì.

Một làn gió nhẹ thổi qua, cây tre cúi đầu thở dài: “Thưa ông, nếu chỉ còn cách đó, thì xin ông cứ làm theo ý ông”.

Người nông dân nói tiếp: “Ta sẽ tước bỏ hết các cành của ngươi”

– Ông tước cành tôi? Như vậy còn gì là vẻ đẹp của tôi ? Lạy Chúa, xin ông thương đừng làm thế…

– Nếu không tước cành, anh chả được việc gì.

Gió thổi mạnh hơn. Cây tre quằn quại trong gió và nắng. Rồi nó mạnh dạn thưa: “Thưa ông, xin ông chặt tôi đi”.

Ông chủ nói: “Bạn thân mến, thực thì ta buộc lòng phải làm bạn đau, phải tước cành, khoét đốt bạn; nếu không, ta không thể dùng bạn”.

Cây tre cúi rạp xuống đất nói: “Thưa ông, xin ông cứ việc chặt, dùng tôi theo ý ông”.

Người nông dân chặt tre, tước cành, xẻ đôi và lóc ruột làm thành cái máng chuyển nước từ dòng suối vào cánh đồng. Và sau đó, người nông dân có một vụ mùa bội thu.

Suy niệm:

Nhờ lòng tin tưởng và phó thác vào tình yêu Chúa, Đức Maria đã dám bỏ mình, xin vâng theo thánh ý Chúa để Ngôi Lời được nhập thể trong thế giới này. Nếu cuộc đời của mỗi chúng ta nhận ra thánh ý Chúa và thực thi trong cuộc đời, thì Chúa sẽ đi vào thế giới hôm nay. Khi Mẹ xin vâng, Mẹ cũng chưa hiểu rõ con đường Chúa muốn nhưng Mẹ tin tưởng để Chúa làm chủ cuộc đời Mẹ. Nhìn vào gương Mẹ, chúng ta có dám thưa tiếng xin vâng ngay trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời không?

Lạy Chúa, xin biến đổi trái tim chúng con để chúng con biết sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa trong mọi hoàn cảnh, nhất là những lúc cuộc đời chúng con tưởng chừng như vô vọng.

 

 

 

 

 

21.12.2019

THỨ BẢY TUẦN III MÙA VỌNG

Lc 1,39-45

Lời Chúa:

“Tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”. (Lc 1,44)

Câu chuyện minh họa:

Năm 1876, khi Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại, có một vấn đề được đặt ra là phải nói lời gì khi bốc máy trả lời điện thoại. Ông Bell đề nghị người trả lời nên chào là “Ahoy!” Tiếng này nghe hơi lạ tai! Có lẽ cũng từ tiếng “Ahoy” và Hello” phát sinh ra tiếng “Alô”?

Tiếng “Hello” sau này mới xuất hiện do Thomas Edison, người khám phá ra điện và là một người bạn thân đang giúp ông Bell cải tiến kỹ thuật điện thoại. Tiếng “Hello” đầu tiên xuất hiện trong văn chương vào năm 1880. Nhà văn Mark Twain đã gọi những thiếu nữ làm ở tổng đài điện thoại là những “hello girls”. Sau cùng, vào năm 1883, tiếng “Hello” được đưa vào tự điển. Và bây giờ, trên 100 năm sau, nó là một trong những tiếng được sử dụng phổ thông nhất trên thế giới.

Suy niệm:

Lời chào mang nhiều ý nghĩa: có thể đó là một lời chào xả giao, một lời chào thể hiện sự tôn trọng nhau… Nhưng lời chào của sứ thần khi vào nhà trinh nữ Maria mang lại một sứ điệp vô cùng quan trọng: Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Lời chào của Maria khi đến viếng thăm người chị họ là Êlisabeth đã làm cho người con trong bụng nhảy lên vui sướng, vì được Thiên Chúa viếng thăm.

Đức Maria đã mang đến cho bà Êlisabeth niềm vui, khiến bà nhận ra sự hiện diện của Con Thiên Chúa nơi Mẹ. Nơi cung lòng thánh thiện, Con Thiên Chúa đã ngự trị, được sống bằng sự sống của Mẹ.

Xin cho mỗi người chúng con cũng là đền thờ, nơi Thiên Chúa ngự trị để mỗi ngày chúng con mang Tin Mừng, niềm vui và sự bình an của Chúa đến nhiều người nhất là những người chưa nhận biết Chúa.

Têrêsa Mai An

Gp. Mỹ Tho

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*