Tháng 1: Những ngày tết đến

Năm 2020, tết cổ truyền nhằm ngày cuối tháng 1. Đó là thời gian người Việt trông đợi để được nghỉ ngơi, vui vầy bên gia đình và chào đón Chúa Xuân. Bởi đó, ngay từ những ngày đầu năm tết Dương Lịch, cả nước đều háo hức tết Âm Lịch. Là người công giáo, chắc mỗi người cũng có những chuẩn bị để cùng chào đón và vui hưởng những ngày thật đẹp của mùa xuân, thật ấm cúng của tình gia đình và thật bình an của những ngày tết.

Gọi là tết cổ truyền vì lễ hội này đã có từ thời xa xưa bên Trung Quốc (2879 TCN). Trong sách An Nam Chí Lược vào thế kỉ XIII, người ta còn đọc thấy những phong tục tập quán của người Việt ăn Tết. Từ khi đạo Công Giáo vào Việt Nam (1615), các nhà thừa sai đã khéo léo hội nhập văn hóa, kể cả những ngày tết. Nhất là theo Thư Chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn ta đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”. Theo đó, dưới đây là vài điều chúng ta thấy nét đẹp của sự hội nhập này.

Mùa Xuân

Đó là một trong bốn mùa của cảnh sắc đất trời. Xuân–Hạ–Thu–Đông tuần hoàn nối tiếp nhau làm nên lịch sử nhân loại. Mỗi mùa mang đến cho con người những hương vị và lễ hội rất riêng. Có lẽ Mùa Xuân là thời gian đẹp nhất trong năm. Sau 3 tháng cây cối “ngủ đông”, mùa xuân là thời gian của nắng ấm, của những nhành cây đâm chồi này lộc. Muôn hoa rực nở trong mùa này. Đó là mùa của sự sống được trồi sinh. Trong cảnh sắc đó, chúng ta thốt lên: Chúa Xuân, Thiên Chúa của Mùa Xuân. Đó là từ đậm chất Kitô giáo để cho thấy Thiên Chúa làm chủ thời gian. Ngài là sự sống và luôn trao ban hạnh phúc cho con người.

Ngày cuối năm

Tôi thấy ngày cuối năm nhiều gia đình thường dọn một mâm cỗ, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên. Họ đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Dĩ nhiên người công giáo không tin linh hồn người chết trở về. Do đó, họ không có phong tục cúng đồ ăn cho người đã khuất. Thay vào đó, bà con giáo dân ngay từ sáng 30 cùng nhau tới nghĩa trang để kính viếng, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Tối cuối năm chúng ta có thánh lễ Giáo Thừa để tạ ơn Thiên Chúa trong một năm vừa qua.

Ba ngày Tết

Dĩ nhiên cao trào của lễ hội xuân là ba ngày đầu năm mới. Theo tập tục người Việt: Mồng Một Tết cha, Hai Tết mẹ, Mồng Ba Tết thầy. Dĩ nhiên người Công giáo cũng hòa mình trong tâm tình đó trong ý nghĩa của thánh lễ. Ngày Mồng Một Tết, thánh lễ nguyện cầu Thiên Chúa ban sự bình an cho năm mới. Thánh lễ ngày Mồng Hai Tết, cầu nguyện và kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Thánh lễ ngày Mồng Ba Tết, nguyện xin Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm. Những ngày ấy thực sự làm nên nét đẹp độc đáo của người công giáo Việt.

Hái Lộc

Đầu năm người Việt còn giữ phong tục hái lộc. Đó là những nhánh lộc non của nhành cây bước vào xuân. Lộc là biểu tượng của may mắn, hạnh phúc tốt lành trong cuộc sống của người Việt (Phúc Lộc Thọ). Thay vì hái lộc, người Công giáo kính cẩn đón nhận những câu Lời Chúa trong thánh lễ đầu năm. Dĩ nhiên mỗi gia đình công giáo đều rất hạnh phúc khi được Lời Chúa hướng dẫn họ cả năm. Họ hạnh phúc dán Lộc Lời Chúa trên chỗ trang trọng trong nhà để tâm niệm dõi theo.

Lì xì

 Lì xì (lợi thị) mang ý nghĩa số lời thu được, những điều tốt lành, có lợi và vận may. Do đó, người lớn thường lì xì một số tiền may mắn cho người nhỏ. Hy vọng trong năm mới mọi điều được như ý. Đây đó tôi cũng thấy rộ lên phong trào lì xì bằng những câu Lời Chúa. Người trao mong ước người nhận, nhờ ơn Chúa, họ luôn được nhiều bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Tiếc là nét đẹp này chưa được nhân rộng!

Những tập tục khác

Trong những ngày đầu xuân, người Việt còn có những tục lệ xông nhà, xông đất, không được quét nhà. Nhiều người thích đi xem tử vi, xin xăm, bói toán, v.v. Đó thực sự là những điều không hợp với người công giáo. Bởi: “Thái độ đúng đắn của ki-tô hữu là phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Quan Phòng những gì thuộc về tương lai và từ bỏ mọi thứ tò mò thiếu lành mạnh trong lãnh vực này. Thế nhưng, ai không tiên liệu là người thiếu trách nhiệm.” (Giáo Lý số 2115).

Câu chúc tết

Dĩ nhiên năm mới ai cũng cầu chúc cho nhau những lời tốt đẹp. Chúng ta mong ước những câu chúc ấy trở thành hiện thực cho mỗi người, mỗi gia đình. Là người công giáo, lời chúc tết ấy luôn gắn liền với ơn sủng của Thiên Chúa. Chẳng hạn: “Xin Chúa ban cho ba mẹ một năm mới nhiều bình an.” Hoặc, “Nhờ ơn Chúa, chúng con chúc ông bà luôn nhiều ơn lành hồn xác bên gia đình con cháu.” Chắc chắn với niềm tin yêu, phó thác, Thiên Chúa của mùa Xuân sẽ cho những lời chúc ấy thành toàn.

Như một lời kết

Chắc chắn còn đó những nét đẹp người công giáo hòa vào bầu không khí tết cổ truyền. Nơi đó, chúng ta vừa là người Việt Nam với truyền thống con rồng cháu tiên mừng xuân, vừa là con Thiên Chúa để tạ ơn và dấn bước. Tạ ơn vì muôn ơn lành Thiên Chúa ban cho mỗi người trong từng khoảnh khắc của cuộc đời; dấn bước để cùng với Chúa làm nên cuộc đời tuy khó khăn, nhưng với rất nhiều tình yêu và hy vọng.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau trong tháng này mỗi người về quê đón mừng năm mới được bình an. Xin Thiên Chúa đồng hành với mỗi người trên lộ trình trong những ngày tết. Nhất là, cùng nhau mừng tết với nhiều niềm vui và ý nghĩa!

Happy new year! Chúc mừng năm mới! Chào đón Chúa Xuân!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*