Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong Thư Chung gửi gia đình Giáo phận dịp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2019, tôi đã mời gọi tất cả Giáo phận cùng nhau vun trồng “Mùa Xuân Truyền Giáo”. Sau đó, với Thánh lễ cử hành “Ngày Giáo Phận” tại Trung tâm Đức Mẹ Núi Cúi, chúng ta đã phát động chương trình Năm Mục Vụ 2019 – 2020 với chủ đề “Gia Đình và Giới Trẻ hãy là Chứng Nhân của Lòng Chúa Thương Xót. Người Trẻ hướng đến Trưởng Thành Toàn Diện”.
Việc thực hiện các chương trình mục vụ của Giáo phận tùy thuộc rất nhiều vào các Linh mục và Tu sĩ, thế nên, qua Lời Chủ Chăn tháng 12 năm 2019 tôi đã chia sẻ và mời gọi quý Cha và quý Tu sĩ dấn thân thông truyền nhiệt huyết truyền giáo để khơi lên trong cộng đoàn Dân Chúa thao thức “Mùa Xuân Truyền Giáo” qua đề tài “Linh mục và Tu sĩ mang trong mình ngọn lửa Truyền giáo”. Với Lời Chủ Chăn tháng này, tôi muốn chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ về Lòng Thương Xót, yếu tố tinh thần đặc trưng đã hướng dẫn đời sống và sinh hoạt mục vụ của Giáo phận chúng ta trong suốt ba năm qua. Đề tài của bài chia sẻ này là “Linh mục, Tu sĩ: Tông đồ của Lòng Thương Xót”.
1. Hoạt động mục vụ mang hương thơm Lòng Thương Xót
Trong mùa Giáng Sinh năm nay, các Giáo xứ, Giáo họ và Cộng đoàn Dòng Tu, nơi nào cũng đều trang hoàng hang đá Chúa Hài Đồng vừa đẹp đẽ vừa thánh thiêng; nhiều giáo xứ còn tổ chức buổi diễn nguyện thánh ca Giáng sinh hay tổ chức xe cung nghinh Chúa Hài Đồng trong hân hoan để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh với mọi người, kể cả các anh chị em Lương dân.
Quý Cha, nhất là quý Cha Chánh xứ, cùng với quý Chức Ban Hành giáo đã đầu tư nhiều công sức, thời giờ và tiền của vào các hoạt động mục vụ này với mục đích tạo nên bầu khí thánh thiêng, ước mong thức tỉnh lòng đạo nơi giáo dân để mời gọi họ chiêm ngắm và tôn kính mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người với tâm tình thờ lạy và biết ơn đối với Thiên Chúa. Bên cạnh bầu khí thánh thiêng, mầu nhiệm Giáng Sinh còn khơi lên bầu khí vui tươi và ấm áp giúp mọi người xích lại gần nhau hơn.
Chính trong bầu khí linh thiêng của mầu nhiệm và ấm áp của tình người trong những ngày mừng lễ Chúa Giáng Sinh, tôi nhận được thư chúc mừng Giáng Sinh của cha Giuse Nguyễn Văn Việt, đang truyền giáo bên đảo Maurice, trong đó có đoạn như sau:
“Ngay từ đầu Mùa Vọng, con đã xin cha xứ cho đi thăm nhiều gia đình nghèo khổ và các bệnh nhân để hiểu hơn về đời sống thường ngày của họ, đồng thời chia sẻ với họ tinh thần của ngày lễ Giáng sinh. Tạ ơn Chúa, con đã được thấy, được đụng chạm đến thân thể của các bệnh nhân là một phần “thân thể” của Đức Kitô, được “đụng chạm” đến cả những nỗi đau thể xác và tinh thần của những người nghèo, những người tội lỗi dường như bị quên lãng, bị bỏ rơi. Thật vậy, có nhiều bệnh nhân nhiều năm không xưng tội, đến độ họ chẳng còn biết mình có tội hay không và phải xét mình xưng tội thế nào; nhiều trẻ em từ ngày xưng tội rước lễ lần đầu cho đến ngày cưới chỉ xưng tội có một lần, và nếu may mắn thì được thêm một lần nữa trước khi nhắm mắt lìa đời. Có những người nghèo phải ở dưới những mái nhà hoàn toàn bằng tôn dột nát hay bằng những vật liệu lượm lặt ở ngoài đường, không có nhà tắm hay nhà vệ sinh, chật chội, nóng nảy và không đảm bảo an toàn vệ sinh cũng như điều kiện sinh hoạt chung trong gia đình. Có nhiều gia đình tình trạng hôn nhân rối chồng chất, từ lâu không đến nhà thờ, vì mang mặc cảm tội lỗi. Cái nghèo vật chất và tinh thần cộng với sự thiếu thốn các nhà lãnh đạo đất nước và các linh mục, đã khiến Maurice và Giáo hội tại đất nước này phải đối diện với những thách thức vừa cũ và cũng vừa mới trong sứ mạng mục vụ: ma túy, rượu chè, bệnh tật (nhất là căn bệnh ung thư), bạo lực gia đình luôn là những con ‘virus’ rình rập xâm nhập và đe dọa sức khỏe và hạnh phúc gia đình của người dân, đặc biệt là của các bạn trẻ… Các mục tử luôn cần tình thương và sự nhẫn nại trong khi thi hành sứ vụ của mình”.
Đoạn thư trên đây nhắc chúng ta về những khía cạnh khác của công tác tông đồ mà nhiều giáo xứ và hội đoàn trong Giáo phận chúng ta đã thực hiện, nhất là trong mùa Giáng Sinh vừa qua. Đó là các hoạt động tông đồ hướng đến người nghèo, người đau yếu bệnh tật, các cụ già neo đơn, anh chị em di dân và lương dân. Trong mùa Giáng Sinh vừa qua, khi tôi đến thăm viếng, nhiều Cha xứ đã dẫn tôi đi thăm các gia đình nghèo, các đôi hôn nhân khác đạo; rất nhiều giáo xứ đã tổ chức các cuộc phát quà Giáng Sinh cho các gia đình nghèo, các cụ già, nhất là các cụ già đau yếu và cô đơn; các Ủy ban Caritas – Bác ái Xã hội và Ủy ban Di Dân đã tổ chức những buổi mừng Giáng Sinh cho các em mồ côi, khuyết tật và các trẻ em di dân, hoặc thăm viếng các gia đình di dân và lương dân tại các nhà trọ và mời họ tới tham dự các buổi họp mặt và Thánh lễ Giáng Sinh; có những giáo xứ đã quyên góp dịp lễ Giáng Sinh để giúp đỡ những người đang sống trong cảnh cơ cực; giáo xứ khác tổ chức chương trình “Đem Giáng Sinh ra đường phố” cho các em Thiếu nhi Thánh thể đến nhiều nơi trong vùng, cả những nơi có anh chị em Lương dân, để chia sẻ niềm vui Giáng Sinh và cầu chúc cho những người hiện diện mùa Giáng Sinh an lành và hạnh phúc.
Chúng ta thật vui mừng nhìn thấy trong Giáo phận đang nở rộ những sáng kiến yêu thương, phản ánh tâm hồn nhân ái của nhiều con cái Giáo phận đã thấm nhuần lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng luôn “chạnh lòng thương” đối với đoàn người đau khổ và bơ vơ lạc lõng (x. Mt 9,35-38; Mt 4,23-25; Mc 1,32-34) và với những người lỡ lầm, tội lỗi (x. Ga 8,1-11).Tuy nhiên, mục vụ “thương xót” không được giới hạn trong mùa Giáng Sinh, nhưng phải trở thành lối suy nghĩ và nếp sống của hoạt động mục vụ thường ngày của Giáo phận chúng ta. Trong viễn tượng đó, tôi xin quý Cha và quý Tu sĩ quan tâm hơn đến những người đau khổ phần hồn mà trong xã hội ngày nay, mỗi ngày mỗi nhiều hơn. Lòng thương xót được mô tả trong kinh 14 Mối Thương Người, phần Thương Linh Hồn có thể được áp dụng vào những người này:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
Lời kinh trên đây chỉ ra cách rõ ràng những diễn tả của lòng thương xót đối với những người đau khổ tinh thần, những người tội lỗi và những người xúc phạm đến chúng ta. Áp dụng vào chương trình mục vụ năm nay, tôi xin chia sẻ ít điều về mục vụ thương xót đối với các gia đình và giới trẻ là hai đối tượng chính của lòng thương xót trong chương trình mục vụ.
Vì bối cảnh xã hội tân tiến, vì nhu cầu của công việc làm ăn, nhất là đối với những anh chị em di dân, vì sự tế nhị trong các tương quan khác tôn giáo, các vấn đề hôn phối trở nên phức tạp. Đứng trước tình trạng này, tinh thần lòng thương xót đòi buộc chúng ta, không những phải tránh làm cho vấn đề thêm phức tạp hoặc gây thêm phiền toái, mà trái lại phải tìm hết mọi cách, trong quyền hạn của mình, để giúp giải quyết vấn đề cho những người liên quan. Nhiều khi cha xứ chỉ cần một cuộc điện thoại cũng có thể giải quyết xong vấn đề và tránh cho người giáo dân, nhất là nếu đó là một công nhân, gặp nhiều khó khăn khi xin một ngày nghỉ để trở lại giáo xứ hoặc lên Tòa án Hôn phối của Giáo phận. Trong mọi trường hợp, cần có tinh thần và thái độ lòng thương xót khi xử lý các công việc, thủ tục giấy tờ (nhất là cưới hỏi, ma chay). Những gì đã được Tòa Giám mục nhắc nhở qua Thư Chung, các thông báo, hoặc trong các dịp Thường huấn để thực hiện lòng thương xót, xin quý Cha quan tâm thực hiện. Xin bãi bỏ những truyền thống đã quen của Giáo xứ mà đi ngược lại tinh thần Lòng Thương Xót.
Cũng trong bối cảnh của xã hội tân tiến, nhiều cặp vợ chồng dễ trở nên bất trung với nhau, nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng hút sách, nghiện ngập. Lòng thương xót sẽ giúp chúng ta có tâm hồn nhạy bén để nhận ra nỗi thống khổ của những con tim héo hắt đang trông chờ lòng thương xót của mục tử. Xin hãy xóa đi bức màn tủi nhục của những người lỡ lầm và của gia đình họ. Một trong những đau buồn lớn lao người ta cảm nhận và bị dày xéo tâm can là khi ý thức những lỡ lầm và những vấp phạm của mình, nhất là khi vấp phạm đó gây đau khổ và làm thiệt hại cho người khác. Nhưng nỗi đau buồn đó sẽ được xoa dịu khi gặp được con tim biết xót thương của Mục tử hay Tu sĩ.
2. Linh mục, Tu sĩ mang trong mình con tim giàu Lòng Thương Xót
Đứng trước những con người có vấn đề và đằng sau những nghĩa cử bác ái trong công tác mục vụ, yếu tố thiết yếu cần phải được để ý là “tấm lòng” của Linh mục, Tu sĩ. Chỉ những người “có lòng” mới cảm được cái đau, cái khổ của người khác và chỉ những nghĩa cử phát xuất từ tấm lòng biết “chạnh lòng thương” như Chúa Giêsu mới đụng chạm được con tim của người lãnh nhận.
Trong các cuộc thăm viếng các giáo xứ, tôi hay nhận được thư của những người đau khổ xin cầu nguyện hoặc xin tha tội. Mới đây, tôi nhận được lá thư viết như sau: “Kính lạy Đức Cha, Con xin Đức Cha khấn cho 2 đứa con trở về. Con là C. 88 tuổi. Con bị 2 đứa con bỏ nhà ra đi 4 năm rồi không biết ở đâu, đứa nào cũng 1 vợ 3 con. Một đứa là Antôn… Một đứa Giuse… Chỉ vì làm ăn thất bại vợ chồng từ nhau. Xin Đức Cha cầu cho gia đình được đoàn tụ”.
Lá thư chỉ vỏn vẹn có hơn 3 dòng mà phô bày ra một tảng băng đè nặng làm tê bại đôi vai và làm nhức nhối tâm não của một bà mẹ già. Không biết khi đọc lá thư này, Cha hay Thầy và Dì có cảm thấy gì không ? Nỗi đau đớn của bà cụ già này và vấn đề trầm trọng của hai gia đình con bà cụ liệu có tìm được chỗ nào trong giờ cầu nguyện, tâm sự của Cha (Thầy, Dì) với Chúa không ? Người ta nói là thế giới hôm nay quá vô cảm. Liệu câu nói đó có áp dụng cho các Linh mục và Tu sĩ không ? Lòng thương xót chắc chắn sẽ giúp chúng ta tránh được bệnh dịch vô cảm này. Để có được lòng thương xót, cần đi vào hành trình thiêng liêng như sau:
– Cầu nguyện trong thinh lặng nội tâm để lắng nghe và thấm nhuần tâm tình của Chúa Giêsu, Đấng biết “chạnh lòng thương” với đoàn dân bơ vơ, lạc lõng, bị lôi kéo và dày xéo bởi bao sức mạnh của sự dữ. Chỉ những ai biết lần đường đi vào nội tâm của lòng mình mới gặp được Ngài và mới hiểu được lòng Ngài. Người ta thường nói phải trở nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Giêsu, nhưng tôi muốn thêm vào cụm từ “đồng cảm” nữa. Nếu chỉ biết, người ta chưa đủ lực để hành động, nhưng nếu còn cảm nữa thì như có một sức bật, thúc đẩy người ta hành động. Để “đồng cảm” với Chúa Giêsu, “cần phải suy niệm những điều này nhiều giờ trong kinh nguyện, nghiền ngẫm đến độ có thể gặp được Chúa Giêsu trong tâm hồn và thấy vui sướng được gặp gỡ Ngài và sống say sưa hạnh phúc với Ngài” [P. Gheddo, PIME una proposta per la missione, EMI, Bologna 1989, trg. 131].
– Để có được lòng thương xót của Chúa, còn cần phải đụng chạm đến sự khốn cùng của chính mình với sức mạnh của Đức Tin. Có thể đây là trường hợp của những người đã rơi xuống hố sâu vực thẳm của tội lỗi tày trời và đã quằn quại, giãy giụa mà không sao ngẩng đầu lên được, nhưng cũng có thể là trường hợp của người chưa làm gì đồi bại, nhưng chỉ là những yếu đuối nho nhỏ, nhưng dù đã bao lần quyết định từ bỏ, thay đổi mà vẫn không sao thực hiện được. Nhưng một điều nhỏ như thế mà không thay đổi nổi thì những việc nghiêm trọng với nhiều hấp dẫn thì làm sao kháng cự được! Đúng là yếu đuối cùng cực. Chính trong hoàn cảnh đó, chúng ta có thể khám phá ra lòng thương xót của Chúa. Ai khiêm nhường nhìn nhận sự yếu đuối và bất lực của mình, đồng thời khám phá ra lòng thương xót vô bến bờ của Chúa, Đấng vẫn thương yêu và đón nhận mình như người Cha Nhân hậu đón nhận đứa con hoang đàng trở về (x. Lc 15,11-32), sẽ có tâm hồn đầy lòng thương xót, rộng mở, cảm thông và bao dung đối với những người khổ đau và tội lỗi và lúc đó, lời nói sẽ đụng chạm lòng họ.
– Con tim được chữa lành và được giải thoát: những người vô cảm, bạo động, gắt gỏng, từ khước lắng nghe và xua đuổi người khác thường là những người có con tim héo hắt vì những thú vui, dục vọng, tự ái hay vì kinh nghiệm thiếu thốn tình yêu ngay từ trong thời niên thiếu hoặc vì con tim còn mang nặng những vết thương của cuộc đời. Một người có con tim còn hằn những vết thương, hoặc bị nghẹt thở vì tư lợi, tình cảm, danh vọng, thú vui, đam mê… sẽ không có khả năng nhìn ra những đau khổ của tha nhân và cảm thông với họ. Tất cả những trường hợp đó nói lên nhu cầu cần được chữa lành và được giải thoát bởi ơn Chúa, bởi tình nghĩa huynh đệ và nhiều khi còn cần sự trợ lực của những chuyên viên khôn ngoan và thánh thiện.
Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, Chúa Giêsu đã ký thác cho Giáo Hội chính sứ mệnh của Ngài (x. Ga 20,21-23). Đó là sứ mệnh cứu chuộc. Người nào càng đau khổ, càng tội lỗi, càng cần được thương yêu, nâng đỡ và cứu vớt mà chúng ta muốn gói ghém trong cụm từ “Mục vụ Lòng Thương Xót”. Giáo phận chúng ta muốn mời gọi mọi người cùng cộng tác trong sứ mệnh này qua chương trình mục vụ thúc đẩy các gia đình và giới trẻ trở thành chứng nhân của Lòng Chúa Thương Xót. Xin Đức Mẹ là Mẹ của lòng Thương Xót dạy dỗ chúng ta, các Linh mục và Tu sĩ của Giáo phận, biết noi gương Ngài, trở thành Linh mục và Tu sĩ của Lòng Thương Xót. Nhờ đó, chúng ta biết hướng dẫn đoàn Dân Chúa thấm nhuần lòng thương xót của Chúa để thông truyền cho anh chị em Di dân và Lương dân và biến Giáo phận chúng ta trở thành “Thánh địa của Lòng Thương Xót”.
Thân mến chào quý Cha và anh chị em Tu sĩ
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Nguồn: giaophanxuanloc.net
Để lại một phản hồi