Khi tiếng chuông của Nhà thờ Thánh Phêrô vang lên từ Vatican vào một buổi tối tháng giêng lạnh lẽo, một số người mặc quần áo xộc xệch đã đứng cách vài mét với hàng cột xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô. Họ đang chờ để vào Palazzo Migliori, một lâu đài từ thế kỷ 19 ngay sau Quảng trường.
Một trong số họ là Livia, một phụ nữ người Ý ở độ tuổi 60. Sau nhiều tháng ngủ trên đường phố Roma, cô đã được ngủ nhiều đêm ở nơi được gọi là “Lâu đài của người nghèo” kể từ đầu tháng 12/2019.
Cô nói: “Tôi đến đây vào buổi tối. Bữa tối được phục vụ từ 7 đến 9 giờ. Và bữa sáng là từ 7 đến 8 giờ. Sau đó tôi ra ngoài vào ban ngày”.
Cũng giống như hầu hết các vị khách khác tại lâu đài này, cô đã không cung cấp nhiều thông tin về quá khứ, thậm chí tên đầy đủ của cô. Nhưng cô nói rằng cuộc sống của cô đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi cô tìm thấy ngôi nhà này.
Cô Livia nói: “Trong ngày, tôi đi dạo, tôi đã viếng thăm rất nhiều nhà thờ – đặc biệt là trong dịp Giáng sinh, khi họ trang trí những khung cảnh Chúa giáng sinh. Và sau đó tôi đến thư viện, vì tôi thích đọc sách”.
Những người tình nguyện phục vụ trong ngôi nhà dành cho người nghèo này đến từ Cộng đồng Sant’Egidio, một hiệp hội giáo dân Công giáo Ý. Hiệp hội chuyên thực hiện các dự án từ thiện, điều hành các lâu đài do Vatican sở hữu đã được chuyển đổi thành nơi trú ẩn cho người vô gia cư.
Tòa nhà được đặt theo tên của gia đình quý tộc đã tặng nó cho Vatican vào năm 1930. Trong 70 năm qua, một nhà dòng nữ đã điều hành nó như một ngôi nhà dành cho các người mẹ đơn thân. Sau khi các nữ tu rời đi, một số quan chức Vatican đề nghị biến khu đất đắc địa này thành một khách sạn sang trọng.
Nhưng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh biến nó thành một ngôi nhà – hay nói đúng hơn theo cách nói của người quản lý Carlo Santoro – đó là một một lâu đài dành cho “những quý tộc trên đường phố”, những người mà theo Đức Phanxicô, “bị xã hội từ chối, những nạn nhân của văn hóa vứt bỏ ngày nay”.
Ngôi nhà lưu trú cho người vô gia cư của thành phố Roma này có kiến trúc của người Spartan. Nhưng trần nhà bằng gỗ được chạm khắc và những bức tường được vẽ, cùng với sàn nhà được lát bằng gạch là bằng chứng về nguồn gốc quý tộc của tòa nhà ba tầng này.
Ngôi nhà có thể chứa tới 50 người, được chia ra trong 16 phòng với hai hoặc ba giường cho mỗi phòng. Có 13 phòng tắm mới, mỗi phòng đều có vòi sen. Bữa ăn nóng được phục vụ hai lần một ngày. Nơi trú ẩn cũng cung cấp hỗ trợ y tế và tư vấn tâm lý cho người nghiện rượu. Người ở không bị đặt giới hạn thời gian lưu trú.
Nhiều người sẽ không tiết lộ tên họ của mình, và tỏ ra thận trọng khi giải thích lý do tại sao họ lại bị vô gia cư. Những mẫu nói chuyện ngắn gọn cũng cho thấy một cái nhìn thoáng qua về nỗi đau của họ như: mất việc, hôn nhân tan vỡ hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Bây giờ, những gì tất cả họ chia sẻ là sự giải thoát khỏi lo lắng, cũng như hướng đến một số hy vọng trong tương lai.
Silvano, người Rumani, đã sống ở Ý trong 15 năm – một trong tám người cuối cùng vô gia cư ở đây. Ông thường trải qua những đêm ẩm ướt, lạnh lẽo khi ngủ dưới hàng cột xung quanh Quảng trường Thánh Phêrô, được thiết kế bởi nghệ sĩ và kiến trúc sư thế kỷ 17 Gian Lorenzo Bernini, nhưng giờ đây ông có thể nhìn quảng trưởng từ phòng ngủ ấm áp của mình trong lâu đài.
Ông nói: “Nếu bạn đã từng ngủ trên đất được lót bằng các bìa giấy Carton và phải thức dậy lúc 5 giờ sáng trước khi cảnh sát đến đuổi bạn đi, và sau đó bạn tìm thấy một nơi như thế này, nơi bạn được dùng bữa sáng, tắm vòi hoa sen, và một chiếc giường, cùng một bữa tối, thì bạn sẽ chẳng còn muốn gì hơn nữa!”
Vào tháng 11/2019, Đức Thánh Cha cũng đã đến khánh thành một “Lâu đài của người nghèo” khác, và chia sẻ bữa ăn, nói chuyện và đùa giỡn với nhiều người vô gia cư.
Santoro nhớ lại những gì Đức Phanxicô nói với anh khi anh ngưỡng mộ nội thất của lâu đài đó: “’Vẻ đẹp chữa lành’ Vẻ đẹp của ngôi nhà này rất hữu ích để giúp họ phục hồi. Vì vậy, đó là mục tiêu đầu tiên của chúng ta, chỉ để giúp họ”.
Kể từ khi “Lâu đài của người nghèo” mở cửa vào tháng 11/2019, Santoro cho biết một số khách đã tìm được việc làm thường xuyên, và hai người đã hòa nhập vào gia đình của họ ở miền bắc Ý. Santoro nói: “những người còn lại có thể hy vọng vào lâu đài này như một thiên đường để giải thoát… Bởi vì mỗi người đều có quyền được tôn trọng. Quyền có một cuộc sống tốt, sức khỏe tốt, và cả ngôi nhà cũng như gia đình xung quanh. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, chúng tôi cảm thấy chúng tôi như gia đình của họ, gia đình mà họ đã mất từ lâu”.
Văn Việt chuyển ngữ từ Sylvia Poggioli (NPR) / Nguồn: WHĐ
Để lại một phản hồi