Các giám mục trên thế giới ca ngợi Tông huấn mới “Amazon yêu quý” của Đức Thánh Cha

Các giám mục từ khắp nơi trên thế giới đã đánh giá cao Tông huấn mới “Querida Amazonia” – “Amazon yêu quý” – của Đức Thánh Cha Phanxicô, mới được ban hành ngày 12/02 vừa qua; các vị ghi nhận sự quan tâm của Đức Thánh Cha trong việc soạn thảo Tông huấn để bao gồm các đặc điểm riêng biệt của khu vực Amazon và sứ điệp của nó cho Giáo hội toàn cầu.


Đức tổng giám mục Jose H. Gomez của Los Angeles, Hoa Kỳ

Đức tổng giám mục Jose H. Gomez của Los Angeles, Chủ tịch Hội đồng giám mục Hoa Kỳ, tuyên bố hôm 12/02: “Hôm nay, Đức Thánh Cha của chúng ta mang lại cho chúng ta cái nhìn hy vọng và thách đố của tương lai miền Amazon, một trong những hệ sinh thái nhạy cảm và quan trọng nhất của trái đất và là ngôi nhà của nhiều nền văn hóa và dân tộc khác nhau.”

Một cách thức loan báo Tin Mừng tôn trọng căn tính và lịch sử của các dân tộc miền Amazon

Đức cha Gomez nói tiếp: “Đức Thánh Cha nhắc chúng ta rằng Giáo hội phục vụ nhân loại bằng cách loan báo Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng tình yêu của Ngài. Đức Thánh Cha mời gọi một cách thức loan báo Tin Mừng tôn trọng căn tính và lịch sử của các dân tộc miền Amazon. Đó là mở ra với ‘sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn có thể tạo nên điều mới mẻ với sự giàu có không bao giờ vơi cạn của Chúa Giêsu Kitô.’”

Cam kết tiếp tục dấn thân loan báo Tin Mừng

Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Đức Thánh Cha mời gọi tất cả chúng ta ở Mỹ châu và khắp Tây phương xem xét lại lối sống và suy tư về hậu quả của những quyết định của chúng ta đối với môi trường và người nghèo. Cùng với các anh em giám mục ở Hoa Kỳ, tôi biết ơn sự khôn ngoan và hướng dẫn của Đức Thánh Cha. Chúng tôi cũng cam kết tiếp tục dấn thân loan báo Tin Mừng và xây dựng một thế giới công bằng và huynh đệ hơn, đồng thời tôn trọng sự toàn vẹn của công trình sáng tạo của Thiên Chúa.”

Đức tổng giám mục Mark Coleridge của Brisbane, Australia

Tại Australia, Đức tổng giám mục Mark Coleridge, giám mục của Brisbane, chủ tịch Hội đồng Giám mục Australia, đã đề cập đến hai điểm quan trọng của Tông huấn trong bối cảnh của Australia: nền văn hóa bản địa và một sự hiểu biết cần thiết về sinh thái học.

 

Áp dụng các giáo huấn của các Giáo hoàng trong việc chăm sóc thiên nhiên

Trong tuyên bố hôm 12/02, Đức tổng giám mục Coleridge nói: “Miền Amazon có một vị trí độc nhất trong dấu chân sinh thái của hành tinh và việc lạm dụng nó dưới nhiều hình thức khác nhau đang và sẽ tiếp tục có tác động đến mối liên hệ giữa loài người và hành tinh, ngôi nhà chung của chúng ta. Tại Australia này, chúng ta thấy, đôi khi thật bi thảm, thiệt hại do lạm dụng thế giới tự nhiên – không chỉ đối với môi trường mà còn đối với động vật hoang dã, đối với các cộng đồng và vô số cá nhân.” Ngài nhấn mạnh rằng Tông huấn “Querida Amazonia” nhắc lại những gì Đức Phanxicô đã nói trong Thông điệp “Laudato Sì” về “nhiệm vụ của Giáo hội trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” bằng cách “can đảm áp dụng giáo huấn của các giáo hoàng vào một bối cảnh cụ thể”.

Văn hóa bản địa: thách thức và khích lệ cho Giáo hội

Đối với Đức cha Coleridge, sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với các nền văn hóa bản địa ở Amazon liên quan đặc biệt đến Australia, vốn “bị xem là thiếu tiến bộ khủng khiếp” trong việc thu hẹp khoảng cách kinh tế xã hội giữa các dân tộc bản địa và các dân tộc không phải là bản địa của Australia. Theo nghĩa này, chúng là “một thách thức và khích lệ” cho Giáo hội trong nước.

Đức tổng giám mục Eamon Martin của Armagh, Bắc Ai Len

Về phần Đức tổng giám mục Eamon Martin của Armagh, Bắc Ai Len, Giáo chủ toàn Ai Len, cũng nhận định rằng Tông huấn mới “Amazon yêu quý” không chỉ liên quan đến các dân tộc miền Amazon nhưng cũng là lời mời gọi cho mọi người trong Giáo hội và trên thế giới.

Theo Đức cha Martin, tài liệu “bao gồm các mối quan tâm trên thế giới, đặc biệt của người trẻ, muốn cùng nhau làm việc vì tôn trọng thiên nhiên và sự sống, thăng tiến nhân phẩm và bảo vệ những người bị ảnh hưởng nhất khi môi trường bị hủy hoại.

Chuyển từ nhận thức sang phản ứng tích cực

Đức cha cũng nhận xét: “Như mọi khi, Đức Giáo hoàng Phanxicô lo lắng để người dân trên thế giới không bị ‘cướp mất hy vọng’. Khi kêu gọi một sự hoán cải sinh thái, ngài mời tất cả chúng ta chuyển từ nhận thức sang phản ứng tích cực, và để thấy, đặc biệt là ở những người trẻ của chúng ta, những dấu hiệu hy vọng cho tương lai và thúc đẩy hành động trong hiện tại.”

Đức cha Martin nhấn mạnh: “Hôm nay Đức Thánh Cha trình bày một phân tích rõ ràng về các mối đe dọa nghiêm trọng đối với các dân tộc và hệ sinh thái của miền Amazon, và mở rộng đến trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Ngài nêu bật các vấn đề nghèo đói, các bất công kinh tế xã hội và sự vi phạm nhân quyền, là những điều đan xen trong vòng luẩn quẩn của sự suy thoái hệ sinh thái và con người.”

Đáp lại lời Đức Thánh Cha mời gọi đến truyền giáo tại Amazon

Nhắc lại rằng Ai Len luôn là một quốc gia đáp lại lời mời truyền giáo của Giáo hội, Đức cha Martin khuyến khích Giáo hội nước này đáp lại lời Đức Thánh Cha mời gọi gửi các nhà truyền giáo đến hỗ trợ việc loan báo Tin Mừng ở Amazon và các vùng xa xôi khác. Đức cha nói: “Thật đẹp nếu một số linh mục, tu sĩ và các nhà truyền giáo giáo dân người Ai Len ngày nay cân nhắc ý tưởng cống hiến một thời gian truyền giáo trong 5 năm ở miền Amazon.” (CNS 12/02/2020)

Hồng Thủy

(VaticanNews Tiếng Việt 13.02.2020)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*