Đức Thánh Cha mời gọi các thành viên của Bộ Giáo dục Công giáo liên kết các nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn để đào tạo những người trưởng thành, có khả năng vượt qua sự phân mảnh và chống đối và xây dựng lại kết cấu của các tương quan cho một nhân loại huynh đệ hơn.
Trưa ngày 20/02, Đức Thánh Cha đã tiếp các thành viên của Bộ Giáo dục Công giáo tham gia Khóa họp toàn thể kéo dài từ ngày 17-20/02. Trong số các tham dự viên có Đức cha Giuse Đinh Đức Đạo, giám mục giáo phận Xuân Lộc, thành viên của Bộ Giáo dục Công giáo.
Bắt đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhận định rằng “giáo dục là một thực tại năng động, là một hoạt động đưa con người đến với ánh sáng,” với những đặc điểm làm cho nó trở thành một động lực phát triển, hướng tới sự phát triển toàn vẹn của con người trong các chiều kích cá nhân và xã hội. Đức Thánh Cha nêu lên một số điểm tiêu biểu của giáo dục.
Chiều kích sinh học
Trước hết là chiều kích sinh học. Đức Thánh Cha nói: “Giáo dục chú trọng đến con người với thực tại toàn diện và có mục đích giúp con người hiểu về mình, về ngôi nhà chung họ đang sống và nhất là khám phá tình huynh đệ như những tương quan đem lại sự nối kết đa văn hóa của nhân loại, nguồn phong phú hỗ tương.
Đặc tính bao gồm mọi người
Tiếp đến là bao gồm mọi người.” Đức Thánh Cha giải thích: “Đó là sự bao gồm tất cả những người bị loại trừ: người nghèo, người dễ bị tổn thương do chiến tranh, đói kém, thiên tai, chọn lọc xã hội, khó khăn gia đình và cuộc sống. Sự bao gồm này được cụ thể trong các hoạt động giáo dục vì người tị nạn, các nạn nhân của nạn buôn người, di dân, không phân biệt giới tính, tôn giáo và chủng tộc.” Chiều kích này thuộc về sứ điệp Kitô giáo. Đặc biệt, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngày nay cần gia tăng chiều kích bao gồm này để chống lại nền văn hóa loại bỏ, nảy sinh từ việc chối từ tình huynh đệ như yếu tố kiến tạo nhân loại.
Chiều kích hòa bình
Điểm thứ ba là chiều kích hòa bình, người mang hòa bình. Đức Thánh Cha nhận định “đây là sức mạnh chống lại chủ nghĩa sùng bái chính mình, là thứ tạo nên sự không hòa bình, sự gãy đổ giữa các thế hệ, các dân tộc, các nền văn hóa, giữa các dân tộc giàu và nghèo, giữa nam và nữ, giữa kinh tế và đạo đức, giữa con người và môi trường.” Những đổ vỡ này làm các mối tương quan bị băng hoại, gây nên sự sợ hãi sự đa dạng và khác biệt. Vì thế giáo dục được mời gọi đào tạo con người có khả năng hiểu rằng sự đa dạng không cản trở sự hiệp nhất, nhưng là điều không thể thiếu đối với sự phong phú của căn tính của mỗi người và của người khác.
Tính đồng đội
Cuối cùng là tính đồng đội. Giáo dục không bao giờ là công việc của một cá nhân hay một tổ chức. Đức Thánh Cha nhắc lại các tài liệu của Giáo hội, và khẳng định rằng gia đình, giáo viên, các hiệp hội về văn hóa, dân sự và tôn giáo, xã hội dân sự và toàn cộng đồng nhân loại phải tham gia vào hoạt động giáo dục. Đức Thánh Cha cho biết chính sự khủng hoảng của tính đồng đội trong giáo dục là lý do ngài tổ chức ngày dành cho hiệp ước giáo dục toàn cầu vào ngày 14/05.
Một hiệp ước giáo dục vượt qua các đối nghịch
Đức Thánh Cha nói: “Chưa bao giờ như bây giờ, cần liên kết các nỗ lực trong một liên minh giáo dục rộng lớn để đào tạo những người trưởng thành, có khả năng vượt qua sự phân mảnh và chống đối và xây dựng lại kết cấu của các tương quan cho một nhân loại huynh đệ hơn “. Để đạt được những mục tiêu này, cần phải can đảm đặt con người ở trung tâm.
Hiệp ước giáo dục toàn cầu, theo Đức Thánh Cha, sẽ giúp phát triển một liên minh liên ngành cho các ngành học, bao gồm cả các ngành học của giáo hội. Đức Thánh Cha khuyến khích các thành viên tiếp tục những bước tiến trong việc thực thi hiệp ước trong những năm tới, đặc biệt là trong việc soạn thảo một Danh mục và thành lập Đài Quan sát Thế giới. Những công việc này có thể đóng góp cách hữu hiệu cho việc củng cố hiệp ước theo cách Lời Chúa dạy chúng ta.(REI 20/02/2020))
Hồng Thủy
(VaticanNews Tiếng Việt 20.02.2020)
Để lại một phản hồi