Đâu là biểu tượng của tro trong ngày Lễ Tro?

Tro có một truyền thống lâu đời trong Giáo hội Công giáo, và có nguồn gốc từ Cựu ước.


Không phải ngẫu nhiên mà Thứ Tư Lễ Tro, theo nghi lễ của Giáo hội Công giáo Rôma, tập trung vào việc xức tro trên tất cả các tín hữu khi tham dự thánh lễ hoặc khi cầu nguyện. Nghi thức này tương đối ngắn nhưng giàu tính biểu tượng mà đôi khi bị lãng quên.

 Trước hết, tro được sử dụng trong ngày lễ, thường được các giáo xứ lấy từ tro đốt từ những cành lá. Những cành lá này được làm phép vào Chúa nhật Lễ lá năm trước, kết nối từ đầu đến cuối Mùa chay, khi chúng ta tưởng niệm cuộc Khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Mùa sám hối bắt đầu bằng việc đóng đinh và kết thúc với việc đóng đinh.

 Tiếp đến, lời cầu nguyện được vị linh mục dùng khi xức tro trên trán mỗi người nhằm nhắc nhở chúng ta về cái chết và hậu quả của tội nguyên tổ Ađam và Eva. Lời nguyện “hãy nhớ con là cát bụi và sẽ trở về cát bụi”, là một trích dẫn trực tiếp từ sách Sáng thế khi Chúa giáng hình phạt xuống cho Ađam và Evà sau khi cả hai ăn trái cây biết lành và biết dữ.

“Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).

 Ađam và Eva sau đó bị đày khỏi Vườn Địa đàng, không được phép trở lại, bị kết án bằng cuộc sống trần gian.

 Thêm nữa, tro cốt được sử dụng nhiều trong Cựu ước như một dấu chỉ của sự ăn năn, cầu xin Chúa tỏ lòng thương xót họ. Sách Giuđitha viết: “Hết mọi người nam trong dân Israel cùng với vợ con cư ngụ ở Giêrusalem đều phủ phục trước Đền Thờ, rắc tro lên đầu, mặc áo vải thô ra trước nhan Đức Chúa” (Gth 4,11). Sau đó, “Đức Chúa lắng nghe tiếng họ kêu cầu và đoái nhìn cơn khốn quẫn của họ” (4,13).

 Nổi tiếng nhất là những lời rao giảng của ngôn sứ Giôna ở thành Ninivê: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Giona 3,6).

 Mỗi khi dân chúng rắc tro, ăn năn tội lỗi của mình và kêu lên Chúa thương xót, Chúa đã nghe thấy tiếng khóc của họ và cho họ tránh được sự hủy diệt.

 Trong sách Lễ nghi Rôma hiện tại, biểu tượng ăn năn này cho thấy những lời được đọc lúc xức tro có thể là mệnh lệnh của Chúa Giêsu “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng”.

Thánh Gioan Phaolô II cũng đã tóm tắt ý nghĩa sâu xa về tro như sau:

“Lạy Chúa xin tạo cho con một trái tim trong sạch…. Đừng cất khỏi lòng con Thần Khí thánh của Ngài”. Chúng ta nghe lời cầu xin này vang vọng trong tâm hồn mình, trong khi chỉ một lát nữa thôi chúng ta tiến đến bàn thờ Chúa để nhận tro trên trán mình theo truyền thống rất cổ xưa. Hành động này chứa đầy những dấu hiệu thiêng liêng và là một dấu chỉ quan trọng của việc hoán cải và đổi mới nội tâm. Đó là một nghi thức phụng vụ đơn sơ nhưng rất sâu sắc vì ý nghĩa sám hối của nó: qua việc xức tro, Giáo hội nhắc nhở con người, các kẻ tin và các tội nhân, về sự yếu đuối của mình khi đối mặt với tội ác và nhất là sự phụ thuộc hoàn toàn vào quyền uy vô biên của Thiên Chúa.

 Tro là biểu tượng dồi dào trong Giáo hội Công giáo, là thứ kết nối chúng ta với truyền thống lâu dài qua việc kêu xin lòng thương xót Chúa, cho Ngài thấy sự đổi mới nội tâm của chúng ta bằng một dấu hiệu bên ngoài.

Philip Kosloski/Aleteia

Võ Tá Hoàngchuyển ngữ

(gpquinhon.org 25.02.2020)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*