Là giáo hoàng khẩn cấp, Đức Phanxicô tái khẳng định vị trí lãnh đạo thế giới của mình

Cuộc khủng hoảng về sức khỏe và kinh tế của Covid-19 cho phép Đức Phanxicô thể hiện tầm mức lãnh đạo thế giới, cùng một lúc làm rõ triều giáo hoàng của ngài, từ ngày đầu đã được đặt dưới dấu hiệu khẩn cấp.

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tạp chí Văn minh Công giáo (Civiltà Cattolica) năm 2013, ngài đã tuyên bố: “Tôi thấy Giáo hội như một bệnh viện dã chiến sau trận chiến”, câu này đã in vào tâm trí nhiều người. Ngài giải thích: “Tôi thấy rõ, điều cần thiết nhất của Giáo hội ngày nay là khả năng chữa lành vết thương và sưởi ấm tâm hồn tín hữu, sự gần gũi, tình thân thiện.” Ngài nói thêm: “Không có lý do gì để hỏi người đang bị thương nặng xem đường, mỡ trong máu họ có cao không?”. Trước hết chúng ta phải chữa lành vết thương. Sau đó mới giải quyết phần còn lại. Khi cuộc khủng hoảng sức khỏe và kinh tế liên quan đến đại dịch Covid-19 đang hoành hành, biến cả thế giới thành bệnh viện dã chiến rộng lớn, những lời được nói bảy năm trước trở thành những lời có tiếng vang mới.

Nó cho phép chúng ta hiểu vì sao, trong cơn hỗn loạn, Đức Phanxicô nổi bật như người có thẩm quyền về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, áp đặt – ngay cả khi ngài không thích thuật ngữ này – như “người tạo ảnh hưởng” toàn cầu và đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới. Đến mức mà báo Marianne gần đây dưới ngòi bút của bà Constance Colonna-Césari – chuyên gia về ngoại giao của Vatican và là giám đốc của bộ phim tài liệu xuất sắc Các Nhà Ngoại giao của giáo hoàng (Les Diplomates du pape), bà đã viết bài báo có tựa Phục sinh năm 2020: với coronavirus, Đức Phanxicô đã sống lại!. Bằng chứng ngày thứ ba 21 tháng 4, Tổng thống Cộng hòa Pháp sẽ nói chuyện qua điện thoại với ngài. Cần nhắc lại, trong thông điệp Phục sinh ngày 12 tháng 4, Đức Phanxicô đã xin các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo nhất. Một ý tưởng mà ngày hôm sau Tổng thống Emmanuel Macron đã lặp lại trong bài nói chuyện trên truyền hình của ông, đề nghị nước Pháp “giúp đỡ châu Phi” bằng “sáng kiến xóa nợ lớn”. Đó là chủ đề của cuộc trò chuyện.

“Chúng ta tiếp tục đi trên con đường không xáo trộn của mình, nghĩ rằng mình sẽ luôn lành mạnh trong một thế giới bệnh hoạn.” – Giáo hoàng Phanxicô

Trong thế giới đau khổ, phương pháp “y khoa” của Đức Phanxicô đánh đúng trọng tâm. Chúng ta có cần nhắc lại không? Khi còn trẻ Jorge Mario Bergoglio mơ học bác sĩ. Vào thời đó, khi thấy trong phòng ngài có sách thần học thay vì sách sinh hóa, mẹ của ngài hỏi vì sao, ngài trả lời: “Con không giấu mẹ, con muốn làm bác sĩ tâm hồn.” Ám ảnh y học từ đó tưới tẩm trong đường lối mục vụ của ngài, qua các cử chỉ cụ thể, như những hộp “Lòng thương xót” (hộp đựng tràng chuỗi thay vì viên thuốc) mà ngài đã tặng cho giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô vào đầu triều giáo hoàng để khuyến khích mọi người cầu nguyện, nhưng cũng là lời khuyên của ngài – các cảnh báo của ngài tại Giáo triều về “các căn bệnh thiêng liêng” của những người phục vụ trong Giáo hội – và tầm nhìn của ngài về thế giới. Một thế giới thường được mô tả là “bị thương hoặc đang đau khổ” – do loại văn hóa dửng dưng và lãng phí mà ngài không ngừng tấn công.

“Tham lam vì lợi nhuận, chúng ta để mình bị cuốn hút bởi mọi thứ và choáng ngộp vì vội vàng. Chúng ta không dừng lại ở các lời nhắc nhở, chúng ta không tỉnh thức trước các cuộc chiến tranh và các bất công trên toàn cầu, chúng ta đã không nghe tiếng khóc của người nghèo và của quả đất đang bệnh nặng của chúng ta. Chúng ta tiếp tục đi trên con đường không xáo trộn của mình, nghĩ rằng mình sẽ luôn lành mạnh trong một thế giới bệnh hoạn. Đây là những lời rất có ý nghĩa, những lời mà ngài vừa nói lên ở Quảng trường Thánh Phêrô trống vắng, trong một buổi lễ chưa từng có, giữa Mùa Chay, vào một buổi tối khi nước Ý khóc thương một ngàn người chết nội trong một ngày của mình.

Các chủ đề thiết thân của ngài bây giờ trở nên khẩn cấp quan trọng – khủng hoảng môi trường, các giới hạn của hệ thống, tóm tắt ở một chữ bây giờ trở thành nổi tiếng “mọi thứ đều liên kết với nhau” của Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato si’. Nhưng nếu Đức Phanxicô nổi bật như một trong những tiếng nói ngôn sứ hiếm hoi – nếu không muốn nói là duy nhất? – đó cũng là ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, ngài đã suy nghĩ như một bác sĩ cấp cứu khẩn cấp. Đây cũng là cách chúng ta phải hiểu cách ngài đặt các ưu tiên của mình, các chuyến tông du, các nước nhỏ nhất, những nước nghèo nhất, những nước bị chiến tranh tàn phá nhất, những nước mà tín hữu kitô là thiểu số – và vì thế ngài chưa đặt chân đến nước Pháp. Đây cũng là cách chúng ta phải hiểu mục vụ chăm sóc và mềm dẽo của ngài với các tình huống gọi là “bất thường.”

Và cuối cùng, ngài có thể cho chúng ta thấy cần phải quan tâm đến các con chiên đi lạc giữa đàn chiên trung thành. Trong phòng cấp cứu, bệnh nhân được lọc theo mức độ nghiêm trọng. Điều này làm chúng ta đau lòng nhưng như thế mới cứu được mạng sống. Ưu tiên là cứu rỗi linh hồn. Vì thế cách tiếp cận của ngài, nhiều lần làm nhiều người cau mày và tạo ra các chuyện khó hiểu trong giới công giáo, bây giờ trong cuộc khủng hoảng hiện nay đã cho thấy tính thích đáng của nó.

“Chưa bao giờ Đức Phanxicô và Tòa Thánh thấy mình dưới ánh đèn chính trường trong một thế giới khát khao một lời nói mới như bây giờ.”

Không có gì đáng ngạc nhiên khi hai bộ có tiếng nói được hỗ trợ trong giai đoạn hiện tại là Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện và Bộ Truyền thông. Bộ Truyền thông vì chưa bao giờ Đức Phanxicô và Tòa Thánh thấy mình dưới ánh đèn chính trường trong một thế giới khát khao một lời nói mới như bây giờ.

Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện vì bây giờ ngài giao cho Bộ “đặc nhiệm” gồm năm nhóm làm việc, với một chương trình làm việc: đối diện với tình trạng khẩn cấp, hợp tác với Caritas quốc tế; kết nối các trí tuệ thông minh nhất trong các lĩnh vực sinh thái, kinh tế, y tế và an ninh xã hội; truyền thông về các hoạt động từ thiện; suy nghĩ về các sáng kiến để đưa ra với các quốc gia; và tìm các ngân quỹ. Còn về Đức Phanxicô, ngài đảm nhận chiều kích ngôn sứ của Giáo hội, mà tín hữu rất cần – chiều kích ngài gieo trong những ngày gần đây.

Đó là trong chiếc áo chùng trắng, giống như áo của bác sĩ cấp cứu, chiều chúa nhật 15 tháng 3, ngài đi một mình trên đường phố Rôma vắng vẻ để cầu nguyện với Đức Mẹ Cứu rỗi thành Rôma và trước cây thánh giá nhiệm mầu để xin chấm dứt đại dịch như các giáo hoàng trước ngài đã đến cầu nguyện để xin chấm dứt dịch hạch và dịch tả.

Cuộc khủng hoảng cho thấy trực giác và thông điệp của ngài là đúng. Và nêu lên cho chúng ta thấy.

Marie-Lucile Kubacki / Marta An Nguyễn chuyển ngữ / Nguồn: phanxico.vn

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*