Trong cuộc phỏng vấn dài với nhà báo Austen Ivereigh của tờ báo The Tablet của Anh, ĐTC Phanxicô đã trả lời những câu hỏi liên quan đến đại dịch Covid-19.
ĐTC trong buổi Đàng Thánh Giá (10/4)
tại quảng trường thánh Phêrô
Vatican News Tiếng Việt trích đăng một câu trả lời của Đức Thánh Cha liên quan đến câu hỏi “liệu trong cuộc khủng hoảng và tác động kinh tế của nó, ta có thể nhìn thấy cơ hội trong việc hoá cải sinh thái không, để xem xét những ưu tiên và cách sống của chúng ta?”
Có một câu ngạn ngữ Tây Ban Nha nói rằng: “Thiên Chúa thì luôn luôn tha thứ, con người thì thỉnh thoảng tha thứ, và thiên nhiên thì không bao giờ tha thứ”. Chúng ta đã không lắng nghe những thảm họa nơi này nơi khác. Ngày nay có ai nhắc về vụ cháy rừng ở Úc? Và thực tế là một năm rưỡi trước, có một con tàu đã vượt qua được Bắc Cực, bởi vì ở đó băng đã tan chảy và tàu có thể đi lại được. Vậy ai đã nói về những trận lũ lụt? Tôi không biết đó có phải là sự trả thù của thiên nhiên không, nhưng đó chắc chắn là câu trả lời của thiên nhiên.
Cần nhớ về ký ức
Chúng ta có một bộ nhớ chọn lọc. Tôi muốn nhấn mạnh về điều này. Tôi đã rất ấn tượng bởi lễ kỷ niệm 70 năm cuộc đổ bộ Normandia (Pháp). Đã có những nhân vật hàng đầu về chính trị và văn hóa quốc tế. Và họ đã ăn mừng. Tất nhiên, đó đúng là sự khởi đầu của một kết thúc cho một chế độ độc tài, nhưng không có bất kỳ ai nhớ đến 10.000 chàng trai đã ngã xuống trên bãi biển đó.
Khi tôi ở Redipuglia, trong dịp một trăm năm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người ta chỉ thấy có một tượng đài thật đẹp với những cái tên khắc trên bia đá, và chẳng có gì hơn. Tôi đã khóc khi nghĩ về ĐTC Biển Đức XV (về “cuộc tàn sát vô ích”). Tương tự như thế ở Anzio, vào ngày lễ cầu cho những người đã qua đời, tôi nhớ đến những người lính Bắc Mỹ đã được chôn cất ở đó. Mỗi người họ đều có một gia đình, và tôi có thể ở vị trí của một trong số họ.
Ngày nay, ở Châu Âu, khi người ta bắt đầu nghe những bài phát biểu dân túy hay những quyết định chính trị có chọn lọc, không khó để người ta nhớ đến những phát biểu của Hitler vào năm 1933, ít nhiều chúng cũng giống như cách làm của một số chính trị gia ngày nay.
Tôi vẫn còn nhớ một câu thơ của Virgilio: [forsan et haec olim] meminisse iubavit (Có lẽ sẽ đến một ngày thích hợp để nhớ những điều này). Chúng ta cần phục hồi ký ức, bởi vì ký ức sẽ giúp chúng ta. Đây là lúc để phục hồi lại ký ức. Đây không phải là dịch bệnh đầu tiên của nhân loại. Những bệnh dịch trước đó giờ đây đã được biến thành những giai thoại. Chúng ta cần phải phục hồi lại những ký ức về nguồn cội, về truyền thống, vì chúng là những điều đáng nhớ. Trong Linh Thao của Thánh Inhaxio, toàn bộ tuần thứ nhất của linh thao và sau đó là phần chiêm niệm để đạt được tình yêu trong tuần thứ tư đều hoàn toàn lần theo dấu chỉ của ký ức. Đó là một cuộc hoán cải ngang qua ký ức.
Cần hoán cải khỏi sự không nhất quán
Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta: dù giàu hay nghèo. Đây là một lời kêu gọi sự chú ý chống lại thói đạo đức giả. Tôi lo ngại về sự giả hình của một số nhân vật chính trị khi họ nói rằng họ muốn đối mặt với khủng hoảng, khi họ nói về sự nghèo đói trên thế giới, và trong khi nói về những điều đó, họ cũng đồng thời sản xuất vũ khí hàng loạt. Đã đến lúc phải hoán cải những giả hình này thành những hành động. Đây là thời gian cho sự nhất quán, hoặc là chúng ta nhất quán hoặc chúng ta mất tất cả.
Anh hỏi tôi về việc hoán cải. Thực ra, mỗi cuộc khủng hoảng là một mối nguy hiểm, nhưng đồng thời nó cũng là một cơ hội. Và đó là cơ hội để thoát khỏi nguy hiểm. Hôm nay tôi tin rằng chúng ta phải làm chậm lại một nhịp nhất định về việc tiêu dùng và việc sản xuất (Laudato si ‘, số 191). Ta phải học cách hiểu và chiêm ngắm thiên nhiên để kết nối lại với môi trường thực tế của chúng ta. Đây là một cơ hội hoán cải.
Vâng, tôi có thấy những dấu hiệu bắt đầu của một nền kinh tế ít thanh khoản và thêm nhân văn. Nhưng chúng ta không được phép quên nó một khi tình huống hiện tại qua đi, chúng ta không được đem nó bỏ vào kho lưu trữ và quay trở lại như trước kia. Đây là lúc để tiến bước, để chuyển từ việc sử dụng và lạm dụng thiên nhiên sang việc chiêm ngắm nó, suy ngẫm về nó. Con người chúng ta đã đánh mất đi chiều kích chiêm niệm, và đây là lúc để chúng ta tìm lại và phục hồi nó.
Nhìn nhận về người nghèo
Và nhắc đến việc suy ngẫm, tôi muốn dừng lại ở một điểm, đó là: đã đến lúc nhìn nhận về người nghèo. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng “những người nghèo, anh em luôn có ở bên mình”. Và thật sự là như thế. Đó là một thực tế mà chúng ta không thể chối bỏ. Họ bị che giấu đi, vì nghèo đói là xấu hổ. Ở Roma, trong lúc đi kiểm dịch, một anh cảnh sát nói với một người đàn ông rằng: “Anh không được ở trên đường phố, hãy về nhà của anh”. Và câu trả lời là: “Tôi không có nhà. Tôi sống trên hè phố”. Khám phá biết bao nhiêu người bị gạt sang bên lề… và bởi lẽ sự nghèo đói khiến ta xấu hổ nên ta không nhìn vào nó. Họ ở đó, chúng ta lướt qua họ, nhưng ta không nhìn họ. Họ chỉ như một phần của cảnh quan, như những vật thể. Thánh Têrêsa Cacutta đã nhìn thấy họ và đã quyết định dấn thân vào hành trình biến đổi.
Nhìn thấy những người nghèo có nghĩa là trao trả lại cho họ nhân phẩm. Họ không phải những vật phẩm, không phải những phế thải, họ là những nhân vị. Chúng ta không thể xây dựng một chính sách hỗ trợ như dành cho các động vật bị bỏ rơi. Ngược lại, rất nhiều lần chúng ta đối xử với người nghèo như với những con vật bị bỏ rơi. Chúng ta không thể xây dựng một chính sách mang tính hỗ trợ và cục bộ.
Cho phép tôi được đưa ra một lời khuyên: đã đến lúc đi sâu vào lòng đất. Đó là một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng của nhà văn người Nga Dostoevslij, Ký ức về lòng đất. Và có một cuốn khác ngắn hơn, đó là Hồi ức về một ngôi nhà chết chóc, nó kể về những người quản thúc của một bệnh viện nhà tù, họ đối xử với những tù nhân nghèo như những đồ vật. Khi nhìn thấy họ đối xử như vậy đối với một tù nhân vừa mới chết, một tù nhân khác đã hét lên: “Đủ rồi! Anh ta cũng có một người mẹ!”. Chúng ta phải nhắc lại điều này rất nhiều lần rằng: người nghèo nào cũng có một người mẹ, người đã dưỡng dục anh ta bằng tình yêu. Chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc sống. Nhưng nó giúp ta suy nghĩ về tình thương mà anh ta nhận được, về những kỳ vọng của một người mẹ.
Chúng ta làm suy yếu những người nghèo, chúng ta tước đi cái quyền mơ về mẹ của họ. Họ chẳng được biết thế nào là tình thương, rất nhiều trong số họ nghiện ngập. Nhìn thấy họ như thế sẽ giúp chúng ta khám phá ra lòng trắc ẩn, chính lòng trắc ẩn này là chiều kích kết nối chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân.
Đi sâu vào lòng đất và chuyển từ một xã hội sống ảo hóa, sống hời hợt sang nhập thể vào những xác thịt đau khổ của những người nghèo. Đây là một sự hoán cải cần phải có, vì nếu chúng ta không bắt đầu từ đấy thì sẽ chẳng có bất kỳ sự hoán cải nào xảy ra trong tương lai.
Những anh hùng hiện nay
Tôi nghĩ đến những vị thánh kề cận trong thời điểm khó khăn này. Họ là những anh hùng! Các bác sĩ, những tình nguyện viên, những nữ tu, linh mục, những nhân viên họ thực hiện những trách vụ của họ để cho xã hội này hoạt động. Có biết bao nhiêu bác sĩ và y tá đã ra đi! Bao nhiêu linh mục, bao nhiêu nữ tu đã chết! Vì phục vụ, trong phục vụ.
Tôi nhớ đến một câu của người thợ may trong cuốn “I promessi sposi”, theo tôi thì đây là một trong những nhân vật đơn sơ và kiên định nhất. Anh ta nói: “Tôi chẳng bao giờ thấy Chúa bắt đầu làm một phép lạ mà không hoàn thành nó”. Nếu chúng ta nhận biết rằng ngang qua những vị thánh kề cận bên mình, những nam nữ anh hùng này, nếu chúng ta biết theo gương họ, phép lạ này sẽ hoàn thành, một kết thúc có hậu cho tất cả. Thiên Chúa không bao giờ bỏ dở dang những gì Người làm. Chỉ có chúng ta, chúng ta để dở những việc mình làm và bỏ đi.
Những gì chúng ta đang trải qua là một cơ hội để chúng ta hoán cải và biến đổi. Chúng ta có cơ hội để làm điều đó. Vì thế, chúng ta hãy nhận lấy trách nhiệm và tiến về phía trước.
(VaticanNews Tiếng Việt 02.05.2020)
Để lại một phản hồi