Không thể lên Thiên Đàng một mình

Thiên Đàng chắc là nơi ai cũng ước ao sau cuộc sống trần gian này. Hành trình về quê hương ấy người ta không thể đi một mình. Vì nếu độc hành sẽ đi nhanh, nhưng khó đến đích. Ngược lại, đi cùng nhau có thể chậm, nhưng lại đến được nơi muốn đến. Điều ấy hoàn toàn đúng cho hành trình đức tin của mỗi người. Tiếc là ngày nay nhiều người muốn “độc quyền” nên thánh, hoặc muốn “đóng cửa” đối với những ai không cùng tôn giáo với mình.   

Nếu lật lại từng trang Tin Mừng, Thiên Chúa luôn mời gọi con người nên thánh cùng với nhau:

– “Chúa phán cùng Cain rằng: “Abel, em ngươi đâu?” (St 4,1–15).

– “Bạn bè thương mến nhau luôn luôn, và anh em sinh ra để giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn.” (Cn 17,17).

Chúa vẫn mời gọi đoàn dân:

– “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19,2).  

Hay Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh:

– “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).

–  “Anh em phải yêu thương người thân cận như chính mình.” (Mt 22,39).

– “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. (Mc 16,15)

– “Điều chúng tôi cầu xin là anh em được nên hoàn thiện.” (2Cr 13,9).

–v.v.

Đây là sứ mạng của Đức Giêsu: cứu độ hết thảy mọi người, đưa con người về Thiên Đàng. Ngài cũng trao sứ mạng ấy cho các tông đồ, cho Hội Thánh và cho mỗi người[1]. Bởi đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc lại rằng: “Chúng ta cùng nhau nên thánh. Việc nên thánh là một chuyến đi với cộng đồng, cùng bước bên nhau. Không thể nên thánh một mình và Thiên Chúa cũng không cứu rỗi ai một mình.” (Tông Huấn Vui Mừng Và Hân Hoan, 6).

Đành rằng mỗi người phải có tương quan cá vị với Thiên Chúa, nhưng họ không thể quên những người bên cạnh. Sẽ là mâu thuẫn nếu người ta nói yêu mến Thiên Chúa nhưng lại ghét bỏ anh chị em mình. Các vị thánh là người đã thành công trong mến Chúa yêu người. Họ nên thánh trong việc giúp cho biết bao người nên thánh. Nơi linh đạo của mỗi nhà dòng, vị thánh tổ phụ của họ để lại biết bao gợi hứng và chỉ dẫn cho người đời nên thánh.

Nếu ai đó yêu mến Thiên Chúa đủ mạnh, những người xung quanh cũng tìm được chút gợi hứng để nên thánh. Vả lại, người càng gần Chúa, họ càng ước mơ cho những người xung quanh cũng được hưởng niềm hạnh phúc này. Có người trao lại cho đời những công trình vĩ đại, đường lối tuyệt vời để nên thánh. Không ít người âm thầm cầu nguyện cho người khác đến gần Chúa hơn. Dù ở hoàn cảnh nào, người khao khát nên thánh cũng muốn cho tha nhân chung con đường với họ.

Có người nói vui rằng trước cổng Thiên Đàng luôn đông người. Nghĩa là nếu vào Thiên đàng, chắc chắn là cùng nhau. Tưởng tượng trước ngai tòa Chúa, Thiên Chúa hỏi: “Những người khác đâu?” Chúng ta phải trả lời thế nào? Trong khi đó, Chúa muốn chúng ta tương thân tương ái lẫn nhau. Chúa mời gọi người ta nên hoàn thiện mỗi ngày. Đó luôn là mời gọi không chỉ nhắm đến chuyện nên thánh riêng tư, nhưng đòi hỏi lan tỏa ơn thánh thiêng ấy cho người xung quanh.

Nếu đọc cuốn Giáo Lý Youcat dành cho người trẻ, bạn cũng thấy số 122: “Ta phải trở nên thánh chung với nhau. Ta phải đến với Thiên Chúa chung với nhau, trình diện trước Thiên Chúa chung với nhau. Ta không được gặp Thiên Chúa tốt lành người này sau người kia. Thiên Chúa có thể nói tốt lành sao được, nếu ta lại ra đi người này không có người kia?”

Cụ thể trong gia đình, người cha không thể nên thánh, nếu không chu toàn trách nhiệm của người chồng, người cha. Người vợ cũng thế. Hóa ra nên thánh không gì khác hơn là, nhờ ơn Chúa, họ yêu người thân cận như chính mình. Chắc chắn sự thánh thiện của họ sẽ làm men muối cho nhiều tâm hồn khác nữa nên thánh.

Đời sống Giáo Hội cũng thế. Cha xứ, người tu sĩ hay thậm chí cả Giáo Hoàng cũng không thể nên thánh một mình. Thiên Chúa sẽ đòi họ trả lời về hoa trái mà họ đã làm nơi dương thế. Họ đã sinh lợi được bao nhiêu nén bạc ân sủng Thiên Chúa trao cho. Ân sủng tài năng ấy chỉ nên “tấm vé” vào Nước Trời, khi bên họ có nhiều người nữa.  

Cũng vậy, một trong những tiêu chuẩn để Giáo Hội phong thánh cho ai đó là đời sống thánh thiện của họ. Nghĩa là, họ lan tỏa được tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa cho tha nhân. Nói cách khác, đời sống của họ lôi cuốn được nhiều người nên thánh. Đó là ơn Chúa, nhưng cũng là đòi hỏi của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em.” (Ga 15,12).  

Thật thú vị để chúng ta đọc qua vài chỉ dẫn nên thánh cùng nhau của Giáo Hội. “Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống đời mình với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống. Bạn được mời gọi sống đời thánh hiến ư? Hãy nên thánh bằng cách sống sự dấn thân ấy cách thật vui tươi. Bạn đã kết hôn ư? Hãy nên thánh bằng cách yêu thương và chăm sóc cho chồng hay vợ mình, như Đức Kitô chăm sóc cho Hội thánh. Bạn phải làm việc để kiếm sống ư? Hãy nên thánh bằng cách làm việc thật tận tụy và chu đáo để phục vụ anh chị em mình. Bạn là cha mẹ hoặc ông bà ư? Hãy nên thánh bằng cách kiên nhẫn dạy dỗ con cháu biết theo Chúa Giêsu. Bạn đang ở một địa vị có quyền lực ư? Hãy nên thánh bằng cách quên lợi riêng để phục vụ ích chung.”[2]  

Hy vọng đời sống đạo của mỗi người luôn gần gũi với người khác. Tha nhân là quan trọng. Họ chính là món quà để giúp mỗi người nên thánh. Đành rằng yêu Chúa có vẻ khó, nhưng yêu người khác, nhất là yêu kẻ thù, lại càng thách đố hơn. Biết sao được khi Chúa đòi người tín hữu, người muốn vào Thiên Đàng phải thực thi điều ấy. Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta đi cùng nhau và cùng kiến tạo môi trường thánh thiện. Quan trọng là chúng ta dám trao đôi tay, tâm trí cho Thiên Chúa hay không mà thôi!

Đã đến lúc cùng nhau hướng về Thiên Chúa. Thái độ kỳ thị, loại trừ và đóng kín với người khác hoàn toàn không thích hợp nữa. Bởi, thánh giá luôn có hai thanh: thanh dọc là tương quan với Thiên Chúa, thanh ngang là tương quan với tha nhân. Người ta chỉ có thể vào Thiên đàng nếu vác cả hai thánh của thánh giá. Đây là cơ hội và cũng là thách đố. Hy vọng chúng ta cùng nhau hẹn trước cổng Thiên Đàng. Nơi đó, Thiên Chúa chào đón mỗi người như một đoàn dân thánh thiện.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Công Ðồng Vatican II viết: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người” (GH 11.3).

[2] x. Tông Huấn Vui mừng và hân hoan, số 14.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*