Giáo Hội được người ta diễn tả theo ba mô hình. Trước Vatican II, Giáo Hội giống như hình tam giác đều mà chóp đỉnh là đức giáo hoàng. Hai cạnh bên là hàng giáo phẩm và cạnh đáy là toàn thể giáo dân. Đến Vatican 2 thì Giáo Hội không còn là hình tam giác nữa nhưng là một…hình tròn, Đức giáo hoàng không còn trên chop đỉnh nữa để trở thành một điểm trung tâm. Đến thời hiện đại với đức Phan Xi Cô, Giáo Hội lại được quan niệm như là một thứ Kim Tự Tháp…lộn ngược:
“ Nếu ta có thể dò ra hướng đi của thời giáo hoàng Phanxico thì hẳn nó có điều gì đó liên quan đến việc chuyển dịch từ an toàn qua bạo dạn, từ việc nhìn vào bên trong qua việc nhìn ra bên ngoài, từ việc bận bịu với hiện trạng, lo bảo toàn các đặc ân của ta qua việc học để trở thành dễ bị tổn thương nhờ thế sẽ chuyên chở được lòng cảm thương của Thiên Chúa cho những ai đang ở bên lề xã hội và Giáo hội. Chính cái không gian tối thiểu mong manh đó là nơi cái giá thực sự của tư cách môn đệ của chúng ta dám bước đi với những người Samaritano của thời ta, y hệt như Chúa Giê Su đã làm trước chúng ta….
…Cuộc khủng hoảng giảm giá chúng ta đang phải đối đầu giúp chúng ta có cơ hội giải tư khỏi những mũ mãng, cân đai không cần thiết để tập chú vào điều vốn là sứ mạng cốt lõi của mình, hành động một cách tiên tri hơn, mạnh dạn hơn, ở ngoại vi nhiều hơn…
…Một Giáo Hội biết lắng nghe, có tính đồng nghị và bao gồm hơn: Khi chuyển sang một mô hình cộng đồng có tính hành hương hơn. Điều cũng cần là phát huy một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại. Đức giáo hoàng Phanxico luôn nói về “ Kim Tự Tháp lộn ngược” vốn là cách triệt để trong việc thi hành quyền lực về thẩm quyền. Nó không phải là phương thức từ trên ban xuống và có tính cách trung ương tập quyền nhắc nhở mô hình quân chủ. Đúng hơn nó là một Giáo Hội có tính đồng nghị ở mọi bình diện trong đó mọi người lắng nghe nhau, học hỏi lẫn nhau và trách nhiệm công bố Tin Mừng. Vatican II vốn nói đến các nguyên tắc chủ chốt: Hợp Đoàn ( Collegality ). Phụ Đới ( Subsidiarrity ). Và cảm thức tín hữu ( Sensus fidelium ) tất cả đều hướng tới một Giáo Hội biết lắng nghe, đối thoại, bao gồm nhiều hơn” ( Nguồn Vietcatholic News – 21/5/2020 – Vũ Văn An – Cái nhìn bất cập đối với viễn kiến của Vatican II về vai trò giáo dân ).
Giáo Hội được hiểu như là một tam giác với đỉnh là đức giáo hoàng đã bị coi như là hình thức quân chủ, trung ương tập quyền và như thế cần bị lên án. Đức cha Nguyễn văn Long, giám mục Parranatta ( Úc ) trong một diễn văn đọc tại Melbourse ngày 15/11/2019 đã nặng lời kết án Giáo Hội như con cá thối từ đầu tới chân, hết sài, chỉ có nước vứt bỏ đi để làm lại. Nhẹ nhàng hơn nhưng cũng cùng trong một cảm thức như thế, ngài dùng kiểu nói “ Ground Zero” áp dụng vào Giáo Hội hiện nay. Làm như hai ngàn năm xây dựng Giáo Hội nay không còn để lại được chi” ( Nguồn Vietcatholic News – 21/5/2020 – Vũ văn An đã dẫn ).
Kết án Giáo Hội giống như con cá thối cần vứt bỏ để đi đến việc kiến tạo một Giáo Hội Đồng Nghị. Vậy thực chất của cái GH Đồng Nghị ấy ra sao ?
Trước hết là cần phong chức Linh Mục cho phụ nữ: “ Đức cha Long nhắc lại lời kêu gọi mới được đưa ra tại THĐ vùng Amazon, Giáo Hội phải cổ vũ và dành các thừa tác vụ cho đàn ông và đàn bà một cách công bằng với việc nhấn mạnh: Phụ nữ phải được tham dự vào quyền lực đưa ra quyết định…
….Ngài quả quyết: Bao lâu ta còn tiếp tục bãi bỏ phụ nữ khỏi các cơ cấu cai quản, các diễn trình đưa ra quyết định và các chức năng định chế của Giáo Hội, ta còn tự tước đi sự phong phú của nhân tính tròn đầy của mình. Bao lâu ta còn biến các phụ nữ thành vô hình và bề dưới trong ngôn từ, phục vụ, thần học và luật lệ của Giáo Hội, ta vẫn còn tự làm nghèo nàn chính mình. Trừ khi ta thực sự tháp nhập thiên phú phụ nữ và chiều kích nữ tính của đức tin Ki Tô giáo , ta sẽ không thể thực sự lên tăng lực cho đời sống Giáo Hội” ( Nguồn Vietcatholic News 21/5/2020 Vũ văn An đã dẫn ).
Đòi hỏi phong chức Linh Mục cho phụ nữ và cho chỉ như thế mới nâng cao năng lực cho đời sống Giáo Hội thì đây là một sai lầm hết sức nghiêm trọng mà nguyên nhân đưa đến cho nó chính là vì đã không nhận ra cái năng lực làm nên sức sống của Giáo Hội chính là đức tin: “ Đạo ở gần ngươi, ở trong miệng ngươi và ở trong lòng ngươi tức là Đạo Đức Tin mà chúng tôi rao giảng đây. Vậy nếu miệng ngươi nhìn nhận Giê Su là Chúa và lòng ngươi tin ĐCT đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu” ( Rm 10, 8 -9 ).
Đức tin là nền tảng của tôn giáo và đức tin ấy chính là tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng ở nơi mình ( Deus Abconsditus ). Chữ “ Đạo” ở đây là để ám chỉ cho một Thực Tại vượt ngoài ngôn ngữ văn tự, không thể suy tư lý luận để hòng đạt tới mà duy chỉ có đức tin thôi nên gọi là Đạo Đức Tin và cũng chỉ trong…Đạo ấy chúng ta mới có thể nhận ra vai trò của giáo dân trong Giáo Hội qua hai tiến trình sau đây:
I/- Giáo Hội như Dân Riêng Thiên Chúa
Thiên Chúa muốn thành lập một Dân Riêng để phụng sự Người qua một Giao Ước thiết lập với tổ phụ Apraham: “ Khi Apram được 99 tuổi thì Đức Giehova đến cùng người và phán: Ta là ĐCT Toàn năng, ngươi hãy đi ở trước mặt Ta làm một người trọn vẹn. Ta sẽ lập Giao Ước cùng ngươi, làm cho dòng dõi ngươi thêm nhiều quá bội. Apram bèn xấp mình xuống đất. ĐCT phán cùng người rằng: Này phần Ta đây, Ta đã lập Giao Ước cùng ngươi. Vậy ngươi sẽ trở nên tổ phụ của nhiều dân tộc. Thiên hạ chẳng còn gọi ngươi là Apram nữa nhưng tên ngươi sẽ là Apraham. Vì Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ của nhiều dân tộc. Ta sẽ lập Giao Ước cùng ngươi cùng hậu tự ngươi trải qua các đời. Ấy là Giao Ước đời đời hầu cho Ta làm ĐCT của ngươi và của dòng dõi ngươi” ( St 17, 1 -7 ).
Trước đây chúng ta vẫn cho rằng chỉ dân Do Thái mới là Dân Riêng Thiên Chúa. Thế nhưng thật sự không phải vậy. lý do là vì ngay từ ban đâu Giao Ước ký kết với tổ phụ Apraham th…dân ấy đã được dành cho mọi dân tộc, mọi quốc gia.
Lý do được gọi là Dân Riêng bởi vì có cùng chung với nhau một đức tin với Apraham làm tổ phụ: “ Vậy anh em phải biết rằng kẻ nào có đức tin thì nấy là con cái của Apraham” ( Gl 3, 7 ).
Những kẻ có đức tin đều là con cái của tổ phụ và đức tin ấy là tin vào lời hứa của Thiên Chúa cho vào cư ngụ đời đời trong Đất Hứa. Tuy nhiên để có thể nhận được lời hứa ấy thì Dân Chúa trong thời Cựu Ước cần trải qua Cuộc Vượt Qua từ đất nô lệ Ai cập trở về Miền Canaan dưới sự lãnh đạo tối cao của tiên tri Mai Sen. Còn trong thời Tân Ước thì cuộc vượt qua đó chỉ có thể thực hiện bằng việc Bỏ Mình theo Đức Ki Tô: “ Ai muốn theo Ta thì hãy từ bỏ mình, hàng ngày vác thập tự giá mình mà theo” ( Lc 9, 22 ).
Từ cuộc Vượt Qua trong thời Cựu Ước đến thời Tân Ước thì Dân Chúa cũng vẫn được phân định ra hai thành phần rõ ràng. Thời Cựu thì có hàng Tư Tế dưới quyền thủ lãnh của Mai Sen chuyên lo việc tế tự. Phần còn lại là toàn thể Dân Chúa.
Như vậy vai trò của Dân Chúa trong thời Cựu hoàn toàn mang tính chất thụ động. Thế nhưng tính chất thụ động chỉ biết nghe theo sự dẫn dắt của người dẫn đạo lại là điều cần thiết. Làm sao có thể vượt qua sa mạc đầy hiểm trở, nguy nan suốt bốn mươi năm trường nếu không có lãnh đạo ? Trường hợp của Mai Sen cho thấy dù ông khi được triệu tập lên núi Si Nai vừa mới có vài ngày thì ở nhà dân chúng đã nổi loạn,bắt Aaron phải đúc bò vàng cho họ…thờ ( Xac 32, 1 -6 ).
Sự lãnh đạo là vô cùng cần thiết cho Cuộc Vượt Qua. Tuy nhiên Cuộc Vượt Qua của dân Do Thái không đi đến kết cuộc mặc dù đã vào được đất Canaan bởi vì đó mới chỉ là một thứ hình bóng của Nước Trời mầu nhiệm về sau: “ Vì nếu Giao Ước thứ nhất không chỗ trách được thì chẳng cần tìm chỗ nào cho cái thứ hai. Vì vậy Ngài trách cứ dân sự mà rằng: Kìa ngày đến Ta sẽ cùng nhà Itsraen và nhà Giu Đa lập một Giao Ước Mới. Không phải theo như Giao Ước đã lập với tổ phụ họ. Trong ngày Ta cầm tay họ dẫn ra khỏi xứ Ai Cập. Vì họ không giữ Giao Ước Ta nên Ta không kể đến họ. Chúa lại phán: Này là Giao ước Ta sẽ lập với nhà Itsraen. Sau những ngày đó, Ta sẽ để luật pháp ta trong tâm trí họ. Ghi tạc nó vào lòng . Ta sẽ làm ĐCT của chúng và chúng sẽ làm dân Ta” ( Dt 8, 7 -10 )
Với Giao Ước Mới này thì Thiên Chúa đã đặt luật pháp vào trong tâm trí mỗi người. Vì thế tính chất Dân Riêng không còn thuộc về dân Do Thái mà đã chuyển sang cho Giáo Hội Công Giáo Tông Truyền thuộc những dân ngoại. Thánh Phao Lô nói với người Do Thái: “ Đạo ĐCT cần phải rao truyền cho các ông trước hết. Nhưng vì các ông đã duồng bỏ đạo ấy, tự xét mình không xứng đáng được Sự sống Đời Đời nên nay chúng tôi xoay qua dân ngoại. Vì Chúa có phán bảo chúng tôi như vầy: Ta đã lập ngươi làm sự sáng cho dân ngoại để ngươi làm Sự Cứu Độ cho tới tận cùng trái đất” ( Cv 13, 46 -47 ).
Như vậy Dân Riêng nay đã thuộc về Đạo Công Giáo Tông Truyền hiểu như đó là một thứ tôn giáo phổ quát ( Universale ) có nghĩa đó là của chung dành cho hết thảy mọi người, mọi quốc gia, dân tộc không phân biệt chủng tộc, màu da…đều được mời gọi để lãnh nhận Ơn Cứu Độ nơi Đức Ki Tô.
Mặc dầu trong tính chất phổ quát như thế nhưng nền tảng vẫn là Đạo Đức Tin có nghĩa là tin sự hiện hữu của Thiên Chúa Đấng ở nơi mình. Để có được đức tin vào Đấng Thiên Chúa nội tại ấy thì nhất thiết cần cậy nhờ nơi Đức Giê Su Ki Tô: “ Vì chỉ có một ĐCT và chỉ có một Đấng Trung Gian duy nhất giữa ĐCT và loài người” ( 1Tm 2, 5 ).
Qua trung gian duy nhất để đến với Thiên Chúa và Giáo Hội Công giáo Tông Truyền chính là thể hiện mầu nhiệm của Đức Ki Tô ở nơi trần gian này.
- – Giáo Hội như Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô.
Cho đến Công Đồng Vatican II, vai trò của giáo dân đã có những thay đổi đáng kể mà trước đây không hề có. Chẳng hạn việc đọc Sách Thánh trong các Thánh lễ, dạy giáo lý thiếu nhi, dự tòng, đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân v.v… Cùng với những thay đổi ấy CĐ Vatican còn đưa ra một quan điểm hoàn toàn khác đó là trước đây giáo dân chỉ được coi như là những đối tượng cần dẫn dắt, chăm sóc thì nay họ đã thực sự là những Ki Tô Hữu với ba phẩm giá cao quý đó là: Tư Tế – Vương Giả và Ngôn Sứ. Nhìn nhận ba phẩm giá ấy nơi người giáo dân là việc hết sức cần thiết, bởi chỉ có như thế mới có thể đặt Giáo Hội vào đúng vị thế của mình như là Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô.
“ Ta là cây nho, các ngươi là cành ( nhánh ). Ai cứ ở trong ta và ta ở trong họ thì nấy kết quả nhiều vì ngoài Ta các ngươi không thể làm chi được” ( Ga 15, 5 ). Chúa Ki Tô là thân, còn tất cả tín hữu dù là giáo hoàng, giám mục, linh mục đều là những chi thể của Chúa. Điều này hoàn toàn khác với trước đây về Giáo Hội. Đức giáo hoàng nói riêng và hàng giáo sĩ nói chung được coi như ở vị thế cao sang khác biệt với giáo dân và chính giáo dân cũng lại có mặc cảm tự ti về mình. Bất cứ cái gì của các đấng các bậc đều giỏi đều đúng…..?. Phải chăng chính vì thái cực này mà đã khiến Giáo Hội ngày càng trở nên sơ cứng, trì trệ ?
Giáo Hội nếu đặt mình vào vị thế Thân Mầu Nhiệm thì tất cả mọi vấn đề sẽ được giải quyết cách thỏa đáng trong tình yêu thương chân thật giữa các chi thể với nhau. Mặt khác bởi vì cùng là chi thể trong Thân mầu Nhiệm thế nên giáo dân cần có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với Giáo Hội. Nghĩa vụ ấy là cộng tác với giáo quyền trong việc đóng góp khả năng trí thức cũng như vật chất của mình. Tuy nhiên trên hết tất cả những đóng gióp đó là việc làm chứng tá đức tin trong cuộc sống hôm nay: “ Các con hãy làm chứng nhân về mọi việc đó” (9 Lc 24, 48 ).
Làm chứng nhân cho Chúa bằng tình bác ái, yêu thương với hết thảy mọi người. Làm chứng nhân bằng cách sống trung thực, ngay thẳng giữa cuộc đời còn quá nhiều gian trá bất công….
Cũng chính trong vai trò làm chứng nhân như thế mà giáo dân là những người sống giữa đời mới có thể đối thoại trong tư thế là những môn đệ của Đức Ki Tô: “ Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em nhưng phải trả lời cách hiền hòa và kính trọng” ( 1Pr 3, 15 -16 ).
Làm sao có thể sẵn sàng trả lời chất vấn về niềm hy vọng nếu chúng ta không sống như những chứng nhân của Chúa ? Con người chỉ có thể sống và đạt được niềm hy vọng trong đời sau nếu biết gắn chặt cuộc đời mình vào Thân Mầu Nhiệm Chúa Ki Tô tức là Giáo Hội hữu hình của Ngài bằng sự tin yêu, vâng phục. Thế nhưng sẽ chỉ là ảo tưởng nếu chúng ta loại bỏ Đức Maria trong cuộc hành trình tâm linh này bởi lẽ một khi đã cưu mang sinh hạ Đức Ki Tô thì tất nhiên cũng cưu mang, sinh hạ những chi thể của Ngài: “ Cùng một năng lực của Đấng Chí Tôn, cùng một năng lực của Thánh Thần đã làm cho Maria sinh ra Đấng Cứu Chuộc thì cũng làm cho người tín hữu được sinh ra trong nước tái sinh như vậy” ( Thánh Leo In Nativ )./.
Phùng Văn Hóa
Để lại một phản hồi