Tại sao người ta thường chắp tay khi cầu nguyện?

Liệu có tồn tại quy tắc nào yêu cầu tín hữu nên chắp tay, dang tay mắt ngước lên trời hay dang hai tay ngang khi cầu nguyện không? Và các tư thế đó có quan trọng không? Có thể câu hỏi khá kỳ lạ, nhưng là một điều quan trọng nên biết. Thực tế, tư thế có thể là khía cạnh quan trọng khi cầu nguyện, có truyền thống lâu đời và đáng kính.


Có nhiều người kể rằng các nữ tu đạo đức khi dạy giáo lý đã nói về ý nghĩa của tư thế tay khi cầu nguyện như sau: “Cầu nguyện khi hai tay chắp lại thì lời nguyện sẽ bay thẳng tới thiên đàng. Nếu cầu nguyện mà tay chỉ xuống đất thì lời cầu sẽ đi xuống hoả ngục. Và nếu tay để mở rộng ra hai bên, lời cầu nguyện sẽ bao phủ khắp căn phòng.”

Có lẽ những hướng dẫn ấy khá ngây thơ, và đã được diễn dịch cho trẻ em dễ hiểu. Thực chất, lý do cốt lõi của việc người tín hữu chắp tay khi cầu nguyện có một ý nghĩa biểu tượng sâu xa. Trong Kitô Giáo, truyền thống đóng một vai trò quan trọng, dựa trên các thói quen của các tín hữu thời đầu.

Trong truyền thống Do Thái, có nhiều bằng chứng trong Ngũ Thư về việc người Do Thái đã chắp tay cầu nguyện khi họ được giải thoát khỏi Ai Cập và truyền thống ấy kéo dài đến thời Chúa Giêsu, được người Kitô Giáo tiếp nối và duy trì. Nhiều nhà sử đồng ý rằng các Kitô hữu Do Thái thời đầu đã tiếp thu tập quán chắp tay cầu nguyện từ truyền thống tôn giáo cha ông của họ.

Nhiều người khác lại cho là tư thế chắp tay xuất phát từ văn hoá La Mã cổ. Theo đó, người La Mã thường trói các tù nhân của họ bằng dây cây nho hoặc dây thừng trong tư thế chắp tay: hai tay chắp lại nói lên sự tùng phục. Nếu ngày nay, trong chiến đấu, người ta giơ cờ trắng để biểu thị việc đầu hàng, thì thời xưa, những người lính La Mã chắp hai tay lại để nhận mình đầu hàng và tránh khỏi bị giết ngay lập tức. Thời ấy, người dân biểu thị sự trung thành và kính trọng với các lãnh tụ của họ cũng bằng cách chắp tay. Thật vậy, hành động chắp hai tay lại với nhau biểu lộ sự nhìn nhận quyền bính cũng như tùng phục quyền bính của một người nào đó.

Ngày nay, ý niệm chắp tay để tỏ bày trung thành vẫn được duy trì trong phụng vụ Công Giáo. Trong nghi lễ truyền chức linh mục, vị Giám Mục sẽ chắp hai tay của tân linh mục lại và nói “Con có hứa tôn trọng và vâng phục cha cũng như các đấng kế vị hợp pháp không?”

Một khía cạnh quan trọng khác khi chắp tay là đan chéo hai ngón cái theo dạng hình Thánh Giá. Tất cả các tư thế và hành vi đều nhằm thể hiện sự trung thành với Thiên Chúa, hướng lời cầu nguyện về trời và nhắc lại về Thánh Giá Chúa Kitô.

Thực chất thì không có một quy tắc nào bắt buộc tư thế của người Công Giáo khi cầu nguyện, nhưng chắp tay là một lựa chọn rất ý nghĩa, có truyền thống lâu đời và ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

Theo Philip Kosloski, Aleteia

Gioakim Nguyễn biên dịch

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*