Đền thờ Đức Bà Cả

** Mỗi khi đến hành hương Roma, tín hữu có thói quen kính viếng 5 đền thờ chính.Thứ nhất là đền thờ thánh Phêrô xây trên mộ của thánh nhân bị tử đạo dưới thời hoàng đế Neron năm 64 và được chôn trong nghĩa trang trên đồi Vaticăng. Thứ hai là đền thờ Thánh giá Giêrusalem nơi cất giữ các thánh tích cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, do hoàng hậu Elena, mẹ của hoàng đế Costantino đem về, khi bà đi hành hương bên Thánh Địa năm 326. Thứ ba là đền thờ thánh Gioan Laterano là nhà thờ chính tòa của giáo phận Roma. Bên cạnh nhà thờ chính toà này có Dinh Laterano, là nơi các Giáo Hoàng sống từ thế kỷ thứ IV cho tới năm 1305, khi Italia bị quân Pháp đánh và họ bắt Đức Giáo Hoàng về sống tại Avignon bên Pháp. Thứ bốn là đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, đuợc xây trên mộ của thánh nhân tử đạo dưới thời hoàng đế Neron năm 67. Và thứ năm là đền thờ Đức Bà Cả. Gọi là đền thờ Đức Bà Cả vì đây là đền thờ đầu tiên lớn nhất dâng kính Đức Mẹ bên Tây Phương. Nhưng đền thờ còn có ba tên gọi khác nữa: là đền thờ Liberio, đền thờ Đức Bà Xuống Tuyết và đền thờ Máng Cỏ.

Truyền thuyết kể rằng đêm ngày mùng 4 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với ĐGH Liberio và nhà quyền quý Giovanni, và xin xây một đền thờ dâng kính Đức Mẹ. Khi ĐGH hỏi Mẹ muốn xây đền thờ ở đâu, thì Đức Mẹ trả lời: “Ngày mai, con thấy tuyết rơi ở đâu, thì xây đền thờ ở đó”. Sáng hôm sau mùng 5 tháng 8 tuyết rơi trên đồi Esquilino. Tháng 8 là mùa hè trời Roma rất nóng, nhưng tuyết đã rơi trên đồi Esquilino, là một trong 7 trái đồi của Roma. Vì thế đền thờ còn có hai tên gọi khác nữa là đền thờ Liberio theo tên của ĐGH, hay đền thờ Đức Bà xuống tuyết, để ghi nhớ phép lạ này. Ngày nay cứ tới ngày mùng 5 tháng 8 biến cố tuyết rơi được nhắc lại bằng một trận mưa các cánh hoa hồng trắng, hay bằng bột xà phòng giả làm tuyết được thổi từ bao lơn đền thờ. Ngoài ra đền thờ còn có tên gọi thứ bốn là Đền thờ Máng Cỏ, vì bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin có giữ hai thanh gỗ lấy ở máng cỏ Bếtlêhem bên Thánh Địa, và được đựng trong một hộp thuỷ tinh có viền trang hoàng bằng bạc rất đẹp, do ông  Giuseppe Valadier làm.

** Người ta đã không tìm thấy dấu vết nào của ngôi nhà thờ đầu tiên này, ngoại trừ một câu trong Cuốn sách Giáo hoàng khẳng định rằng Đức Giáo Hoàng Liberio “đã cho xây vương cung thánh đường của ngài cạnh khu thương mại Macellum Liviae”. Khu thương mại này đã do hoàng đế Augusto xây để ghi nhớ vợ ông là hoàng hậu Livia.

Sau khi Công Đồng Chung Êphêxô nhóm họp năm 431 và tuyên bố tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa Theotokos,  Vương cung thánh đường đã được ĐGH Sisto III cho xây lại giữa các năm 432-440. Vào thế kỷ XII, giữa các năm 1145-1153, đền thờ được ĐGH Eugenio III cho sửa rộng ra, xây thêm khu vực dành cho các dự tòng phiá trước có trang hoàng cột, và cho làm nền lát đá cẩm thạch mầu kiểu Cosmati. Giữa các năm 1288-1292 ĐGH Nicolò IV cho xây cung thánh mới, và giao cho ông Jacopo Torriti trang hoàng với các bức khảm đá mầu rất đẹp.

Vào năm 1377 khi từ Avignon trở về Roma ĐGH Gregorio XI cho  xây tháp chuông theo kiểu Roman. Tháp cao 75 mét và là tháp chuông kiểu roman cuối cùng cao nhất Roma. Bên trên có 5 quả chuông, trong đó có một quả tên là “quả chuông bị lạc”, được gióng lên vào lúc 9 giờ tối. Người ta kể rằng chính nhờ nghe tiếng chuông  mà một bé gái mục đồng chăn chiên đi lạc đã định hướng và về được tới nhà bằng an.

Vương cung thánh đường vẫn duy trì hình dạng xưa kia. Giữa các thế kỷ XVI-XVII hai Giáo Hoàng Sisto V và Phaolo V cho xây thêm hai nhà nguyện mang tên các vị là nhà nguyện Sistina bên phải và nhà nguyện Paolina bên trái. Vào thế kỷ XVII ĐGH Clemente X cho xây thang cấp mặt sau đền thờ. Tiếp đến ĐGH Biển Đức XIV cho tu sửa lại hết, và xây thêm mặt tiền như hiện nay.

Mặt tiền do kiến trúc sư Ferdinando Fuga xây năm 1743, gồm một hành lang tiền đường trang hoàng cột, trên có bao lơn phép lành gồm 3 vòm, với hai dinh thự hai bên là nơi cư ngụ của các kinh sĩ đền thờ.

** Trên bao lơn còn có các bức khảm đá mầu của mặt tiền cũ của đền thờ thuộc cuối thế kỷ XIII, do Filippo Rosuti làm. Bên trên có hình Chúa Kitô ban phép lành giữa các biểu tượng của bốn thánh sử, Đức Trinh Nữ, các thiên thần và các thánh. Bên dưới là các cảnh cuộc đời của ĐGH Liberio bao gồm cả phép lạ tuyết rơi.

Tại quảng trường trước đền thờ là cây cột có tượng Đức Mẹ được dựng lên năm 1854 kỷ niệm biến cố ĐGH Pio IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trong hành lang mặt tiền đền thờ bên phải có tượng đồng của  Philipphê IV, vua Tây Ban Nha, là quốc gia bảo trợ đền thờ Đức Bà Cả, do Giovanni Lucenti tạc năm 1692. Hàng năm triều đình Tây Ban Nha vẫn gửi tiền về Roma tài trợ cho các Kinh Sĩ đền thờ để họ cầu nguyện cho hoàng gia và dân nước Tây Ban Nha.

Cửa đồng chính giữa do ông Ludovico Pogliaghi tạc năm 1940 với các cảnh tả lại cuộc đời Đức Mẹ, các ngôn sứ, các thánh sử và 4 phụ nữ của Thánh Kinh  Cựu Ước diễn tả trước vai trò của Đức Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ.

Chính giữa là Chúa Kitô phục sinh giống hình in trên tấm khăn liệm thành Torino, hiện ra với Mẹ Maria được diễn tả như là “Sự cứu rỗi của dân thành Roma”, Trên cao bên trái là cảnh Truyền Tin gần giếng nước, lấy từ Phúc Âm mạo thư; bên phải là Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Bên dưới phía trái là Công Đồng Chung Êphêxô xác định tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa Theotòkos; bên phải là Công Đồng Chung Vaticăng II xưng tụng Đức Mẹ là Mẹ Giáo Hội. Trên cửa cũng có huy hiệu của Đức Gioan Phaolô II và phiá dưới là huy hiệu của ĐHY Furno, Linh mục trưởng vương cung thánh đường và huy hiệu của Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ.

Bên trái là Cửa Thánh được Đức Gioan Phaolô II làm phép ngày mùng 8-12-2001 do nhà điêu khắc Luigi Mattei tạc, và do Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ Giêrusalem dâng cúng.

** Bên trong đền thờ còn giữ được nguyên vẹn hình thái của thế kỷ  thứ V thời ĐGH Sisto III.

Đền thờ dài 86 mét có hai hàng gồm 36 cây cột cẩm thạch và nham thạch lớn, đầu chạm trổ theo kiểu Ionic, chia đền thờ thành 3 gian dọc.

Nền đền thờ lát đá cẩm thạch mầu và trang hoàng theo kiểu Cosmati dưới thời ĐGH Eugenio III, thuộc giữa thế kỷ XII, do hai nhà quyền quý Roma là ông Scoto Paparoni và con là Giovanni dâng tặng ĐGH Eugenio III.

Gian giữa được soi sáng với 21 cửa sổ mỗi bên, nhưng phân nửa đã bị xây kín lại. Trên các cửa sổ bị xây kín lại có các bức bích họa kể lại cuộc đời Đức Mẹ.

Phiá dưới hai bên có các bức khảm đá mầu diễn tả các cảnh Cựu Ước: bên trái là lịch sử cuộc đời các tổ phụ Abraham, Giacóp và Igiaác; bên phải là cuộc đời của ông Môshê và ông Gioduê. Trên tổng số 42 bức khảm đá mầu, trong đó nhiều bức diễn tả hai cảnh chồng lên nhau, chỉ còn lại 27 (12 bên trái và 15 bên phải), sau vụ sửa sang đền thờ hồi thế kỷ XVII.

Trần đền thờ bằng gỗ trang hoàng hình hộp, do kiến trúc sư Giuliano da Sangallo và em là Antonio làm hồi thế kỷ XV. Một trăm ký vàng mạ trần đền thờ do Cristoforo Colombo đem từ Perù về, và được hoàng hậu Isabella và vua Ferdinando biếu ĐGH Alessandro VI.

Trên cùng là một dẫy các con bò mộng có các thiên thần nhỏ cỡi. Bò mộng là biểu tượng của dòng tộc Borgia gốc Tây Ban Nha;  và ở chính giữa trần nhà thờ có các huy hiệu của ĐGH Callisto III và Alessandro VI, là hai vị Giáo Hoàng thuộc dòng tộc Borgia.

Bên phải gian giữa gần cửa vào là đài kỷ niệm ĐGH Clemente IX, do kiến trúc sư Carlo Rainaldi xây năm 1671. Bên trái là đài kỷ niệm ĐGH Nicolò IV, do kiến trúc sư Domenico Fontana xây năm 1574.

Gian bên phải nhà nguyện đầu tiên có giếng rửa tội do Flaminio Ponzio xây năm 1605. Bồn bằng đá vân ban thuộc năm 1852. Trên bàn thờ có bức tranh “Đức Mẹ hồn xác lên trời” do Bernini hoàn thành năm 1611. Bên phải nhà nguyện là phòng thánh có các tác phẩm của Mino del Reame. Bên trái là nhà nguyện thánh Micae, trên trần có các tranh Bốn thánh sử của Lorenzo di Viterbo.

Trong vương cung thánh đường Đức Bà Cả có mộ của 9 Giáo Hoàng được chôn cất ở đây, trong đó có Đức Sisto V và Đức Pio V, dòng Đa Minh, là vị Giáo Hoàng của Kinh Mân Côi.

Năm 1995 ông Giovanni Haijnal làm kính mầu hoa hồng tròn của mặt tiền với hình Đức Maria là con gái Sion và chiếc nhẫn nối liền Giáo Hội với Cựu Ước đuợc biểu tượng bởi cây đèn 7 ngọn và Tân Ước được biểu tượng bằng chén Thánh Thể

Đền thờ Đức Bà Cả được trang hoàng với các bức khảm đá mầu rất đẹp thuộc thế kỷ thứ V, không theo thứ tự thời gian nhưng theo ý nghĩa quan điểm thần học. Bắt đầu từ bên trái Khải hoàn môn với cảnh  Melkisede là vua và là thầy cả tễ lễ cho Thiên Chúa. Melkisede trong cử chỉ dâng lễ và tổ phụ Abraham mặc áo như các thượng nghị sĩ của đế quốc Roma, giống kiểu mặc của tượng hoàng đế Marc Aurelio. Các bức khảm đá mầu tiếp theo kể lại cuộc đời của tổ phụ Abraham. Các nghệ nhân đã cố ý sắp xếp như thế vì bức có hình thầy cả và vua Melkisede giúp nhớ tới các bức khảm đá mầu của gian giữa với các bức khảm đá mầu của khải hoàn môn kể lại cuộc đời thơ ấu của Chúa Kitô là vua và là tư tế.

Tiếp đến là các bức tả cảnh cuộc đời của tổ phụ Abraham nhân vật quan trọng nhất của Cựu Ước, người mà Thiên Chúa đã hứa cho một dòng dõi đông đúc và một quốc gia to lớn, hùng mạnh. Rồi tới Giacóp người được Thiên Chúa canh tân lời hứa đã ban cho Abraham. Sau đó là các cảnh cuộc đời ông Môshê người giải phóng dân Do thái khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập và biến nó thành dân được tuyển chọn. Rồi tới các cảnh cuộc đời ông Gioduê là người đã dẫn đưa dân Do thái vào Đất Hứa. Sau cùng là cảnh vua Đavít rước Hòm Bia Giáo Ước vào thành Giêrusalem và thành Giêrusalem do vua Salomon xây. Và từ dòng tộc Davít Chúa Kitô sẽ sinh ra, cuộc đời thơ ấu của Ngài được minh giải với các bức khảm đá mầu của Khải hoàn môn, qua các cảnh lấy từ các Phúc Âm mạo thư.

Bên trên từ trái là cảnh Truyền tin trong đó Đức Maria mặc như một công chúa Roma, tay cầm cái thoi đang dệt một khăn mầu đỏ dùng cho Đền Thờ, nơi Mẹ đã phục vụ. Tiếp đến là cảnh báo tin cho thánh Giuse, Ba Vua thờ lậy Chúa Hài Nhi, cảnh tàn sát các hài nhi Bếtlêhem. Người đàn bà có áo choàng xanh da trời quay lưng lại các phụ nữ khác là thánh Elidabét chạy trốn với Gioan Tẩy Giả trên tay. Bên phải khải hoàn môn là cảnh dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, chạy trốn sang Ai Cập, Thánh gia gặp Afrodisio, quan tổng trấn thành Sotine bên Ai Cập.

Theo một Phúc Âm mạo thư, khi Chúa Giêsu cùng cha mẹ tới Sotine thì 365 bức tượng thần của toà thị sảnh rơi bể, Quan Afrodisio kinh hoàng trước phép lạ và nhớ tới ngày tàn của Pharao nên cùng quân binh đi gặp Thánh Gia và thờ lậy Chúa Hài Nhi. Bức tranh cuối cùng là các Nhà đạo sĩ gặp vua Hêrôđê. Ở chân khải hoàn môn bên trái là thành Bếtlêhem nơi Chúa giáng sinh và tự tỏ hiện ra lần đầu tiên, và bên phải là thành Giêrusalem, nơi Ngài chết và sống lại.

Trên cùng của Khải hoàn môn có vòng tròn ở giữa có hình một ngai vua, bên trên có áo hoàng bào và vương trượng. Bức khảm đá mầu muốn nói rằng Chúa Giêsu Vua không ở trên trời nữa, vì Ngài đã xuống thế nhập thể làm người trong lòng Trinh Nữ Maria để cứu chuộc nhân loại. Nó cũng nhắc lại tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa như được khẳng định trong Công Đồng Chúng Êphêxô năm 431.

Xưa kia dân chúng mù chữ nên tất cả các bức bích họa hay khảm đá mầu và các tranh ảnh vẽ trong các nhà thờ đều là sách giáo lý sống động bằng hình.

Tàn bàn thờ bằng đá vân ban do kiến trúc sư Fuga tạc hồi thế kỷ XVIII. Hòm đá vân ban dưới bàn thờ đựng xương  thánh Mathia và các Thánh khác.

 ** Bàn thờ tuyên xưng đức tin do kiến trúc sư Vespignani xây lại năm 1864. Bên dưới có bức tượng ĐGH Pio IX quỳ cầu nguyện, do Ignazio Jacometti tạc năm 1880. và do ĐGH Leô XIII truyền đặt tại đây. Trước tượng là bàn thờ với hộp thánh tích bằng kính hình bầu dục nạm bạc đựng hai thanh gỗ lấy từ Bếtlehem về. Hộp do Valadier làm, và do nữ đại sứ Bồ Đào Nha dâng cúng.

Cạnh bàn thờ chính phiá bên phải là tấm bia mộ rất đơn sơ của gia đình Bernini :”Gia đình quyền quý Bernini chờ đợi sự Phục Sinh ở đây”. Chính ông Bernini là người đã xây hai cánh hành lang của đền thờ thánh Phêrô giữa các năm 1656-1667.

Vào thế kỷ XIII ĐGH Nicolò IV, vị Giáo Hoàng đầu tiên dòng Phanxicô, quyết định phá cung thánh cũ và xây cung thánh mới lùi lại phiá sau mấy thước và giao cho Jacopo Torriti trang hoàng. Các chi phí do hai Hồng Y Giacomo và Pietro Colonna trả.

Bức khảm đá mầu tuyệt đẹp trong cung thánh do Iacopo Toriti làm năm 1295, diễn tả cảnh Chúa Giêsu đội triều thiên cho Đức Mẹ giữa triều thần thánh trên trời. Dưới chân Đức Mẹ và Chúa Giêsu có mặt trời, mặt trăng và ca đoàn các thiên thần đang thờ lậy. Thêm vào đó là thánh Phêrô, Phaolô, thánh Phanxicô thành Assisi và ĐGH Nicolò IV bên trái; Thánh Gioan Tầy Giả, thánh sử Gioan, thánh Anton và  ĐHY Colonna là người trang trải chi phí, bên phải.

Phần còn lại của bức khảm đá mầu gồm các cành lá nảy sinh từ hai gốc cây ở hai đầu ngoài cùng. Ở nền bức khảm đá mầu là cảnh Đức Mẹ ngủ, theo các hình vẽ icone bisantin, được phổ biến bên Tây Phương sau các cuộc thập tự chinh. Đức Mẹ nằm trên giường trong khi các thiên thần chuẩn bị lấy xác Đức Mẹ đi, trước cái nhìn kinh ngạc của các Tông Đồ. Chúa Kitô đang chờ đợi trên trời, cầm trong vòng tay linh hồn trong trắng của Mẹ. Còn có hình của 2 tu sĩ Phanxicô và một giáo dân đầu đội mũ theo kiểu của thế kỷ XII.

Bên dưới là bức tranh Giáng Sinh của họa sĩ Mancini, được ĐGH Biển Đức XIV cho đặt tại đây. Giữa các cây cột trang hoàng kiểu ionico  là các bức chạm nổi của Mino del Reame trình bầy cảnh chúa Giêsu sinh ra, phép lạ tuyết rơi, việc ĐGH Liberio thành lập vương cung thánh đường, cảnh Đức Mẹ hồn xác lên trời và Ba Vua thờ lậy Chúa Hài Nhi.

** Bên phải là nhà nguyện Sistina hay nhà nguyện Thánh Thể do Domenico Fontana xây cho ĐGH Sisto V năm 1585. Nhà nguyện được trang hoàng với rất nhiều tượng và các bức bích họa, với mộ của ĐGH Pio V, tượng do Leonardo da Sarzama tạc, và mộ ĐGH Sisto V, tượng do Valsoldo tạc. Cả hai mộ do Domenico Fontana xây. Chính giữa dưới bàn thờ có hình nhà thờ cũ bằng đồng là nhà nguyện máng cỏ được Arnolfo di Cambio tu sửa hồi thế kỷ XIII. Ông cũng là tác giả của các bức tuợng nhỏ trên khải hoàn môn nhà nguyện Sistina và các tượng trong vòm nhà nguyện. Cuối gian phải là mộ ĐHY Gonsalvo Rodriguez  do Giovanni Cosma tạc năm 1299.

Bên trái đối diện với nhà nguyện Sistina là nhà nguyện Paolina, do ĐGH Phaolo V truyền cho  Flaminio Ponzio xây năm 1611. Ông cũng xây hai mộ của ĐGH Phaolô V bên trái, và ĐGH Clemente VIII bên phải. Các bức bích họa kể lại cuộc đời Đức Mẹ, bốn Thánh Sử do các họa sĩ Baglioni, Chevalier d’ Arpin, G. Reni và Lanfranco vẽ. Trên bàn thờ trang hoàng ngọc lưu ly, có hình Đức Mẹ Sự cứu rỗi của dân Roma thuộc thế kỷ XIII. Trong một số dịp lễ lớn ảnh Đức Mẹ được trưng bầy cạnh bàn thờ trong đền thờ hay ở thềm đền thờ thánh Phêrô. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng Đức Phanxicô đã đến kính viếng và phó thác Giáo Hội cũng như sứ vụ của mình cho Đức Mẹ. Trước và sau mỗi cuộc công du ngoại quốc ngài cũng đến phó thác chuyến viếng thăm mục vụ cho Mẹ và đến cám ơn Mẹ.

Tiếp đến là nhà nguyện Sforza do Giacomo della Porta xây theo mẫu vẽ của Michelangelo. Trên bàn thờ có hình “Đức Mẹ hồn xác lên trời “ của Girolamo da Sermoneta.

Tượng Nữ Vương Hoà Bình và Nữ vương vũ trụ, do ĐGH Biển Đức XV cho làm để tạ ơn Đệ Nhất Thế Chiến chấm dứt. Tượng do Guido Galli tạc. Gương mặt Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng đượm nét buồn vì loài người bắn giết nhau và gây ra bao nhiêu tàn phá đổ vỡ thương đau một cách vô lý và vô ích.

Nhà nguyện cuối cùng bên phải do Martino Longhi xây năm 1559, bên trong có  mộ ĐHY Bartolomeo Cesi, do Giacomo della Porta xây. Trên bàn thờ có bức tranh “Thánh Catarina tử đạo” do Girolamo da Sermoneta vẽ.

Bên trên Cửa Thánh là mộ các HY Philippe de Levis và Eustache do Giovanni Dalmata xây năm 1489.

(Linh Tiến Khải, RadioVaticana 04.08.2017)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*