Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
HỎI: Thánh lễ an táng và thánh lễ cầu hồn khác nhau thế nào, nếu có khác nhau? Con có lần nghe nói rằng thánh lễ cầu hồn được xử dụng khi thi thể người quá cố không có trong nhà thờ. — J.A., Warri Diocese, Nigeria
TRẢ LỜI: Từ ‘cầu hồn’ có nhiều nghĩa trong cách dùng từ hiện nay.
Trong hình thức phụng vụ thông thường nó tương đương với một thánh lễ an táng có sự hiện diện của thi thể; ngày nay nó thường được gọi là “Thánh Lễ An Táng Ki-tô Hữu.”
Tuy nhiên nó cũng có thể chỉ các thánh lễ được cử hành cho người quá cố mà không có sự hiện diện của thi thể. Nó có thể bao gồm các thánh lễ vào ngày thứ ba, thứ bảy, thứ 30 sau cái chết, ngày giỗ hàng năm, hay chỉ là thánh lễ cầu cho sự yên nghỉ của linh hồn người quá cố khi nhận tin người ấy qua đời.
Từ ‘requiem’ là từ đầu tiên trong bài ca nhập lễ tiếng La-tinh: “Requiem aeternam dona eis, Domine, O Lord (Lạy Chúa, xin cho họ được nghỉ yên muôn đời).” Lời văn này có lẽ lấy cảm hứng từ một đoạn văn cổ xưa, 2 Esdras 2:34-35: “Do đó ta bảo các ngươi, Hỡi các nước hãy nghe và hiểu: ‘Hãy chờ đấng chăn dắt các ngươi; ngài sẽ cho các ngươi nghỉ yên muôn đời, vì ngài, đầng sẽ đến vào ngày tận thế, đang ở gần bên. Hãy sẵn sàng nhận phần thưởng nước trời, vì ánh sáng vĩnh cửu sẽ chiếu trên các ngươi mãi mải.’”
Bài thánh ca này vẫn còn trong sách lễ hiện nay như bài thánh ca nhập lễ cho thánh lễ cho người đã khuất.
Ý tưởng khẩn cầu sự yên nghỉ cho người quá cố đã có trong Cựu Ước (xem Sáng Thế 47:30; 1 Các Vua 2:10; 2 Ma-ca-bê 12:43-44). Cùng với thánh Phao-lô người Ki-tô hữu tin rằng họ ngủ trong Đức Ki-tô (1 Cô-rin-tô 15:18). Do đó từ thế kỷ thứ nhất, các Ki-tô hữu đã cầu nguyện cho sự yên nghỉ muôn đời của những người đã khuất.
Ngày tháng chính xác của việc đón nhận bài ca nhập lễ này trong phụng vụ là không rõ, nhưng việc cuốn ngụy thư Esdras được xem là điển thư cho tới thời giáo hoàng Gelasius (mất năm 495) cho thấy việc bao gồm sách này trong điển thư là trước những cải cách phụng vụ của giáo hoàng Gregory (mất năm 604). Việc dùng nó trong phụng vụ an táng cũng được chứng nhận bởi sự hiện diện của nó trong nhiều bia mộ Ki-tô hữu thế kỷ thứ sáu như các bia mộ được tìm thấy ở Ain-Zara gần Tripoli.
Như đã nói trên, ‘requiem’ chỉ là một trong nhiều thánh ca nhập lễ cho lễ an táng trong sách lễ thông thường. Đây chỉ là một thay đổi trong cải cách nghi lễ an táng nói chung, vốn nhấn mạnh vào nỗi đau buồn và thương tiếc, và hơn nữa là phó thác người quá cố cho tình yêu thương của Thiên Chúa, thông qua niềm tin vào giá trị cứu độ của cuộc thương khó, cái chết và sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô. Cấu trúc của thánh lễ an táng cũng tương tự như cấu trúc của các thánh lễ khác, ngoại trừ phần nghi thức tạm biệt ở cuối lễ.
Trong hình thức ngoại thường của nghi lễ Rô-ma, thánh lễ cầu hồn khác với thánh lễ thông thường theo nhiều cách. Một số phần bị loại bỏ hay thay đổi như chỉ ra trong Đề Mục XIII của luật chữ đỏ. Các phần này bao gồm thánh vịnh ‘Judica’ ở đầu lễ, lời nguyện linh mục đọc trước bài Tin Mừng (hay chúc lành phó tế nếu một phó tế đọc Tin Mừng), và lời nguyện đầu tiên trong hai lời nguyện linh mục đọc cho chính mình trước khi rước mình thánh.
Những loại bỏ khác bao gồm việc xông hương lúc nhập lễ và lúc đọc Tin Mừng, nụ hôn bình an, người giúp lễ cầm nến sáng khi phó tế hát Tin Mừng, và khi ban phép lành. Không đọc kinhVinh Danh hay kinh Tin Kính; việc hát Alleluia trước Tin Mừng được thay thế bằng một lời chúc tụng, như trong mùa Chay, theo sau là kinh Dies Irae (ngày thịnh nộ). Kinh Agnus Dei (Đây Chiên Thiên Chúa) được thay đổi. Lời chúc ‘Ite missa est’ được thay bằng ‘Requiescant in pace’ (Xin cho họ được yên nghỉ) và câu đáp ‘Deo gratias’ được thay bằng ‘Amen’.
Những quy tắc hiện nay cho phép thánh lễ an táng với sự hiện diện của thi thể được cử hành vào đa số các ngày trong năm. Mặc dù hình thức ngoại thường cũng gần như thế này trong thực hành, các quy tắc có liên quan tương đối phức tạp hơn với các công thức được sử dụng.
Cuối cùng từ ‘requiem’ có các cách dùng khác bên ngoài phụng vụ. Bối cảnh âm nhạc thích hợp cho thánh lễ cầu hồn cũng được gọi là nhạc ‘requiem.’ Nhiều nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của thế giới, một số họ không quá đạo đức, đã cố gắng phổ nhạc các văn bản này.
Mới đây từ này cũng thấy được sử dụng cho bất cứ vấn đề gì dường như không còn tồn tại hay đang lụi tàn. Như tôi thấy có các tiêu đề như “Requiem for a Kingdom” (kết thúc cho một vương quốc) hay “No Requiem for the Space Age” (thời đại không gian chưa kết thúc).
B. Lê Hải Nam chuyển ngữ
(vietcatholicnews.org04.08.2020/ zenit.orgs)
Để lại một phản hồi