Thánh Đaminh sinh tại Calaruega miền Castilien, nước Tây Ban Nha khoảng năm 1172-1173. Sau khi học triết và Thần học , ngài trở thành Kinh sĩ ở Osma. Thời trai trẻ Ngài đã yêu sự khó nghèo cũng như người nghèo, thích cầu nguyện và ham học, hai lần phải dọc ngang Châu Âu đã giúp Ngài mở rộng tầm mắt và quyết định cuộc đời tương lai của mình. Trước nhất, Ngài nhìn thấy và bắt đầu hiểu sự nguy hiểm của nhiều lạc thuyết đang đe dọa Hội Thánh.
Cùng với người bạn tên là Didacus thành Acebedo, ngài bắt đầu đi rao giảng, giúp cải hối những người theo rối Albigeois. Khi Didacus qua đời, ngài lãnh đạo cơ quan truyền giáo do Didacus lập ở Toulouse miền nam nước Pháp . Ngài cùng với anh em giảng thuyết thực tập xám hối, đi chân không, tổ chức nhều buổi đối thoại kéo dài ngày. Thế nhưng thất bại, nhóm Albigois cùng nhóm Catare đã không chấp nhận lý luận, họ đòi canh tân Hội Thánh và ly khai, thế là Đức Innocence III đã quyết định dung binh lực để truy lùng lạc giáo. Cuộc chiến tiêu diệt bè Albigeois kéo dài từ 1208 đến 1213 gây biết bao tang tóc cho cả miền nam nước Pháp.
Năm 1215 Đaminh sang Rôma để xin công nhận dòng Giảng Thuyết do ngài thành lập, mục đích là với lời rao giảng và mẫu gương đời sống khó nghèo, tập thể theo tu luật thánh Âu Tinh có thể cải hối những người theo bè rối. Đức Thánh cha Honorius III đã châu phê luật dòng ngày 22.10.1216. từ đó dòng trở thành một sức lực canh tân mạnh mẽ trong Hội Thánh. Thánh Đaminh qua đời tại Bologna ngày 6.8.1221. Ngày 3. 7. 1231 Ngài được Đức Thánh Cha Gregonio IX, bạn than của thánh nhân, tuyên phong ngài lên hàng hiển thánh.
Tin Mừng hôm nay, thánh Luca ghi tiếp những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi nơi các môn đệ. Một trong những điều kiện đó là chia sẻ cuộc sống nay đây mai đó với Ngài. Không nhà không cửa, sống nhờ vào sự bố thí của người khác, sống không có lấy một tiện nghi tối thiểu, Chúa Giêsu muốn những kẻ theo Ngài chuẩn bị đương đầu với số phận bi thảm mà Chính Ngài phải trải qua. Cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá là một sự lột bỏ trọn vẹn đối với tất cả mọi an toàn trong cuộc sống.
Một điều kiện nữa Chúa Giêsu đòi nơi những kẻ theo Ngài, đó là dấn thân rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Một cuộc sống từ bỏ sẽ không có giá trị, nếu đó không là dấu chỉ của một cuộc đầu tư trọn vẹn vì Nước Trời. Cuối cùng, Chúa Giêsu đòi hỏi môn đệ phải cắt đứt ngay cả những liên hệ ruột thịt họ hàng. Ngài là tất cả đối với người môn đệ đến độ họ phải sẵn sàng hy sinh tất cả vì Ngài, Ngài phải được đặt vào trọng tâm cuộc sống của người môn đệ.
Môn đệ không phải là tước hiệu dành riêng cho một số người ưu tuyển. Mỗi Kitô hữu là một môn đệ của Chúa Kitô, và là môn đệ Chúa Kitô thiết yếu đi theo Ngài. Chúa Kitô cách đây 2,000 năm cũng là Chúa Kitô ngày nay mà mỗi Kitô hữu đang đi theo. Ngài đồng hành với họ và cũng đòi hỏi những điều kiện mà Ngài đề ra cho các môn đệ tiên khởi của Ngài. Cuộc sống có cách biệt, hoàn cảnh có xoay chuyển, sinh hoạt có thay đổi, nhưng những điều kiện ấy không hề đổi thay. Tựu trung, người môn đệ ngày nay phải đồng hành với Chúa Kitô để tiếp tục là dấu chỉ, là tín hiệu của Nước Trời cho mọi người.
Khi Đức Giêsu mời gọi người khác theo, thì anh do dự mặc cả lần khất với Thầy: “Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã” (Lc 9, 59b). Anh cũng muốn theo Thầy nhưng còn đang “khó” cái bổn phận làm con cha mẹ ở nhà. Chắc anh quên rằng “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”!!! Nghĩa là phải “lấy Đức Chúa Trời làm hơn của cải, hơn cha mẹ, hơn mình cùng thà chết chẳng thà mất lòng Đức Chúa Trời.” (Chúng con học từ ngày xửa ngày xưa). Không được đặt bổn phận đối với con người lên trên bổn phận đối với Thiên Chúa. Phải đặt Thánh Ý Thiên Chúa lên trên hết ý hướng của con người, dù là tình cha mẹ, máu mủ ruột thịt. Thầy đã từng dạy: “Tiên vàn, các con hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước, còn mọi sự khác, Ngài sẽ quan phòng lo liệu cho các con sau” (Mt 6, 32). Nên Thầy bảo anh: “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa” (Lc 9, 60b).
Ngày nay nếu chúng ta sống gắn bó với tình Thầy, Thầy là lý tưởng sống mà chúng ta đã lựa chọn. Trong Thầy tự nhiên mọi sự đều trở thành thứ yếu đối với chúng con. Nhờ sức sống nơi Thầy luân chuyển, con tim của chúng tan sẽ được thanh lọc đổi máu, chúng ta sẽ hăng hái hân hoan theo Thầy mỗi ngày cho đến cùng đời, còn gia tài, nhà cửa, anh em… đã có Thầy lo hết.
Huệ Minh
Để lại một phản hồi