Trừ tà bậy bạ, hậu quả khó lường. Chỉ các linh mục được cấp phép mới có năng quyền trừ quỷ

Hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế khẳng định rằng: Trừ quỷ không có phép chỉ mở đường cho quỷ nhập vào người ta.

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân lý tỏ tường, cho biết hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế sắp công bố một cẩm nang bằng nhiều thứ tiếng để mọi người hiểu rõ hơn về việc trừ quỷ trong Giáo Hội.

Hiệp hội quốc tế các nhà trừ tà Công Giáo đã xuất bản một cuốn sách hướng dẫn về thực hành trừ tà bằng tiếng Ý vào tháng Năm vừa qua. Vì tầm quan trọng của vấn đề này, các Giám Mục trên thế giới đã yêu cầu cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau để phổ biến rộng rãi cho công chúng.

Cụm từ “để phổ biến rộng rãi cho công chúng” không có nghĩa là hiệp hội đang khuyến khích công chúng thực hiện các nghi thức trừ quỷ. Ngược lại là đàng khác. Hiệp hội các nhà trừ tà quốc tế, gọi tắt là IAE, khẳng định rằng các nghi thức trừ tà nhất thiết phải được thực hiện bởi các linh mục được sự cho phép của đấng bản quyền địa phương.

IAE cho biết một phiên bản tiếng Anh đang được Tòa Thánh xem xét và sẽ ra mắt vào cuối năm 2020 hoặc cùng lắm là đầu năm 2021.

IAE được thành lập cách đây 20 năm bởi Cha Gabriele Amorth, một nhà trừ tà nổi tiếng ở Rôma, và các linh mục khác. Chủ tịch hiện tại của IAE, là Cha Francesco Bamonte, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire, nghĩa là Tương Lai, một tờ nhật báo của Hội đồng Giám mục Ý, rằng cuốn sách nhằm cung cấp cho các linh mục thành viên của hiệp hội một cẩm nang về giáo lý và thực hành dựa trên Nghi thức Trừ tà của Giáo Hội Công Giáo. Ban đầu, nó được xuất bản trực tuyến, chỉ có thể truy cập cho các thành viên, nhưng hiệp hội đã quyết định công bố rộng rãi cho công chúng dưới dạng sách in sau khi nhiều Giám Mục và linh mục nói rằng việc công bố như thế chắc chắn mang lại nhiều điều tốt đẹp.

Cha Bamonte nói thêm rằng ấn phẩm của IAE có thể giúp làm sáng tỏ “một số điểm mù mờ và ngộ nhận chung quanh khía cạnh tế nhị này.” Trước hết, cuốn sách “nhằm chống lại các khai thác giật gân của các phương tiện truyền thông chung quanh nghi lễ trừ tà.” Thứ hai, cuốn sách tấn công vào các lạm dụng. Tại nhiều nước trên thế giới, nhiều người không Công Giáo và đôi khi cả những người Công Giáo, tự xưng mình có khả năng trừ quỷ, chế ra các nghi thức đi ngược lại đức tin, đôi khi không khác các thuật phù thủy bao nhiêu, đôi khi áp dụng các hình thức đánh đập bạo lực dẫn đến thương vong, và cũng không thiếu các trường hợp lạm dụng tình dục và tiền bạc của nạn nhân.

Cha Francesco Bamonte nhấn mạnh rằng quyền năng trừ quỷ xuất phát từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã ban quyền trừ quỷ cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài. Do đó, thẩm quyền thực hiện các phép trừ quỷ hoàn toàn thuộc về các linh mục được đấng bản quyền địa phương chỉ định. Một báo cáo của tờ Crux cho biết có quá nhiều “nhà trừ quỷ lừa đảo” không thừa nhận sự thật đó, mặc dù, chính việc bác bỏ thẩm quyền chính đáng và hợp pháp của đấng bản quyền đã tự nó cho thấy hành động của các “nhà trừ quỷ” này không được thúc đẩy bởi Thiên Chúa.

IAE muốn nhấn mạnh rằng chính quyền năng của Chúa Kitô được truyền qua Giáo hội – chứ “không phải một công thức trừ tà mạnh mẽ nào đó hay ‘quyền năng’ của một cá nhân” là yếu tố quyết định kết quả của một cuộc trừ quỷ.

Mục vụ trừ quỷ không chỉ là đọc những lời cầu nguyện mà là “sự phân định và đồng hành với những tín hữu bị ma quỷ dày vò, ” hiệp hội IAE nói.

Tờ Crux cũng báo cáo thêm “Bản hướng dẫn của IAE cảnh báo rằng các linh mục và giáo dân cố ý thực hiện các phép trừ quỷ trái phép, nghĩa là không có sự cho phép của đấng bản quyền, thực sự có thể mở ra những cánh cửa để ma quỷ tiếp tục ảnh hưởng đến những người mà họ tưởng là họ đang cố gắng giúp đỡ.”

Hướng dẫn của IAE nhấn mạnh rằng một số hoạt động nhất định, bao gồm mê tín dị đoan và phù thủy, có thể trở thành dịp để ma quỷ ảnh hưởng đến con người.

Tuy nhiên, Cha Bamonte cũng lưu ý trong cuộc phỏng vấn với Avvenire rằng có “những kẻ tội lỗi ngập đầu nhưng không mắc bất kỳ căn bệnh bất thường nào từ ma quỷ, trong khi có những vị thánh thực sự lại từng là nạn nhân của những hành động độc ác phi thường.”

Vì thế, chúng ta không nên có định kiến cho rằng người bị quỷ ám là một người tội lỗi ghê lắm.

Đặng Tự Do

(vietcatholic 20.08.2020/ Aleteia)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*