Dư luận Công Giáo tại nhiều nơi tỏ ra lo ngại vì trào lưu của nhiều người Công Giáo, kể cả nhiều vị trong hàng Giáo Phẩm tại Đức, muốn đi con đường riêng, số người xin ra khỏi Giáo Hội ngày càng gia tăng và cả chất lượng nền thần học tại nước này cũng đi xuống.
Cựu chủ tịch và tân chủ tịch Hội đồng giám mục Đức
Ngày 20-7-2020, Bộ giáo sĩ đã công bố Huấn Thị dài 28 trang, gồm 11 chương, về các giáo xứ với tựa đề: ”Hoán cải mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội”, nhắm mục đích khích lệ các xứ đạo đẩy mạnh sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, đồng thời điều chỉnh những sai trái hoặc cản trở sứ mạng này. Đặc biệt trong 5 chương sau cùng, Huấn thị nhắc lại các qui luật hiện hành của Giáo Hội, và nhắm điều chỉnh những áp dụng không đúng đắn các qui luật đó làm cho việc chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng bị trì trệ, ví dụ việc gộp các giáo xứ tại những nơi thiếu linh mục.
Phản ứng tiêu cực đối với Văn kiện Tòa Thánh
Tuy Huấn Thị được ĐTC phê chuẩn, nhưng trong thời gian qua, nhiều GM tại Đức phê bình Huấn thị của Bộ giáo sĩ, nhất là các điều khoản tái khẳng định chỉ có LM mới có thể làm cha sở, giáo dân có thể cộng tác vào việc điều hành giáo xứ; để giảng trong thánh lễ phải là LM hoặc là phó tế, giáo dân có thể diễn giải và phát biểu trong các buổi phụng vụ khác.
Trước những phản ứng đó, ĐHY Benjamin Stella, Tổng trưởng Bộ giáo sĩ, tuyên bố sẵn sàng gặp các GM Đức, để giải thích và trao đổi về Huấn thị này. Hôm 24-8, sau cuộc họp của Ban thường vụ, HĐGM Đức cho biết chấp nhận lời mời của Bộ giáo sĩ, và sẽ đến Roma để đối thoại, nhưng sẽ có một số đại diện giáo dân đi theo.
Số người Công giáo Đức rời bỏ Giáo Hội gia tăng
Tình trạng khó khăn của Giáo Hội Công Giáo tại Đức trong thời gian gần đây được dư luận Công Giáo thế giới đặc biệt quan tâm, như thống kê công bố ngày 26-6 năm nay cho thấy: dân Đức ngày càng bỏ đạo Kitô: trong năm 2019, 27 giáo phận Công Giáo tại Đức mất 272.771 tín hữu, tức là tăng 26% so với năm 2018 trước đó. 20 Giáo Hội Tin Lành ở Đức mất khoảng 270 ngàn tín hữu, tức là tăng khoảng 22,7% so với năm trước đó.
Số tín hữu Công Giáo hiện chiếm 27,2% dân Đức tức là 22 triệu 600 ngàn người, còn Tin lành chiếm 25%, tức là 20 triệu 700 ngàn người.
Sa sút về thần học
Cùng với sự sa sút về số tín hữu, nhiều chuyên gia cũng nhận xét có sự giảm sút chất lượng trong ngành thần học Công Giáo tại Đức: ”Thần học tại Đức đang bị khủng hoảng, ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ!”. Đó là kết luận của một giáo sư thần học người Đức, Ulrich Lehner, tại Đại học Notre Dame bang Indiana Hoa Kỳ. Ông đã đậu tiến sĩ thần học tại Đại học Regensburg nam Đức và đậu thêm bằng hậu tiến sĩ (Habilitation) về sử học tại Đại học Trung Âu. Ông cũng là tác giả của nhiều cuốn sách.
Cách hành động thiên vị
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin CNA tiếng Đức, Giáo sư Lehner không những phê bình chất lượng suy kém của thần học Đức, nhưng còn phê bình cách hành động thiên vị của một số giáo sư thần học tại nước này. Ông nói: ”Tôi đã theo dõi nhiều bổ nhiệm giáo sư thần học tại Đức và chỉ có thể nói: trình độ tầm thường thì luôn mướn những giáo sư tầm thường. Theo ông, một số giáo sư vận động bổ nhiệm cựu sinh viên của mình vào các ghế giáo sư, dù khả năng yếu kém của những người này. Điều đáng nói là đặc biệt những ứng viên trung thành với Giáo Hội, thì chẳng bao giờ có cơ may được bổ nhiệm, vì họ đã bị gạt ra ngoài từ trước.”
Giáo sư Ulrich Lehner trưng dẫn ví dụ: một nữ thần học gia có 3 người con, bị loại trong tiến trình bổ nhiệm vì các giáo sư trong ban tuyển chọn khám phá thấy bà đi dự lễ hằng ngày. Bà coi trọng đức tin của mình nhưng ban tuyển chọn quan niệm bà ta quá nghiêm túc trong việc sống đạo, nên không thể làm giáo sư. Một vụ khác: một ứng viên có 5 người con cũng bị loại. Có nhiều trường hợp, các ứng viên giáo sư bị bác không phải theo tiêu chuẩn nghiên cứu giảng dạy, nhưng thường theo các tiêu chuẩn khác của ban quản trị đại học.
Ông Lehner nói: ”Giả sử những người ở ngoài giới đại học biết các giáo sư ở Đức sáng chế ra những tiêu chuẩn hoặc lèo lái để việc thu nhận những người Công Giáo sùng đạo không thể tiến hành, thì thần học sẽ mất luôn cả những tiếng tăm ít ỏi còn lại.”
Chất lượng nền thần học đi xuống
Trong một bài đăng ngày 3-8-2020 trên trang mạng của HĐGM Đức (katholisch.de) một nhà đạo đức xã hội Bernhard Emunds, thuộc Học viện thánh George về triết và thần học của dòng Tên ở Frankfurt, được trích dẫn nói rằng thần học tại các nước nói tiếng Đức ”có tiếng tăm và tầm quan trọng của họ được ca ngợi trên thế giới”!
Giáo Sư Lehner không đồng ý với lời quả quyết đó và nói rằng: ”Thần học Đức ngày nay không như cách đây 25 năm nữa. Khác với thời đó, thần học Đức hiện thời không còn ảnh hưởng trên thế giới”.
Như một bằng chứng, giáo sư Lehner trưng dẫn sự khan hiếm bản dịch các tác phẩm thần học tiếng Đức sang các thứ tiếng Anh, Pháp, hoặc Tây Ban Nha. Ngược lại sự nghiên cứu của thế giới thu hút rất ít sự chú ý của các giáo sư thần học ở Đức. Điều này có nghĩa là họ bị tách rời khỏi sự nghiên cứu thế giới. ”Tuy người ta còn học tiếng Đức trong chương trình tiến sĩ ở Mỹ, nhưng tôi nhận xét rằng.. các sinh viên ban tiến sĩ ở Đức không thể đọc những văn bản dài bằng tiếng Anh. Các nhà thần học Đức phần lớn chỉ trích dẫn nhau.”
Thiếu thần học gia tại Đức
Theo trang mạng katholisch.de, hiện nay chỉ có gần 200 đại chủng sinh ở Đức đang học để chuẩn bị làm linh mục. Chưa bao giờ ít như vậy!
Trong số tất cả các sinh viên thần học ở Đức – trong đó có 18.251 người thuộc niên khoa 2018-2019, những người chọn học trọn giờ ở ban thần học là một tỷ lệ nhỏ, chỉ có 2.549 người trong năm 2018. 15.700 người còn lại chỉ học thần học như một phần trong học trình của họ để lấy bằng hầu có thể dạy môn tôn giáo ở các trường trung học.
Tuy có ít sinh viên thần học trọn giờ ở Đức, tại nước này vẫn còn nhiều nơi giảng dạy thần học. Có tổng cộng 19 phân khoa thần học, hơn 30 ghế giáo sư thần học Công Giáo, nhiều học viện nghiên cứu, 3 học viện cấp bằng về ”giáo dục tôn giáo và hoạt động giáo dục của Giáo Hội” cũng như một bằng thần học trực tuyến, theo Văn phòng Tổng thư ký HĐGM Đức.
Tuy nhiên mức độ ”sản xuất” thần học vẫn ở mức độ thấp. Như văn phòng thống kê Đức cho biết trong năm 2019 chỉ có 8 người đậu bằng hậu tiến sĩ (habilitation) là văn bằng cần có để làm giáo sư thần học Công Giáo tại một đại học. Ông Lehner nói: ”Xét vì nhiều phân khoa nhỏ, hầu như không có sinh viên, nhưng có nguồn tài chánh nhiều, lẽ ra phải có những nghiên cứu thần học mới mẻ sâu rộng, nhưng thực tế chỉ có một ít số xuất bản có chất lượng về thần học. Vì thế tôi không hiểu các giáo sư thần học ở Đức làm gì cả ngày. (CNA 9-8-2020)
Trần Đức Anh OP
(VaticanNews Tiếng Việt 30.08.2020)
Để lại một phản hồi