Đức GM GB. Bùi Tuần (Gp Long Xuyên), trong bài viết có tựa đề “Trăn trở về cách giới thiệu Tin Mừng” đã chia sẻ như sau:Thực vậy, theo dõi thời sự những dấu chỉ về Nước Trời trong nhân loại nói chung và tại Việt Nam nói riêng, tôi nhận ra nhiều người tốt việc tốt trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Chân thiện mỹ không bị nhốt trong ranh giới một dân tộc, một tôn giáo, một nền văn hóa. Khắp nơi vẫn lấp lánh những gương sáng về những giá trị thiêng liêng cao cả, như khiêm nhường, bao dung, tinh thần trách nhiệm, chân thành, trung thực, bác ái, công bình, chiêm niệm, dũng cảm.
Và điều làm tôi ngỡ ngàng hơn cả, đó là con người thời nay không còn dễ được thuyết phục bởi những lý thuyết hứa hẹn, những hội nghị long trọng, những cuộc lễ lớn, những nghi thức và biểu tượng đẹp. Trái lại, yếu tố chinh phục họ nhất chính là những con người sống quyết liệt với những giá trị cao. Họ đi tìm những người như thế. Cái phao đời họ là những người như vậy.
Theo tôi, những người có giá trị cao hơn hết đang được đa số khâm phục chính là những ai luôn phấn đấu tự đào tạo nên người có bản lãnh, biết phân định thực hư, dám từ bỏ mình vì ích chung, đầy lửa thương cảm đối với con người, nhất là đối với kẻ nghèo khổ. Đôi khi tôi có cảm tưởng thứ tình yêu được tô luyện bằng hy sinh có một vận tốc thiêng liêng tựa như ánh sáng, và có thể tạo ra một thứ năng lượng tâm lý khổng lồ.
Chính những người mang lửa đó sẽ góp phần lớn trong việc đổi mới đất nước và Hội Thánh. [1]
Mỗi người Ki-tô hữu chúng ta là một phần tử của Hội thánh Chúa nên đều được ơn gọi chia sẻ sứ mệnh truyền giáo của Hội thánh vì bản chất của Hội thánh Chúa Ki-tô là truyền giáo (Vat II, AG 2).
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh, truyền giáo là loan truyền tình thương của Thiên Chúa đến với con người.
Ngài nói: “Sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội cốt yếu là loan truyền tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại qua cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó chính là việc loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa yêu chúng ta và muốn mọi dân tộc hiệp nhất trong lòng thương xót yêu thương của Người” [2]
Trong dịp khác, Đức thánh GH cũng nói rằng truyền giáo là chia sẻ quà tặng “Đức Giêsu Kitô” mà Giáo Hội nhận được.
Ngài nhấn mạnh, “Điều phân biệt Giáo Hội với những cộng đồng tôn giáo khác, đó là Giáo Hội tin vào Chúa Giêsu Kitô, và Giáo Hội không thể dấu ánh sáng quí báu đức tin dưới cái thùng (Mt 5,15), bởi Giáo Hội có sứ mạng chia sẻ ánh sáng đó với mọi người. Giáo Hội muốn dâng tặng đời sống mới Giáo Hội đã gặp được trong Chúa Giêsu Kitô, cho tất cả các dân tộc tại Á Châu, khi họ tìm kiếm sự viên mãn của sự sống, để họ có thể hiệp thông với Chúa Cha và Con Người là Chúa Giêsu Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần”. [3]
Vậy có thể nói rằng, Ki-tô hữu chúng ta là người có sứ mệnh đem lửa đến trong thế giới mà mình đang sống. Đây là lửa yêu thương, lửa đồng cảm, lửa huynh đệ, lửa tha thứ, lửa chia sẻ, lửa ủi an, lửa hòa bình, lửa tin tưởng, lửa hi vọng, lửa hiệp thông…
Trong thế giới đầy bất an vì hận thù, chia rẽ và tội ác, người Ki-tô cần mạnh dạn sống và làm chứng Tin Mừng bằng cách biết nói không với vô cảm, biết đem đạo vào đời và hết lòng thực thi bác ái, vì bác ái là một thứ ngôn ngữ đặc thù của việc loan báo Tin Mừng.
1- KI-TÔ HỮU – NGƯỜI BIẾT NÓI KHÔNG VỚI VÔ CẢM
Ngày nay, khái niệm “Vô cảm” đã trở nên quá quen thuộc đối với mỗi người trong chúng ta. Thông tin báo chí, mạng xã hội đăng tải thường xuyên những câu chuyện về thái độ vô tâm và vô cảm của con người. Vô cảm đã trở thành căn bệnh nghiêm trọng, có sức lây lan mạnh mẽ trong gia đình, trong khu xóm và trong cộng đồng xã hội.
Một bài báo có tựa đề “Căn bệnh vô cảm trong xã hội hiện nay” trên trang wikicachlam.com, tác giả đã viết như sau:
Bệnh vô cảm là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, không xúc động, sống ích kỷ, lạnh lùng. Họ thờ ơ, làm ngơ trước những điều xấu xa, hoặc nỗi bất hạnh, không may của những người sống xung quanh mình.
Hầu như căn bệnh này ngày càng phát triển nhanh chóng hơn, bởi cuộc sống quá hiện đại, đồng tiền được đưa lên hàng dẫn đầu, lợi ích cá nhân chứ không còn lợi ích của tập thể nữa. Họ thờ ơ với cảm xúc của họ, với những cái đẹp-xấu, thiện-ác, với các hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Không đâu xa, thậm chí ngay cả trong gia đình họ hàng còn vô cảm với chính những người thân ruột thịt của họ. Thử hỏi những việc nhỏ nhặt như thế họ còn không để tâm đến thì lấy đâu mà bỏ thời gian công sức của bản thân đi lo lắng những việc tưởng chừng như cao cả nhưng lại rất đỗi giản đơn. [4]
Người Ki-tô hữu chúng ta, nếu không khôn ngoan và tỉnh thức, thì cũng dễ rơi vào tình trạng nhiễm bệnh vô cảm một cách mạn tính, tức là khó chữa, khó sửa, khó nhận ra. Ở trong gia đình, con cái vô tâm với cha mẹ, vợ chồng lạnh nhạt với nhau, ông bà cha mẹ không quan tâm tới con cháu. Trong cộng đoàn, chúng ta coi nhau như người dưng nước lã, trong khi Lời Chúa và Hội thánh thì nhắc nhở chúng ta là chi thể trong cùng một Thân Thể thuộc về đầu là Đức Ki-tô. Trong xã hội, chúng ta dửng dưng trước mọi biến cố, mọi tai họa, mọi đổi thay, mọi đe dọa, mọi bất công, mọi bất hạnh…làm như thể chúng ta là “người ngoài hành tinh” rơi xuống vậy!
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 14-7-2019, dựa trên đoạn Tin Mừng về người Samari nhân hậu, ĐTC Phan-xi-cô đã đề cao tấm gương của lòng thương xót của người Sa-ma-ri này và mời gọi các tín hữu hãy trở nên môn đệ của Chúa qua việc yêu thương anh em, vì yêu tha nhân là yêu Chúa.
ĐTC cũng đã nhắc các tín hữu đừng để mình bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo. Ngài nói:
Nếu bạn đứng trước một người hoạn nạn mà bạn không có lòng thương xót, nếu trái tim bạn không rung động, thì có nghĩa là có điều gì đó không ổn. Bạn hãy chú ý, chúng ta phải để ý. Đừng để chúng ta bị sự vô cảm ích kỷ lôi kéo. Khả năng thương xót trở thành hòn đá thử vàng của Kitô hữu, đó là giáo huấn của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Chúa Cha đối với chúng ta. Nếu bạn đi xuống phố và thấy một người đàn ông vô gia cư đang nằm đó, và bạn đi qua mà không hề nhìn anh ta, hoặc có lẽ bạn nghĩ: “Chà, tác dụng của rượu. Một người say rượu”. Đừng tự hỏi xem người đàn ông đó có say không; hãy tự hỏi xem trái tim bạn có bị chai cứng không, trái tim bạn có trở thành băng giá không. [5]
LM Giuse Nguyễn Trọng Viễn OP, trong bài viết có tựa “Vô cảm!” đăng trên trang conggiao.info ngày 5-3-2018, đã chia sẻ như sau:
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà con người ngày càng ít yêu thương nhau, ít quan tâm đến nhau và sâu xa hơn đó là hiện tượng đui mù và câm điếc trước nỗi đau của đồng loại.
Ngày nay, vô cảm dường như đã trở thành một căn bệnh âm ỉ và nhức nhối của xã hội, đồng thời có sức lây nhiễm cao vì nó đang len lỏi từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, căn bệnh này không chỉ đơn thuần tồn tại trong một tầng lớp nào nhưng đã trở thành căn bệnh của quần chúng hay có thể nói đó là mặt trái của lối sống hiện đại.
Có rất nhiều lý do để giải thích cho thái độ dửng dưng vô cảm, một trong những lý do của căn bệnh này xuất phát từ tâm lý “sợ”. Sợ cái ác, sợ kẻ gian, sợ trách nhiệm, sợ liên lụỵ đến bản thân, sợ bị lừa đảo vv… Vô cảm còn là hậu quả của lối sống thực dụng, đề cao chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân theo kiểu “không phải chuyện của tôi” ngày càng bám rễ sâu vào hệ tư tưởng của con người ngày nay.
Nhưng thật ra, mầm mống sâu sa của căn bệnh vô cảm chính là cách giáo dục từ trong gia đình. Không ít bậc cha mẹ dạy con theo kiểu triết lý “makeno” (mặc kệ nó) để tránh dính dáng đến người khác, tránh liên lụy bản thân. Triết lý sống này cũng được người lớn áp dụng trong cách cư xử với nhau để được an toàn, thậm chí còn tồn tại thứ “vô cảm thấp hèn” lợi dụng tai họa của người khác để trục lợi cho bản thân. Gần đây, tình trạng “hôi của” trong nhiều vụ tai nạn đã xảy ra cách công khai. Một số người chẳng những không giúp đỡ mà còn lợi dụng cảnh hỗn loạn sau tai nạn để xông vào nhặt ví tiền, tư trang, túi xách… của nạn nhân.
Ngoài ra, bệnh vô cảm còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân tương tác lẫn nhau trong xã hội. Trong xã hội hiện đại con người sống quá lý trí, tương quan giữa người với người ngày càng được chuẩn hoá, mọi vấn đề phải được giải quyết rõ ràng, nhưng đôi khi cái lý có thể lấn át cả cái tình. Mặt khác, nếu con người sống trong một xã hội không có một trật tự đúng đắn, họ nhận thấy sự hiện diện cũng như công việc của mình có thể bị đe doạ, thì mỗi cá nhân sẽ hình thành bản lĩnh đối phó và bộc lộ khuynh hướng ích kỷ tiềm tàng. Từ đó tạo điều kiện dung dưỡng căn bệnh vô cảm.
Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II, trong thông điệp “Thiên Chúa Giầu Lòng Từ Bi Thương Xót” đã nói rằng : “Có một danh hiệu thứ hai của Tình yêu, đó là lòng nhân hậu (từ bi thương xót). Vì lòng nhân từ là chiều kích không thể thiếu của tình yêu; nó như là danh hiệu thứ hai của tình yêu”. [6]
Đạo của Chúa là đạo yêu, do đó bất cứ trong hoàn cảnh nào, người Ki-tô hữu cũng phải biết nói “Không” với thái độ và lối sống vô cảm. Đại thi hào Voltaire đã nói: “Thiên đàng được tạo ra cho những trái tim nhân hậu, địa ngục được tạo ra cho những trái tim vô cảm”.
2- KI-TÔ HỮU – CHỨNG NHÂN TIÊU BIỂU CỦA LÒNG MẾN KI-TÔ GIÁO
Cách đây ít lâu, trên trang Tuổi Trẻ Online (TTO) có đăng bài “Ca đoàn vi vu khắp nơi để lan tỏa yêu thương”. Bài báo cho biết TP.HCM có một ca đoàn rất thú vị: bỏ tiền túi, cùng nhau tổ chức hàng trăm chuyến đi tới những nơi hẻo lánh, khó khăn nhất, không chỉ mang quà tặng mà còn mang tiếng hát xoa dịu nỗi vất vả, nhọc nhằn của những mảnh đời bất hạnh.
Đó là ca đoàn có cái tên khá đặc biệt: “Thông Vi Vu”- là nghệ danh của Đức cố GM Phan Thiết Giu-se Vũ Duy Thống. Ca đoàn do anh NLL, chồng của ca sĩ MT – thành viên nhóm tam ca Áo Trắng – làm đoàn trưởng.
Một đại diện của ca đoàn nói rằng, họ muốn mang đến không khí vui vẻ cho người nghèo khó, muốn xoa dịu sự vất vả, nhọc nhằn của họ, muốn trao tận tay món quà để yên tâm nên mới chịu cực đến tận nơi. Làm thiện nguyện không phải đơn giản cứ móc tiền ra là được. Phải gửi tới được những người thực sự cần thì đồng tiền mình giúp mới ý nghĩa.
Được biết, cho đến nay, ca đoàn đã thực hiện hơn trăm chuyến đi đến những nơi thiệt thòi nhất.
Ca đoàn hiện có hơn trăm ca viên. Đặc biệt, trong số các thành viên có những người của tôn giáo bạn: Phật giáo, Cao Đài… Ca đoàn quy tụ nhiều thành phần gồm doanh nhân, công nhân, công chức, giáo viên, bác sĩ và những bạn sinh viên… Và hiện có hơn 20 thành viên đang sinh sống ở nước ngoài, không còn sinh hoạt nhưng vẫn theo dõi các hoạt động của ca đoàn, thường xuyên ủng hộ vật chất mỗi khi ca đoàn có chuyến đi thiện nguyện vùng sâu vùng xa.
Mỗi tháng, các thành viên tự nguyện đóng vào quỹ sinh hoạt bác ái hai trăm nghìn đồng. Nhờ nguồn tiền ấy, đã có hơn trăm chuyến đi trong suốt nhiều năm qua tới những vùng hẻo lánh, khó khăn nhất của đất nước không chỉ để hát thánh ca mà còn kết hợp làm việc bác ái xã hội.
Có những nơi, từ nhà thờ lên các buôn làng, mọi người phải đi bộ tiếp hàng tiếng đồng hồ. Đường đồi núi lại sình lầy, trơn trượt. Mọi người phải chuyền tay nhau từng thùng quà suốt đoạn đường dài mấy kilômet. Ngoài ra, ca đoàn còn tổ chức các buổi phát thuốc, khám chữa bệnh miễn phí và hớt tóc cho các bé trong buôn làng.
Anh đoàn trưởng ca đoàn đã tâm sự: “Tôi xuất thân từ một đứa trẻ đường phố, thấu hiểu được nỗi xót xa đau khổ của sự thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, đã từng ước mơ và khao khát có ai đó quan tâm đến mình dù chỉ là một lời an ủi hay một mẩu bánh thừa, may mắn là bây giờ tôi đã tìm được những người anh em đồng cảm với mình để cùng tạo niềm vui cho nhau qua những việc làm sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh hơn mình”. [7]
Quả thực, các thành viên trong ca đoàn kể trên đã là những chứng nhân tiêu biểu của lòng mến Ki-tô giáo. Hát thánh ca cũng là phục vụ, nhưng làm việc thiện nguyện càng làm nổi vượt sứ mệnh của người Ki-tô hữu, đó là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nhiệm vụ truyền giáo của mỗi người chúng ta.
Chúng ta biết rằng một trong những cách thức hiệu quả nhất của việc truyền giáo bằng đời sống chứng tá, đó chính là nêu gương đời sống bác ái.
Truyền giáo bằng những việc làm cụ thể, bằng chính đời sống bác ái của mỗi người chúng ta. Chúng ta đến thăm viếng những người già, người nghèo, người đau khổ, người bị bỏ rơi trong xã hội. Chúng ta giúp đỡ họ, an ủi họ. Qua những việc làm cụ thể, họ nhận ra chúng ta là môn đệ Chúa Kitô. Bởi vì, lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Những hành vi bác ái cụ thể là những bài giảng hùng hồn nhất về Thiên Chúa. Đây là cách thức truyền giáo hiệu quả nhất.
Ngạn ngữ La-tinh có câu “Amor vincit omnia”, nghĩa là lòng yêu mến/ tình yêu chiến thắng tất cả. Thánh sử Gio-an đã nhấn mạnh về mức độ mà Chúa Giê-su đã yêu thương nhân loại: “Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1).
Yêu đến hơi thở cuối cùng, yêu đến nỗi chấp nhận hủy mình ra không, yêu mà không còn giữ lại cái gì cho mình kể cả mạng sống, yêu tuyệt đối và tận cùng…không có tình yêu nào lớn hơn!
Khi dịch Covid-19 xảy ra (khoảng tháng 12-2019), rất nhiều người trong chúng ta hoảng sợ, chạy trốn vì nó quá kinh khủng, nó lây lan rất nhanh, từ người qua người và tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên không phải ai cũng lo sợ và chạy trốn nó.
Theo tin cho biết, tính đến ngày 15-4-2020, ước tính có 109 linh mục ở Ý đã chết vì Covid-19, nhiều vị trong số đó đã bị nhiễm virus từ những bệnh nhân mà các ngài phục vụ.
Trong Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh năm 2020, ĐTC Phan-xi-cô đã tôn vinh các linh mục này như “những vị thánh” bên cạnh chúng ta.
Theo tờ New York Times, các linh mục và tu sĩ, “đặc biệt là các vị ở những khu vực bị nhiễm virus corona nặng như Bergamo, đã mạo hiểm cuộc sống của họ, để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho các tín hữu sùng đạo và lớn tuổi, vốn bị virus corona tấn công mạnh nhất”.
Chỉ riêng Giáo phận Bergamo đã mất 24 linh mục trong vòng 20 ngày. Khoảng một nửa trong số đó là các linh mục đã nghỉ hưu, nửa còn lại là các linh mục đang hoạt động. Số linh mục còn sống vẫn tiếp tục mục vụ chăm sóc cho các bệnh nhân. Theo tờ Times, các linh mục này “buồn lòng vì không thể đến gần các bệnh nhân, buồn vì thấy cảm giác cuối cùng mà người tín hữu cảm nhận được là một cái chạm với đôi găng tay, và buồn vì gương mặt cuối cùng mà các bệnh nhân nhìn được là gương mặt trong điện thoại”. Cũng theo báo Times, “Virus corona đã tách biệt vợ chồng, con cái trong một gia đình, rồi giết chết họ. Vì thế, các linh mục này rất đau đớn khi phải xa cách đàn chiên trong lúc các con chiên đang rất cần các ngài”.
Đức Giám mục của Bergamo, Francesco Beschi, cho biết: “Rất nhiều linh mục đã chấp nhận nguy hiểm để gần gũi với đàn chiên của mình. Con số lớn các linh mục bị nhiễm virus là một dấu chứng rõ ràng của sự gần gũi, của sự chia sẻ trong đau khổ với đàn chiên”.
Avvenire, tờ báo chính thức của các giám mục Ý, đã xác định một số đặc điểm chung của các linh mục đã chết như sau:
“Hầu hết các linh mục đã chết do nhiễm virus corona là vì các ngài vẫn ở giữa mọi người thay vì tự cứu chính mình. Các ngài cố gắng ở lại lâu dài với đàn chiên để phục vụ như những người gìn giữ các ký ức được chia sẻ, đó là một sự tham dự vào dòng chảy của chứng tá và các giá trị qua các thế hệ”.
Sự hiện diện của các mục tử “thật quý giá và không thể thiếu, các tín hữu khám phá ra điều đó đặc biệt trong hoàn cảnh bị cách ly, và khi cái chết đã cướp đi khỏi họ những vị mục tử luôn chân tình, gần gũi và sẵn sàng hiến thân vì họ”. [8]
Những gương sáng về sự hy sinh quên mình phục vụ bất chấp sự nguy hiểm tột cùng của virus corona thì rất nhiều không sao kể hết. Bên cạnh những người mà chúng ta biết được, còn có rất nhiều tấm gương khác, đó là những người sống âm thầm, phục vụ âm thầm và chết âm thầm.
Quả thực, lòng mến đã không bị “cách ly” bởi dịch bệnh, như lời thánh Phao-lô đã quả quyết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8, 35) ./.
Aug. Trần Cao Khải
_________________
[1] GM GB. Bùi Tuần – Làm chứng cho Đức Ki-tô tới tận cùng trái đất – Long Xuyên năm 2000 trang 39-40
[2] Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II – Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2000 – Nguồn giaoly.com
[3] Đức thánh GH Gio-an Phao-lô II – Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 10 – Nguồn giaoly.com
[4] wikicachlam.com
[5] vaticannews.va
[6] conggiao.info
[7] tuoitre.vn
[8] hdgmvietnam.com
Để lại một phản hồi