Sơ lược về người Công giáo Maronites ở Li Băng

Vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut của Li Băng hôm 4-8 đã gây thiệt hại lên tới hơn 15 tỉ USD. It nhất 3.972 tòa nhà và 4.214 phương tiện giao thông bị hư hại. Vụ nổ đã làm rung chuyển thủ đô Beirut và các khu vực xung quanh sau khi 2.750 tấn ammonium nitrate được lưu trữ trong một nhà kho bắt lửa. Ít nhất đã có 172 người chết, khoảng 6.000 người bị thương và khoảng 300.000 người mất chỗ ở. Toàn bộ chính phủ của Thủ tướng Lebanon Hassan Diab tuyên bố từ chức.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là: Không có quốc gia nào khác ở Trung Đông hoặc Bắc Phi có tỷ lệ người theo Kitô giáo cao như vậy.

Đức Giáo hoàng Phanxicô gần đây đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với Li Băng, và đã chọn ngày 4-9 là ngày quốc tế cầu nguyện và ăn chay cho đất nước này. Đây không phải là lần đầu tiên một vị Giáo hoàng quan tâm nhiều đến đất nước Cận Đông này như thế.

Vào năm 1989, khi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm ở Li Băng sắp kết thúc, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tông thư về Tình hình ở Li Băng cho tất cả các Giám mục của Giáo hội Công Giáo. Trong văn kiện này, ngài cảnh báo rằng “không nghi ngờ gì nữa, sự biến mất của Li Băng sẽ là một trong những nỗi buồn lớn nhất của thế giới,” và nói rằng cứu giúp Li Băng là “một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất và cao cả nhất của thế giới đương đại”.

Vào năm 1995 – tức là 5 năm sau khi cuộc nội chiến kết thúc – Đức Gioan Phaolô II đã kêu gọi tổ chức một Hội nghị đặc biệt dành cho Li Băng trong Thượng hội đồng Giám mục, diễn ra tại Vatican.

Theo lời linh mục Ronald G. Roberson, phó giám đốc Ban Thư ký Các vấn đề Đại kết và Liên tôn của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, các Giáo hội Công giáo khác nhau ở Li Băng đã được khuyến nghị hợp tác với nhau cách hiệu quả hơn, phát triển mối quan hệ đại kết chặt chẽ hơn với các Giáo hội chưa hiệp thông đầy đủ với Roma, thúc đẩy tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau với người Li Băng thuộc các tôn giáo khác.

Vào năm 2018, tình hình tôn giáo ở Li Băng được thống kê như sau:

  • Hồi giáo: 61,1% (30,6% Sunni, 30,5% Shia)
  • Kitô giáo: 33,7% (trong đó, Công giáo Maronites là nhóm Kitô giáo đông người nhất)
  • Druze: 5,2%
  • Một số rất nhỏ theo đạo Do Thái, Baha’i, Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Như vậy, không có quốc gia nào khác ở Trung Đông-Bắc Phi có tỷ lệ người theo Kitô giáo cao như thế.

Và Công Giáo Maronites là nhóm Kitô giáo đông nhất ở Li Băng. Do hiện tượng di cư trong những năm qua, cũng có một số lượng đáng kể những người Công Giáo Maronites đến sinh sống ở châu Mỹ và châu Úc. Tuy nhiên, họ không được hầu hết các Kitô hữu ở phương Tây biết đến nhiều.

Linh mục Roberson viết trong ‘Khảo sát ngắn gọn về Kitô giáo phương Tây’: Người Công Giáo Maronites đã truy nguyên về nguồn gốc của họ vào cuối thế kỷ 4, khi một tu viện được thành lập nhờ Thánh Maron – một tu sĩ đầy sức cuốn hút. Đến thế kỷ thứ 8, các tu sĩ “cùng với nhóm tín đồ di chuyển đến vùng núi hẻo lánh của Li Băng, nơi họ sống tương đối cô lập trong nhiều thế kỷ”.

Do các cuộc Thập tự chinh, người Công Giáo Maronites đã tiếp xúc với Giáo hội Latinh vào thế kỷ 12. Năm 1182, toàn bộ người Maronite đã chính thức xác nhận hợp nhất với Giáo hội Công Giáo Roma.

“Có một truyền thống mạnh mẽ nơi người Maronites xác định rằng Giáo hội của họ không bao giờ thiếu hợp nhất với Tòa Thánh Vatican,” Roberson viết.

Vào thế kỷ 16, người Ottoman tiếp quản quê hương của người Maronites, nhưng đến thế kỷ 19, các cường quốc phương Tây, đặc biệt là nước Pháp, “bắt đầu ra tay bảo vệ người Maronites trong Đế chế Ottoman,” Roberson viết. “Một cuộc thảm sát hàng ngàn người Maronites vào năm 1860 đã khiến nước Pháp phải can thiệp bằng quân sự. Sau Thế chiến I, cả Li Băng và Syria đều nằm dưới sự kiểm soát của Pháp ”.

Cha Roberson viết tiếp:

Khi nước Pháp trao quyền độc lập hoàn toàn cho Li Băng vào năm 1943, nước này đã cố gắng đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng Maronites bằng cách vạch ra các ranh giới đảm bảo cho người Maronites, và để lại một hiến pháp đảm bảo rằng: Tổng thống sẽ luôn là người Maronite. Sự sắp xếp này đã bị đe dọa bởi cuộc nội chiến kéo dài 15 năm nổ ra ở Li Băng vào năm 1975. Chẳng mấy chốc, các Kitô hữu không còn chiếm đa số trong nước kể từ khi nhiều ngàn người Maronite rời bỏ đất nước để đến sinh sống ở phương Tây, và ngay cả sự tồn tại của nước Li Băng dường như cũng không còn chắc chắn nữa.

Vào năm 2003, cuộc Hội nghị giáo chủ Maronite kéo dài ba năm bắt đầu, tìm cách khám phá lại di sản và truyền thống của người Maronites, đồng thời thúc đẩy việc đổi mới đời sống Giáo hội.

Ngày nay có 10 giáo phận ở Li Băng, nơi vị Giáo chủ cư trú, với hơn 800 giáo xứ và 7 khu vực pháp lý khác ở Trung Đông. Số liệu thống kê chính thức của Vatican cho thấy vào cuối năm 2006 có 1.413.652 người Công Giáo Maronite sống ở Li Băng.

Tại Hoa Kỳ, có hai giáo phận Công Giáo Maronite, một ở Brooklyn – New York và một ở St. Louis. Tất cả gồm khoảng 60 giáo xứ.

Những Kitô hữu phương Tây đến thăm một nhà thờ Maronite có thể sẽ ngạc nhiên vì phong cách sinh hoạt tôn giáo của họ. Phụng vụ Maronite có nguồn gốc Tây Syria, nhưng bị ảnh hưởng bởi các truyền thống Đông Syria và Latinh. Linh mục Roberson giải thích: “Bí tích Thánh Thể của họ về cơ bản là một biến thể của phụng vụ Syria của Thánh Giacôbê. Phát xuất từ Syria, phụng vụ hầu hết bằng tiếng Ả Rập kể từ cuộc xâm lược của người Ả Rập”.

John Burger (Aleteia) / Mạnh Tú chuyển ngữ / Nguồn: WGPSG

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*