(CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN A – 2020)
Trong những ngày này, hầu như rất nhiều người tại đất nước Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới, cứ mỗi ngày thức dậy là chăm chăm soi vào màn ảnh truyền hình, máy tính hay điện thoại thông minh… để “tìm kiếm kết quả” cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của hai ứng viên Tổng Thống D. Trump và J. Biden. Vâng “câu chuyện Tổng Thống Mỹ” đang là vấn đề nóng nhất hiện nay; và thậm chí, nhiều người cho rằng: kết quả bầu chọn vị Tổng Thống mới của nhiệm kỳ 4 năm sắp tới của Mỹ sẽ định hướng cho một “trật tự thế giới mới”.
Nhưng có thật sự là như thế không ? Liệu “một con người” hay một “chính phủ” có thể định hướng hay đổi thay cả một “con đường”, một “lộ trình” đầy phức tạp, nhiêu khê của cả thế giới nầy ?
Đối với những con người mang tâm thức “duy kinh tế, khoa học, kỹ thuật, sự thông minh…” và “sùng bái” tư cách “cường quốc số một” của Hoa Kỳ cùng với cung cách bang giao mang tính “sen đầm quốc tế” của quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh nầy, thì câu trả lời sẽ là “có”. Nhưng, đối với những ai nhìn “cuộc cờ thế giới” trong viễn tượng đức tin và sự quan phòng đầy khôn ngoan của Thiên Chúa, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là “không” ! Vì Thánh vịnh 127 đã dạy rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công” !
Và đây chính là nội dung sứ điệp Lời Chúa muốn chuyển tải đến cộng đoàn Kitô hữu chúng ta trong Chúa Nhật gần cuối năm Phụng vụ nầy: MỘT SỰ LỰA CHỌN “VỀ ĐÍCH” KHÔN NGOAN HAY HÃY TÌM KIẾM THIÊN CHÚA VÀ SỰ KHÔN NGOAN ĐÍCH THỰC ĐẾN TỪ NGÀI.
Trước hết, sứ điệp nầy đã từng được vang lên trong suốt chặng đường lịch sử cứu độ, qua tiếng gọi của các sứ ngôn, các bậc hiền giả từ xa xưa trong lịch sử của dân tộc Israel mà những lời Thánh Vịnh 62 được chọn làm Đáp Vịnh Ca hôm nay chứng tỏ:
Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát Chúa.
Ôi lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước.
Con cũng mong được chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quanh của Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài…
Phải chăng, được Lời Chúa mách bảo, các ngôn sứ và các bậc hiền nhân quân tử thời xưa đã nghiệm thấy rằng: các bậc đế vương cùng những đế quốc hùng mạnh như Ba Tư, Ai Cập, Babylon, Hy Lạp, Rôma… rồi sẽ qua đi, sẽ “biến tan như cơn gió thoảng qua, như cỏ nội hoa đồng…”. Vì thế, ai đặt niềm tin, niềm hy vọng của mình trên “điểm tựa” là những thực tại hão huyền và chóng tàn đó sẽ thất vọng. Vì thế, điều cốt yếu đó chính là “đặt cược” cuộc sống, niềm tin yêu hy vọng vào chính Thiên Chúa và sự khôn ngoan trường cửu của Ngài, như cách cảm nhận và cũng là lời dạy của tác giả sách Khôn Ngoan: “Sự khôn ngoan sáng tỏ, và không bao giờ lu mờ, những ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó, sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước. Từ sáng sớm, ai tỉnh thức tiến lại gần nó, sẽ không lao nhọc, vì sẽ gặp nó ngồi nơi cửa nhà mình. Vậy tưởng nhớ đến nó là được khôn sáng vẹn tuyền; và ai tỉnh thức vì nó, sẽ chóng được an tâm” (Bđ 1).
Thế nhưng, không phải thời nào, lúc nào dân Chúa cũng đều có chọn lựa “Khôn Ngoan” như thế. Bằng chứng là vào thời Chúa Giêsu, khi xã hội Do Thái bị phân mảnh dưới ách thống trị của Rôma cùng với những cám dỗ đầy hấp dẫn của nền văn hóa thời thượng Hy Lạp, thì sự khôn ngoan mà người ta chọn lựa thường xuyên lại “ngã” về hướng con người, lối trần tục… mà ở đó chính là: chấp nhận cúi đầu trước quyền lực con người thay vì khiêm tốn suy phục Thiên Chúa, chọn lựa sự đảm bảo nơi của cải và giàu sang vật chất thay vì sự khôn ngoan và những giá trị thần linh, chấp nhận ma mánh và thủ thuật của sự gian dối thế gian thay cho việc thực thi lề luật ngàn đời của Giao ước thánh, lề luật của sự tự do trong đời sống con cái Chúa… ; và phải chăng, đó là sự chọn lựa mà người ta dễ dàng chứng kiến qua các diễn biến phức tạp trong cuộc chạy đua tới Toà Bạch ốc của hai ứng viên Tổng Thống đại diện cho hai đảng Cọng Hoà và Dân Chủ trong những ngày “nước rút” nầy !
Thật vậy, thời đó, những người Pharisiêu rao giảng và sống theo một thứ khôn ngoan “giả hình và kiêu ngạo” dựa trên những thứ luật lệ không dẫn đến Thiên Chúa mà cũng chẳng phục vụ con người; riêng nhóm Sa-đốc lại chọn lựa sự khôn ngoan chính là “thiên đàng tại thế” với nhu cầu vật chất và điểm tựa quyền lực chính trị…; trong khi đa phần dân đen khố rách áo ôm thì như “bèo dạt mây trôi”, chẳng biết phải nghe theo tiếng nói, lời dạy của sự khôn ngoan đích thực nào, của vị “rabbi” nào “đủ tâm và đủ tầm” để dạy dỗ, thuyết phục…
Và Thiên Chúa đã không để Dân Ngài phải đợi chờ quá lâu. Ngài đã sai Con Một đến không chỉ soi sáng cho con người những bước đi, những lộ trình ngay nơi cuộc hành lữ dưới thế gian nầy, mà còn dẫn lối đưa đường để nhân loại tiến bước vào quê hương vĩnh cửu.
Thật vậy, nếu con đường “Bát Phúc” và những lời dạy xa gần về việc thực thi giới răn “mến Chúa yêu người” mà chúng ta đã được “giải trình” trong suốt cuộc hành trình của Năm Phụng vụ, thì trong Chúa Nhật sắp kết thúc nầy, Tin Mừng muốn hướng niềm tin và hy vọng của chúng ta đến chân trời “cánh chung”, đến biên giới cuối cùng của cuộc đời tại thế để chuẩn bị bước vào “Bàn Tiệc Nước Trời” mà Thánh sử Matthêô đã khéo minh hoạ qua dụ ngôn Tin Mừng “Mười cô trinh nữ”.
Chúng ta có thể nói được rằng: sứ điệp của vị “Rabbi” đến từ Nadarét đã tiếp nối tài tình những lời giáo huấn của các ngôn sứ, đặc biệt, với lời dạy về sự “Khôn Ngoan” đích thực. Thật vậy, bài học Khôn Ngoan, theo ẩn dụ của Đức Kitô trong Tin Mừng hôm nay, đó là biết hướng về tương lai chung cuộc để đón gặp “Tân Lang” với “đèn dầu nghiêm túc” là hành trang của thiện lương, thánh đức…, như “5 cô thiếu nữ phù dâu với đèn cháy sáng trên tay hân hoan vào dự tiệc cưới”.
Cuộc hành trình đức tin của người Kitô hữu luôn là cuộc lên đường tiến về cùng đích cuộc đời, tiến về quê hương vĩnh cửu. Cuộc hành trình đó, trong ngôn ngữ của dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, chính là “sự tỉnh thức đợi chờ của những người thiếu nữ khôn ngoan cầm đèn đi đón tân lang”. Thế nhưng, đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng.
– Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng tất cả sự “nôn nóng của tình mẫu tử” được thể hiện qua cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc đứa con rứt ruột của mình.
– Người vợ mong đợi chồng trở về từ chiến tuyến với tình yêu thuỷ chung son sắt và chỉn chu trong bổn phận của người vợ, người mẹ… để mái ấm gia đình luôn hồng lên ngọn lửa hạnh phúc lứa đôi.
– Người cha già mong đứa con phiêu bạt trở về trong mối tình “phụ tử tình thâm” để không đứa con nào phải ra đi hay bị loại trừ khỏi vòng tay nhân ái bao dung…
Vâng, đó chính là “sự lựa chọn khôn ngoan” cho cuộc hành trình tiến về vĩnh cửu, một lựa chọn của một niềm xác tín và đầy lòng trông cậy rằng: ở cuối đường cuộc sống tại thế, người ta sẽ gặp được một Nước Trời hạnh phúc đang mở cửa đón đợi, một “vị Quân vương đang thết tiệc đợi chờ”, một “Đấng Tình Quân” là Đức Kitô đang mở rộng vòng tay dìu đưa “người bạn thiết” vào địa đàng hạnh phúc…
Đây chính là một “chọn lựa khôn ngoan” hay một “niềm cậy trông vững vàng” mà Thánh Phaolô đã ân cần khuyến dụ cộng đoàn Thêxalônia cách đây gần hai mươi thế kỷ nhưng vẫn còn mang tính thời sự với chúng ta hôm nay: “Anh em thân mến, chúng tôi chẳng muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết nhờ Đức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người”.
Sứ điệp đó, giáo lý đó, đâu chỉ là một học thuyết suông ! Trên cuộc hành trình gần 2000 năm của Hội Thánh lữ hành, đã có biết bao nhiêu “cô trinh nữ khôn ngoan” đã sống trọn vẹn sự tỉnh thức và đợi chờ cuộc hội ngộ tình yêu đầy ấn tượng: Thánh Nữ Tiến Sĩ Têrêsa Avila mấp máy nói lên với Chúa trước khi tắt thở: “Lạy Chúa Giêsu, này là giờ chúng ta gặp nhau”; trong khi chị Thánh Têrêsa Giêsu Hài đồng than thở: “Lạy Chúa, con… yêu mến Chúa”, đôi mắt xuất thần nhìn thẳng vào một điểm trên pho tượng Đức Mẹ, mặt tươi tắn, rồi nhắm mắt ra đi, đồng hồ chỉ 7 giờ 20 phút tối 30 tháng 9 năm 1897. “Những người trinh nữ” ấy đã cầm đèn cháy sáng ra đón Chúa và gặp gỡ “người tình lang” muôn thuở…
Tóm lại, vào những ngày gần kết thúc năm phụng vụ, sứ điệp Lời Chúa mời gọi chúng ta sống đức “Trông cậy” một cách vững vàng, chọn lựa Thiên Chúa và sự khôn ngoan đích thực bằng chính một cuộc đời luôn tỉnh thức để toả sáng nhân đức “mến Chúa yêu người”, để sống động thực hành con đường Bát Phúc, để tín trung nghiêm giữ những lề luật của Giao ước.
Và sự chọn lựa gần nhất, căn bản nhất, sự chọn lựa “về đích” khôn ngoan và đích thực nhất của bây giờ và hôm nay, đó chính là “sắp sẵn với ngọn nến trên tay” để đi vào Bàn Tiệc Đức Ki-Tô đang mở cửa đón mời: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6, 54).
Giuse Trương Đình Hiền
Để lại một phản hồi