Đức Thánh cha tiếp kiến mười Đại sứ mới cạnh Tòa Thánh

Sáng 4/12/2020 vừa qua, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến các vị đại sứ mới của mười nước cạnh Tòa Thánh, đó là Vương quốc Giordani, Kazakistan, Zambia, Mauritania, Uzbekistan, Madagascar, Estonia, Ruanda, Đan Mạch và Ấn Độ. Các vị đại sứ này không thường trú ở Roma nên Đức Thánh cha tiếp kiến chung.

Trong diễn văn chào mừng các tân đại sứ, Đức Thánh cha nhấn mạnh sự cộng tác và đối thoại quốc tế, để đương đầu với những thách đố lớn hiện nay của nhân loại. Ngài nói:

“Quí vị bắt đầu sứ vụ trong một thời kỳ có thách đố lớn cho toàn thể gia đình nhân loại. Cả trước khi có đại dịch Covid-19, người ta cũng thấy rõ năm 2020 sẽ là một năm có nhiều nhu cầu cấp thiết về nhân đạo, do các cuộc xung đột, bạo lực và khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang tạo nên nạn đói và những làn sóng di cư ồ ạt, trong khi sự thay đổi khí hậu gia tăng nguy cơ thiên tai, đói kém và hạn hán. Và nay, đại dịch đang làm cho sự chênh lệch vốn có trong các xã hội chúng ta trở nên trầm trọng hơn. Thực vậy, những người nghèo và dễ bị tổn thương nhất trong các anh chị em chúng ta có nguy cơ bị lơ là, bị gạt ra ngoài và lãng quên. Cuộc khủng hoảng làm cho chúng ta hiểu rằng “chúng ta ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời chúng ta đều quan trọng và cần thiết, tất cả đều được mời gọi cùng chèo, tất cả đều cần được an ủi”.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “ngày nay hơn bao giờ hết, thế giới chúng ta ngày càng được hoàn cầu hóa, rất cần một cuộc đối thoại và cộng tác chân thành và tôn trọng, có khả năng liên kết với nhau để đương đầu với những thách đố trầm trọng đang đổ xuống trên trái đất chúng ta và đe dọa tương lai của các thế hệ trẻ. Trong thông điệp mới đây, Fratelli tutti, tôi đã bày tỏ mong ước rằng ‘trong thời đại chúng ta đang được sống, khi nhìn nhận phẩm giá của mỗi người, chúng ta có thể làm nảy sinh nơi mọi người một khát vọng về tình huynh đệ trên thế giới” (n.8)

Đức Thánh cha cũng nhắc lại rằng: “Sự hiện diện của Tòa Thánh trong cộng đồng quốc tế phục vụ công ích của thế giới, bằng cách lưu ý về những khía cạnh nhân học, luân lý đạo đức và tôn giáo của các vấn đề khác nhau, liên hệ tới đời sống con người, các dân tộc và toàn thể các dân nước”.

(Rei 4/12/2020)

Trần Đức Anh, O.P.

(vietnamese.rvasia.org 05.12.2020)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*