Đức Phanxicô bước sang tuổi 84. Sau gần tám năm làm giám mục Rôma, giáo hoàng Dòng Tên vẫn còn là một bí ẩn

Có thể Đức Phanxicô sẽ không mừng sinh nhật 84 của mình vào ngày thứ năm 17 tháng 12 sắp tới. Đơn giản chỉ vì ngài không quan tâm nhiều đến việc kỷ niệm bất kỳ ngày đánh dấu nào hoặc vinh dự cá nhân nào.

Không có gì hại ở đây. Thật ra đây là điều khá đáng ngưỡng mộ. Và hiếm ở thời buổi này.

Nhưng chắc chắn ngài phải ngừng lại và suy nghĩ mỗi lần tờ lịch bóc đến ngày 17 tháng 12 để tổng kết năm vừa qua, dự trù cho năm phía trước.

Ngài gần như là kiểu người có lẽ dùng ngày sinh hàng năm của mình để kỷ niệm và nhớ lại những người quan trọng trong đời mình, chủ yếu là các bậc sinh thành đã đưa ngài vào thế giới này – cha mẹ của ngài.

Và cũng có thể ngài nhớ lại các món quà và bài học ngài nhận được trong những năm đầu đời ở Buenos Aires từ ông bà nội, đặc biệt từ bà nội mà ngài thường nhắc đến một cách trìu mến.

Chắc chắn, ngài cảm tạ ông bà cha mẹ, cầu nguyện cho họ và còn xin họ chuyển cầu. Vì dù sao ngài là người công giáo và tin vào sự hiệp thông các thánh.

Khi mừng sinh nhật của mình, có lẽ Đức Phanxicô nghĩ đến những người đã hun đúc ngài ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời, là con người, ngài dần dần lớn lên. Những người trong nhiều cuộc phỏng vấn và nói chuyện ngài đã công khai nhắc đến.

Đức Phanxicô là người hơi bí ẩn

Tôi vẫn thường tiếp tục nói, “có vẻ như”, “có thể”, “có vẻ như vậy”, v.v. vì tôi không hiểu thực sự ngài làm gì hoặc nghĩ về điều đó. Và không chỉ vào ngày sinh nhật của ngài mà còn nhiều thứ.

Ồ, ngài đã viết và nói rất nhiều. Rất nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là luôn muốn tiết lộ những gì ngài đang thực sự suy nghĩ.

Và, đôi khi, ngài nói những chuyện khó hòa hợp với những chuyện ngài đã nói hoặc làm vào những lúc khác.

Nói tóm lại, Jorge Mario Bergoglio / Giáo hoàng Phanxicô thì hơi bí ẩn.

Ngài chống lại chủ nghĩa giáo quyền, nhưng ngài cũng là một giáo sĩ như bất kỳ ai.

Ngài có những lời cao cả trong việc đề cao vai trò phụ nữ trong Giáo hội và xã hội, nhưng ngài cũng có xu hướng đánh đổi một cách hơi quá dễ dàng các khuôn mẫu trọng nam khinh nữ.

Ngài lấy lòng thương xót làm trọng tâm trong lời rao giảng và phương châm triều giáo hoàng của mình, nhưng đôi khi ngài cho thấy, ngài có thể trừng phạt và không tha thứ.

Tạ ơn Chúa vì tất cả những điều này.

Giáo hoàng chúng ta chỉ là một con người. Và Ngài cũng không hoàn hảo.

Tuy nhiên, người công giáo chúng tôi, những người mà tinh thần “thờ giáo hoàng” đã là một gen đột biến trong DNA tôn giáo của chúng tôi, đôi khi chúng tôi thấy điều này khó lòng chấp nhận được.

Các giáo hoàng trước đây – những người cao cả hơn bình thường, là những giáo sư xuất sắc hoặc có những tư tưởng thanh cao, họ có các nhóm đệ tử sùng bái, tin rằng họ không thể làm gì sai.

Thật không may, Đức Phanxicô cũng có nhóm của riêng mình.

Những người thuộc nhóm này chân thành tin tưởng rằng họ đang giúp ngài, đặc biệt khi ngài càng bị một số người công giáo “kẻ thù” tấn công. Nhưng họ thường không thấy ngài có khả năng mắc lỗi hoặc sai lầm.

“Tôi là kẻ có tội”, ngài trả lời khi được hỏi, “Jorge Mario Bergoglio là ai?”

Từ tội nhân đến Giáo hoàng

Tuy nhiên, giống như tất cả các giáo hoàng của ít nhất vài trăm năm qua – giáo hoàng được gọi là Đức Thánh Cha.

Những “chức danh” hoặc hình thức xưng hô sùng bái này thường bị phóng đại quá mức bởi những người bị cuốn theo chủ nghĩa giáo sĩ – và kéo theo đó là sự nịnh bợ theo thứ bậc, một điều mà Đức Phanxicô ghê tởm. Họ gọi Ngài là Đức Thánh Cha, là Cha Diễm phúc.

Đức Phanxicô thường nói về lúc ngài còn là “giám mục ở một giáo phận khác” và kể lại các đối thoại thực tế hoặc giả định, trong đó người ngài đang nói chuyện chỉ đơn giản gọi ngài là “Cha.”

Ngài còn cấm dùng những hình thức xưng hô cao cả và sùng bái. Và đó là tất cả những gì họ đang làm. Đức Thánh Cha không phải là tước vị thích hợp. “Giáo hoàng” cũng vậy.

Tiếp đó là các chức danh của các phân cấp khác. Trong công nghị mới nhất, Đức Phanxicô đã chế giễu các hồng y thích được gọi mình là “Đức ngài” (Eminence). Nhưng ngài không cấm dùng “danh hiệu” này.

Các dạng xưng hô trong hàng giáo sĩ

Các giám mục vẫn được gọi là “Ngài giám mục, Votre Excellence” và có lẽ trong một vài góc ẩm mốc của Giáo hội, giáo dân còn gọi giám mục là “Chúa của tôi, Mon Seigneur”. Và “Ân sủng, Votre Grâce” nếu đó là tổng giám mục.

Đương nhiên Đức Phanxicô không chấp nhận các hình thức xưng hô thời Trung cổ này. Nhưng cũng khá rõ ràng vì sao ngài lại không làm điều gì để loại bỏ chúng.

Ngài gần như đã gây ra một cuộc phản kháng vào đầu triều giáo hoàng của mình khi ngài muốn ngưng việc đặt danh cho các linh mục danh dự và phong cho họ danh hiệu “Đức ông.”

Cuối cùng, Đức Phanxicô chỉ ngăn bất cứ ai dưới 65 tuổi được phong làm giám mục danh dự, trừ một ngoại lệ – những người trong ngoại giao của Vatican. Chuyện này có lẽ các bạn hiểu nguyên do.

Với lời xin lỗi gởi đến tất cả bạn đức ông của tôi, chức danh không cần văn phòng này là hình ảnh thu nhỏ của một chủ nghĩa giáo sĩ phân cấp tinh vi. Nó liên hệ đến triều giáo hoàng xưa cổ và chế độ giáo hoàng quân chủ mà theo Đức Phanxicô các dấu vết còn lại phải được xóa sạch.

Chẳng biết việc giữ những danh hiệu cao quý này có thể làm được gì ngoại trừ việc duy trì não trạng theo chủ nghĩa giáo sĩ và phân cấp mà Chúa Giêsu – dù không sử dụng những thuật ngữ đó – luôn lên án.

Ngài nói với các môn đệ đừng gọi ai là “Cha”. Và Chúa, Ngài cũng có một cái gì hơi bí ẩn.

Và Đức Phanxicô có lẽ sẽ không phiền gì nếu chúng ta nói: “Mừng sinh nhật cha Phanxicô!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

(phanxico.vn 14.12.2020/ international.la-croix.com, Robert Mickens, 2020-12-12)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*