Aug. Trần Cao Khải
WHĐ (23.12.2020) – Lễ Thánh Gia Thất là một dịp rất thuận tiện để chúng ta cùng suy tư về đời sống đạo của gia đình Ki-tô hữu. Na-da-rét đã trở thành một địa danh quen thuộc, linh thiêng vì từ nơi ấy, Ki-tô hữu chúng ta có thể chiêm ngưỡng một gia đình gương mẫu nhất, hoàn hảo nhất, hạnh phúc nhất và thánh thiện nhất. Đó là gia đình thánh gồm: thánh cả Giu-se, Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su.
Tin Mừng thánh Luca đã ghi lại về việc Đức Giê-su sống ẩn dật với gia đình tại Na-da-rét như sau:
“Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. “ (Lc 2, 39-40)
“Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2, 51-52)
I.- Ở NA-DA-RÉT CÓ MỘT GIA ĐÌNH NHƯ THẾ!
Qua mầu nhiệm và biến cố nhập thể, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người và ở cùng nhân loại chúng ta, “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.’” (Mt 1, 23). Con trẻ được mệnh danh là Đấng Em-ma-nu-en sinh ra trong một GIA ĐÌNH có cha nuôi là ông Giu-se và mẹ là bà Ma-ri-a. Con trẻ được cha mẹ đặt tên là Giê-su nghĩa là Đấng Cứu Thế (x. Mt 1, 21). Theo thánh ý của Thiên Chúa, con trẻ Giê-su sẽ ở với cha mẹ trong suốt cuộc đời tại thế của mình, sẽ tuân thủ các điều luật tôn giáo cũng như xã hội, như bao người thuộc gia đình Do Thái khác.
Trong những năm sống với cha mẹ mình ở Na-da-rét, con trẻ Giê-su chắc chắn đã được hít thở cái không khí thánh thiêng của một gia đình Do Thái đạo đức và gương mẫu. Nhờ vậy mà ngài đã phát triển về mọi mặt, thể lý, nhân bản, đạo đức, siêu nhiên và tràn đầy ân sủng trước mặt Thiên Chúa. “Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.” (Lc 2, 51)
Thực vậy, “Con Thiên Chúa làm người và thuộc về một gia đình, một mái ấm có cha có mẹ. Con Thiên Chúa đã lớn lên trong bầu khí gia đình. Mái nhà là trường học đầu tiên. Cha mẹ là thầy cô căn bản. Đức Giêsu lớn dần về mọi mặt trong Thánh Gia đạo hạnh. Ba mươi năm sống dưới mái nhà Nazareth, Đức Giêsu đã thành một người chín chắn và trưởng thành, sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó.
“Đức Giêsu đã học nơi thánh Giuse tinh thần lao động miệt mài, tâm tình tín thác và luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa, lòng nhiệt thành chu toàn trách nhiệm đối với gia đình. Đức Giêsu học nơi Đức Mẹ nét đẹp hiền lành đơn sơ tế nhị, tận tụy phục vụ, tin tưởng phó thác, cầu nguyện thâm trầm.Nếp sống đạo đức của cha mẹ đã ảnh hưởng sâu xa đến cuộc đời Đức Giêsu. Người thừa hưởng nơi cha mẹ lòng yêu mến lề luật, gắn bó với Đền Thờ, thói quen siêng năng nghe và đọc Lời Chúa. Người học nơi cha mẹ tâm tình vâng phục thánh ý Chúa, thái độ hiền lành khiêm nhường, tinh thần phục vụ quên mình, chuyên chăm làm việc, ân cần âu yếm đối với con cái. Gia sản quý báu từ Thánh Gia bàng bạc trong những lời Người giảng dạy, trong đời sống của Người.”[1]
Về phần Đức Ma-ri-a, người đã đính hôn với ông Giu-se, là một người nữ được bà Ê-li-sa-bét xưng tụng là “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1, 42). Quả thực, Đức Ma-ri-a thật diễm phúc vì được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, Ma-ri-a lại tỏ ra là một phụ nữ rất mực kín đáo, thánh thiện, khiêm nhu và trong sáng.
Ma-ri-a diễm phúc không phải do công đức của bà nhưng do tình thương Thiên Chúa, vì thế bà hết mực khiêm nhu và kín đáo. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1, 48).
Cũng như Giu-se, bạn mình, Ma-ri-a hiền hậu, ít nói. Bà sống vâng phục và luôn lo chu toàn bổn phận của một người vợ hiền, đảm đang, của một người mẹ dịu hiền, đầy yêu thương. Sự kín đáo, tế nhị, thánh thiện của Ma-ri-a đã biểu lộ trong bài ca Magnificat và nhất là trong suốt cuộc đời trần gian của bà.
Có thể nói, cuộc đời của Mẹ Đấng Cứu Thế đóng khung trong hai tiếng “Xin vâng!” (Fiat!) (x. Lc 1, 38). Và ý định của Thiên Chúa đã thành sự bắt đầu từ hai tiếng “Xin vâng!” lúc xảy ra biến cố Truyền Tin, cho đến cuộc tử nạn của Đức Giê-su trên núi sọ nơi mà bà chỉ biết đứng lặng yên để chiêm nghiệm mầu nhiệm của Con và đón nhận mọi biến cố sầu khổ trong vâng phục ý định của Thiên Chúa (x. Ga 19, 25-27).
Trong khi đó, ông Giu-se, một bác thợ mộc và là cha nuôi của Đức Giê-su luôn được coi là một con người hiền lành, ít nói. Thánh Kinh dường như không ghi lại lời nào của ông. Thay vào đó, con người ấy lại là biểu tượng của lòng trung tín, tinh thần trách nhiệm và sự cần cù lao động.
Giu-se trung tín vì ông vâng phục và thi hành trọn vẹn ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, kể cả những lúc khó khăn và trải qua những biến cố khó hiểu nhất.
Giu-se chứng tỏ tinh thần trách nhiệm cao vì ông luôn quan tâm hoàn thành tốt đẹp bổn phận của một người chồng, người cha trong gia đình. Giu-se ít nói và hiền lành nhưng ông sống dũng cảm và đầy nghị lực. Ông đã vượt qua chính mình để thánh ý Thiên Chúa thể hiện nơi bản thân và trong cuộc sống mình.
Giu-se cũng là một con người cần cù, say mê lao động để nuôi sống gia đình, để làm gương cho con trẻ Giê-su. Tấm ảnh đạo “Thánh Gia” trong đó Giu-se-thợ-mộc cầm cưa xẻ gỗ trong khi con trẻ Giê-su phụ việc, lăng xăng bên cạnh, và Ma-ri-a đang chăm chú khâu vá nội trợ…vẫn còn là một trong những ảnh đạo được trân trọng, ưa thích nhất bởi nét đáng yêu mộc mạc của cảnh sinh hoạt đầm ấm, thân thương nơi gia đình Na-da-rét…
Niềm kính sợ Thiên Chúa, tình yêu thương đầm ấm trong mái ấm gia đình, sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, mối quan tâm chu toàn bổn phận…đã tạo nên trong gia đình Na-da-rét một nét trổi vượt và một mẫu gương sống đạo tuyệt vời cho các gia đình Ki-tô hữu mọi thời và mọi nơi.
Thư Mục Vụ của HĐGMVN năm 2002 phần kết đã viết như sau:
“… Chúng ta hãy nhìn lên Thánh Gia Thất ở Nazareth như nguyên mẫu và tấm gương của mọi gia đình Kitô hữu. Thánh Gia Thất đã sống khiêm tốn, khó nghèo, đã bị thử thách, bị bắt bớ, bị lưu đày, nhưng các Ngài đã vượt qua nhờ lòng tín thác vào Thiên Chúa. Các Ngài vẫn luôn bảo trợ và giúp đỡ các gia đình chúng ta. Chúng ta hãy năng cầu nguyện cùng các Ngài.” (số 9)[2]
II.- GIA ĐÌNH NA-DA-RÉT: MẪU GƯƠNG SỐNG ĐẠO CỦA MỌI GIA ĐÌNH KI-TÔ HỮU
Mỗi gia đình Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi dõi theo mẫu gương sống đạo của gia đình thánh ở Na-da-rét. Mỗi gia đình chúng ta sẽ trở thành gia đình Ki-tô hữu chân chính như lòng Chúa mong ước và Hội thánh trông đợi.
LM Nguyễn Hữu Thy, trong cuốn “Những suy tư đúng đắn về hôn nhân và gia đình Công Giáo” chương nói về Gia đình Công Giáo chân chính đã chia sẻ như sau:
“Gia đình Công Giáo chân chính là một gia đình được xây dựng trên nền móng vững chắc của đức tin và tình yêu Thiên Chúa. Cuộc sống một gia đình như thế – từ vợ chồng, cha mẹ cho đến con cái – luôn biết hướng về Thiên Chúa và luôn tin tưởng phó thác tất cả vào sự quan phòng đầy yêu thương của Người.
“Mọi niềm vui cũng như mọi nỗi buồn, mọi thành công cũng như mọi thất bại trong cuộc sống hằng ngày, họ đều bình tĩnh và vui vẻ đón nhận như sự an bài của thánh ý Cha trên trời, và trong sự tín thác hoàn toàn như thế nơi Chúa, họ luôn nỗ lực phấn đấu để vượt lên trên mọi thử thách và mọi giằng co của cuộc sống, chứ không phàn nàn kêu ca hay thất vọng chán chường…”[3]
Mỗi gia đình Ki-tô hữu chúng ta luôn được mời gọi nhìn vào gia đình thánh Na-da-rét để học hỏi những tấm gương sáng tuyệt vời về đời sống đức tin, về việc thể hiện tình yêu thương trong đời sống gia đình, về tình nghĩa vợ chồng hòa thuận, lòng hiếu thảo và vâng lời của con cái đối với cha mẹ, về việc chu toàn bổn phận của các thành viên trong gia đình…
2.1. Mẫu gương đời sống đức tin vững vàng
“Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ CHÚA, ăn ở theo đường lối của Người.” (Tv 128, 1)
ĐGM GB. Bùi Tuần, trong bài viết có tựa đề “Gia đình Công Giáo theo gương Thánh Gia” đã chia sẻ như sau:
“Một trong những mong muốn hàng đầu của gia đình Công Giáo là phục vụ đức tin. Mong muốn đó rất đáng khen ngợi.
“Phục vụ đức tin là sống đức tin một cách sốt sắng, là làm chứng cho đức tin một cách cụ thể, là truyền bá đức tin một cách nhiệt thành. Tất cả đều được thực hiện theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
“Để phục vụ đức tin như thế, gia đình Công Giáo tìm kiếm một gương mẫu. Gương mẫu đáng tin cậy nhất là Thánh Gia.
“Nhìn vào Ba Đấng của Thánh Gia, chúng ta có thể nói: Một đặc điểm chung của Ba Đấng là “Xin vâng cho thánh ý Chúa được nên trọn”. Thiết tưởng đặc điểm đó cũng sẽ là cách sống phục vụ đức tin của chúng ta. Thánh ý Chúa về chúng ta là chúng ta hãy phục vụ đức tin theo gương mẫu Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse theo hướng phát triển.
“Với ý hướng đó, chúng ta phát triển khả năng dũng cảm của chúng ta bằng những việc dù rất nhỏ, để ưu tiên chọn Chúa và lo cho phần rỗi. Vì “Nếu được cả thế gian mà mất linh hồn mình, thì nào được ích gì” (Mt 16,26).
“Chúng ta phát triển khả năng yêu thương của chúng ta bằng những việc dù rất nhỏ, nhắm mục đích chu toàn bổn phận, nhất là bổn phận phục vụ và nâng đỡ nhau sống theo ý Chúa.
“Chúng ta phát triển khả năng hiểu biết của chúng ta bằng những việc dù rất nhỏ, nhất là năng đọc Kinh Thánh, học hỏi và suy gẫm Lời Chúa.
“Chúng ta phát triển khả năng tiếp cận của chúng ta với Chúa bằng những việc dù rất nhỏ, như trung thành với thánh lễ Misa và cầu nguyện tạ ơn, cầu nguyện sám hối, cầu nguyện xin ơn, cầu nguyện dâng hiến.
“Chúng ta phát triển khả năng tin cậy Chúa nơi chúng ta bằng những việc dù rất nhỏ, mang tính cách phó thác, nhất là trong những trường hợp khó khăn và bị thử thách.
“Chúng ta thành thực nhận thức rằng: Đức tin của gia đình chúng ta hiện nay đang bị đe dọa bởi nhiều bão tố, như bão tố thông tin, bão tố phong trào, bão tố dư luận vv…
“Nhìn vào Đức Giêsu Kitô, Đức Mẹ, thánh Giuse, chúng ta thấy Ba Đấng rất dễ gần gũi. Chúng ta xin ở lại bên Ba Đấng, để được đào tạo, để được đỡ nâng, để được trung thành bền vững.”[4]
Có thể nói điểm nổi bật nhất trong việc sống đạo của gia đình Na-da-rét, đó là đời sống đức tin vững vàng, đặc biệt là yêu mến Thiên Chúa và vâng phục hoàn toàn thánh ý Người. Một gia đình Ki-tô hữu chân chính không thể không quan tâm đến đời sống đức tin của mình.
Tin không phải là đi tìm một giải đáp dễ dãi cho các biến cố trong đời. Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se đã phải đối diện với những điều bất ngờ đến từ Thiên Chúa, những điều mà với trí khôn loài người không thể hiểu, không thể giải thích, không thể chấp nhận, không thể tin được. Nhưng từ trong sâu thẳm của tấm lòng khiêm tốn và ý chí vâng phục, Đức Ma-ri-a và thánh cả Giu-se đã hoàn toàn nói lời “Xin vâng”. Bởi vì, các ngài vững tin rằng, “Đối với Thiên Chúa, không gì là không thể làm được.” (Lc 1, 37)
Gia đình Thánh Gia sống đức tin qua việc chu toàn lề luật, siêng năng cầu nguyện và sống gắn bó với Thiên Chúa đồng thời các ngài nhận ra và mau mắn thi hành ý Chúa trong cuộc sống. Các gia đình Ki-tô hữu ngày nay cũng được mời gọi noi gương gia đình Thánh Gia, trở nên một gia đình thánh. Thánh trong việc sống gắn bó với Chúa qua kinh nguyện, trong việc giữ các giới răn và qua việc sống bác ái.
2.2. Mẫu gương đời sống đức ái trọn hảo
Người ta thường nói: “Không có tình thì không có gia đình”. Quả vậy, nếu đức tin là ánh sáng soi dẫn ta thực thi ý Chúa trong cuộc sống thì đức ái là sức nóng nung nấu trái tim ta bằng lửa mến để gia đình chúng ta luôn là một cộng đồng yêu thương, gắn bó và trách nhiệm đối với nhau. Về điểm này, Gia Đình thánh ở Na-da-rét là một mẫu gương tiêu biểu nhất cho chúng ta quy chiếu và noi theo.
Thực vậy, “Lễ Thánh Gia Thất dạy mọi người Công Giáo, đặc biệt là các gia đình Công Giáo hãy nhìn lên ba Đấng: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse mà noi gương, bắt chước. Gia đình Thánh Gia là một gia đình tuyệt thánh, gia đình mẫu mực, lý tưởng cho mỗi gia đình bắt chước noi theo. Bởi vì mỗi thành viên trong gia đình Thánh Gia luôn hòa thuận, luôn tôn trọng, yêu thương nhau. Do đó, mọi gia đình Công Giáo, mọi thành viên trong các gia đình Công Giáo hãy sống đùm bọc, hòa thuận, tôn trọng, bảo vệ và chia sẻ trách nhiệm với nhau.
“Cha mẹ phải có bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái đúng theo luật Chúa. Con cái phải có bổn phận, quyền lợi hiếu thảo, tôn kính cha mẹ vì cha mẹ đại diện Thiên Chúa. Mỗi thành viên, mỗi người trong gia đình phải biết sống đúng địa vị của mình. Mỗi người, mỗi thành viên trong gia đình phải biết nhìn vào bản thân của mình để thay đổi, để làm mới nội tâm, làm mới cách sống, cách đối xử để gia đình mỗi ngày mỗi sống đẹp hơn, tốt hơn theo mẫu của gia đình Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse.”[5]
Thư Mục vụ năm 2002 của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đề tài Thánh hoá Gia đình, đã đề cập đến vấn đề gia đình và đã nhấn mạnh như sau:
“…Theo ý định của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn rộng lớn hơn, tức là gia đình. Nhờ hôn nhân mà đôi bạn trở thành cha mẹ, lãnh nhận nơi Thiên Chúa quà tặng là những người con. Khi cha mẹ yêu thương con cái, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người. Khi cha mẹ chăm sóc con cái, họ làm thành một cộng đồng hiệp thông những ngôi vị. Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu nhau và nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị.
Từ ý nghĩa ấy, ngay giữa lòng cuộc sống hôn nhân và gia đình, toàn bộ những tương quan liên vị như tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em được kết dệt, và nhờ đó, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa là Hội Thánh (ĐSGĐ số 15).”[6]
* * * * * * * *
Qua những suy tư nói trên, nhân ngày lễ hôm nay, các gia đình Ki-tô hữu chúng ta quyết tâm thực hành Lời Chúa, gia tăng sống đức tin và thực hành đức ái, noi gương Gia Đình Thánh ở Na-da-rét khi xưa, nhằm các mục tiêu cụ thể sau:
– Xây dựng một gia đình thánh thiện, yêu thương, đầy lòng bao dung và tinh thần trách nhiệm;
– Xây dựng một mái ấm hạnh phúc, trong đó mọi thành viên biết hy sinh cho nhau, biết sống và lao động vì người khác;
– Xây dựng một cộng đồng nhỏ bé ngày càng bền vững, gắn bó, thủy chung, như dấu chỉ sự hiệp thông mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, giữa Thiên Chúa và con người, giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh;
– Xây dựng một môi trường thuận lợi, thích hợp nhất nhằm đào tạo những người tín hữu ưu tú cho Hội thánh và những công dân hữu ích cho xã hội./.
Để lại một phản hồi