Giuse Nguyễn
WHĐ (25.12.2020) – Lần đầu tiên, đại lễ Giáng sinh được tổ chức trên sân khấu nổi trên sông, được kết từ hàng chục chiếc thuyền nhôm mà người dân đã cùng nhau vượt qua đợt mưa lũ lịch sử ở miền Trung.
Cây Da một tháng sau đợt thiên tai lịch sử lũ chồng lũ, ruộng vườn của người dân vẫn ngập trong nước và bùn non. Hai tuần trước, Đức Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế Giuse Nguyễn Chí Linh báo tin sẽ về xứ đạo bên dòng sông Ô Giang (một nhánh của sông Ô Lâu giáp ranh giữa Huế và Quảng Trị), làm lễ Canh thức Giáng sinh.
“Đề bài” đón Giáng sinh được Đức Tổng Giám mục giao cho cha linh mục quản xứ Giuse Huỳnh Đình Hào là một sân khấu nổi trên dòng sông trước nhà thờ. Những giáo dân vùng sông nước và quen với việc di chuyển bằng thuyền đã sớm nghĩ ra cách kết những thuyền nhôm lại với nhau tạo thành chiếc phao lớn, rồi dùng gỗ mỏng thảm lên tạo mặt bằng phẳng.
Thời tiết mưa dầm dề, trời rét giá với nhiệt độ chỉ từ 13 – 14 độ C đã không thể cản bước những nỗ lực có một không gian tổ chức Giáng sinh độc đáo của giáo dân ở xứ đạo nhỏ bé này. Họ vừa lo dọn dẹp, sửa soạn lại căn nhà mình sau lũ dữ, vừa gọi nhau đến nhà thờ trang trí cho ngày đại lễ. Hang đá được bày trí ngay trên những chiếc thuyền nổi. Cây thông Noel được dựng. Đèn nháy được lắp ở nhiều nơi khiến Cây Da sáng rực một vùng Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).
Cùng nhau vượt qua bão lũ
Bài Thánh ca do các soeur Dòng Mến Thánh Giá Huế cất lên trên sân khấu giữa dòng nước lũ đã thôi thúc cho nhiều người tìm đến Đêm Diễn nguyện và Canh thức Giáng sinh do quý sơ đảm trách. Chương trình không quá tập trung vào việc tái hiện màu nhiệm Chúa Giêsu xuống thế làm người, mà giành thời gian và không gian trên sân khấu đặc biệt này cho những sự kiện thời sự.
Dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, dịch bệnh bùng phát trở lại ở Đà Nẵng. Cuộc sống người dân chưa thoát khỏi “bóng ma” Covid thì thiên tai ập đến, lũ chồng lũ khiến hơn 300 người chết và mất tích; hàng trăm nghìn ngôi nhà bị đổ sập, hư hỏng, tốc mái… Thừa Thiên Huế và Quảng Trị là hai địa phương bị thiệt hại nặng nề. Thực tại đó đã được các sour thuật lại ngắn gọn.
Trong thiên tai, dịch họa, tình người đã được thể hiện. Từ nhiều miền của tổ quốc, trong nước cũng như hải ngoại, các tấm lòng hảo tâm đã cùng nhau hướng về mảnh đất miền Trung, chia sẻ kịp thời, cứu đói cho nhiều gia đình và mảnh đời bất hạnh. Linh mục Giuse Huỳnh Đình Hào cho biết ngài đã khóc khi chứng kiến tấm chân tình mọi người dành cho người dân trong vùng.
Buổi diễn nguyện cũng tái hiện cảnh Đức Tổng Giám mục lặn lội xuống vùng lũ để trao quà của các nhà hảo tâm đến từng người, từng nhà. Khai mạc đêm Diễn nguyện, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh nói bối cảnh tại giáo xứ Cây Da tổ chức đêm Noel diễn ra rất đặc biệt. Có thể trên thế giới cũng như Việt Nam không một nơi nào mừng Giáng sinh trên sông, trên nước.
Một số giáo dân ngồi trên thuyền dự lễ
Điều chúng ta cùng hiểu ngay, đó là không phải chúng ta mừng lễ ở đây để có quang cảnh chụp hình cho đẹp. Nhưng mà để nói lên rằng chúng ta ở bên cạnh nhau trong và sau cơn lũ lụt”, Đức Tổng Giám mục nói, chia sẻ với người dân vùng lũ và cầu mong có nhiều người quảng đại sẽ tiếp tục là những ông già Noel để chia sẻ, hỗ trợ người dân.
Bình an đến từ sự sẻ chia
Thông điệp “Giáng sinh là lễ của bình an, ngày càng mang tính đại đồng và trở thành ngày lễ của toàn xã hội”, đã được Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh gửi gắm trong những buổi gặp gỡ, chúc mừng Giáng sinh với các tôn giáo bạn, chính quyền Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế cũng như các lãnh đạo Trung ương.
Trong bài Giảng lễ, Đức Tổng Giuse nói ngài cố ý chọn giáo xứ Cây Da bên dòng sông Ô Giang để cử hành lễ đêm Giáng sinh, là vùng đất khốn khó này đã trải qua những đợt thiên tai, lũ chồng lũ hơn một tháng ròng (từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11). Biết bao giờ người dân mới xây lại được căn nhà đã bị đổ sập, hay gom góp tiền để con có thể học đến đại học.
Vào dịp Noel, người Công giáo thường làm hang đá để đặt tượng Hài nhi mới sinh ra. Và để tỏ lòng quý mến, tôn thờ, người ra trang trí nhiều hoa đèn rực rỡ như mọi người đang thấy. Nhưng thực ra nguồn gốc xa xưa, hang đá là một câu chuyện bi thảm, gần đến giờ sinh không tìm được chỗ trọ, bị xua đuổi và đến giờ lâm bồn hai vợ chồng Giuse và Maria phải đến hang lừa hôi hám để hạ sinh trong đêm đông giá rét lạnh lùng.
“Đó là cuộc Giáng sinh của Thiên Chúa làm người. Không cuộc đời nào lại bi thảm như thế. Và Thiên Chúa làm người đã xuống tận cùng nơi sâu thẳm nhất để vực con người lên. Thiên Chúa khi mang kiếp làm người đã chịu tất cả những nỗi khốn cùng để kiến tạo, đem ơn bình an và để trở thành ánh sáng soi dẫn cho muôn người”, Đức Tổng Giám mục nói.
Video Bài giảng Thánh Lễ Đêm Giáng Sinh 2020 tại Giáo xứ Cây Da, Kênh YouTube: Tổng Giáo phận Huế
Ngài cho rằng, trong thời gian người dân miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, thiên tai, nhiều vị ân nhân đã tìm đến để cứu đói, cứu nạn. Vì sự viếng thăm của họ, những người dân vùng rốn lũ tìm lại được một chút hơi ấm để gượng đứng lên, tiếp tục cuộc sống.
“Mỗi người đều có thể tạo được niềm vui nếu biết hy sinh cuộc sống cho người thân, cho đồng bào và cho tất cả những ai gặp gỡ trên đường đời. Khi đó mỗi người sẽ có niềm vui, có được sự bình an và đó cũng chính là thông điệp của Thiên Chúa Giáng sinh làm người mà chúng ta kỷ niệm hôm nay”, Đức Tổng nói khi kết thúc bài giảng.
Trong đêm Giáng sinh, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi lời chúc Giáng sinh tươi vui và ban bình an cho tất cả những người tham dự, không phân biệt thành phần tôn giáo. Ngài cũng giành 600 suất quà để tặng cho người dân trong dịp này, người lương dân được ưu tiên nhận quà trước, sau đó mới đến bà con giáo dân.
Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh là người khởi xướng đêm nhạc “Gánh nhau trong đời“, diễn ra tại TP.HCM hồi cuối tháng 11, quyên góp đến nay được 19 tỷ đồng giúp đỡ cho người dân miền Trung. “Tôi sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm gần xa giúp đỡ thêm cho người dân vùng lũ”, Đức Tổng Giuse nói.
Khuôn mặt một người đến xem lễ.
Những người lương dân hôm qua đến xem lễ trên những con thuyền nhỏ. Họ neo thuyền ven bờ, mặc áo mưa cho đỡ rét, chăm chú nghe Đức Tổng Giám mục giảng suốt buổi lễ kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ. Những phần quà được nhận, họ cẩn thận bọc một lớp nylon ra bên ngoài phòng khi bị ướt, xuống thuyền chèo về nhà mình trong đêm tối. Nhiều người đến trễ, không được ghi danh nên vẫn chưa có quà.
Để lại một phản hồi