Ông già Noel là ai?

Mỗi năm Giáng Sinh về, hình ảnh Ông Già Noel xuất hiện khắp mọi nơi. Ông Già Noel thân thương gần gũi vui vẻ trao quà cho trẻ em. Ông Già Noel thăm viếng và chia sẽ cho những người kém may mắn. Ông Già Noel làm MC trong các chương trình ca nhạc mừng Giáng Sinh…

Ông Già Noel là nhân vật lịch sử hay chỉ là huyền thoại ?

Thánh Nicôla và Ông Già Noel là cùng một người. Thánh Nicôla là một Giám Mục của Giáo Phận Myra, bên Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Pháp gọi là: Le Père Noel (ông Cha, linh mục Noel), người Anh gọi trực tiếp là Santa Claus (Thánh Nicôla), Thánh Giám mục,lễ mừng ngày 6 tháng 12 hàng năm.

Người Pháp thân mật gọi Ngài là “Le Père Noel” (ông cha Noel) vì ngài liên hệ nhiều đến lễ Noel, nhất là với trẻ em, đến nỗi sau khi Ngài qua đời đã lâu rồi, mà hình ảnh Ngài còn được lưu truyền cho hậu thế. Đầu tiên ở Châu Âu, rồi tới toàn thế giới qua bóng dáng một cụ già đẹp lão, râu tóc bạc phơ, mặc áo choàng đỏ viền trắng, thắt lưng da đen, đội mũ chóp đỏ, lưng vác một giỏ lớn đây đồ chơi và bánh kẹo cho thiếu nhi.

Người ta còn thi vị hóa, đem niềm vui cho trẻ em, bằng cách “bắt ông cha Noel đêm 24 tháng 12 chui qua lò sưởi vào phòng ngủ của các em, bỏ đồ chơi, bánh kẹo vào những chiếc giày các em để bên lò sưởi, hay bỏ vào những chiếc vớ mà các em treo ở chân giường”. Thật ra là cha mẹ các em bỏ vào đó để khuyên các em phải ngoan thì “Cha Noel” mới cho quà! Một cách giáo dục hay!

Khi tới Việt Nam, dân chúng không hiểu rõ nguồn gốc, thấy hình cụ già râu tóc bạc phơ, nên gọi là Ông Già Noel.

Ông Già Noel ngày nay đã bị xã hội tục hóa quá nhiều khiến lu mờ đi ý nghĩa chính của câu truyện, đó là tấm gương quảng đại của vị Giám mục thánh thiện, Thánh Nicôla.

Cả hai giáo hội Ðông Phương và Tây Phương đều vinh danh ngài. Có thể nói, sau Ðức Mẹ, ngài là vị thánh thường được các nghệ sĩ Kitô giáo mô tả. Tuy nhiên, về phương diện lịch sử, chúng ta chỉ biết một dữ kiện, Thánh Nicôla là giám mục ở Myra vào thế kỷ thứ tư. Myra là một thành phố nằm trong Lycia, một tỉnh của Tiểu Á. Tuy nhiên, như nhiều vị thánh khác, chúng ta có thể biết được mối quan hệ giữa thánh nhân và Thiên Chúa qua sự ngưỡng mộ mà các Kitô hữu dành cho ngài. Sự ngưỡng mộ được diễn tả qua các câu truyện đầy màu sắc và thường được kể đi kể lại trong nhiều thế kỷ.

Có lẽ câu truyện nổi tiếng nhất về Thánh Nicôla là lòng bác ái của ngài đối với một gia đình nghèo khổ mà ông bố không có của cải để cho ba cô con gái làm của hồi môn. Vì không muốn trông thấy họ phải lâm vào cảnh đĩ điếm, Thánh Nicôla đã bí mật ném ba gói vàng qua cửa sổ nhà ông này vào ba trường hợp khác nhau, để giúp các cô con gái ấy đi lấy chồng. Qua các thế kỷ, huyền thoại này trở thành thói quen tặng quà nhân ngày lễ kính thánh nhân. Trong thế giới nói tiếng Anh, Thánh Nicôla trở thành Santa Claus và người Việt thường gọi là Ông Già Noel.(x.nguoitinhuu.com)

1. Cuộc đời Thánh Nicôla

Năm 1969, Giáo Hội Công Giáo đã chính thức đặt vấn đề tra cứu về thân thế của Thánh Nicôla. Ngài là một vị thánh thực sự hay chỉ là một huyền thoại?

Sử liệu còn để lại đã chứng minh rằng Ngài là một nhân vật có thật.

Thánh nhân sinh năm 280 scn, tại một ngôi làng nhỏ tên Batara thuộc vùng Tiểu Á (ngày nay thuộc lãnh thổ nước Thổ Nhỉ Kỳ). Cha mẹ đặt tên cho con trai bằng tiếng Hy Lạp là Nicôla. Lúc ấy nền văn minh và văn hóa Hy lạp còn thống trị nhiều vùng đất rộng lớn trong đó có Thổ Nhỉ Kỳ. Theo tiếng Hy Lạp, Nicôla có nghĩa là Người Anh Hùng của Dân Tộc. Cái tên định mệnh đó rất xứng đáng đối với ngài ít nhất ở lãnh vực đạo đức và tôn giáo. Ông bà thân sinh tuy không giàu có lắm nhưng luôn giúp đỡ người nghèo. Hấp thụ nền đạo đức bác ái từ cha mẹ : “Phải luôn là người lương thiện, nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến mình”, Nicôla đã trở thành một mẫu người thánh thiện ngay khi ngài còn ở độ tuổi thiếu niên. Một cơn dịch bệnh tràn qua thôn xóm. Cha mẹ qua đời, lúc này Nicôla mới 12 tuổi. Tuy vậy, cậu bé vẫn tiếp tục đem tiền bạc giúp đỡ cho những người cùng khổ. Nicôla miệt mài học tập giáo lý. Ngài có một khả năng siêu nhiên lạ lùng là có thể cảm nghiệm được nỗi khổ đau đang xảy ra ở đâu đó và lập tức đến nơi cứu giúp.

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, có lẽ thánh Nicôla là người được phong chức Giám Mục thành Mira ở độ tuổi trẻ nhất. Lúc đó ngài mới có 19 tuổi. Vì vậy, bạn bè đặt cho ngài biệt danh vui nhộn là “chú nhóc Giám Mục”. Ngài cười đón nhận và chẳng phiền lòng tí nào.

Năm 303, lúc Nicôla 23 tuổi, Vua La Mã là Dio Pletian buộc mỗi vùng thuộc đế quốc La Mã phải tôn phục ông là thượng đế. Dĩ nhiên Giám Mục Nicôla và giáo dân địa phận Mira không chịu tuân phục. Ðối với Kitô hữu, chỉ có một Thượng Ðế duy nhất, đó là Thiên Chúa. Vì vậy, thầy trò Nicôla đều được ưu ái mời vô khám nằm đếm lịch, ăn bánh mì đen và uống nước lã. Riêng Nicôla bị biệt giam trong một cái nhà tù nhỏ xíu, bị bỏ đói, khát và lạnh đến 10 năm. Vô cùng mầu nhiệm, ngài vẫn sống.

Đến năm 313, hoàng đế Constantine lên ngôi, ra sắc chỉ Milan, đại xá thiên hạ. Lao lý 10 năm đã làm cho đức tin và con người của Nicôla thêm bền vững. Ngài dốc tâm giảng đạo, phát triển Giáo hội, bố thí của cải và đem vô số người về với Chúa.

Ngày 6 tháng 12 năm 343, ĐGM Nicôla từ trần, hưởng thọ 63 tuổi. Ngài để lại cho trần thế một công nghiệp đồ sộ, một tên tuổi rực chói và những câu chuyện có thật lẫn huyền thoại mà vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.

Một thời gian ngắn sau khi ĐGM Nicôla từ trần, người dân Mira dựng lên một ngôi đền thờ tôn kính ngài, lưu giữ tất cả các vết tích và các vật dụng của ngài.

Ðến năm 800 Giáo Hội Công Giáo Đông Phương chính thức tuyên dương ngài là thánh.

2. Từ một vị Thánh trở thành Ông Già Noel.

Làm cách nào mà từ một vị Thánh đầy lòng bác ái lại trở thành Ông Già Noel, một biểu tượng mang tính tiêu dùng vào mỗi mùa Giáng Sinh?

Jeremy Seal, một nhà văn chuyên viết về các đề tài du lịch (hay một nhà văn lãng du, travel writer), đã lao vào một cuộc tìm kiếm mang tính quốc tế để trả lời cho câu hỏi trên và Ông đã cho viết lại những tìm kiếm của Ông trong cuốn sách có nhan đề: “Nicholas: Cuộc Viễn Du Mang Tín Thiên Hùng Ca từ Một Vị Thánh trở thành Ông Già Noel” (Nicholas: The Epic Journey from Saint to Santa Claus) do nhà sách Bloomsbury xuất bản.

Ông đã chia sẽ cho hãng tin Zenit về những gì mà Ông đã khám phá ra, bằng việc dõi theo sự sùng kính Ông Già Noel trên khắp địa cầu và lý do tại sao Ông nghĩ Thánh Nicôla và lòng bác ái từ nhân của vị Thánh này vẫn còn âm vang mãi cho đến ngày hôm nay, mặc cho chủ nghĩa tiêu thụ hóa của mùa Giáng Sinh.

Hỏi (H): Thưa Ông, điều gì đã khiến Ông có cảm hứng để viết ra cuốn sách này? Và Ông định tìm kiếm mãi cho đến tận đâu?

Ông Seal (T): Thưa, tôi bị lôi cuốn vào đề tài này bởi vì chính tôi cũng có hai cô con gái nhỏ, 6 và 2 tuổi khi tôi bắt đầu dự án này. Chúng nhắc nhở cho tôi biết được nhân vật Ông Già Noel có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với các trẻ em.

Tôi cũng bị lôi cuốn vào Thánh Nicholas vì lẽ câu chuyện của vị Thánh này có tính chất thiên hùng ca hay thiên sử thi. Tôi là một nhà văn chuyên viết về các đề tài du lịch và ý thức rằng mãi cho đến khi vị Thánh này chết đi thì mọi người mới biết được vị Thánh đã thực hiện một cuốn viễn du lạ kỳ bắt đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ đến tận Châu Âu, Manhattan và sau cùng là vùng Bắc Cực lạnh giá.

Tôi cũng đã đi đến tất cả những nơi có gắn liền với cuộc sống của vị Thánh Nicholas này.

Tôi bắt đầu chuyến viễn du tại Thổ Nhĩ Kỳ là nơi mà Vương Cung Thánh Đường nguyên thủy mang tên vị Thánh đứng sừng sững giữa thành phố Myra, giờ đây là thành phố Demre; rồi lần theo sự sùng kính của vị Thánh này đến vùng phía Tây của Bari, Ý Quốc; và phía Bắc đến thành Venice, Áo Quốc; rồi đến Amsterdam của Hòa Lan và rất nhiều nơi khác nữa tại Châu Âu; rồi đến thành phố Manhattan và sau cùng là đến Lapland ở phía Bắc Phần Lan và Thụy Điển cùng với hai đứa con gái của tôi vào mùa Giáng Sinh năm vừa qua.

(H): Thưa Ông, Thánh Nicholas của thành Myra là ai vậy?

(T): Thưa, chúng ta biết rất ít về vị Thánh này. Vị Thánh chính là Đức Giám Mục của Giáo Phận Myra vào thế kỷ thứ 4. Myra là một thị trấn ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nay được biết đến là thành phố Demre. Không có bằng chứng nào còn sót lại về cuộc sống thật sự của vị Thánh này ngoại trừ việc tham khảo vào bản viết tay của thế kỷ thứ 6.

Chúng ta hoàn toàn chẳng biết gì cả về Thánh Nicholas ngay cả sau khi vị Thánh này mất đi. Nhưng bởi vì vị Thánh là một người rất nổi tiếng, được biết tới sau khi vị Thánh đã chết đi, do đó, có lẽ là do một điều gì đó trong cuộc sống của Ngài mới làm cho Ngài được ca ngợi nhiều đến như vậy; chúng ta tuy không biết được gì nhiều về vị Thánh này, nhưng giác quan cho chúng ta biết được rằng: Ngài là một người rất đặc biệt.

Trông có vẽ là Ngài là một người rất tế nhị nên đã khiến cho tên tuổi của Ngài được đề cập đến trong việc cầu xin một sự trợ giúp về vật chất lẫn một sự trợ giúp mang tính thực tế nào đó. Khía cạnh này vẫn mãi âm vang qua biết bao nhiêu thế hệ bởi vì sự trợ giúp về vật chất là một điều gì đó mà tất cả chúng ta đều cần đến hay có thể liên hệ đến.

(H): Thưa Ông, đâu là những hành động khác thường, nổi bật của vị Thánh này?

(T): Thưa, có rất nhiều loại câu chuyện minh chứng cho những hành động khác thường và nổi bật của vị Thánh này, vì lẽ, Ngài là vị Thánh duy nhất sống rất thọ. Trong thời của Ngài, hầu hết những vị Thánh Kitô Giáo đều bị tử vì đạo, chỉ có Thánh Nicholas là có nhiều câu chuyện được kể về nhất vì vị Thánh sống rất lâu và đã qua đời ngay trên giường ngủ của Ngài.

Bạn có thể chọn lựa một vài mẫu chuyện về Ngài, nhưng hầu hết mọi câu chuyện đều có một điểm chung duy nhất là việc Ngài chủ động giúp đỡ tất cả mọi người. Có vô số câu chuyện về việc Ngài cứu các thủy thủ khỏi bị sóng bão đánh ngoài khơi bờ biển của thành phố Myra. Khi Ngài thuyết phục vị thuyền trưởng của một chiếc tàu vừa mới vượt qua mang các hàng hóa về lúa thóc đến thành phố Myra là nơi mà mọi người đang phải chết đói, tức thì chuyến hàng của vị thuyền trưởng đó tự nhiên được bổ sung thêm rất nhiều.

Một số binh sĩ đang chờ đợi tử hình đã nói dối là thấy được vị Thánh trong giấc mộng, tức thì Thánh Nicholas liền đến an ủi họ và giúp họ được giải thoát.

Khi ý tưởng của Thánh Nicholas đến được Nga Sô vào thế kỷ thứ 11, thì một loạt câu chuyện mới về vị Thánh được nêu ra. Những người Nga Sô gọi Ngài là “ugodnik” tức “người giúp đỡ.” Tại Nga Sô, Ngài đã giúp đỡ dân chúng dưới nhiều hình thức khác nhau như: hổ trợ những người chăn cừu trong việc bảo vệ đàn cừu khỏi bị chó sói, bảo vệ các ngôi nhà khỏi bị cháy rụi, vân vân..

(H): Thưa Ông, đâu là những cản trở mà sự sùng kính về vị Thánh này gặp phải qua nhiều thế kỷ?

(T): Thưa, tôi nghĩ là có hai khía cạnh cụ thể.

Khía cạnh đầu tiên là từ thế kỷ thứ 8 trở đi, nơi mà Ngài đã bắt đầu, tại phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ liên tục bị đe dọa từ các thế lực Hồi Giáo đang lớn mạnh tại đó, những người vốn không mấy thích thú gì cả về vị Thánh này.

Những di tích của Thánh Nicholas đã bị đưa ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1087 và được mang đến Bari, Ý Quốc, vốn đã thiết lập nên tên tuổi của Ngài tại Âu Châu và sự sùng kính đó cứ thế mà được lan tràn ra khắp lục địa Âu Châu. Rất đáng ngạc nhiên là nó được dời ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ kịp thời vì lẽ Ngài không bị tách rời ra khỏi nhịp điệu phát triển tại một quốc gia Hồi Giáo tương lai; và tại Bari, một Vương Cung Thánh Đường đã được dựng lên bên trên những di tích của Ngài.

Khía cạnh thứ nhì chính là phong trào cải cách đã càn quét toàn bộ vùng phía Bắc Âu Châu vào các thế kỷ 16 và 17 và việc xem nhẹ / coi thường tầm quan trọng của các vị Thánh. Tôi nghĩ Ngài chính là vị Thánh duy nhất đã tạo ra được sự cảm kích, sâu đậm cho tất cả mọi người vượt qua cả phạm vi của Giáo Hội, vì lẽ Ngài đã trở thành một thành viên yêu mến nhất của tất cả mọi người và mọi nhà.

Thánh Nicholas sẽ đến cứ vào mỗi ngày thứ 6 của tháng 12 để mang các món quà xuống từ ống khói cho các trẻ em ở phía Bắc Châu Âu; và bắt đầu từ thế kỷ thứ 14 Ngài đã trở nên phổ biến và được yêu mến nhiều bởi tất cả mọi người. Chính điều này đã tạo cho việc sùng kính Ngài trở nên ngày một kiên vững và thành trì hơn, đang khi đó, thì tại tất cả những nơi khác những hình ảnh và bức tượng của các vị Thánh khác đều bị phá trụi, bị thiêu hũy, bị đốt cháy hay bị đập tan ra từng mãnh.

(H): Thưa Ông, làm thế nào mà vị Thánh này có liên quan đến hình ảnh của Ông Già Noel thời nay?

(T): Thưa, vì tình yêu thương vào Thánh Nicholas đã giữ cho việc sùng kính Ngài được tồn tại và sống động mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 18 tại thành phố Manhattan, thuộc tiểu bang New York, là nơi mà sự trở lại của Ông Già Noel đã xảy ra.

Cái tên “Santa Claus” (Ông Già Noel) là cách đọc theo giọng Mỹ của từ “Sinterklaas” của người Hà Lan. Thánh Nicholas và Ông Già Noel là cùng một người, thế nhưng rất nhiều người không hề biết được điều này. Cả hai đều là một, nhưng trông có vẽ khác nhau là vì sự tiến triển tại nhiều thời điểm khác nhau sau cái chết của vị Thánh.

Chúng ta không biết được vào thời gian nào mà ý tưởng này được lan truyền từ phía Bắc Châu Âu đến vùng Tân Amsterdam, bây giờ là thành phố Manhattan. Nhưng thật là an toàn khi nói rằng vị Thánh này đã đến cùng thời với những người di cư đầu tiên như là một trí nhớ giả tạo (fake memory) và sau đó bị im lặng tại vùng Bắc Mỹ mãi cho đến cuối thế kỷ thứ 18.

Điều đã xảy ra chính là việc cho quà, mà vào thời gian đó chỉ đơn thuần là một việc trao đổi các vật gia dụng trong nhà mang tính chất địa phương và nhất thời mà thôi, và rồi sau đó bùng nổ thành một thứ gì đó lớn hơn rất nhiều. Việc sản xuất đại trà cũng từ đó mà bắt đầu, các tiệm bán lẻ bắt đầu mở ra, các loại đồ chơi trở nên thịnh hành từ phía Bắc Châu Âu, và các cuốn sách, các dụng cụ âm nhạc và các đồ vải lanh đều có thể mua sắm được.

Tầm ảnh hưởng của việc này chính là truyền thống trao tặng quà cáp được hoán chuyển trên tất cả mọi khía cạnh nhận thức của con người. Điều này đã tạo ra một nhu cầu cho việc cần phải có một tinh thần trong việc trao tặng quà cáp. Thánh Nicholas chính là người hay trao tặng quà cáp từ thế giới cổ trong các truyền thống của người Hòa Lan và người Anh Quốc, và mọi người chẳng cần phải nghĩ ngợi quá lâu để liên tưởng ngay đến Ngài.

Mọi người ở vào cuối thế kỷ 18 đại chúng hóa ý tưởng về Ông Già Noel, nhưng vào thời đó, họ không có chủ ý là thương mại hóa. Thánh Nicholas cũng từ đó mà nổi trội lên và dần dà tên của Ngài được đổi thành Santa Claus tức Ông Già Noel.

Vào những năm của thập niên 1820, Ngài bắt đầu đạt được những sự công nhận qua các loại đồ trang trí như: nai tuyết, ngựa kéo xe trượt tuyết và các quả chuông. Chúng chỉ đơn thuần là những thứ trang điểm bề ngoài trong một thế giới mà Ngài nổi trội lên. Vào thời đó, xe ngựa trượt tuyết chính là phương tiện để bạn có thể đến được vùng Manhattan.

Bài thơ “Một Cuộc Viếng Thăm của Thánh Nicholas” (A Visit from St. Nicholas) cũng còn được biết đến như “Twas the Night Before Christmas” (Mãi Cho Đến Đêm Trước Giáng Sinh) được xuất hiện ra trước công chúng vào năm 1822 và mô tả đầy đủ các chi tiết về vị Thánh. Khi đó Ngài hút thuốc bằng tẩu, và dần dà trở thành nhân vật mà giờ đây chúng ta được biết đến.

Tất cả những yếu tố này được thành hình nên về Ngài, và càng ngày Ngài càng bị thương mại hóa, vốn là một điều thật dễ hiểu, nhưng đó lại là một sự sai lạc so với ý nghĩa nguyên thủy của việc Ngài là ai và có ý nghĩa như thế nào. Trong thời đại Trung Cổ, Ngài chính là một biểu tượng và một thần tượng về lòng bác ái. Tôi không dám chắc là liệu điều này còn đúng hay không nữa trong thời đại ngày nay, vì có vẽ con người thời nay đã hình tượng hóa Ngài trong một sự pha trộn lạ kỳ giữa lòng bác ái và sự bùng nổ của việc thương mại hóa.

(H): Thế thưa Ông, Ông có đề nghị gì cho các bậc làm cha mẹ Kitô Giáo để họ kể về Ông Già Noel cho các con cái của họ?

(T): Thưa, điều mà tôi đã cố gắng làm bằng cách lần theo dấu vết của Ông Già Noel về tận nguồn gốc nguyên thủy của vị Thánh chính là cách để nhắc nhở chính bản thân tôi rằng thật sự có một khía cạnh đạo đức luân lý thật trong việc trao tặng quà. Thánh Nicholas luôn tìm cách giúp đỡ mọi người khi họ rơi vào tình trạng túng quẫn.

Đây chính là bài học mà chúng ta có thể rút ra được từ việc trao tặng quà. Các món quà, nhằm để trao cho những người thân mà họ đã có đầy đủ hay dư thừa, không thể nào phản ánh đúng cho được những gì mà Thánh Nicholas thường hay làm. Làm cách nào mà vị Thánh này trở nên quan trọng và có ý nghĩa đối với tất cả các trẻ em, thì tôi thật sự không biết.

Tôi là một người theo đạo Anh Giáo đã từng sa ngã, nhưng điều thú vị mà tôi tìm được qua Thánh Nicholas này chính là từ các quan điểm về mặt trí thức lẫn về mặt đạo đức, luân lý học. Tôi yêu mến khía cạnh đạo đức luân lý mà vị Thánh này đại diện cho và về những hoạt động mang tính bác ái của Ngài.

Thánh Nicholas có sức lôi cuốn cho bất kỳ ai trên bất kỳ mọi khía cạnh đạo đức, và luân lý học nào, và không có một hệ thống tín ngưỡng nào có thể bất đồng về những gì mà Ngài tượng trưng cho.

Ngài nói chuyện với tất cả mọi người vì lẽ quá nhiều thần học có thể làm cho rối rắm thêm, thế nhưng chính Ngài và những câu chuyện của Ngài là rất đơn giản, mộc mạc. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao mà chúng vẫn còn âm vang mãi qua hàng trăm năm và tại sao chúng lại có tính liên kết tồn tại trong truyền thống của mọi gia đình khi chúng ta đề cập tới Ông Già Noel trong thời đại ngày nay. (nguồn: Vietcatholic 22/12/2005).

3. Vài cầu chuyện về Thánh Nicôla.

a. Thánh Nicôla làm phép lạ trên biển

Câu chuyện kể về người thủy thủ một chiếc tàu sắp bị đắm trong vùng biển Ðịa Trung Hải. Con tàu bị lạc giữa một cơn bão tố và va phải đá ngầm và bị thủng một lỗ to. Nước biển tràn vào ồ ạt. Con tàu chồng chềnh ngã nghiêng và chìm dần xuống. Một vài thủy thủ chợt nhớ lại tên thánh Nicôla hằng cứu giúp, mặc dầu lúc ấy ngài đã tạ thế. Lập tức họ cùng nhau quỳ xuống khấn nguyện tên ngài và khẩn cầu ngài cứu vớt. Ðột nhiên từ trên không, giữa những làn nước giá buốt trút ầm ầm như thác, giữa những cơn sóng gầm thét điên cuồng, thánh Nicôla trong chiếc áo giám mục màu đỏ từ từ hạ xuống giữa khoang tàu. Gió bỗng thôi gào, mưa bão ngưng tạnh. Thánh Nicôla cùng thuỷ thủ đoàn quỳ xuống tạ ơn Thiên Chúa, rồi ngài cùng họ chèo chống con tàu ra khỏi vùng đá ngầm bằng một chiếc sào dài. Khi con tàu đã đến chỗ bình yên, thì ngài vẫy tay từ biệt họ, cất mình lên không và biến mất sau những đám mây trắng. Vẫn chưa chấm hết câu chuyện, khi con tàu cập bến Myra, các thủy thủ cùng vị thuyền trưởng đi đến ngôi đền thờ thánh Nicôla để làm lễ tạ ơn, thật lạ lùng, họ thấy ngài đã hiện ra lúc nào và đang mĩm cười đứng bên đền thờ nhìn họ. Một người hỏi rằng làm thế nào mà ngài đã biết và đến cứu họ. Thánh Nicôla cho biết, ngay từ thuở nhỏ, ngài đã có năng khiếu siêu nhiên là có thể nhìn thấy những người đang lâm nạn và nghe thấy tiếng kêu khóc của họ, vì đó là ý của Chúa. Từ câu chuyện này, mãi cho đến ngày sau, người Hy Lạp thay vì đập chai sâm banh để khánh thành một chiếc tàu mới chuẩn bị hạ thủy thì họ khấn nguyện xin thánh Nicôla bảo hộ cho họ được bình yên trên các nẽo đường hàng hải.

b. Thánh Nicôla làm phép lạ cứu sống 3 trẻ em.

Có một buổi sáng trời giá lạnh, Đức cha Nicôla bước vào một quán ăn nhỏ bên đường cách đô thị chừng 15km. Chủ quán nhận ra Đức Giám mục liền chào Ngài. Đức cha hỏi: “Quán có gì ăn không?”. Chủ quán thưa: “Dạ, có thịt, trứng và bánh mì, nhưng hết mất rượu vang. Xin Đức cha vui lòng ngồi nghỉ chờ con ít phút, con vào trong làng mua rượu”.

Chủ quán đi rồi, Đức cha Nicôla xuống bếp, mở nắp khạp thịt, vỗ vào hông khạp và gọi:

– Dậy đi, các con!

Thế là có ba bé trai lùng nhùng từ đống thịt tươi mới ướp muối, liền lại, sống lại và bước ra. Ngài chỉ chỗ cho ba đứa trẻ lấy quần áo mặc vào, rồi lên nhà trên ngồi vào bàn ăn chờ. Thì ra đó là ba bé trai nhà nghèo, chiều hôm trước đi mót lúa ngoài cánh đồng, bị đói lạnh, đã vào quán xin ăn, bị chủ quán giết chết, chặt ra bỏ vào khạp ướp muối để sẽ nấu món ăn bán cho khách. Thánh nhân biết được nên đã tới cứu các cháu.

Lát sau chủ quán về tới, giật mình trông thấy ba đứa bé anh đã giết chết, ngồi cạnh Đức Giám mục. Anh sợ hãi qùy xuống trước mặt Ngài thú tội:

– Con nghèo quá nên đã làm nhiều sai trái, xin Đức Cha tha tội cho con!

Ngài giải tội cho anh, lại còn cho anh một túi tiền để làm vốn và khuyên anh từ nay không được làm điều ác. Sau đó Ngài bảo anh dọn bánh mì, chiên trứng, bốn cha con ăn xong, Ngài dẫn ba đứa bé đi theo về trả lại cho gia đình và cấp dưỡng cho chúng được ăn học.

Những truyện về Thánh Giám Mục Nicôla còn rất nhiều. Điều chủ yếu muốn nói đến qua các câu chuyện là Ngài rất gần gũi với lễ Giáng Sinh, hay giúp đỡ dân nghèo, đặc biệt là bạn của các thiếu nhi. Dù khi còn ở gia đình, khi đã đi tu, khi làm linh mục hay khi đã làm giám mục, khi còn trẻ hay khi đã râu dài tóc bạc, mỗi mùa Giáng Sinh về, Thánh Nhân đều mang trên lưng một bao lớn bánh mì bánh kẹo, đem tới từng nhà chia cho trẻ em nghèo mừng lễ Giáng Sinh.

Cuộc đời Thánh Nicôla thắp sáng lên một ngọn đuốc tình yêu trong thế gian.

Xin Chúa cho mỗi người chúng con là một “Little Santa Claus”, một ông già Noel nhỏ. Chúa sinh ra, đem mùa xuân hạnh phúc cho cả nhân loại. Cuộc đời Thánh Nicôla mang niềm vui hạnh phúc cho bao người, đặc biệt là trẻ em. Xin cho chúng con biết đem niềm vui Giáng Sinh đến cho mọi người, đặc biệt những người bên Lương hàng xóm láng giềng của chúng con. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*